Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Mình có phải là người kiên cường?

Mình có phải là người kiên cường?

 Bạn có phải là người kiên cường không? Bạn đã từng đương đầu với...

  •   nỗi đau mất người thân?

  •   căn bệnh mãn tính?

  •   một thảm họa thiên nhiên?

 Các nhà nghiên cứu nói rằng không chỉ những thử thách lớn mới đòi hỏi sự kiên cường. Ngay cả những căng thẳng thường ngày cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vì thế, điều quan trọng là bạn phải xây dựng tính kiên cường, dù đương đầu với vấn đề nhỏ hay lớn.

 Kiên cường là gì?

 Kiên cường là khả năng đối phó thành công với những thay đổi và thử thách trong đời sống. Người kiên cường cũng gặp nghịch cảnh như bao người khác, nhưng họ có thể vượt qua được và trở nên mạnh mẽ hơn, dù vẫn còn vết thương lòng.

Như một số cây bị cong xuống trong cơn bão nhưng có thể thẳng trở lại khi cơn bão đi qua, bạn cũng có thể vực dậy sau nghịch cảnh

 Tại sao bạn cần kiên cường?

  •   Vì nghịch cảnh là điều không thể tránh khỏi. Kinh Thánh nói: “Không phải lúc nào người chạy nhanh cũng thắng cuộc,... hay người có tri thức cũng thành công, vì thời thế và chuyện bất trắc xảy đến cho tất cả” (Truyền đạo 9:11). Bài học là gì? Ngay cả người tốt cũng gặp đau khổ, dù không phải là lỗi của họ.

  •   Vì sự kiên cường sẽ che chở bạn. Một nhà tư vấn học đường nói: “Ngày càng có nhiều học sinh đến văn phòng của tôi bị khủng hoảng tinh thần do bị điểm trung bình hoặc bị nói xấu trên mạng xã hội”. Ông nói rằng ngay cả trong những vấn đề nhỏ nhặt như thế, việc thiếu khả năng đương đầu có thể “dẫn đến sự rối loạn về tinh thần và cảm xúc”. a

  •   Vì sự kiên cường sẽ giúp ích cho bạn ngay bây giờ và khi trưởng thành. Về những thất vọng của cuộc sống, bác sĩ Richard Lerner cho biết: “Một điều cần thiết để trở thành người lớn hữu ích và thành công là vực dậy sau thất vọng, đặt mục tiêu mới hoặc tìm cách khác để đạt được điều mình mong muốn”. b

 Làm thế nào để xây dựng tính kiên cường?

  •   Đánh giá vấn đề. Hãy học cách phân biệt đâu là vấn đề lớn và đâu là vấn đề nhỏ. Kinh Thánh nói: “Kẻ dại dột liền để lộ sự bực bội, người khôn khéo thì bỏ qua lời sỉ vả” (Châm ngôn 12:16). Không phải vấn đề nào cũng đòi hỏi bạn phải dồn hết tâm sức vào nó.

     “Các bạn ở trường thường than phiền những điều nhỏ nhặt, làm quan trọng hóa vấn đề. Những phản hồi từ những người bạn trên mạng xã hội chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa. Điều này khiến họ càng khó đánh giá đúng về vấn đề”.—Joanne.

  •   Học từ người khác. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Sắt mài giũa sắt, bạn rèn giũa bạn” (Châm ngôn 27:17). Chúng ta có thể học được bài học quý giá từ những người từng đương đầu với sóng gió trong đời sống.

     “Khi nói chuyện với người khác, bạn sẽ thấy họ cũng trải qua rất nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua được. Hãy nói chuyện với họ để biết họ đã làm gì hoặc không làm gì hầu đương đầu thành công với vấn đề”.—Julia.

  •   Kiên nhẫn. Kinh Thánh cho biết: “Người công chính có ngã bảy lần cũng đứng dậy” (Châm ngôn 24:16). Cần thời gian để chấp nhận thực tế. Vì thế, đừng ngạc nhiên nếu đôi khi bạn cảm thấy nản. Điều quan trọng là bạn “đứng dậy”.

     “Khi bạn vực dậy sau nghịch cảnh thì cần thời gian để những vết thương lòng được lành. Đó là một quá trình, không phải trong chốc lát. Mình học được rằng với thời gian, mình dần cảm thấy vui trở lại”.—Andrea.

  •   Vun trồng lòng biết ơn. Kinh Thánh khuyên: “Hãy tỏ lòng biết ơn” (Cô-lô-se 3:15). Dù bạn phải đương đầu với vấn đề khó khăn đến mức nào thì luôn có những điều mà bạn có thể biết ơn. Hãy nghĩ về ba điều khiến đời sống bạn có ý nghĩa.

     “Khi đối mặt với nghịch cảnh, có lẽ dễ để bạn thắc mắc ‘Sao lại là mình?’. Nếu kiên cường, mình sẽ tránh tập trung vào vấn đề, nhưng sẽ chọn có cái nhìn tích cực và biết ơn những gì mình đang có hoặc những điều mình có thể làm”.—Samantha.

  •   Thỏa lòng. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi đã học cách thỏa lòng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Phi-líp 4:11). Phao-lô không thể kiểm soát những gì xảy đến. Nhưng điều mà ông có thể kiểm soát được là phản ứng của mình. Phao-lô quyết tâm giữ sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh.

     “Một điều mình học được về bản thân là khi nghịch cảnh xảy đến thì lúc đầu mình thường phản ứng không tốt. Mình đặt mục tiêu vun trồng cái nhìn tích cực dù gặp tình cảnh nào. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho mình mà còn cho những người xung quanh”.—Matthew.

  •   Cầu nguyện. Kinh Thánh nói: “Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, ngài sẽ nâng đỡ anh em. Ngài chẳng bao giờ để người công chính vấp ngã” (Thi thiên 55:22). Cầu nguyện không phải là liệu pháp tinh thần, đó là cách để trò chuyện với Đấng Tạo Hóa, đấng ‘quan tâm đến bạn’.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

     “Mình không phải đối phó với vấn đề một mình. Bằng cách trò chuyện chân thành và cởi mở về vấn đề, đồng thời cảm tạ Đức Chúa Trời về những ân phước mình có, mình loại bỏ được cảm xúc tiêu cực và chú tâm vào những ân phước ngài ban. Cầu nguyện thật sự rất quan trọng!”—Carlos.

a Từ sách Disconnected của tác giả Thomas Kersting.

b Từ sách The Good Teen—Rescuing Adolescence From the Myths of the Storm and Stress Years.