Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Mình có phải là người cầu toàn không?

Mình có phải là người cầu toàn không?

 Nếu bạn

  •   buộc mình phải đạt điểm tối ưu trong mỗi bài kiểm tra

  •   tránh những thử thách mới vì sợ sẽ thất bại

  •   xem mọi lời phê bình là công kích mình

 ..., thì câu trả lời cho câu hỏi đầu bài có thể là “có”. Nhưng cầu toàn có phải là vấn đề không?

 Cầu toàn có gì sai không?

 Việc cố gắng làm hết sức thì không có gì sai. Tuy nhiên, một sách nói về sự cầu toàn (Perfectionism—What’s Bad About Being Too Good?) cho biết: “Có sự khác biệt lớn giữa việc vươn tới sự xuất sắc một cách thăng bằng với nỗ lực thái quá để vươn tới điều không thể đạt được”. Sách này nói thêm: “Sự cầu toàn có thể trở thành gánh nặng, vì không ai là hoàn hảo”.

 Kinh Thánh đồng ý khi nói: “Chẳng có người công chính nào trên đất luôn làm điều tốt” (Truyền đạo 7:20). Vì bất toàn nên đôi khi bạn sẽ có sai sót.

 Bạn có thấy khó chấp nhận điều đó không? Nếu vậy, hãy xem bốn khía cạnh mà sự cầu toàn có thể ảnh hưởng xấu đến bạn.

  1.   Quan điểm về bản thân. Người cầu toàn đặt ra những tiêu chuẩn cao quá mức cho mình, là điều dẫn đến thất vọng. “Thật ra, chúng ta sẽ không giỏi trong mọi việc, và nếu cứ tự trách vì mình không hoàn hảo, chúng ta sẽ trở nên thiếu tự tin. Điều đó có thể khiến mình buồn nản”.​—Alicia.

  2.   Quan điểm về lời khuyên hữu ích. Người cầu toàn có khuynh hướng xem lời phê bình xây dựng là hành động bôi nhọ danh tiếng của họ. Một bạn nam tên Jeremy nói: “Khi được sửa sai, mình cảm thấy thật tồi tệ”. Bạn ấy nói thêm: “Sự cầu toàn khiến bạn không thừa nhận giới hạn của mình và không chấp nhận sự giúp đỡ cần thiết”.

  3.   Quan điểm về người khác. Người cầu toàn thường chỉ trích người khác. Rất dễ hiểu tại sao người ấy lại làm thế. Một bạn 18 tuổi tên Anna nói: “Khi đòi hỏi mình phải hoàn hảo, bạn cũng bắt người khác phải hoàn hảo như mình. Khi họ không đạt đến tiêu chuẩn đó thì bạn luôn cảm thấy thất vọng về họ”.

  4.   Quan điểm của người khác về bạn. Nếu bạn đòi hỏi quá đáng nơi người khác, đừng ngạc nhiên khi người ta xa lánh mình! Một bạn trẻ tên Beth nói: “Thật mệt mỏi khi phải sống theo tiêu chuẩn mà người cầu toàn đặt ra! Không ai muốn ở gần người như thế”.

 Có cách tốt hơn không?

 Kinh Thánh nói: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Người phải lẽ kỳ vọng đúng mức nơi chính mình và người khác.

 “Những tác động từ bên ngoài đã đủ áp lực rồi. Tại sao lại cầu toàn để chất thêm áp lực không cần thiết? Điều đó thật quá tải!”​—Nyla.

 Kinh Thánh nói: ‘Hãy bước đi khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời mình!’ (Mi-chê 6:8). Người khiêm tốn nhận ra giới hạn của mình. Họ không ôm đồm việc quá sức, cũng không dành thời gian quá mức cho một công việc nào đó.

 “Nếu muốn hoàn thành tốt trách nhiệm, mình chỉ có thể nhận lượng việc vừa phải. Mình lượng sức mình”.​—Hailey.

 Kinh Thánh nói: “Việc gì tay con làm được, hãy làm hết sức mình” (Truyền đạo 9:10). Vì thế, thuốc chữa sự cầu toàn không phải là sự lười biếng, mà là sự siêng năng. Nhưng sự siêng năng phải được kết hợp với những đức tính được đề cập ở trên: phải lẽ và khiêm tốn.

 “Mình cố gắng làm việc theo cách tốt nhất, và làm hết lòng. Mình ý thức rằng không thể làm một cách hoàn hảo nhưng mình vui vì biết mình đã làm hết sức”.​—Joshua.