Đức Chúa Trời có đổi ý không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Có, theo nghĩa là ngài thay đổi thái độ khi con người thay đổi hành vi của họ. Chẳng hạn, khi tuyên bố thông điệp phán xét trên dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời phán: “Biết đâu chúng sẽ nghe theo, ai nấy từ bỏ đường ác mình, quay về với Ta. Bấy giờ Ta sẽ đổi ý về tai họa Ta định giáng xuống chúng vì hành vi gian ác của chúng”.—Giê-rê-mi 26:3, Bản Dịch Mới.
Nhiều bản Kinh Thánh dịch câu này là Đức Chúa Trời “ăn năn” về tai họa đã định, có thể hiểu theo nghĩa là ngài có sai sót. Tuy nhiên, từ nguyên thủy tiếng Hê-bơ-rơ cũng có nghĩa là “đổi ý hoặc ý định”. Một học giả viết: “Khi con người thay đổi hạnh kiểm thì Đức Chúa Trời cũng thay đổi án phạt”.
Dĩ nhiên, việc Đức Chúa Trời có thể đổi ý không có nghĩa là ngài phải làm thế. Hãy xem vài tình huống mà Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không đổi ý:
Đức Chúa Trời không để Ba-lác khiến ngài đổi ý và rủa sả dân Y-sơ-ra-ên.—Dân-số Ký 23:18-20.
Khi vua Sau-lơ nhất quyết đi theo đường lối xấu xa, Đức Chúa Trời không đổi ý về việc lấy lại ngôi vua của ông.—1 Sa-mu-ên 15:28, 29.
Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành lời hứa là lập Con ngài làm thầy tế lễ đời đời. Đức Chúa Trời sẽ không đổi ý.—Thi-thiên 110:4.
Chẳng phải Kinh Thánh nói là Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi sao?
Đúng vậy, Kinh Thánh ghi lại lời của Đức Chúa Trời: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi” (Ma-la-chi 3:6). Tương tự thế, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời “không thay đổi hoặc xê dịch như cái bóng” (Gia-cơ 1:17). Tuy nhiên, điều này không mâu thuẫn với điều mà Kinh Thánh nói là Đức Chúa Trời đổi ý. Đức Chúa Trời không thay đổi theo nghĩa là các đức tính, tiêu chuẩn của ngài về tình yêu thương và sự công chính không bao giờ thay đổi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; 1 Giăng 4:8). Dù vậy, ngài có thể ban cho dân ngài những chỉ thị khác nhau vào thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời cho vua Đa-vít những chỉ dẫn đối lập nhau trong hai cuộc chiến liên tiếp, nhưng cả hai đều thành công.—2 Sa-mu-ên 5:18-25.
Đức Chúa Trời có hối tiếc vì đã tạo ra con người không?
Không, dù ngài lấy làm tiếc vì hầu hết người ta đều phớt lờ và chối bỏ ngài. Miêu tả tình trạng trước trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê, Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va “hối tiếc vì đã dựng nên loài người trên đất, và đau buồn trong lòng” (Sáng-thế Ký 6:6, BDM). Trong câu này, từ “hối tiếc” đến từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “đổi ý”. Đức Chúa Trời thay đổi thái độ đối với đa số người ta sống trước thời Đại Hồng Thủy vì họ trở nên gian ác (Sáng-thế Ký 6:5, 11). Dù đau buồn vì họ đi theo lối sống xấu xa, nhưng ngài không thay đổi thái độ đối với toàn thể nhân loại. Thật vậy, ngài đã bảo tồn nhân loại bằng cách cứu sống Nô-ê và gia đình ông qua trận Đại Hồng Thủy.—Sáng-thế Ký 8:21; 2 Phi-e-rơ 2:5, 9.