Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Sao cha mẹ không muốn tôi vui chơi?

Sao cha mẹ không muốn tôi vui chơi?

 Bạn được mời đến một bữa tiệc vào cuối tuần này. Bạn xin cha mẹ cho phép mình đi, nhưng câu trả lời nhất định là không. Bạn không mấy ngạc nhiên, vì lần trước cha mẹ cũng trả lời như vậy.

Trong bài này

 Tại sao cha mẹ lúc nào cũng nói không?

 Nếu bạn cảm thấy như thể lúc nào cha mẹ cũng không cho phép mình làm điều gì đó, bạn có thể cho rằng họ không muốn bạn vui chơi chút nào.

 Một bạn trẻ tên Marie cảm thấy như thế khi mới có điện thoại. Bạn ấy nói: “Cha mình đặt ra rất nhiều giới hạn, mình được tải về ứng dụng nào, được phép nói chuyện với ai và được nói chuyện đến giờ nào. Trong khi bạn bè mình có thể làm bất cứ điều gì họ muốn!”.

 Hãy thử nghĩ: Phải chăng cha của Marie cố tình không muốn bạn ấy vui chơi? Điều gì có thể khiến cha bạn ấy lo lắng?

Quy định về giới hạn tốc độ phần nào hạn chế sự tự do của mình, nhưng nó bảo vệ mình khỏi những mối hiểm họa; các quy định của cha mẹ cũng giống như vậy

 Hãy thử điều này: Giả bộ như bạn là một phụ huynh, bạn có một người con ở tuổi thanh thiếu niên và con bạn mới có điện thoại. Điều gì sẽ khiến bạn lo lắng? Bạn sẽ nói gì nếu con mình nói là bạn không muốn con vui chơi?

 “Cha mình luôn nói: ‘Con thử đặt mình vào vị trí của cha mẹ đi’. Làm thế giúp mình không chỉ nhận ra lợi ích của những quy định cha đặt ra mà còn thấy được lý do cha làm thế. Nếu có con, mình nghĩ mình cũng sẽ đặt ra những quy định giống như cha”.—Tanya.

 Làm sao để được cha mẹ cho phép?

 Đừng: Giận dỗi, càm ràm hoặc cãi cọ.

 “Hét lên chẳng làm được gì, chỉ khiến bạn cha mẹ mệt mỏi. Nếu bạn cãi lại, cha mẹ sẽ xem là bạn chưa trưởng thành và không đáng có thêm sự tự do”.—Richard.

 Thay vì thế, hãy thử: Tránh phản ứng ngay lập tức. Thay vì thế, hãy nhìn sự việc theo góc nhìn của cha mẹ. Phải chăng vấn đề là cha mẹ không tin tưởng bạn, hay có thể là họ chỉ không tin tưởng những người mà bạn muốn chơi chung hoặc môi trường mà bạn muốn đến? Hãy bình tĩnh thảo luận với cha mẹ để biết suy nghĩ của họ.

 “Cha mẹ thường có ý tốt khi đặt ra mỗi quy định. Cha mẹ không cố tình cấm mình vui chơi; họ chỉ muốn mình vui chơi mà không gặp vấn đề”.—Ivy.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người ngu muội để cảm xúc bộc phát, người khôn ngoan bình tĩnh kiềm chế chúng”.—Châm ngôn 29:11.

 Đừng: Lén lút sau lưng cha mẹ.

 “Mình từng không vâng theo những quy định mà cha đặt ra về việc dùng điện thoại. Mình cố tìm cách để nhắn tin cho bạn bè vào rất trễ hoặc tải những ứng dụng mà cha không cho phép. Cuối cùng khi cha phát hiện, cha càng đặt ra nhiều quy định hơn vì không thể tin tưởng mình. Không vâng lời chưa bao giờ là ý hay”.—Marie.

 Thay vì thế, hãy thử: Cho cha mẹ thấy là bạn có thể hợp tác với quy định mà họ đặt ra và tạo dựng lòng tin nơi họ.

 “Hãy kiên nhẫn. Cần thời gian để cha mẹ điều chỉnh quy định, nhưng nếu họ thấy bạn vâng lời, có thể họ sẽ cho bạn thêm sự tự do”.—Melinda.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự”.—Cô-lô-se 3:20.

 Đừng: Gây áp lực cho cha mẹ, có lẽ bằng cách nói với cha mẹ về điều mà những người trẻ khác bằng tuổi bạn được phép làm.

 “Khăng khăng muốn có điều gì đó sẽ không giúp mọi chuyện tốt hơn hoặc giúp bạn có được điều mình muốn”.—Natalie.

 Thay vì thế, hãy thử: Dùng phiếu thực tập “Lý luận về các quy tắc” để thảo luận vấn đề với cha mẹ.

 “Cha mẹ muốn thấy là bạn có khả năng suy xét. Vì thế, khi nói chuyện với cha mẹ mình thử dùng những lập luận hợp lý thay vì cảm xúc để trình bày vấn đề. Khi làm thế, mình thành công thuyết phục cha mẹ hơn”.—Joseph.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy hiếu kính cha mẹ”.—Ê-phê-sô 6:2.