Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Châm ngôn 22:6—“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi”

Châm ngôn 22:6—“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi”

 “Hãy rèn luyện con trẻ trong đường nó phải đi, dù khi nó về già vẫn không lìa đường ấy”.—Châm ngôn 22:6, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ”.—Châm ngôn 22:6, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Ý nghĩa của Châm ngôn 22:6

 Những bậc cha mẹ dạy con yêu mến Đức Chúa Trời và tôn trọng luật pháp của ngài có thể mong đợi rằng sự huấn luyện này sẽ ảnh hưởng tích cực và lâu dài đến con.

 “Hãy rèn luyện con trẻ trong đường nó phải đi”. Những lời này cũng có thể được dịch là “định hướng cho con trẻ đi đúng đường”. Nhiều lần, sách Châm ngôn khuyến giục cha mẹ dạy con về điều đúng và điều sai ngay trong những năm đầu đời (Châm ngôn 19:18; 22:15; 29:15). Tuy nhiên, các bậc cha mẹ yêu thương hiểu rằng con của họ có sự tự do ý chí, giống như những người trưởng thành. Thế nên, thay vì bảo con phải làm gì, họ lý luận với con và giúp con trở thành người chín chắn cũng như có trách nhiệm để có thể tự đưa ra những quyết định khôn ngoan.—Phục truyền luật lệ 6:6, 7; Cô-lô-se 3:21.

 Một số học giả Kinh Thánh cho rằng câu này có nghĩa là “rèn luyện con trẻ theo bản chất của nó” hoặc “theo khuynh hướng tự nhiên của nó”. Cách diễn ý đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “đường nó phải đi” rất có thể nói đến một lối sống tốt và công chính. Sách Châm ngôn nhấn mạnh hai con đường mà một người có thể đi. Một con đường được gọi là “con đường người lành”, “đường lối của sự khôn ngoan” và “đường lối đúng đắn” (Châm ngôn 2:20; 4:11; 23:19). Con đường kia được gọi là “đường của kẻ dữ”, “đường kẻ dại dột” và “con đường sai lạc” (Châm ngôn 4:14; 12:15; 16:29). Vì thế, đường mà một đứa trẻ phải đi được nói đến trong câu này là “đường lối đúng đắn”, tức lối sống được dạy bởi Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh.—Thi thiên 119:105.

 “Dù khi nó về già vẫn không lìa đường ấy”. Khi cha mẹ dạy con tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì con của họ sẽ dễ ở trên con đường đúng trong suốt đời mình hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một đứa trẻ nhận được sự huấn luyện thích hợp sẽ không bao giờ “lìa” đường đúng hoặc đi chệch khỏi luật pháp của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nếu một người dành thời gian với những người cổ xúy các điều xấu thì người ấy có thể sẽ từ bỏ “các lối ngay thẳng” và làm điều sai (Châm ngôn 2:12-16; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Dù vậy, khi cha mẹ dạy con làm theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, họ đang cho con cơ hội tốt nhất để có đời sống thành công.—Châm ngôn 2:1, 11.

Văn cảnh của Châm ngôn 22:6

 Châm ngôn chương 22 gồm những câu ngắn phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời về nhiều tình huống trong đời sống. Những câu này nhấn mạnh giá trị của việc có danh tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va, a là điều mà một người có thể có qua việc thể hiện sự khiêm nhường, lòng rộng rãi và siêng năng (Châm ngôn 22:1, 4, 9, 29). Trái lại, những câu khác cho thấy những ai lờ đi tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và áp bức người nghèo thì sẽ gánh chịu hậu quả đau buồn.—Châm ngôn 22:8, 16, 22-27.

 Dù đa số những câu trong Châm ngôn chương 22 không nói đến việc huấn luyện con cái, nhưng những câu này nói đến đường lối để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời và có hạnh phúc thật (Châm ngôn 22:17-19). Qua việc huấn luyện con theo đường lối đó, các bậc cha mẹ cho thấy họ muốn điều tốt nhất cho con của mình.—Ê-phê-sô 6:1-3.

 Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Châm ngôn.

a Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.