Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM

Nếu con tôi bị bắt nạt thì sao?

Nếu con tôi bị bắt nạt thì sao?

 Con bạn đi học về và nói rằng con bị bắt nạt ở trường. Bạn có thể làm gì? Đòi nhà trường phạt kẻ bắt nạt? Hay dạy con đánh lại kẻ đó? Trước khi quyết định làm gì, hãy xem xét một số điều liên quan đến việc bắt nạt.

 Tôi nên biết gì về việc bắt nạt?

 Bắt nạt là gì? Bắt nạt là việc gây tổn thương về mặt thể xác và tinh thần một cách có chủ đíchkéo dài. Vì thế, không phải mọi hành động thù ghét hay sỉ nhục đều là bắt nạt.

 Tại sao quan trọng? Một số người dùng từ “bắt nạt” để nói đến bất cứ hành vi nào gây bực tức, dù nhỏ đến đâu. Nhưng khi làm chuyện bé xé ra to thì vô tình bạn dạy con rằng chúng không có khả năng tự giải quyết mâu thuẫn, một kỹ năng mà con cần ngay bây giờ cũng như khi trưởng thành.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Chớ vội buồn giận”.​—Truyền đạo 7:9.

 Điểm chính yếu: Dù trong một số tình huống có thể bạn cần can thiệp nhưng trong nhiều tình huống khác thì bạn nên cho con cơ hội vun trồng tính kiên cường và học cách giải quyết mâu thuẫn.​—Cô-lô-se 3:13.

 Nhưng nếu con bạn nói rằng con bị gây tổn thương một cách có chủ đích và kéo dài thì sao?

 Tôi có thể giúp con thế nào?

  •   Kiên nhẫn lắng nghe con. Hãy cố gắng tìm hiểu xem (1) chuyện gì xảy ra và (2) tại sao người khác bắt nạt con. Đừng vội kết luận khi chưa có đầy đủ thông tin. Hãy tự hỏi: “Có thông tin nào khác trong chuyện này không?”. Để biết rõ sự việc, có thể bạn cần nói chuyện với giáo viên của con hoặc cha mẹ của kẻ bắt nạt.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”.​—Châm ngôn 18:13.

  •   Nếu đúng là con bạn bị bắt nạt, hãy giúp con nhận ra rằng kết quả tốt hay xấu phụ thuộc vào cách phản ứng của con. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói: “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn thịnh nộ, còn lời gay gắt khơi dậy cơn giận dữ” (Châm ngôn 15:1). Thật vậy, trả đũa chỉ phản tác dụng, khiến sự bắt nạt càng gia tăng thay vì giảm bớt.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy lời nhục mạ đáp trả lời nhục mạ”.​—1 Phi-e-rơ 3:9.

  •   Giải thích cho con biết rằng việc không trả đũa không có nghĩa là yếu đuối. Ngược lại, khi con không trả đũa thì sẽ càng mạnh hơn vì không bị người khác điều khiển. Theo một nghĩa nào đó, con đánh bại kẻ bắt nạt mà không dùng nắm đấm.

     Con cần đặc biệt nhớ điều này khi bị bắt nạt qua mạng. Tham gia vào “cuộc chiến nảy lửa”, tức cãi nhau qua mạng, chỉ khiến cho việc bắt nạt tiếp diễn, và có thể khiến con trở thành người bị cáo buộc là kẻ bắt nạt! Vì thế, đôi khi cách đáp trả tốt nhất là không đáp trả, một chiến thuật mà rất có thể sẽ vô hiệu hóa việc bắt nạt và giúp con làm chủ tình thế.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Không có củi, lửa tàn lụi”.​—Châm ngôn 26:20.

  •   Trong một số trường hợp, con bạn nên tránh những người có thể sẽ bắt nạt mình hoặc nơi mà mình có nguy cơ bị bắt nạt. Chẳng hạn, nếu con biết nơi mà người hoặc nhóm người bắt nạt thường lui tới, con có thể tránh rắc rối bằng cách đi đường khác.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người khôn khéo thấy nguy hiểm và ẩn mình, người thiếu kinh nghiệm cứ tiến đến và lãnh vạ”.​—Châm ngôn 22:3.

Có thể bạn cần nói chuyện với giáo viên của con hoặc cha mẹ của kẻ bắt nạt

 HÃY THỬ ĐIỀU NÀY: Giúp con nghĩ đến mặt lợi và mặt hại của mỗi cách xử lý tình huống. Chẳng hạn:

  •  Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con chỉ cần lờ đi kẻ bắt nạt?

  •  Nếu con tự tin nói với kẻ bắt nạt là đừng làm thế nữa thì sao?

  •  Nói sao nếu con cho thầy cô biết việc mình bị bắt nạt?

  •  Con có thể tỏ ra thân thiện và khôi hài để vô hiệu hóa việc bắt nạt không?

 Mỗi tình huống mỗi khác, dù bị bắt nạt trực diện hay trực tuyến. Vì thế, hãy cùng con tìm ra giải pháp thực tế. Hãy trấn an con rằng bạn luôn ở bên hỗ trợ khi con đối mặt với thử thách này.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.​—Châm ngôn 17:17.