Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM

Làm sao để giúp con đương đầu với thất bại?

Làm sao để giúp con đương đầu với thất bại?

 Không sớm thì muộn, con bạn sẽ đối mặt với thất bại hoặc trở ngại nào đó. Làm sao để giúp con đương đầu?

 Điều bạn nên biết

 Ai cũng có lúc thất bại. Kinh Thánh cho biết rằng “hết thảy chúng ta đều vấp ngã” (Gia-cơ 3:2). Con trẻ cũng có lúc vấp ngã. Tuy nhiên, thất bại cũng có mặt tích cực, vì tạo cơ hội cho trẻ vun trồng tính kiên cường. Trẻ em không nhất thiết có tính này từ khi sinh ra nhưng có thể vun trồng được. Một người mẹ tên Laura nói: “Vợ chồng tôi thấy tốt hơn là để con tập đương đầu với thất bại thay vì làm ra vẻ không có gì xảy ra. Con sẽ học được tính kiên trì khi điều gì đó không xảy ra theo ý muốn”.

 Nhiều con trẻ không biết cách đương đầu với thất bại. Một số con trẻ không tập đương đầu với thất bại vì cha mẹ bao che, không để chúng chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Chẳng hạn, khi con bị điểm kém, cha mẹ liền đổ lỗi cho giáo viên. Nếu con xích mích với bạn bè, cha mẹ liền đổ lỗi cho bạn của con.

 Nhưng làm thế nào con trẻ có thể tập chịu trách nhiệm về lỗi lầm nếu cha mẹ cứ bao che cho chúng?

 Điều bạn có thể làm

  •   Dạy con biết chịu trách nhiệm.

     Kinh Thánh nói: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.​—Ga-la-ti 6:7.

     Mỗi hành động đều có kết quả hay hậu quả. Nếu làm hư một vật thì phải bồi thường. Nếu phạm lỗi thì phải chịu hậu quả. Con trẻ nên biết về luật nhân quả và biết chịu trách nhiệm phần nào về điều xảy ra. Do đó, tránh đổ thừa người khác hoặc bào chữa cho con. Hãy để chúng chịu hậu quả tương ứng với lứa tuổi của chúng. Dĩ nhiên, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng chúng phải chịu hậu quả như thế vì đã làm sai.

  •   Giúp con tìm giải pháp.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người công chính có ngã bảy lần cũng đứng dậy”.​—Châm ngôn 24:16.

     Thất bại có thể gây đau đớn, nhưng đó không phải là tận thế. Hãy giúp con tập trung tìm giải pháp, chứ không than phiền điều xảy ra là bất công. Chẳng hạn, nếu con bị điểm kém trong bài kiểm tra, hãy giúp con biết làm chủ tình thế bằng cách học chăm chỉ hơn và quyết tâm làm bài tốt hơn vào lần sau (Châm ngôn 20:4). Nếu con xích mích với bạn bè, hãy giúp con tìm cách chủ động làm hòa, bất kể ai đúng ai sai.​—Rô-ma 12:18; 2 Ti-mô-thê 2:24.

  •   Dạy con biết khiêm tốn.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực”.​—Rô-ma 12:3.

     Nếu khen là con giỏi nhất về điều gì đó thì vừa không thực tế vừa không giúp ích. Suy cho cùng, ngay cả học sinh ưu tú cũng không đạt điểm tối đa trong mỗi bài thi. Những đứa trẻ chơi giỏi môn thể thao nào đó thì không phải lúc nào cũng thắng. Những đứa trẻ có cái nhìn khiêm tốn về bản thân có thể đương đầu với thất bại tốt hơn.

     Kinh Thánh nói rằng khó khăn có thể giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và rèn được tính chịu đựng (Gia-cơ 1:2-4). Vì thế, dù thất bại và trở ngại gây thất vọng nhưng bạn có thể giúp con có cái nhìn thăng bằng.

     Việc dạy con tính kiên cường, giống như dạy các kỹ năng khác, đòi hỏi thời gian và công sức. Nhưng điều đó sẽ được đền đáp khi con bước vào tuổi dậy thì và trải qua giai đoạn ấy. Một sách về nuôi dạy con cái (Letting Go With Love and Confidence) nói: “Những thanh thiếu niên có kỹ năng đương đầu tốt thì ít có nguy cơ hành động dại dột khi bị choáng ngợp. Rất có thể chúng sẽ phát triển tốt trong hoàn cảnh mới và bất ngờ”. Dĩ nhiên, lợi ích mà tính kiên cường mang lại sẽ tiếp tục giúp ích cho con khi trưởng thành.

 Mẹo: Hãy nêu gương. Nhớ rằng cách bạn đương đầu với sự thất vọng sẽ giúp con học cách đương đầu khi chúng bị thất vọng.