Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Trò chuyện với con về kỳ thị chủng tộc

Trò chuyện với con về kỳ thị chủng tộc

 Dù ở độ tuổi rất nhỏ, có lẽ con bạn thấy người ta phân biệt đối xử với nhau vì khác màu da hay chủng tộc. Làm thế nào bạn có thể giúp con tránh bị tiêm nhiễm thái độ kỳ thị chủng tộc? Bạn sẽ làm gì nếu con mình bị kỳ thị chủng tộc?

Trong bài này

 Cách trò chuyện với con về chủng tộc

 Bạn có thể giải thích thế nào? Con người trên đất có ngoại hình và phong tục văn hóa rất đa dạng. Sự đa dạng đó khiến một số người đối xử tệ với người khác chỉ vì ngoại diện hoặc hành động của họ.

 Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy rằng cả nhân loại đều có chung tổ tiên. Nói cách khác, các chủng tộc loài người đều là anh em.

“Từ một người, [Đức Chúa Trời] làm nên muôn dân”.​—Công vụ 17:26.

 “Chúng tôi thấy khi các con kết hợp với những người khác chủng tộc, chúng hiểu rằng mỗi người đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng”.—Chị Karen.

 Cách giải thích với con về kỳ thị chủng tộc

 Không sớm thì muộn, con bạn sẽ nghe tin tức về những vụ thù ghét gây ra tội ác hoặc nạn phân biệt chủng tộc. Bạn có thể giải thích với con theo cách nào? Điều đó phần lớn tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn.

  •   Trẻ chưa đến tuổi đi học. Một tạp chí nói về cha mẹ (Parents) trích những lời sau của Tiến sĩ Allison Briscoe-Smith: “Trẻ nhỏ nhận thức rất rõ về sự công bằng và không công bằng. Đó là nền tảng tốt để nói với chúng về sự bất công”.

“Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận”.​—Công vụ 10:34, 35.

  •   Trẻ tiểu học. Trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi thường rất hiếu kỳ, đôi khi chúng nêu lên những câu hỏi khó. Hãy trả lời những câu hỏi của con một cách tốt nhất có thể. Hãy nói chuyện với con về điều chúng thấy tại trường và trên các phương tiện truyền thông, đồng thời xem đây là cơ hội để giải thích rằng việc kỳ thị chủng tộc là sai.

“Hãy hợp nhất trong lối suy nghĩ, biểu lộ sự đồng cảm, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn dịu dàng và tính khiêm nhường”.​—1 Phi-e-rơ 3:8.

  •   Thanh thiếu niên. Con trẻ ở độ tuổi này có thể hiểu được các vấn đề phức tạp hơn. Vì thế, đây là thời điểm lý tưởng để bạn trò chuyện với con về những tin tức liên quan đến việc kỳ thị chủng tộc.

‘Người trưởng thành vận dụng khả năng nhận thức để phân biệt điều đúng, điều sai’.​—Hê-bơ-rơ 5:14.

 “Chúng tôi nói chuyện với các con về việc kỳ thị chủng tộc vì chúng sẽ gặp phải điều đó vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Nếu các con không nghe về đề tài này từ chúng tôi thì chúng có thể bị tiêm nhiễm quan điểm kỳ thị chủng tộc của người khác. Có nhiều thông tin sai lệch được phổ biến cho chúng giống như sự thật”.—Chị Tanya.

 Cách nêu gương cho con

 Con cái thường bắt chước người khác nên việc cha mẹ chú ý đến lời nói và hành động của mình là điều quan trọng. Chẳng hạn:

  •   Bạn có nói giỡn hay nói xấu về người thuộc chủng tộc khác không? Một học viện về tâm thần người trẻ (American Academy of Child and Adolescent Psychiatry) cho biết: “Con cái nghe điều bạn nói cũng như quan sát điều bạn làm, và chúng tự nhiên bắt chước theo”.

  •   Bạn có thích kết hợp với những người thuộc quốc gia khác không? Bác sĩ nhi khoa Alanna Nzoma nói: “Nếu muốn con cái… xây dựng mối quan hệ [tốt] với những người có gốc gác khác, thì chúng cần thấy bạn làm thế”.

“Hãy tôn trọng mọi loại người”.​—1 Phi-e-rơ 2:17.

 “Trong những năm qua, gia đình chúng tôi đón tiếp khách từ nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi biết về ẩm thực, âm nhạc và ngay cả mặc trang phục truyền thống của họ. Khi trò chuyện với các con về người khác, chúng tôi không tập trung vào chủng tộc của họ. Ngoài ra, chúng tôi tránh đề cao văn hóa của mình”.—Chị Katarina.

 Nếu con bạn là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc

 Dù người ta nói nhiều về sự bình đẳng nhưng việc kỳ thị chủng tộc vẫn rất phổ biến. Điều này có nghĩa là con bạn có thể sẽ bị đối xử tệ, nhất là khi chúng bị xem là thuộc nhóm thiểu số nào đó. Nếu điều này xảy ra…

 Hãy nắm rõ thông tin. Một hành vi hay lời nói kỳ thị nào đó có phải là do cố ý hay chỉ là do nhất thời thiếu suy nghĩ? (Gia-cơ 3:2). Có cần phải chỉnh sửa người đó không hay có thể bỏ qua?

 Điều quan trọng là cần thăng bằng. Kinh Thánh đưa ra lời khuyên khôn ngoan: “Chớ vội buồn giận” (Truyền đạo 7:9). Không nên xem nhẹ việc kỳ thị chủng tộc nhưng cũng không nên cho rằng mỗi hành động thiếu tử tế đều là do kỳ thị chủng tộc.

 Dĩ nhiên, mỗi tình huống mỗi khác, nên hãy tìm hiểu để nắm rõ thông tin trước khi quyết định có cần phải làm gì đó hay không.

“Trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”.​—Châm ngôn 18:13.

 Sau khi đã nắm rõ thông tin, hãy tự hỏi:

  •   “Việc con mình nghĩ rằng mỗi hành động và lời nói thiếu tử tế đều là do kỳ thị có giúp ích cho chúng không?”.

  •   “Nếu làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: ‘Đừng để lòng mọi lời người ta nói’, thì con mình sẽ nhận được lợi ích không?”.​—Truyền đạo 7:21.

“Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của [bạn]”.​—Phi-líp 4:5.

 Nói sao nếu một hành vi hay lời nói kỳ thị nào đó là do cố ý? Hãy giúp con bạn hiểu rằng cách phản ứng của chúng có thể làm cho tình hình tốt hơn hoặc tệ hơn. Đôi khi, một người chế giễu, bắt nạt hoặc nói xấu người khác nhằm khiêu khích và muốn người kia phản ứng lại. Trong trường hợp đó, tốt nhất là không phản ứng gì cả.

“Không có củi, lửa tàn lụi”.​—Châm ngôn 26:20.

 Còn nếu bạn nghĩ sẽ vẫn an toàn cho con khi nói chuyện với người có hành vi hay lời nói thiếu tử tế thì chúng có thể làm thế. Chẳng hạn, con có thể nói một cách ôn hòa: “Mình nghĩ lời nói (hay hành động) đó của bạn không tử tế lắm”.

 Nói sao nếu bạn thấy cần phải báo cáo vấn đề? Nếu con bạn đang gặp nguy hiểm hoặc vì lý do nào đó mà bạn cảm thấy không thể bỏ qua, thì đừng ngại báo cho thầy cô hay ban giám hiệu nhà trường, hoặc ngay cả cảnh sát, nếu cần.