Lễ hội Halloween bắt nguồn từ đâu?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Kinh Thánh không đề cập đến Halloween, là lễ hội mà nhiều người cử hành vào ngày 31 tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, nguồn gốc và phong tục cổ xưa của Halloween không phù hợp với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh.
Trong bài này
Lịch sử và phong tục của lễ hội Halloween
Samhain: Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa từ điển thế giới) nói rằng lễ hội Halloween bắt nguồn từ Samhain, một “lễ hội ngoại giáo cổ xưa của người Celt từ hơn 2.000 năm trước”. Sách này cho biết thêm: “Người Celt tin rằng vào lúc ấy các linh hồn có thể lang thang trên trần thế. Trong lễ hội Samhain, người sống có thể gặp các linh hồn”.—Xem khung “ Tại sao gọi là Halloween?”.
Trang phục Halloween, kẹo và “cho kẹo hay bị ghẹo”: Theo một tài liệu, một số người Celt mặc trang phục ma quái để các linh hồn lang thang “nhầm lẫn họ với các linh hồn khác” và để họ yên. Có người thì tặng kẹo cho các linh hồn để họ vui lòng. a
Ở châu Âu thời Trung Cổ, hàng giáo phẩm Công giáo đã tiếp nhận các phong tục ngoại giáo địa phương và bảo giáo dân mặc trang phục lễ hội để đi từng nhà xin những món quà nhỏ.
Ma, ma cà rồng, ma sói, phù thủy và xác sống: Từ lâu, đây là những nhân vật có liên hệ đến thế giới ma quỷ. Sách Halloween Trivia gọi những nhân vật đó là “những quái vật siêu nhiên” và nói rằng những nhân vật đó “liên hệ chặt chẽ đến cái chết, người chết hoặc nỗi sợ cái chết”.
Đèn bí ngô: Ở Anh Quốc thời Trung Cổ, “những người hành khất đi từng nhà xin thức ăn, đổi lại họ sẽ cầu nguyện cho linh hồn người chết”. Họ cũng mang theo “đèn làm bằng củ cải khoét rỗng, bên trong có đèn cầy mang ý nghĩa một linh hồn bị giam cầm trong nơi luyện tội” (Halloween—From Pagan Ritual to Party Night). Một số tài liệu khác nói rằng đèn được dùng để dọa các quỷ. Vào thế kỷ 19 tại Bắc Mỹ, củ cải được thay thế bằng bí ngô vì chúng có nhiều tại đó cũng như dễ dàng để khoét ruột và khắc hình.
Việc Halloween có nguồn gốc ngoại giáo thì có sao không?
Có. Dù một số người cho rằng Halloween là thú vui vô hại, nhưng những thực hành trong lễ hội này hoàn toàn trái ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Halloween dựa trên niềm tin sai lầm về người chết và thần linh vô hình, tức các quỷ.
Những câu Kinh Thánh sau cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời về những niềm tin liên quan đến Halloween:
“Không ai được... thông linh, hay cầu hồn”.—Phục truyền luật lệ 18:10-12, Đặng Ngọc Báu.
Ý nghĩa: Đức Chúa Trời không chấp nhận việc cố liên lạc với người chết hoặc ngay cả làm như thể mình đang liên lạc với người chết.
“Người chết chẳng biết chi hết”.—Truyền đạo 9:5.
Ý nghĩa: Vì người chết không còn ý thức gì nên họ không thể liên lạc với người sống.
“[Đừng] dự phần với ma quỉ. Anh chị em không thể vừa uống ly của Chúa mà đồng thời lại cũng uống ly của ma quỉ nữa”.—1 Cô-rinh-tô 10:20, 21, Bản Phổ thông.
Ý nghĩa: Những ai muốn nhận được ân phước của Đức Chúa Trời thì phải tránh dính líu đến các quỷ bằng bất cứ hình thức nào.
‘Hãy đứng vững trước các mưu kế của Ác Quỷ; vì chúng ta chiến đấu với các thế lực ác thần’.—Ê-phê-sô 6:11, 12.
Ý nghĩa: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần phải chống lại các thế lực ác thần, chứ không ăn mừng với chúng.
a Xin xem sách Halloween: An American Holiday, an American History, trang 4.