GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Tôi có phải là người có trách nhiệm?
Hãy tự đánh giá bản thân!
Tôi... luôn luôn, hầu như luôn, đôi khi hoặc không bao giờ
thành thật
đáng tin cậy
đúng giờ
siêng năng
có kỷ luật
có ích
biết tôn trọng
biết quan tâm
Trong những đức tính trên, đức tính nào là thế mạnh của bạn?
Hãy tiếp tục thể hiện đức tính ấy.—Phi-líp 3:16.
Đức tính nào bạn cần cải thiện nhiều nhất?
Những thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Thế nào là người có trách nhiệm?
Người có trách nhiệm là người hoàn thành bổn phận của mình trong gia đình, tại trường học và trong cộng đồng. Họ ý thức là mình phải chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. Vì vậy khi phạm lỗi, họ thừa nhận, xin lỗi và cố gắng sửa đổi.
Kinh Thánh nói: “Vì mỗi người sẽ tự gánh lấy trách nhiệm riêng”.—Ga-la-ti 6:5.
Tại sao tôi nên có ước muốn trở thành người có trách nhiệm?
Người có trách nhiệm sử dụng năng lực của mình cách khôn ngoan, thường hay được đánh giá cao, được đối xử như một người đã trưởng thành và được cho nhiều tự do cũng như quyền lợi.
Kinh Thánh nói: “Con có thấy người nào siêng-năng trong công-việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua”.—Châm-ngôn 22:29.
Người có trách nhiệm thường rộng lượng và có những tình bạn tốt.
Kinh Thánh nói: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em”.—Lu-ca 6:38.
Người có trách nhiệm cảm thấy tự hào và hài lòng vì đã chu toàn bổn phận, vì vậy mà tự tin hơn.
Kinh Thánh nói: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình”.—Ga-la-ti 6:4.
Làm thế nào để tôi có trách nhiệm hơn?
Để trả lời câu hỏi này, hãy đọc những lời tâm sự sau. Bạn có cùng tâm tình với lời nào nhất?
“Thật bực mình khi bị đối xử như một đứa con nít, lúc nào cũng phải báo cáo cho bố mẹ biết mình đang ở đâu!”.—Kerri.
“Bố mẹ thường cho tôi thoải mái đi chơi với bạn bè”.—Richard.
“Khi thấy những gì bạn bè đồng trang lứa được phép làm, tôi thầm nghĩ: ‘Ôi, ước gì bố mẹ cũng cho phép mình làm những việc đó!’”.—Anne.
“Nói chung thì bố mẹ cho phép em làm những gì em muốn. Em rất biết ơn vì bố mẹ đã cho em được tự do như thế”.—Marina.
Kết luận: Một số bạn trẻ được tự do hơn những bạn trẻ khác. Tại sao lại có sự khác nhau này?
Thực tế: Thường thì càng chứng tỏ mình đáng tin cậy, bạn càng được cho nhiều tự do hơn.
Để ví dụ, hãy xem hai bạn trẻ được đề cập ở trên nói gì.
Richard: “Trước đây bố mẹ thường lo là tôi sẽ lạm dụng sự tự do của mình. Nhưng bây giờ họ tin tưởng tôi vì tôi đã dùng sự tự do một cách có trách nhiệm. Tôi không nói dối bố mẹ về việc mình sẽ đi đâu hay với ai. Thật ra, tôi luôn cho bố mẹ biết mình sẽ làm gì trước khi họ hỏi”.
Marina: “Tôi đã hai lần nói dối bố mẹ và cả hai lần đều bị phát hiện. Từ sau chuyện đó, tôi thành thật với bố mẹ. Ví dụ, tôi luôn cho bố mẹ biết cụ thể tôi đang ở đâu và làm gì. Nên bây giờ bố mẹ tin tưởng tôi nhiều hơn”.
Bạn muốn được đối xử như Richard hay Marina hơn? Vậy hãy tự xét bản thân trong những lĩnh vực sau:
ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Bạn có hoàn thành tốt những công việc nhà được giao không?
Bạn có tuân thủ giờ phải về nhà mà bố mẹ quy định không?
Bạn có cư xử tôn trọng với bố mẹ và anh chị em không?
Trong những điểm trên, có điểm nào bạn cần cải thiện không?
Kinh Thánh nói: “Hãy vâng lời cha mẹ”.—Ê-phê-sô 6:1.
HỌC HÀNH
Bạn có hoàn tất bài tập về nhà đúng hạn không?
Bạn có nỗ lực để đạt điểm cao hơn không?
Bạn có thói quen học tập tốt không?
Trong những điểm trên, có điểm nào bạn cần cải thiện không?
Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan che thân” (Truyền-đạo 7:12). Học tập tốt giúp bạn gia tăng sự khôn ngoan.
UY TÍN
Bạn có thành thật với bố mẹ và người khác không?
Bạn có sử dụng tiền bạc cách có trách nhiệm không?
Bạn có tiếng là đáng tin cậy không?
Trong những điểm trên, có điểm nào bạn cần cải thiện không?
Kinh Thánh nói: “Mặc lấy nhân cách mới” (Ê-phê-sô 4:24). Bạn có thể cải thiện tính cách và gây dựng tiếng tốt.
Đề nghị: Chọn một đức tính bạn cần cải thiện. Nói chuyện và xin lời khuyên của một người có đức tính đó. Ghi ra cụ thể những cách để cải thiện đức tính đó, rồi trong một tháng, theo dõi sự tiến bộ của mình. Ghi lại trong nhật ký những gì mình làm được và những trở ngại mình gặp phải. Cuối tháng xem lại mình đã tiến bộ đến mức nào.