Giê-ru-sa-lem Mới là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Cụm từ “Giê-ru-sa-lem Mới” chỉ có hai lần trong Kinh Thánh và nói đến một thành theo nghĩa bóng. Thành này tượng trưng cho một nhóm môn đồ của Chúa Giê-su được chọn để lên trời cai trị với ngài trong Nước Trời (Khải huyền 3:12; 21:2). Theo Kinh Thánh, nhóm người này còn được gọi là cô dâu của Đấng Ki-tô.
Những yếu tố nhận diện Giê-ru-sa-lem Mới
Giê-ru-sa-lem Mới ở trên trời. Mỗi khi đề cập đến Giê-ru-sa-lem Mới, Kinh Thánh đều nói thành ấy từ trời xuống; vì thành này ở trên trời nên có thiên sứ canh gác tại các cổng thành (Khải huyền 3:12; 21:2, 10, 12). Hơn nữa, thành không thể ở dưới đất vì nó quá lớn: thành có hình khối, mỗi chiều là 12.000 xơ-ta-đi-um, a nghĩa là chiều cao gần 560km, cao đến tận trời.—Khải huyền 21:16.
Giê-ru-sa-lem Mới là nhóm môn đồ của Chúa Giê-su, là cô dâu của Đấng Ki-tô. Giê-ru-sa-lem Mới được gọi là “cô dâu, vợ của Chiên Con” (Khải huyền 21:9, 10). Trong những lời mang ý nghĩa tượng trưng này, “Chiên Con” là Chúa Giê-su Ki-tô (Giăng 1:29; Khải huyền 5:12). Còn “vợ của Chiên Con” tượng trưng cho những môn đồ sẽ kết hợp với Chúa Giê-su ở trên trời. Kinh Thánh so sánh mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và những môn đồ ấy như mối quan hệ vợ chồng (2 Cô-rinh-tô 11:2; Ê-phê-sô 5:23-25). Ngoài ra, 12 đá nền của Giê-ru-sa-lem Mới có “12 tên của 12 sứ đồ của Chiên Con” (Khải huyền 21:14). Chi tiết này xác nhận Giê-ru-sa-lem Mới là các môn đồ được chọn để lên trời, vì những người lên trời “được xây trên nền là các sứ đồ cùng các nhà tiên tri”.—Ê-phê-sô 2:20.
Giê-ru-sa-lem Mới là một phần của Nước Trời. Thành Giê-ru-sa-lem cổ là thủ đô của Y-sơ-ra-ên xưa, là nơi vua Đa-vít, con ông là Sa-lô-môn và các vua thuộc dòng Đa-vít “ngồi trên ngôi của Đức Giê-hô-va” (1 Sử ký 29:23). Vì thế, Giê-ru-sa-lem được gọi là “thành thánh” và tượng trưng cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời qua triều đại các vua dòng Đa-vít (Nê-hê-mi 11:1). Giê-ru-sa-lem Mới, cũng được gọi là “thành thánh”, là nhóm người được lên trời để cùng Chúa Giê-su “làm vua cai trị trái đất”.—Khải huyền 5:9, 10; 21:2.
Giê-ru-sa-lem Mới mang lại ân phước cho những người sống trên đất. Kinh Thánh nói rằng Giê-ru-sa-lem Mới “từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống”, điều này cho thấy Đức Chúa Trời dùng thành này để can thiệp đến các vấn đề nằm ngoài phạm vi trên trời (Khải huyền 21:2). Những lời ấy cho thấy có sự liên kết giữa Giê-ru-sa-lem Mới và Nước Trời, là Nước mà Đức Chúa Trời dùng để thực thi ý định của ngài “ở dưới đất cũng như trên trời” (Ma-thi-ơ 6:10). Ý định của ngài là những người sống trên đất sẽ nhận được các ân phước sau đây:
Thoát khỏi tội lỗi. “Sông nước sự sống” chảy ra từ Giê-ru-sa-lem Mới, tưới cho “những cây sự sống” có khả năng “chữa lành các nước” (Khải huyền 22:1, 2). Khi được chữa lành về thể chất và thiêng liêng, người ta sẽ thoát khỏi tội lỗi và đạt đến sự hoàn hảo, như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời.—Rô-ma 8:21.
Có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Tội lỗi khiến con người xa cách Đức Chúa Trời (Ê-sai 59:2). Khi tội lỗi được xóa bỏ, lời tiên tri này sẽ hoàn toàn ứng nghiệm: “Lều của Đức Chúa Trời ở với nhân loại. Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ là dân ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở cùng họ”.—Khải huyền 21:3.
Không còn đau khổ và chết chóc. Qua Nước của ngài, Đức Chúa Trời sẽ “sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải huyền 21:4.
a Xơ-ta-đi-um là đơn vị đo chiều dài của La Mã. Một xơ-ta-đi-um tương đương 185m.