GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Làm sao tôi đối phó với sự quấy rối tình dục?
Quấy rối tình dục là gì?
Quấy rối tình dục bao gồm bất kỳ hành vi tình dục ngoài ý muốn nào—kể cả việc đụng chạm hoặc thậm chí lời nói về tình dục. Nhưng đôi lúc ranh giới có thể mập mờ giữa chọc ghẹo, tán tỉnh và quấy rối tình dục.
Bạn có biết sự khác biệt giữa ba điều trên không? Hãy làm trắc nghiệm về sự quấy rối tình dục và tìm hiểu xem!
Đáng buồn thay, có thể bạn không chỉ bị quấy rối tình dục khi còn cắp sách đến trường mà cả sau khi tốt nghiệp nữa. Tuy nhiên, nếu trau dồi lòng vững tin và kỹ năng cần thiết để đối phó với sự quấy rối tình dục ngay bây giờ, bạn sẽ được trang bị để đối phó với nó khi bước vào đời. Và thậm chí bạn có thể ngăn chặn kẻ quấy rối làm hại người khác!
Nếu tôi đã bị quấy rối tình dục thì sao?
Bạn có thể ngăn chặn sự quấy rối tình dục nếu hiểu về nó và biết phản ứng đúng cách! Hãy xem ba tình huống và cách bạn có thể đối phó.
TÌNH HUỐNG:
“Tại sở làm, có mấy ông nhiều tuổi hơn mình cứ khen mình đẹp và bảo là ước gì họ được trẻ lại 30 tuổi. Một ông trong số đó còn bước đến đằng sau mình và ngửi tóc mình!”.—Tabitha, 20 tuổi.
Tabitha có thể nghĩ: “Nếu lờ đi và ráng chịu một chút, chắc ông ta sẽ dừng lại”.
Tại sao điều này không giúp ích? Các chuyên gia nói rằng khi các nạn nhân lờ đi sự quấy rối tình dục, nó thường tiếp diễn và thậm chí còn tệ hơn.
Thay vì thế, hãy thử: Thẳng thắn và bình tĩnh, nói rõ với kẻ quấy rối là bạn sẽ không chấp nhận lời nói và hành vi của hắn. Ngự 22 tuổi nói: “Nếu bị ai đó sàm sỡ, tôi quay lại và nói hắn đừng có đụng tôi nữa. Việc này thường khiến hắn bất ngờ”. Nếu kẻ quấy rối ngoan cố, hãy cứng rắn và đừng đầu hàng. Liên quan đến việc giữ tiêu chuẩn đạo đức cao, Kinh Thánh khuyên chúng ta “đứng vững, trưởng thành và hoàn toàn vững tin”.—Cô-lô-se 4:12, Bản Dịch Mới.
Nếu kẻ quấy rối dọa làm hại bạn thì sao? Trong trường hợp đó, đừng đối mặt với hắn. Cố thoát khỏi tình thế ngay lập tức, và tìm người lớn đáng tin cậy giúp.
TÌNH HUỐNG:
“Khi mình học lớp sáu, có hai đứa con gái tóm lấy mình ở hành lang. Một đứa là ‘ô môi’, và muốn cặp với mình. Dù mình không chịu nhưng chúng cứ quấy rối mình vào giờ giải lao mỗi ngày. Một lần, chúng còn đẩy mình vào tường!”.—Victoria, 18 tuổi.
Victoria có thể nghĩ: “Nếu mình nói ra chuyện này, mình sẽ bị mang tiếng là chết nhát, và chắc chẳng ai tin mình đâu”.
Tại sao điều này không giúp ích? Nếu không nói cho người khác biết, kẻ quấy rối có thể tiếp tục và thậm chí còn quấy rối người khác.—Truyền-đạo 8:11.
Thay vì thế, hãy thử: Tìm sự giúp đỡ. Cha mẹ và thầy cô có thể cho bạn sự hỗ trợ cần thiết để đối phó với kẻ quấy rối. Nhưng nếu người mà bạn kể xem nhẹ chuyện đó thì sao? Hãy thử: Mỗi khi bạn bị quấy rối, hãy viết lại chi tiết. Bao gồm ngày, giờ và địa điểm của mỗi lần, cùng với những lời của kẻ quấy rối. Rồi gửi một bản sao cho cha mẹ hoặc thầy cô. Lời lẽ trên giấy trắng mực đen thường được nhiều người xem trọng hơn là chỉ nói miệng.
TÌNH HUỐNG:
“Mình rất sợ một đứa con trai trong đội bóng bầu dục. Hắn cao gần hai mét, và nặng khoảng 135 kí! Hắn định trong đầu là hắn sẽ ‘có được mình’. Hắn quấy nhiễu mình mỗi ngày suốt cả năm. Một hôm, khi trong lớp chỉ còn lại có mình và hắn, hắn bắt đầu tiến lại gần mình. Mình đứng phắt dậy và chạy ra ngoài cửa”.—Julieta, 18 tuổi.
Julieta có thể nghĩ: “Đứa con trai nào mà chả vậy”.
Tại sao điều này không giúp ích? Kẻ quấy rối hẳn không thay đổi hành vi nếu mọi người chấp nhận hành vi đó.
Thay vì thế, hãy thử: Chống lại khuynh hướng cười cho qua chuyện hoặc đáp lại bằng một nụ cười. Hơn nữa, hãy đảm bảo là phản ứng của bạn—gồm cả nét mặt—cho kẻ quấy rối thấy rõ bạn sẽ chấp nhận và không chấp nhận điều gì.
Tôi sẽ làm gì?
CHUYỆN CÓ THẬT 1:
“Mình không muốn bất lịch sự với ai hết. Thế nên, khi bị mấy đứa con trai quấy rối hoài, mình bảo chúng thôi đi nhưng lại không quả quyết và thường mỉm cười khi nói với chúng. Chúng nghĩ là mình lả lơi”.—Tabitha.
Nếu là Tabitha, bạn sẽ đối phó thế nào với những kẻ quấy rối? Tại sao?
Điều gì khiến kẻ quấy rối nghĩ rằng bạn đang lả lơi với anh ta hoặc cô ta?
CHUYỆN CÓ THẬT 2:
“Mới đầu là vài lời nói bậy bạ của mấy đứa con trai khi học môn thể dục. Tôi lờ đi những lời chúng nói trong vài tuần, nhưng tình trạng chỉ càng tệ hơn. Rồi chúng bắt đầu ngồi cạnh và vòng tay qua người tôi. Tôi đẩy chúng ra, nhưng chúng cứ giữ lấy. Cuối cùng, một đứa chuyền cho tôi một mẩu giấy có lời lẽ xúc phạm. Tôi đưa nó cho giáo viên. Đứa con trai đó bị đình chỉ học. Tôi nhận ra là đáng lẽ tôi phải méc giáo viên ngay từ đầu!”.—Sabina.
Bạn nghĩ xem tại sao Sabina không báo cho giáo viên sớm hơn? Bạn có nghĩ là cô ấy đã quyết định đúng không? Tại sao đúng và tại sao không?
CHUYỆN CÓ THẬT 3:
“Em trai của tôi là Greg đã bị một đứa con trai khác tiếp cận trong phòng vệ sinh. Hắn tiến đến sát Greg và nói hãy hôn hắn. Greg nói không, nhưng hắn không chịu đi. Thật ra, Greg phải đẩy hắn ra xa”.—Suzanne.
Bạn có nghĩ Greg bị quấy rối tình dục không? Tại sao có và tại sao không?
Tại sao bạn nghĩ là một số bạn nam ngại nói ra khi bị đứa con trai khác quấy rối tình dục?
Bạn có đồng ý với cách Greg xử lý tình huống không? Bạn sẽ làm gì?
Tìm hiểu thêm: Xin xem sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, chương 32 nói về cách bảo vệ bản thân khỏi những kẻ quấy rối tình dục.