Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Dạy con tính kiên trì

Dạy con tính kiên trì

 Cậu con trai của bạn hét lên: “Con không làm được! Khó quá! Con sẽ chẳng bao giờ làm được đâu!”. Cậu bé sắp bỏ cuộc trước một việc khó. Dù không muốn thấy con cứ phải loay hoay làm một điều khó, nhưng bạn muốn con học cách giải quyết vấn đề. Vậy khi con bạn ở trong trường hợp đó thì sao? Bạn có nên vội vã đến giúp con? Bạn có nên để con bỏ cuộc? Hay bạn có thể dạy con tính kiên trì?

Điều bạn cần biết

 Tính kiên trì rất cần thiết. Khi cha mẹ dạy con vun trồng những kỹ năng bằng cách khuyến khích con chăm chỉ làm việc, rất có thể con sẽ học tốt ở trường, có sức khỏe tốt về thể chất lẫn tinh thần cũng như có những tình bạn thân thiết và lành mạnh. Mặt khác, khi cha mẹ bao bọc, không để con trải qua khó khăn và thất bại, rất có thể con sẽ dễ chán nản, cảm thấy kém cỏi và không thỏa mãn với đời sống khi trưởng thành.

 Tính kiên trì có thể được củng cố. Ngay cả những em bé còn rất nhỏ cũng có thể củng cố lòng quyết tâm để vượt qua khó khăn và giải quyết vấn đề. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thấy rằng trẻ 15 tháng tuổi sẽ nỗ lực nhiều hơn khi làm một việc khó nếu chúng thấy người lớn bỏ ra nhiều công sức để làm một việc, thay vì làm một cách suôn sẻ.

 “Tôi vẫn nhớ lúc mình dạy hai con gái cách buộc dây giày. Đó không phải kỹ năng học trong một sớm một chiều. Mỗi lần buộc dây giày, hai con sẽ ngồi mất 10 đến 15 phút để cố nhớ lại cách buộc dây. Rồi tôi ra giúp các con. Hai con của tôi phải mất vài tháng với bao lần rơi nước mắt, nhưng cuối cùng cũng học được kỹ năng đó. Tôi nghĩ sẽ dễ hơn nhiều cho mình nếu mua cho các con giày lười, không cần buộc dây. Nhưng đôi lúc, ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần kiên trì để dạy con cái tính kiên trì”.—Chị Colleen.

 Tính kiên trì có thể bị suy giảm. Có lẽ một số bậc cha mẹ vô tình khiến con cái mất dần tính kiên trì. Như thế nào? Chẳng hạn, để giúp con cảm thấy tự tin về bản thân, một số cha mẹ vội vàng “giải cứu” để con không bị căng thẳng hoặc gặp bất cứ thất bại nào. Nhưng làm điều này không phải lúc nào cũng tốt. Tác giả Jessica Lahey chia sẻ: “Mỗi lần giải cứu… con khỏi một khó khăn, như thể chúng ta cho con thấy là con kém cỏi, không đủ khả năng và không đáng tin cậy”. a Hậu quả là khi đối mặt với khó khăn trong tương lai thì con cái có thể nhanh chóng bỏ cuộc, tin rằng cần có người lớn để “cứu” mình.

Thay vì “giải cứu” con khỏi một việc khó, bạn có thể dạy con kiên trì

Điều bạn có thể làm

 Khuyến khích con chăm chỉ. Cha mẹ có thể dạy con tính kiên trì bằng cách giao việc nhà phù hợp với độ tuổi của con. Chẳng hạn, trẻ mẫu giáo có thể giúp phân loại đồ giặt và cất đồ chơi. Trẻ nhỏ có thể giúp cất đồ đi chợ về, sắp xếp và dọn bàn ăn, đổ rác và lau những vết dơ. Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên thì có thể làm những việc khó hơn liên quan đến lau dọn, bảo trì và sửa chữa. Có lẽ không phải lúc nào các em nhỏ cũng muốn làm việc nhà, nhưng các em sẽ nhận lợi ích khi được cha mẹ giao việc nhà từ khi còn nhỏ. Con cái sẽ nhận lợi ích ra sao? Con cái sẽ học được cách làm việc chăm chỉ. Nhờ thế, ngay cả khi trưởng thành, chúng sẽ không bỏ ngang những việc cần thiết dù khó làm.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Mọi loại việc khó nhọc đều đem lợi ích”.​—Châm ngôn 14:23.

 “Đừng mất công giao cho con những việc chỉ để con bận rộn. Không ai thích thế, ngay cả trẻ con. Hãy giao cho con những việc ý nghĩa. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy để con lau bụi những đồ nội thất mà con có thể với tới. Nếu bạn đang rửa ô tô, hãy để con rửa những chỗ thấp hơn mà bạn khó xử lý. Rồi sau đó, hãy nhanh chóng khen con”.—Anh Chris.

 Hướng dẫn con trong những việc khó. Đôi lúc con cái sẽ dễ bỏ cuộc vì không biết cách hoàn tất công việc. Thế nên, khi dạy con một kỹ năng mới, bạn có thể thử phương pháp sau. Đầu tiên, làm mẫu cho con xem. Sau đó, cùng làm với con. Kế tiếp, quan sát khi con làm và cho con những gợi ý hữu ích. Cuối cùng, để con tự mình hoàn tất.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em”.​—Giăng 13:15.

 “Theo kinh nghiệm của tôi, các bậc cha mẹ cần nêu gương tốt nếu muốn con cái vun trồng tính kiên trì. Chúng ta phải thể hiện phẩm chất mà mình muốn con cái vun trồng”.—Anh Doug.

 Giúp con hiểu là ai cũng có lúc phải loay hoay hay thất bại. Kể với con những lúc bạn thấy khó làm điều nào đó nhưng rồi bạn nhận được lợi ích khi không bỏ cuộc. Giải thích với con là khi làm một điều mới, việc thấy khó là bình thường và khi mắc lỗi thì con có thể học cách để làm tốt hơn. Hãy trấn an con là bạn vẫn yêu thương con dù con có làm được việc đó hay không. Như cơ bắp phát triển khi được sử dụng, tính kiên trì của con cũng củng cố khi bạn để cho con đối mặt với khó khăn. Thế nên, thay vì can thiệp ngay lập tức khi con cảm thấy căng thẳng, hãy cho con thời gian để cố gắng giải quyết. Một sách về nuôi dạy con cái (How Children Succeed) cho biết: “Cách tốt nhất để người trẻ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành là để họ thử thực hiện một điều mà có khả năng thất bại cao”.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Trong khi còn trẻ hãy cố gắng làm việc”.—Ai ca 3:27, Bản Phổ thông.

 “Khi bạn để con làm một việc khó và cho con biết là có cha mẹ sẵn sàng hỗ trợ thì con sẽ nhận được lợi ích. Với thời gian, con sẽ không còn loay hoay mà sẽ có được kỹ năng và tin chắc tính kiên trì đem lại lợi ích”.—Anh Jordan.

 Khen nỗ lực thay vì trí lực. Chẳng hạn, thay vì nói: “Con làm bài thi tốt lắm! Con thông minh quá”, bạn có thể nói: “Con làm bài thi tốt lắm! Ba mẹ thấy con rất chăm chỉ ôn bài”. Tại sao việc khen nỗ lực thay vì trí lực là điều quan trọng? Giáo sư về tâm lý học Carol Dweck nói: “[Việc khen trí lực của con] có thể khiến con nghi ngờ bản thân ngay khi gặp khó khăn hoặc không thể làm được việc nào đó”. Bà nói tiếp: “Nếu muốn tặng con một món quà thì điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là dạy con không ngại thử thách, học từ lỗi lầm, có được niềm vui trong công việc, tìm những cách thức mới và không ngừng học hỏi. Qua đó, con cái sẽ không trở thành nô lệ của lời khen”. b

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Lời khen để thử lòng người được khen”.—Châm ngôn 27:21.

a Từ sách The Gift of Failure.

b Từ sách Mindset.