GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH
Khải huyền 21:1—“Trời mới đất mới”
“Tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời cũ cùng đất cũ đã qua đi và biển không còn nữa”.—Khải huyền 21:1, Bản dịch Thế Giới Mới.
“Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa”.—Khải huyền 21:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Ý nghĩa của Khải huyền 21:1
Câu này dùng cách nói tượng trưng để cho biết Nước của Đức Chúa Trời sẽ thay thế tất cả các chính phủ của con người. Nước Trời sẽ loại bỏ những kẻ ác và sẽ cai trị một xã hội mới gồm những người sẵn sàng phục tùng uy quyền của Nước ấy.
Sách Khải huyền giải thích các sự kiện bằng “các biểu tượng” (Khải huyền 1:1). Nên hợp lý khi kết luận rằng trời và đất được nhắc đến trong câu này không phải theo nghĩa đen mà là theo nghĩa bóng. Hơn nữa, “trời mới” và “đất mới” theo nghĩa bóng cũng được nói đến trong các câu Kinh Thánh khác (Ê-sai 65:17; 66:22; 2 Phi-e-rơ 3:13). Việc xem xét những câu này và các lời tường thuật khác trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của các từ ấy.
“Trời mới”. Kinh Thánh đôi lúc dùng từ “trời” để tượng trưng cho quyền cai trị hay chính phủ (Ê-sai 14:12-14; Đa-ni-ên 4:25, 26). Do đó, một tài liệu tham khảo nói rằng trong những khải tượng mang tính tiên tri, “trời tượng trưng cho thế lực cai trị hay chính phủ”. a Nơi Khải huyền 21:1, “trời mới” tượng trưng cho Nước Đức Chúa Trời. Chính phủ trên trời này, đôi khi gọi là “Nước Trời”, được đề cập xuyên suốt sách Khải huyền và các sách khác trong Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 4:17; Công vụ 19:8; 2 Ti-mô-thê 4:18; Khải huyền 1:9; 5:10; 11:15; 12:10). Nước Đức Chúa Trời có Vua là Chúa Giê-su sẽ thay thế “trời cũ”, tức là tất cả các chính phủ không hoàn hảo do con người cai trị.—Đa-ni-ên 2:44; Lu-ca 1:31-33; Khải huyền 19:11-18.
“Đất mới”. Kinh Thánh cho biết rằng trái đất sẽ không bao giờ bị hủy diệt hay bị thay thế (Thi thiên 104:5; Truyền đạo 1:4). Vậy đất trong câu này tượng trưng cho điều gì? Kinh Thánh thường dùng từ “đất” để nói đến nhân loại nói chung (Sáng thế 11:1; 1 Sử ký 16:31; Thi thiên 66:4; 96:1). Do đó, hẳn “đất mới” phải tượng trưng cho một xã hội mới gồm những người sẵn sàng phục tùng chính phủ của Đức Chúa Trời. “Đất cũ”, hay xã hội gồm những người chống lại Nước Đức Chúa Trời, sẽ không còn.
“Biển không còn nữa”. Giống như phần đầu của câu Khải huyền 21:1, “biển” cũng là hình ảnh tượng trưng. Biển thường dễ xáo động và có nhiều bão. Nên hình ảnh này rất phù hợp để tượng trưng cho nhân loại xa cách Đức Chúa Trời và dễ dàng bị xáo động (Ê-sai 17:12, 13; 57:20; Khải huyền 17:1, 15). Họ cũng sẽ không còn nữa. Thi thiên 37:10 cho biết: “Ít lâu nữa, kẻ ác sẽ không còn; xem chỗ chúng, sẽ chẳng thấy chúng đâu”.
Văn cảnh của Khải huyền 21:1
Sách Khải huyền báo trước về những điều xảy ra trong “ngày của Chúa” (Khải huyền 1:10). Theo các lời tiên tri trong Kinh Thánh, ngày đó bắt đầu vào năm 1914 khi Chúa Giê-su lên ngôi Vua của Nước Đức Chúa Trời. b Nhưng ngài không cai trị trái đất ngay lập tức. Thực tế là các lời tiên tri khác cho biết rằng tình trạng của thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn vào phần đầu “ngày của Chúa”. Khoảng thời gian đó được gọi là “những ngày sau cùng” (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13; Ma-thi-ơ 24:3, 7; Khải huyền 6:1-8; 12:12). Khi những ngày đặc biệt và đầy dẫy vấn đề ấy kết thúc, Nước Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ trời cũ và đất cũ cũng như mở ra một kỷ nguyên mới bình an và hợp nhất. Vào lúc đó, công dân của Nước Trời, tức “đất mới”, sẽ có điều kiện sống lý tưởng và sức khỏe hoàn hảo.—Khải huyền 21:3, 4.
Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Khải huyền.
a Cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong (năm 1891), Tập IV, trang 122.
b Xin xem bài “Niên đại học Kinh Thánh cho biết gì về năm 1914?”.