GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH
Hê-bơ-rơ 4:12—‘Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh động’
“Vì lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực, sắc hơn bất cứ thanh gươm hai lưỡi nào, đâm sâu đến nỗi phân tách con người bề ngoài với con người bề trong, phân tách khớp với tủy, có khả năng nhận biết được tư tưởng và ý định trong lòng”.—Hê-bơ-rơ 4:12, Bản dịch Thế Giới Mới.
‘Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh động, sắc hơn bất cứ thanh gươm hai lưỡi nào, xuyên thấu đến nỗi chia con người bề ngoài với con người bề trong, cốt và tủy, cũng như xem xét tư tưởng và ý định trong lòng’.—Hê-bơ-rơ 4:12.
Ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 4:12
Thông điệp của Đức Chúa Trời gửi cho nhân loại, được ghi lại trong Kinh Thánh, có quyền lực bộc lộ suy nghĩ và động cơ thật của chúng ta. Thông điệp đó cũng có thể thay đổi người ta để trở nên tốt hơn.
“Lời Đức Chúa Trời là lời sống”. Cụm từ “lời Đức Chúa Trời” nói đến lời hứa của Đức Chúa Trời, hoặc ý định mà ngài đã phán, như được ghi lại trong Kinh Thánh. a Một khía cạnh quan trọng của ý định đó là loài người biết vâng lời sẽ sống mãi mãi trên đất trong bình an và hợp nhất thật.—Sáng thế 1:28; Thi thiên 37:29; Khải huyền 21:3, 4.
Lời Đức Chúa Trời, hay ý định mà ngài đã phán, “sống” theo nghĩa nào? Thứ nhất, Lời Đức Chúa Trời có tác động mạnh mẽ đến lòng của những người chấp nhận lời ấy, cho họ hy vọng và mục đích trong đời sống (Phục truyền luật lệ 30:14; 32:47). Lời hứa của Đức Chúa Trời cũng “sống” theo nghĩa là Đức Chúa Trời hằng sống đang làm việc để thực hiện trọn vẹn những điều ngài hứa (Giăng 5:17). Khác với con người, Đức Chúa Trời không hứa rồi sau đó quên hoặc phát hiện ra là mình không thể thực hiện được lời hứa đó (Dân số 23:19). Lời ngài “chẳng trở về mà không kết quả”.—Ê-sai 55:10, 11.
“Lời Đức Chúa Trời… có quyền lực”. Cụm từ “có quyền lực” cũng có thể được dịch là “có quyền năng”, “linh động” hoặc “hoàn thành bất cứ điều gì mà [lời ấy] được định phải thực hiện”. Vì thế, bất cứ điều gì Giê-hô-va b Đức Chúa Trời nói hoặc hứa thì chắc chắn sẽ trở thành hiện thực (Thi thiên 135:6; Ê-sai 46:10). Thực tế, Đức Chúa Trời có thể thực hiện điều ngài hứa theo những cách ngoài mong đợi của chúng ta.—Ê-phê-sô 3:20. c
Lời Đức Chúa Trời cũng “có quyền lực” qua việc giúp những người quý trọng giá trị của lời ấy cải thiện đời sống và nhân cách. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trở thành một phần của họ, ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống và mục tiêu của họ (Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:24). Theo nghĩa đó, ‘lời Đức Chúa Trời cũng đang tác động trên’ những người chấp nhận lời ấy là đến từ ngài.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.
“Lời Đức Chúa Trời… sắc hơn bất cứ thanh gươm hai lưỡi nào”. Theo nghĩa bóng, lời Đức Chúa Trời sắc hơn bất cứ thanh gươm nào mà con người làm ra vì lời ấy có quyền lực xuyên thấu. Thông điệp của Đức Chúa Trời có thể tác động đến lòng, tức con người bề trong, theo những cách mà sự dạy dỗ của con người không thể làm được. Điều này được thấy rõ qua những lời tiếp theo trong Hê-bơ-rơ 4:12.
“Lời Đức Chúa Trời… đâm sâu đến nỗi phân tách con người bề ngoài với con người bề trong, phân tách khớp với tủy”. Theo nghĩa bóng, “lời Đức Chúa Trời” xuyên thấu đến “tủy”, tức tư tưởng và cảm xúc sâu kín nhất của chúng ta. Qua việc cho thấy con người thật bên trong của mình, là nơi mà không người nào có thể thấy, sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va có thể thôi thúc chúng ta thay đổi theo hướng tích cực. Điều này mang lại niềm vui cho Đấng Tạo Hóa và chúng ta.
“Lời Đức Chúa Trời… có khả năng nhận biết được tư tưởng và ý định trong lòng”. Cách một người phản ứng trước lời Đức Chúa Trời có thể tiết lộ suy nghĩ thật của người ấy, ngay cả ý định hoặc động cơ của họ, là những điều ảnh hưởng đến hạnh kiểm của họ. Chẳng hạn, nếu một người hưởng ứng tích cực trước lời Đức Chúa Trời bằng cách có những thay đổi cần thiết trong đời sống thì người ấy cho thấy mình khiêm nhường và thành thật. Người ấy muốn làm hài lòng Đấng Tạo Hóa. Trái lại, nếu cố bắt bẻ lời Đức Chúa Trời, người ấy đang bộc lộ những tính xấu, chẳng hạn như kiêu ngạo hoặc ích kỷ. Có lẽ người ấy đang cố bào chữa cho hành vi mà Đức Chúa Trời không chấp nhận.—Giê-rê-mi 17:9; Rô-ma 1:24-27.
Như một tài liệu tham khảo nói, lời Đức Chúa Trời “có thể tác động đến những phần sâu kín nhất của chúng ta”. Không có phần nào của con người bề trong mà Đức Chúa Trời không thể thấy và lời ngài không thể mang ra ánh sáng. Hê-bơ-rơ 4:13 nói: “Hết thảy đều trần trụi và phô bày trước mắt đấng mà chúng ta phải khai trình”.
Văn cảnh của Hê-bơ-rơ 4:12
Sứ đồ Phao-lô viết sách Hê-bơ-rơ vào khoảng năm 61 công nguyên. Đây là lá thư được Đức Chúa Trời hướng dẫn, gửi cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô gốc Do Thái ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê.
Trong chương 3 và 4, Phao-lô cho thấy trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa là một lời cảnh báo cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Hê-bơ-rơ 3:8-12; 4:11). Đức Giê-hô-va đã hứa giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và cho họ định cư tại một vùng đất, nơi mà họ có thể “sống an ổn” (Phục truyền luật lệ 12:9, 10). Tuy nhiên, thế hệ dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập cho thấy họ thiếu đức tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời và không làm theo các điều răn của ngài hết lần này đến lần khác. Hậu quả là họ “không được vào sự nghỉ ngơi của [Đức Chúa Trời]” và có mối quan hệ hòa thuận với ngài. Thay vì thế, họ bị chết trong hoang mạc. Dù con cháu của họ được thừa hưởng Đất Hứa, nhưng những người này cũng bắt đầu bất tuân với Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, cả nước Y-sơ-ra-ên phải trả một giá đắt.—Nê-hê-mi 9:29, 30; Thi thiên 95:9-11; Lu-ca 13:34, 35.
Phao-lô cho biết tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên rút ra bài học từ gương xấu của dân Y-sơ-ra-ên bất trung. Khác với họ, chúng ta có thể vào sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời bằng cách làm theo lời ngài và hoàn toàn tin cậy các lời hứa của ngài.—Hê-bơ-rơ 4:1-3, 11.
Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Hê-bơ-rơ.
a Trong Hê-bơ-rơ 4:12, cụm từ “lời Đức Chúa Trời” không chỉ nói đến Kinh Thánh. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời sắp đặt để những lời hứa của ngài được ghi lại trong sách đó nên cụm từ “lời Đức Chúa Trời” trong Hê-bơ-rơ 4:12 có thể được hiểu là nói về Kinh Thánh.
b Giê-hô-va là tên riêng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.