Truyền máu—Các bác sĩ nói gì ngày nay?
Trong nhiều thập kỷ, Nhân Chứng Giê hô va đã bị chỉ trích vì từ chối truyền máu. Việc từ chối truyền máu dựa trên chỉ thị “kiêng huyết” trong Kinh Thánh đôi khi mâu thuẫn với ý kiến của các bác sĩ cho rằng đây là phương pháp y khoa tốt nhất cho bệnh nhân.—Công vụ 15:29.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho thấy những bằng chứng y khoa về việc dùng các phương pháp không cần truyền máu.
Tạp chí Stanford Medicine của trường Đại học Y dược Stanford, số phát hành vào mùa xuân năm 2013, có một báo cáo đặc biệt về máu và trong đó có một bài với tựa đề “Đi ngược lại số đông—Nguyên nhân đằng sau việc giảm số ca truyền máu”. Tác giả của bài viết đó là bà Sarah Williams cho biết: “Trong suốt thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tại các bệnh viện trên thế giới, máu hiến tặng được dùng một cách thường xuyên và nhiều hơn mức cần thiết để giúp bệnh nhân, cả trong phòng phẫu thuật lẫn phòng bệnh”.
Tác giả này cũng trích dẫn lời của bác sĩ y khoa Patricia Ford, là người sáng lập và giám đốc Trung tâm Y học và Phẫu thuật Không truyền máu của bệnh viện Pennsylvania. Bác sĩ Ford nói: “Một tư tưởng đã ăn sâu trong văn hóa y học là người ta sẽ chết nếu không có đủ lượng máu nhất định trong cơ thể nên máu được xem là phao cứu sinh… Điều đó đúng trong một số trường hợp cụ thể, a nhưng không đúng trong hầu hết các trường hợp khác”.
Bác sĩ Ford, người đã điều trị cho khoảng 700 Nhân Chứng Giê-hô-va mỗi năm, cũng nói: “Nhiều bác sĩ mà tôi nói chuyện… đã nhận thức sai rằng nhiều bệnh nhân không thể sống sót nếu không được truyền máu… Chính tôi cũng đã phần nào nghĩ như thế. Nhưng tôi nhanh chóng học được là chúng ta có thể chăm sóc cho những bệnh nhân này bằng cách áp dụng một số phương pháp điều trị đơn giản”.
Vào tháng 8 năm 2012, tạp chí Archives of Internal Medicine công bố kết quả của một nghiên cứu trong 28 năm về các bệnh nhân phẫu thuật tim tại một trung tâm. Những bệnh nhân là Nhân Chứng Giê-hô-va hồi phục nhanh hơn những bệnh nhân trong tình trạng tương tự mà chấp nhận truyền máu. Những bệnh nhân là Nhân Chứng ít bị biến chứng hơn trong khi nằm viện, có tỷ lệ sống sót ngay sau khi phẫu thuật và tỷ lệ sống sót 20 năm sau khi phẫu thuật cao hơn những bệnh nhân truyền máu.
Một bài viết trong tạp chí The Wall Street Journal được phát hành vào ngày 8-4-2013 cho biết: “Phẫu thuật không truyền máu, là phẫu thuật không dùng máu hiến tặng, đã được thực hiện nhiều năm qua cho các bệnh nhân từ chối tiếp máu vì niềm tin tôn giáo. Hiện nay, các bệnh viện đang áp dụng phương pháp phẫu thuật này rộng rãi hơn… Các bác sĩ có chuyên môn cao về phẫu thuật không truyền máu nói rằng ngoài việc giảm chi phí để mua, lưu trữ, xử lý, xét nghiệm và truyền máu, phương pháp này còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh và các biến chứng khi truyền máu khiến bệnh nhân nằm viện lâu hơn”.
Không ngạc nhiên gì khi ông Robert Lorenz, giám đốc y khoa quản lý ngân hàng máu tại Trung tâm y tế Cleveland, cho biết: “Ngay sau khi truyền máu cho bệnh nhân, bạn nghĩ là mình đã giúp được họ… Nhưng về lâu về dài thì kết quả là ngược lại”.
a Để biết quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va về máu, xin xem bài “Câu hỏi thường gặp—Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không truyền máu?”