Đi đến nội dung

Báo cáo về phiên họp thường niên

“Cuốn sách của Đức Chúa Trời—Một kho tàng”

Báo cáo về phiên họp thường niên

Vào cuối tuần ngày 5 và 6-10-2013, cử tọa gồm 1.413.676 người tại 31 quốc gia đã tham dự phiên họp thường niên lần thứ 129 của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania) qua phát sóng Internet lẫn tham dự trực tiếp tại Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va ở thành phố Jersey, New Jersey, Hoa Kỳ.

Anh Guy Pierce, thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, làm chủ tọa cho phiên họp này. Anh gợi sự chú ý của cử tọa bằng cách đảm bảo với họ là chương trình này sẽ giải đáp những câu hỏi quan trọng liên quan đến Kinh Thánh, thắp sáng ngọn đèn chân lý và cung cấp “thức ăn đúng giờ”.​—Ma-thi-ơ 24:45; Châm ngôn 4:18.

“Một triển lãm tôn vinh Đức Giê-hô-va”.

Anh Mark Sanderson thuộc Hội đồng Lãnh đạo cho biết thông tin về phòng triển lãm mới tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, với tựa là “Kinh Thánh và Danh Đức Chúa Trời”. Cuộc triển lãm cho thấy những nơi danh Đức Chúa Trời chắc chắn đã xuất hiện trong cả phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, cũng như có nhiều bản Kinh Thánh cổ, các bản cổ xưa được tái tạo lại và những trang Kinh Thánh từ thời Trung Cổ.

Những hiện vật đáng chú ý trong triển lãm này bao gồm các trang từ bản dịch Kinh Thánh vào thế kỷ 16 của William Tyndale, là dịch giả Kinh Thánh đầu tiên đã dịch danh của Đức Chúa Trời sang tiếng Anh, và một trang từ bản dịch tiếng Tây Ban Nha ấn bản năm 1602 được biết đến là bản Kinh Thánh Reina-Valera. Bản này dịch danh thánh một cách nhất quán là “Iehova”. Trong triển lãm này cũng có một bản dịch tiếng Anh gọi là Great Bible (ấn bản năm 1549), một bản sao chép của bản Kinh Thánh 12 ngôn ngữ của Elias Hutter (ấn bản năm 1599, cũng được gọi là Nuremberg Polyglot) và một bản Geneva Bible (ấn bản năm 1603). Tất cả những bản này đều dùng danh thánh của Đức Chúa Trời.

Anh Sanderson mời mọi người đến xem cuộc triển lãm Kinh Thánh này: “Chúng tôi thật lòng cầu mong rằng… triển lãm này sẽ giúp những người có lòng thành ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ học vấn cũng yêu mến hai điều giống như chúng tôi, đó là Lời quý giá của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, và danh vinh hiển của ngài là Giê-hô-va”.

Câu Kinh Thánh cho năm 2014.

Sau khi anh Gerrit Lösch thuộc Hội đồng Lãnh đạo trình bày phần tóm lược bài học Tháp Canh cho tuần đó, anh Pierce thông báo câu Kinh Thánh cho năm 2014 là: “Xin Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:10). Dù câu này luôn phù hợp để làm câu Kinh Thánh của năm, nhưng càng đặc biệt phù hợp cho năm nay vì năm 2014 đánh dấu một trăm năm kể từ khi Nước Trời được thành lập.

“Một món quà quý giá từ Đức Giê-hô-va”.

Tiếp theo, cử tọa vui thích xem một video về lịch sử của Bản dịch Thế Giới Mới, bản Kinh Thánh được Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và được một số người đánh giá là một trong những bản Kinh Thánh tốt nhất từng được sản xuất. Khi anh Nathan Knorr cho ra mắt tập đầu tiên của bản dịch này tại Hội Nghị Quốc Tế Thần Quyền Tăng Tiến năm 1950, anh đã cho cử tọa một lời khuyên có giá trị đến ngày nay: Hãy đọc hết sách này. Hãy học sách này. Hãy giúp người khác học sách này vì điều đó sẽ giúp họ kêu cầu danh Đức Giê-hô-va.

“Chuyến đi ngược dòng ký ức”.

Anh Samuel Herd thuộc Hội đồng Lãnh đạo trình bày phần này, bao gồm một video phỏng vấn bốn thành viên của gia đình Bê-tên Hoa Kỳ được thu sẵn. Họ là những người có mặt khi Bản dịch Thế Giới Mới đầu tiên, bao gồm sáu tập, được ra mắt từ năm 1950 đến năm 1960.

Chị Eunice Timm kể lại việc sử dụng Bản dịch Thế Giới Mới tại các buổi nhóm họp. Chị rất quý những công cụ nghiên cứu như phần tài liệu tham khảo đối chiếu. Vì việc mang tất cả các tập đến buổi nhóm họp khá cồng kềnh nên chị nói rằng chị chỉ mang theo những tập mà mình cần, cùng với bản King James cỡ nhỏ để đề phòng trường hợp câu Kinh Thánh nào khác bất ngờ được dùng.

Bản dịch mới này cũng ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong sự thờ phượng của chúng ta. Chẳng hạn, anh Fred Rusk kể rằng trước năm 1950, những anh đại diện gia đình Bê-tên cầu nguyện thường dùng những từ ngữ cổ xưa từ bản King James. Nhưng ngay sau khi Bản dịch Thế Giới Mới được ra mắt, các anh đã ngưng dùng các từ đó và thay thế bằng những từ ngữ thông dụng khi dâng lời cầu nguyện.

Anh John Wischuk không chỉ ấn tượng với chất lượng của bản dịch mà còn với sự khiêm nhường của Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới. Anh nói: “Dù còn sống hoặc qua đời, họ không muốn công việc của họ được nhiều người biết đến, vì họ muốn quy tất cả sự vinh hiển cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Anh Charles Molohan nói lên cảm xúc của cả nhóm: “Bản dịch Thế Giới Mới đã giúp chúng tôi tin chắc đây là chân lý và củng cố đức tin của chúng tôi. Do vậy, chúng tôi có thể giúp người khác xây dựng đức tin”.

“Hết thảy đều nghe họ nói về những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ của chúng ta”.

(Công vụ 2:11) Anh Geoffrey Jackson thuộc Hội đồng Lãnh đạo nói bài giảng có phần ra mắt Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính năm 2013. Cuối bài giảng của anh, những ai có mặt trong cử tọa, bao gồm tất cả những người kết nối qua Internet, đều được nhận một cuốn Kinh Thánh này.

Anh Jackson cho biết đã hơn 60 năm kể từ khi tập đầu tiên của Bản dịch Thế Giới Mới được ra mắt. Trong suốt thời gian đó, tiếng Anh đã thay đổi, nhưng mục tiêu dịch Kinh Thánh của chúng ta không thay đổi. Chúng ta muốn dịch Lời Đức Chúa Trời càng sát với bản gốc càng tốt mà không bóp méo ý nghĩa.

Vào năm 2005, Hội đồng Lãnh đạo chú trọng nhiều hơn đến việc dịch Kinh Thánh ra nhiều ngôn ngữ. Kể từ đó, số ngôn ngữ mà Bản dịch Thế Giới Mới được dịch ra tăng từ 51 lên 121, với hơn 45 ngôn ngữ khác đang được dịch. Trong khi các dịch thuật viên dịch Bản dịch Thế Giới Mới sang ngôn ngữ khác, họ thường yêu cầu được giải đáp để hiểu rõ một số từ ngữ hoặc cụm từ nào đó. Tính đến nay, có hơn 52.000 câu hỏi đã được gửi đi và trả lời, và nhiều câu hỏi trong số đó cho thấy có những chỗ trong văn bản tiếng Anh có thể cần được hiệu đính hoặc hiện đại hóa.

Chẳng hạn, anh Jackson giải thích rằng trong Bản dịch Thế Giới Mới tiếng Anh ấn bản trước đây, nơi 1 Sa-mu-ên 14:11 nói rằng Giô-na-than và người mang vũ khí đã “phơi bày họ trước người Phi-li-tia”. Để tránh bị hiểu lầm, bản hiệu đính đã nói là họ “xuất đầu lộ diện”. Tương tự, nơi Mi-chê 2:6 trước đây được dịch sát là: “Đừng thả lời nói nữa. Chúng thả lời nói”. Đoạn này giờ đây được dịch là: “Chúng rao truyền rằng: ‘Chớ rao truyền nữa!’”.

Cách đây 5 năm, Hội đồng Lãnh đạo đã bổ nhiệm một ủy ban để hiệu đính Bản dịch Thế Giới Mới và giờ đây họ đã gặt hái kết quả. Bản Kinh Thánh hiệu đính này rất thu hút, dễ đọc và có độ bền cao thích hợp cho việc được dùng nhiều mà không bị sờn rách. Anh Jackson thông báo là bản in tiếng Anh khổ lớn và khổ nhỏ sẽ sớm được sản xuất.

“Dùng lời của chân lý một cách đúng đắn”.

Anh Stephen Lett thuộc Hội đồng Lãnh đạo giới thiệu một số đặc điểm phụ của bản Kinh Thánh hiệu đính mới, với chủ đề dựa trên 2 Ti-mô-thê 2:15. Cụm từ “dùng… một cách đúng đắn” trong câu này có nghĩa đen là “cắt thẳng”. Chúng ta muốn dùng “gươm thần khí” để cắt thẳng và chính xác (Ê-phê-sô 6:17). Sau đó, anh Lett cho thấy những đặc điểm mới trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta làm thế ra sao.

  1. Phần “Giới thiệu về Lời Đức Chúa Trời”, bao gồm 20 câu hỏi về những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh và các câu Kinh Thánh giải đáp cho những câu hỏi đó.

  2. Phụ lục A miêu tả những khía cạnh của bản hiệu đính mới, chẳng hạn như những thay đổi về văn phong và từ ngữ cũng như cách dịch danh thánh.

  3. Phụ lục B gồm có 15 phần đầy màu sắc, trong đó có các bản đồ và biểu đồ hữu ích cho việc học hỏi cá nhân hoặc dạy dỗ.

  4. Mở đầu của mỗi sách Kinh Thánh là phần “Sơ lược” tóm tắt cả sách, giúp người đọc nhanh chóng tìm được phần mình muốn đọc. Đặc điểm này thay thế cho dòng đầu trang xuất hiện ở mỗi trang trong những ấn bản trước.

  5. Phần “Bảng chú giải thuật ngữ” giải nghĩa ngắn gọn hàng trăm từ được dùng trong Kinh Thánh.

  6. Phần “Bảng tra cứu từ ngữ” giảm đi đáng kể. Giờ đây phần này chỉ gồm những từ và câu hữu ích nhất cho việc rao giảng và dạy dỗ.

  7. Cột tham khảo nằm ở giữa mỗi trang cũng giảm đi nhiều. Giờ đây phần này chỉ có những câu Kinh Thánh hữu ích nhất cho thánh chức.

  8. Các chú thích cho biết về những cách dịch khác, dịch sát và thông tin phụ.

JW Library.

Anh John Ekrann, thành viên Ủy ban Chi nhánh Hoa Kỳ, cho thấy cách dùng ứng dụng JW Library trên các thiết bị điện tử, như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Ứng dụng này có Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính cũng như năm bản dịch Kinh Thánh khác. Vào ngày 7-10-2013, mọi người có thể tải ứng dụng này miễn phí từ kho ứng dụng.

“Dịch Lời Đức Chúa Trời sao cho truyền tải ý nghĩa chính xác”.

Anh Anthony Morris thuộc Hội đồng Lãnh đạo giải thích thêm về các nguyên tắc hướng dẫn Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới trong việc chuẩn bị cho bản hiệu đính này. Áp dụng nguyên tắc nơi 1 Cô-rinh-tô 14:8, 9, ủy ban muốn đảm bảo là bản Kinh Thánh hiệu đính sẽ dễ hiểu. Những nơi nào mà việc dịch từng từ có thể bóp méo ý nghĩa của Kinh Thánh thì họ sẽ tránh cách dịch đó.

Chẳng hạn, nếu dịch sát thì Sáng thế 31:20 sẽ được dịch là: “Gia-cốp đánh cắp trái tim của La-ban”. Tuy nhiên, thành ngữ tiếng Hê-bơ-rơ được dùng trong câu này có ý nghĩa khác trong thành ngữ tiếng Anh, nên Bản dịch Thế Giới Mới dịch là: “Gia-cốp lừa được La-ban”. Tương tự, nếu dịch sát từng từ thì 1 Cô-rinh-tô 7:39 sẽ có nghĩa là một người vợ có thể kết hôn với người khác nếu chồng cô “ngủ”. Nhưng vì đôi khi Kinh Thánh dùng từ “ngủ” để nói về sự chết, Bản dịch Thế Giới Mới tiếng Anh tránh làm người đọc bối rối bằng cách dùng cụm “ngủ trong sự chết”.

Anh Morris cho biết: “Ngay từ đầu, Kinh Thánh đã được viết ra với ngôn từ thông dụng dành cho dân thường như nông dân, người chăn cừu và ngư dân. Một bản dịch Kinh Thánh tốt sẽ truyền đạt thông điệp một cách dễ hiểu cho người có lòng thành, bất kể hoàn cảnh xuất thân của họ”.

“Dùng ‘lời lẽ thanh tao’ và ‘những lời chân thật’”.

Anh David Splane thuộc Hội đồng Lãnh đạo triển khai chủ đề này dựa trên những lời nơi Truyền đạo 12:10. Những người viết Kinh Thánh rất cẩn thận khi ghi lại ý tưởng của Đức Chúa Trời, nên Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đầu tiên cũng rất cẩn trọng trong công việc của mình. Bản hiệu đính mới nhất của Bản dịch Thế Giới Mới tiếp tục làm theo nguyên tắc: “Ghi lại chính xác những lời chân thật” và truyền tải thông điệp của Đức Chúa Trời rõ ràng nhất có thể.

Anh Splane nói: “Nhiều từ trong tiếng Anh có nhiều hơn một nghĩa”. Chẳng hạn, các Bản dịch Thế Giới Mới tiếng Anh trước đây dùng cụm từ được dịch là “kiểu mẫu của sự dạy dỗ hữu ích” nơi 2 Ti-mô-thê 1:13. Từ “kiểu mẫu” có nhiều định nghĩa khác nhau trong tiếng Anh, một trong số đó là hoa văn. Dựa trên định nghĩa này, nhiều người lý luận rằng cụm từ đó nói đến sự thiết kế đẹp mắt, hay kiểu mẫu, được tìm thấy trong những sự dạy dỗ từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, theo định nghĩa của từ nguyên thủy trong Kinh Thánh thì có nghĩa là “một gương mẫu… để noi theo”. Do đó, bản hiệu đính mới đã dùng cụm “tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích”.

Anh Splane cũng cho biết các bản hiệu đính được thay đổi để phù hợp với tiếng Anh thời hiện đại. Chẳng hạn, từ tiếng Anh được dịch là “đóng đinh” được dùng trong các Bản dịch Thế Giới Mới trước đây để miêu tả cách Chúa Giê-su bị hành hình thường có nghĩa là đóng một cọc nhọn xuyên qua cơ thể và giữ nạn nhân trên cọc. Vì Chúa Giê-su không bị cây cọc đâm xuyên qua người, nên bản hiệu đính mới dùng cụm từ “đóng đinh trên cây cột” để miêu tả việc ngài bị xử tử.​—Ma-thi-ơ 27:22, 23, 31.

Anh Splane kết luận: “Chúng tôi cầu mong rằng việc đọc và học Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính sẽ giúp anh chị đến gần Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Và mong sao ngài sẽ luôn là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn của anh chị”.

Bế mạc.

Anh Pierce ví bản hiệu đính mới này như món chính trong “yến tiệc món béo” của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 25:6). Sau đó, anh kết thúc chương trình với việc mời cử tọa hát bài 114 trong sách Hãy hát chúc tụng Đức Giê-hô-va, với tựa là “Cuốn sách của Đức Chúa Trời​—Kho tàng vô giá”.