XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN
Làm thế nào để tránh sự ghen tuông trong hôn nhân?
Một cuộc hôn nhân không thể hạnh phúc nếu có sự nghi ngờ và không tin tưởng nhau. Vậy làm thế nào bạn có thể tránh ghen tuông quá mức?
Trong bài này
Thế nào là ghen tuông?
Cụm từ “ghen tuông” có nhiều sắc thái ý nghĩa. Trong bài này, từ này nói đến cảm xúc khi chúng ta nghĩ rằng một người nào đó đang quan tâm quá mức đến người hôn phối của mình hoặc người hôn phối của mình đang quan tâm quá mức đến một người nào khác. Có lẽ chúng ta cảm thấy hôn nhân của mình đang bị đe dọa. Nếu sự việc đúng như thế thì việc ghen tuông là bình thường và chính đáng. Suy cho cùng, hôn nhân là mối quan hệ mật thiết nhất giữa hai con người và một cặp vợ chồng nên làm mọi điều có thể để bảo vệ hôn nhân của mình.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Họ không còn là hai nữa nhưng là một mà thôi… những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—Ma-thi-ơ 19:6.
“Nếu hôn nhân của bạn đang bị đe dọa thì việc ghen tuông có thể giống như một đầu báo khói cảnh báo mối nguy hiểm và thúc đẩy bạn hành động”.—Anh Benjamin.
Tuy nhiên, việc ghen tuông quá mức thì nảy sinh từ sự nghi ngờ và nỗi lo sợ mà không có cơ sở. Tình yêu thương thật giúp chúng ta tránh việc ghen tuông như thế và gây tổn thương cho người khác (1 Cô-rinh-tô 13:4, 7). Giáo sư tâm lý Robert L. Leahy viết: “Những hành động xuất phát [từ việc ghen tuông không có cơ sở] có thể hủy hoại chính mối quan hệ mà bạn muốn bảo vệ”. a
Điều gì dẫn đến việc ghen tuông quá mức?
Bạn có thể có khuynh hướng ghen tuông quá mức nếu trong quá khứ bạn từng bị người hôn phối trước đây phản bội. Hoặc có lẽ hôn nhân của cha mẹ bạn thất bại vì không có sự chung thủy và bạn lo sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra với hôn nhân của mình.
“Khi tôi còn nhỏ, bố tôi đã phản bội mẹ, vì vậy tôi luôn thấy khó tin cậy người khác. Đó là một vết sẹo trong lòng tôi và đôi khi khiến tôi thấy khó tin tưởng chồng mình”.—Chị Melissa.
Một yếu tố khác là nếu bạn thường cảm thấy không tự tin thì có lẽ bạn sẽ dễ nghĩ rằng người khác đang cố phá hoại hôn nhân của mình. Thậm chí bạn còn có thể tự mình cho rằng nếu có cơ hội thì người hôn phối sẽ rời bỏ bạn để đến với người khác.
“Chồng tôi được mời làm phù rể tại đám cưới của bạn anh ấy, điều này có nghĩa là đôi khi anh phải bắt cặp với một phù dâu. Tôi không thoải mái với việc đó nên anh ấy phải từ chối”.—Chị Naomi.
Các phong tục đám cưới thì mỗi nơi mỗi khác, và tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần để các nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn mình. Chị Naomi có phải lẽ trong tình huống đó không? Khi nghĩ lại, chị thừa nhận rằng việc chị ghen tuông là không có cơ sở. Chị nói: “Lúc đó tôi cảm thấy không tự tin. Tôi tưởng chồng tôi so sánh mình với người phụ nữ khác, nhưng đó chỉ là suy nghĩ của tôi mà thôi”.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì việc ghen tuông quá mức có thể khiến bạn nghi ngờ và thậm chí còn vô cớ buộc tội người hôn phối là không chung thủy. Việc nghi ngờ như thế sẽ gây hại cho hôn nhân và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Lòng ghen tương làm xương mục cốt tàn”.— Châm ngôn 14:30, Bản Diễn Ý.
Làm thế nào để kiểm soát sự ghen tuông?
Xây đắp lòng tin. Thay vì tìm những dấu hiệu khiến bạn nghĩ rằng người hôn phối không chung thủy thì hãy nghĩ đến những điều người hôn phối đã làm mà khiến bạn tin cậy.
“Tôi nghĩ đến những tính tốt của chồng mình. Nếu anh ấy chú ý đến ai đó thì chỉ là vì anh ấy thật sự quan tâm chứ không phải vì anh ấy có động cơ không đúng đắn. Tôi cần tự nhắc mình rằng hôn nhân của tôi không giống hôn nhân của cha mẹ”.—Chị Melissa.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tình yêu thương… tin mọi điều”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 7.
Xem xét lại những mối nghi ngờ. Giáo sư Leahy, được nhắc đến ở trên, viết: “Chúng ta thường tin rằng khi mình nghĩ một điều gì đó thì đó là sự thật. Việc tin chắc là mình đúng trở thành bằng chứng xác thực. Nhưng việc tin rằng một điều là thật không có nghĩa điều đó đã xảy ra và việc chúng ta tin chắc như thế không phải là bằng chứng xác thực”. b
“Khi gặp một tình huống và suy diễn về điều đã xảy ra, chúng ta có thể tạo ra vấn đề không đáng có trong hôn nhân của mình”.—Chị Nadine.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”.—Phi-líp 4:5.
Thảo luận những điều khiến bạn lo lắng. Dù nguyên nhân khiến bạn ghen là gì đi nữa, hãy nói chuyện với người hôn phối về những điều khiến bạn lo lắng để hai bạn có thể thống nhất với nhau về những giới hạn thích hợp trong cách cư xử với người khác phái.
“Khi trò chuyện với nhau, hãy nghĩ rằng người hôn phối không muốn làm tổn thương bạn và anh ấy hoặc cô ấy cũng muốn cố gắng giải quyết vấn đề. Hãy nghĩ rằng người hôn phối có động cơ tốt. Có lẽ bạn đang quá nhạy cảm và đòi hỏi quá mức. Hoặc có lẽ người hôn phối của bạn không nhận ra rằng anh ấy hoặc cô ấy không dành cho bạn sự quan tâm mà bạn cần”.—Chị Ciara.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.