Tôi thấy mặc cảm tội lỗi—Kinh Thánh có thể giúp tôi vượt qua không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Có. Kinh Thánh có thể giúp chúng ta biết cách đối phó với cảm giác mặc cảm tội lỗi (Thi thiên 32:1-5). Nếu chúng ta làm điều sai trái nhưng thật lòng hối lỗi, Đức Chúa Trời sẽ tha thứ và giúp chúng ta hồi phục (Thi thiên 86:5). Kinh Thánh cho thấy đôi khi cảm giác mặc cảm tội lỗi cũng mang lại lợi ích, đó là thôi thúc chúng ta thay đổi đường lối sai trái và cố gắng tránh tái phạm (Thi thiên 51:17; Châm ngôn 14:9). Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên mặc cảm tội lỗi quá mức, có lẽ cho rằng mình vô phương cứu chữa hoặc không có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời. Quan điểm như thế có thể khiến chúng ta “buồn bã đến nỗi muốn bỏ cuộc”.—2 Cô-rinh-tô 2:7, Bản Phổ thông.
Điều gì có thể khiến một người mặc cảm tội lỗi?
Chúng ta có thể thấy mặc cảm tội lỗi vì nhiều lý do. Có lẽ chúng ta làm tổn thương một người mà mình yêu mến hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn mà mình nghĩ nên làm theo. Đôi khi chúng ta thấy mặc cảm tội lỗi dù mình thật sự không làm gì sai. Chẳng hạn, nếu đặt tiêu chuẩn quá cao cho bản thân, rất có thể chúng ta sẽ mặc cảm tội lỗi không cần thiết mỗi khi không đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Vì thế, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta có mong đợi hợp lý nơi bản thân.—Truyền đạo 7:16.
Làm thế nào để đối phó với mặc cảm tội lỗi?
Thay vì để mặc cảm tội lỗi khiến mình tê liệt, hãy làm những điều có thể để cải thiện tình hình. Bằng cách nào?
Thừa nhận lỗi lầm. Trong lời cầu nguyện, hãy xin Đức Giê-hô-va a tha thứ cho bạn (Thi thiên 38:18; Lu-ca 11:4). Bạn có thể tin chắc rằng ngài sẽ lắng nghe nếu bạn thật lòng ăn năn hối lỗi và cố gắng tránh tái phạm (2 Sử ký 33:13; Thi thiên 34:18). Ngài thấy con người bề trong của chúng ta, là điều mà không người nào có thể thấy. Khi chúng ta cố gắng từ bỏ đường lối sai trái, Đức Chúa Trời, “đấng trung tín và công chính”, sẽ tha thứ cho chúng ta.—1 Giăng 1:9; Châm ngôn 28:13.
Dĩ nhiên, nếu phạm lỗi với một người, bạn cần thừa nhận điều ấy và thành thật xin lỗi. Điều này không phải lúc nào cũng dễ! Có lẽ bạn cần can đảm và khiêm nhường. Nhưng việc chân thành xin lỗi sẽ thực hiện được hai điều quan trọng: Đó là gỡ bỏ được gánh nặng trên vai bạn và có lại sự hòa thuận với người kia.—Ma-thi-ơ 3:8; 5:23, 24.
Suy ngẫm những câu Kinh Thánh nói về lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem 1 Giăng 3:19, 20. Câu Kinh Thánh này cho thấy “lòng mình [có thể] lên án mình”, điều đó có nghĩa là có thể chúng ta quá khắt khe với bản thân, cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, câu Kinh Thánh ấy cũng nói: “Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta”. Như thế nào? Ngài thấy mọi điều về chúng ta và hiểu rõ cảm xúc cũng như khuyết điểm của chúng ta. Ngài cũng biết từ khi sinh ra, chúng ta đã bất toàn và có khuynh hướng làm điều sai b (Thi thiên 51:5). Vì vậy, ngài không từ bỏ những người thật lòng ăn năn về lỗi lầm của họ.—Thi thiên 32:5.
Đừng sống trong quá khứ. Kinh Thánh ghi lại nhiều lời tường thuật về người nam và người nữ từng làm điều sai nhưng sau này đã thay đổi. Một ví dụ là Sau-lơ quê ở Tạt-sơ, người về sau được biết đến là sứ đồ Phao-lô. Khi còn là người Pha-ri-si, ông ngược đãi môn đồ của Chúa Giê-su một cách dữ dội (Công vụ 8:3; 9:1, 2, 11). Nhưng khi biết việc mình làm là thật ra đang chống lại Đức Chúa Trời và Đấng Mê-si, hay Đấng Ki-tô, ông đã ăn năn, thay đổi đường lối và trở thành tín đồ gương mẫu. Dĩ nhiên, Phao-lô rất hối tiếc về những điều ông đã làm trước kia, nhưng ông không sống trong quá khứ. Ý thức được lòng thương xót bao la mà Đức Chúa Trời dành cho mình, Phao-lô trở thành người truyền giáo sốt sắng và luôn chú tâm vào hy vọng về sự sống vĩnh cửu.—Phi-líp 3:13, 14.
Những câu Kinh Thánh nói về mặc cảm tội lỗi và sự tha thứ
Thi thiên 51:17: “Đức Chúa Trời ôi, tấm lòng tan nát giày vò, ngài chẳng khinh bỏ”.
Ý nghĩa: Đức Chúa Trời sẽ không từ bỏ bạn nếu bạn thật lòng hối lỗi về những lỗi lầm của mình. Ngài thể hiện lòng thương xót.
Châm ngôn 28:13: “Người nào che đậy những sai phạm mình sẽ không thành công, nhưng ai thú nhận và từ bỏ chúng sẽ được thương xót”.
Ý nghĩa: Nếu chúng ta thú tội với Đức Chúa Trời và thay đổi đường lối, ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.
Giê-rê-mi 31:34: “Ta sẽ tha thứ lỗi họ và sẽ không nhớ đến tội họ nữa”.
Ý nghĩa: Khi Đức Chúa Trời đã tha thứ, ngài sẽ không nhắc lại lỗi lầm của chúng ta. Lòng thương xót của ngài là chân thật.
a Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời.—Xuất Ai Cập 6:3.
b Khuynh hướng làm điều sai trái là hậu quả của tội lỗi mà chúng ta bị di truyền từ người đàn ông đầu tiên là A-đam. Cùng với vợ là Ê-va, ông đã phạm tội với Đức Chúa Trời và đánh mất sự sống hoàn hảo, và con cháu ông cũng bị mất triển vọng đó.—Sáng thế 3:17-19; Rô-ma 5:12.