Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về đám tang?
Quan điểm và thực hành của chúng tôi về đám tang dựa trên những sự dạy dỗ của Kinh Thánh, bao gồm:
Khóc khi người thân yêu qua đời là điều tự nhiên. Các môn đồ Chúa Giê-su đã khóc khi người thân yêu qua đời (Giăng 11:33-35, 38; Công vụ 8:2; 9:39). Vì vậy, chúng tôi không xem đám tang là dịp chè chén say sưa (Truyền đạo 3:1, 4; 7:1-4). Thay vì thế, chúng tôi xem đây là dịp thể hiện sự đồng cảm.—Rô-ma 12:15.
Người chết không biết gì hết. Dù thuộc sắc tộc hay văn hóa nào, chúng tôi cũng tránh các phong tục và thực hành dựa trên niềm tin trái với Kinh Thánh là người chết vẫn tồn tại và có thể ảnh hưởng đến người sống (Truyền đạo 9:5, 6, 10). Những điều ấy bao gồm các tục lệ như thức canh xác, bày cỗ linh đình, làm giỗ, cúng kiếng, cầu hỏi và nói chuyện với người chết, cũng như nghi lễ tôn giáo dành cho các góa phụ. Chúng tôi tránh tất cả các phong tục và thực hành ấy vì vâng theo mệnh lệnh sau của Kinh Thánh: ‘Hãy tách biệt, đừng động đến đồ ô uế nữa’.—2 Cô-rinh-tô 6:17.
Có hy vọng cho người đã khuất. Kinh Thánh dạy rằng có sự sống lại và sẽ đến lúc không còn cái chết (Công vụ 24:15; Khải huyền 21:4). Hy vọng này giúp chúng ta tránh có những hành động thể hiện sự đau buồn một cách thái quá, như nó đã giúp những tín đồ vào thời ban đầu.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13.
Kinh Thánh khuyên hãy khiêm tốn (Châm ngôn 11:2). Chúng tôi không xem đám tang là cơ hội để “phô trương” của cải hay địa vị (1 Giăng 2:16). Chúng tôi không tổ chức đám tang cầu kỳ nhằm mục đích giải trí hoặc khoe quan tài đắt tiền và trang phục diêm dúa để gây ấn tượng với người ta.
Liên quan đến đám tang, chúng tôi không áp đặt niềm tin của mình lên người khác. Về điều này, chúng tôi làm theo nguyên tắc: “Mỗi người chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12). Tuy nhiên, nếu có cơ hội, chúng tôi cố gắng giải thích niềm tin của mình “với thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa”.—1 Phi-e-rơ 3:15.
Tang lễ của một Nhân Chứng diễn ra thế nào?
Địa điểm: Nếu một gia đình quyết định tổ chức tang lễ, họ có thể tổ chức ở địa điểm nào mà gia đình chọn, chẳng hạn như ở Phòng Nước Trời, nhà tang lễ, nhà riêng, nơi hỏa táng hoặc nơi chôn cất.
Buổi lễ: Sẽ có một bài giảng để an ủi thân nhân của người quá cố bằng cách giải thích điều Kinh Thánh dạy về người chết và hy vọng sống lại (Giăng 11:25; Rô-ma 5:12; 2 Phi-e-rơ 3:13). Chương trình buổi lễ có thể nhắc lại các đức tính của người đã khuất, có lẽ nhấn mạnh những bài học khích lệ từ gương trung thành của người ấy.—2 Sa-mu-ên 1:17-27.
Một bài hát dựa trên Kinh Thánh có thể được hát (Cô-lô-se 3:16). Buổi lễ kết thúc bằng lời cầu nguyện an ủi.—Phi-líp 4:6, 7.
Tiền làm lễ hoặc tiền quyên góp: Chúng tôi không thu tiền trong bất cứ hoạt động tôn giáo nào, kể cả tang lễ, cũng không quyên tiền tại các buổi nhóm họp.—Ma-thi-ơ 10:8.
Người tham dự: Như các buổi nhóm họp khác, mọi người đều có thể tham dự tang lễ ở Phòng Nước Trời, kể cả người không phải là Nhân Chứng.
Các Nhân Chứng có dự tang lễ do tôn giáo khác cử hành không?
Mỗi Nhân Chứng cần tự quyết định dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện (1 Ti-mô-thê 1:19). Tuy nhiên, chúng tôi không tham dự vào nghi lễ tôn giáo mà mình thấy không phù hợp với Kinh Thánh.—2 Cô-rinh-tô 6:14-17.