MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Đĩa hút của cá ép
Cá ép, một loại cá giác mút, có khả năng bám chặt vào những sinh vật biển khác và rồi tự tách ra một cách dễ dàng mà không làm hại đến vật chủ. Các nhà nghiên cứu rất hiếu kỳ trước những khả năng này.
Hãy suy nghĩ điều này: Cá ép bám vào cá đuối, cá mập, rùa, cá voi và các sinh vật biển khác, bất kể tính chất của bề mặt da hay vỏ của những sinh vật ấy. Cá ép ăn các loài ký sinh và thức ăn thừa của vật chủ, trong khi quá giang miễn phí và được bảo vệ khỏi các kẻ săn mồi. Các nhà khoa học đang nghiên cứu đĩa hút của cá ép để biết làm sao nó giúp cá ép bám nhẹ nhàng nhưng chắc chắn trên nhiều bề mặt khác nhau.
Những con cá ép bám vào cá nhám voi
Đĩa hút hình bầu dục của cá ép nằm phía trên đầu. Đĩa hút có vành ngoài dày và mềm giúp nó dán kín vào bề mặt, nhờ đó duy trì được lực hút. Mặt đĩa có nhiều dãy lá mỏng, trên đó có những cấu trúc nhỏ và cứng giống răng. Khi những dãy lá dựng lên, các cấu trúc ấy sẽ tiếp xúc với da của vật chủ, tạo ra ma sát. Sự kết hợp giữa lực hút và ma sát giúp cá ép bám chặt bất kể tốc độ di chuyển hay sự đổi hướng đột ngột của vật chủ.
Ấn tượng trước đĩa hút của cá ép, các nhà khoa học đã thiết kế một đĩa hút nhân tạo. Đĩa hút hình bầu dục này có thể bám vào nhiều bề mặt khác nhau. Khi các nhà khoa học cố kéo đĩa khỏi bề mặt, nó vẫn bám chặt cho dù bị kéo bằng một lực gấp trăm lần sức nặng của nó!
Thiết kế dựa trên đĩa hút của cá ép có thể được dùng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, thiết kế đó có thể được dùng để tạo ra thẻ theo dõi các sinh vật biển, sử dụng trong các nghiên cứu dưới lòng đại dương và gắn đèn hay dụng cụ cho các bề mặt dưới nước của cầu hay tàu.
Bạn nghĩ sao? Đĩa hút của cá ép là do tiến hóa? Hay là một sự thiết kế?