Kinh Thánh nói gì về Lễ Phục Sinh?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Việc cử hành Lễ Phục Sinh (hay Easter) không dựa trên Kinh Thánh. Nếu xem xét lịch sử của nó, bạn sẽ biết ý nghĩa thật sự của Lễ Phục Sinh. Đó là một truyền thống dựa vào các nghi lễ sinh sản cổ xưa. Hãy xem những điểm sau:
Tên gọi: Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopædia Britannica) cho biết: “Tên tiếng Anh Easter [Lễ Phục Sinh] không có nguồn gốc rõ ràng; vào thế kỷ thứ tám, vị linh mục đáng kính Bede là người Ăng-lơ Sắc-xông đã lấy tên cho lễ này theo tên của nữ thần mùa xuân của người Ăng-lơ Sắc-xông là Eostre”. Những tài liệu tham khảo khác liên kết tên của lễ này với Astarte, là nữ thần sinh sản của người Phê-ni-xi và tương ứng với nữ thần Ishtar của người Ba-by-lôn.
Thỏ rừng, thỏ nhà: Đây là biểu tượng cho sự sinh sản “bắt nguồn từ những nghi thức cổ xưa và biểu tượng của các lễ mùa xuân thuộc ngoại giáo của người châu Âu và Trung Đông”.—Encyclopædia Britannica.
Trứng: Theo một từ điển về truyền thống và thần thoại (Funk & Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology and Legend), trò chơi săn tìm trứng được cho là do con thỏ Phục Sinh đem đến “không chỉ là trò chơi của trẻ em mà là dấu tích còn lại của nghi lễ sinh sản”. Một số nền văn hóa cho rằng trứng Lễ Phục Sinh được trang trí “có thể mang đến hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe và sự bảo vệ một cách kỳ diệu”.—Traditional Festivals.
Áo mới cho Lễ Phục Sinh: “Nếu không mặc áo mới khi chào đón nữ thần Mùa Xuân, hay Eastre, của người Scandinavia, thì bị xem là thiếu tôn kính và vì thế, không được may mắn”.—The Giant Book of Superstitions.
Buổi lễ lúc mặt trời mọc: Điều này đã được liên kết với các nghi lễ của những người thờ mặt trời cổ xưa “diễn ra vào lúc xuân phân để chào đón mặt trời và quyền lực mạnh mẽ của nó có thể mang lại sức sống mới cho mọi vật đang sinh trưởng”.—Celebrations—The Complete Book of American Holidays.
Một cuốn sách nói về các ngày lễ (The American Book of Days) miêu tả rõ ràng về nguồn gốc của Lễ Phục Sinh: “Không có chút nghi ngờ gì về sự kiện Giáo hội vào thời ban đầu đã tiếp nhận những phong tục ngoại giáo xưa và rồi gán cho chúng một ý nghĩa có liên quan đến đạo Đấng Ki-tô”.
Kinh Thánh lên án việc thờ phượng Đức Chúa Trời dựa trên các truyền thống và phong tục không đẹp lòng ngài (Mác 7:6-8). Nơi 2 Cô-rinh-tô 6:17 cho biết: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Hãy... tách biệt khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế nữa’”. Lễ Phục Sinh là một lễ ngoại giáo nên những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời phải tránh xa.