Họ tình nguyện đến—Albania và Kosovo
“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng là mình có thể phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều như thế”. Đây là cách chị Gwen, đến từ Anh Quốc, bày tỏ cảm xúc của mình khi phụng sự ở Albania, một nơi có nhu cầu lớn hơn. a
Chị Gwen là một trong nhiều Nhân Chứng đã chuyển đến Albania để giúp thu thập “báu vật của tất cả các nước” (Ha-gai 2:7). Điều gì đã thúc đẩy những người truyền giáo này? Họ phải thực hiện những điều chỉnh nào để có thể chuyển đến đó? Và những niềm vui nào đã giúp họ kiên trì chịu đựng bất chấp khó khăn?
Hoàn cảnh khác nhau, cùng một ước muốn
Tất cả những công bố đến Albania giúp đều có cùng một động lực, đó là yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn giúp người khác học biết về ngài.
Trước khi chuyển đi, họ đã thực hiện một số bước để mở rộng thánh chức. Điều này giúp họ đương đầu với những khó khăn của việc phụng sự ở nước ngoài. Chị Gwen cho biết: “Đầu tiên tôi tham gia nhóm nói tiếng Albania ở nơi tôi sinh sống, rồi tôi đến Albania để tham dự hội nghị vùng. Sau đó, tôi trở lại một lần nữa và ở lâu hơn để trau dồi ngôn ngữ”.
Khi 23 tuổi, chị Manuela chuyển đến một vùng khác trong nước mình ở Ý để giúp một hội thánh nhỏ. Chị nói: “Tôi phụng sự ở đó bốn năm thì được biết ở Albania đang có nhu cầu lớn. Thế là tôi sắp xếp đến đó làm tiên phong trong vài tháng”.
Chị Federica chỉ mới bảy tuổi khi được nghe báo cáo về Albania tại hội nghị vùng. Chị nói: “Anh trình bày báo cáo cho biết các người công bố ở Albania có nhiều học hỏi Kinh Thánh và cũng có nhiều người chú ý đến tham dự nhóm họp. Tôi bèn nói với ba mẹ là tôi muốn đến Albania. Ước muốn của tôi khiến họ ngạc nhiên nhưng ba tôi nói: ‘Con hãy cầu nguyện về điều đó và nếu đây là ý muốn của Đức Giê-hô-va thì ngài sẽ đáp lời’. Chỉ vài tháng sau, cả gia đình chúng tôi được mời đến phụng sự ở Albania!” Nhiều năm đã trôi qua, giờ đây chị Federica đã kết hôn với anh Orges. Họ cùng nhau phụng sự trọn thời gian tại Albania.
Sau khi anh Gianpiero về hưu, anh cùng vợ là chị Gloria đã chuyển đến Albania. Anh kể: “Chúng tôi nuôi dạy năm người con trai khôn lớn ở Ý. Ba cháu đã ra nước ngoài để phụng sự ở nơi có nhu cầu. Bài Tháp Canh ‘Bạn có thể “qua xứ Ma-xê-đoan” không?’ đã động đến lòng vợ chồng tôi. Và chúng tôi đã ngồi lại tính toán cách dùng lương hưu để phụng sự ở Albania”.
Họ cẩn thận lên kế hoạch
Các anh chị phụng sự ở nơi có nhu cầu đã phải cẩn thận lên kế hoạch, rồi thực hiện những điều chỉnh cần thiết trước khi chuyển đi (Lu-ca 14:28). Một trong những điều họ phải thực hiện là chuẩn bị về mặt tài chính. Khi còn ở Anh Quốc, chị Gwen được đề cập ở trên, đã chuyển đến sống với chị gái để tiết kiệm tiền. Còn anh Christopher và chị Sophia cũng đến từ Anh Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã bán xe hơi và một số đồ dùng trong nhà. Lúc đó, chúng tôi mong là mình có thể sống ở Albania ít nhất một năm”. Đáng mừng là họ đã có thể ở lại lâu hơn nhiều so với dự định.
Một số người công bố phụng sự ở Albania trong vài tháng, quay về nước làm việc và để dành tiền, rồi trở lại Albania. Đây là trường hợp của anh Eliseo và chị Miriam. Anh Eliseo cho biết: “Vợ tôi trước đây sống ở một thành phố du lịch của Ý, nơi đó rất dễ kiếm việc làm theo thời vụ. Vì thế, chúng tôi thường về đó làm việc trong ba tháng mùa hè và dành dụm tiền để sống trong chín tháng còn lại ở Albania. Chúng tôi đã làm như thế trong 5 năm”.
Vượt qua khó khăn
Sau khi chuyển đến, các anh chị phụng sự ở nơi có nhu cầu phải tập thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng lời khuyên và kinh nghiệm sống của các anh chị địa phương giúp họ vượt qua khó khăn. Chị Sophia được đề cập ở trên, cho biết: “Ở Albania vào mùa đông, nhiệt độ trong nhà lạnh hơn nhiều so với ở nước tôi. Quan sát cách ăn mặc của các chị địa phương đã giúp tôi biết cách mặc sao cho ấm”. Anh Grzegorz cùng vợ là chị Sona, từ Ba Lan, đến giúp ở thị trấn Prizren xinh đẹp của Kosovo. b Anh Grzegorz nói: “Các anh chị địa phương rất tử tế, khiêm nhường và kiên nhẫn! Họ giúp chúng tôi học ngôn ngữ và nhiều điều khác. Chẳng hạn, họ cho chúng tôi biết cửa hàng nào bán giá phải chăng và chỉ chúng tôi cách mua thực phẩm ở chợ”.
Nhiều lý do để vui mừng
Các anh chị ra nước ngoài phụng sự nhận được nhiều lợi ích khi kết thân với các anh chị địa phương và biết rõ hoàn cảnh của họ. Chị Sona cho biết: “Tôi được thấy tình yêu thương của Đức Giê-hô-va mạnh mẽ đến mức nào. Việc thấy các anh chị hoàn toàn thay đổi niềm tin và đời sống khi học biết về Đức Giê-hô-va đã củng cố đức tin của tôi. Chúng tôi cảm thấy mình hữu ích và có vị trí trong hội thánh. Anh chị cùng phụng sự đã trở thành bạn của chúng tôi” (Mác 10:29, 30). Chị Gloria kể: “Tôi biết nhiều chị đã bị những người ghét Nhân Chứng trong cộng đồng chống đối một cách thô bạo. Tình yêu thương của họ dành cho Đức Giê-hô-va khiến tôi rất cảm động”.
Các anh chị phụng sự ở nơi có nhu cầu rút ra được các bài học quý giá mà có thể họ không có cơ hội học ở nước mình. Chẳng hạn, việc nỗ lực làm những điều không quen thuộc để phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại niềm vui cho họ. Anh Stefano miêu tả như sau: “Ở nước mình, tôi rao giảng chủ yếu qua hệ thống liên lạc nội bộ và trình bày vắn tắt. Nhưng người Albania rất thích nói chuyện, đặc biệt là trong lúc uống cà phê. Vì là người nhút nhát nên lúc đầu tôi cảm thấy rất ngại và không biết phải nói gì. Nhưng rồi với thời gian, tôi biết cách hỏi thăm người ta và giờ đây tôi thích trò chuyện với họ. Nhờ vậy, tôi có nhiều niềm vui hơn trong thánh chức”.
Chị Leah cùng chồng là anh William chuyển đến Albania từ Hoa Kỳ. Chị cho biết: “Phụng sự ở đây đã giúp chúng tôi cởi mở và có cái nhìn thoáng hơn. Chúng tôi học được rất nhiều về lòng hiếu khách, sự tôn trọng và tình bạn! Chúng tôi cũng học được cách rao giảng mới, cách lý luận dựa trên Kinh Thánh và cách diễn đạt”. Anh William cho biết: “Phần đông những người đến thăm Albania đều yêu thích các bãi biển tuyệt đẹp ở đây. Còn cá nhân tôi thì thích đi leo núi trên dãy Alps lởm chởm của Albania. Nhưng điều thật sự khiến tôi yêu mến nơi này chính là con người! Nhiều thôn làng trong khu vực của chúng tôi chỉ được làm chứng trong những đợt rao giảng đặc biệt. Khi đến đó, đôi khi chúng tôi dành cả ngày mà chỉ đủ nói chuyện với vài gia đình”.
Niềm vui lớn nhất của các anh chị này là được thấy người ta hưởng ứng tin mừng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 20). Chị Laura, một chị trẻ độc thân đã chuyển đến Albania, chia sẻ một kinh nghiệm: “Tôi phụng sự một thời gian ở thành phố Fier. Chỉ trong vòng hai năm rưỡi, 120 người mới đã hội đủ điều kiện để tham gia thánh chức! Tôi đã giúp dạy Kinh Thánh cho 16 người trong số đó!” Một chị khác có tên là Sandra kể lại: “Tôi đã làm chứng cho một phụ nữ làm việc ở chợ. Chị ấy trở thành Nhân Chứng và sau đó chuyển về quê sống. Trong lần nói chuyện cuối cùng, chị ấy cho biết đã có 15 học hỏi Kinh Thánh!”
Đức Giê-hô-va ban phước cho sự kiên trì của họ
Một số anh chị đến Albania phụng sự nhiều năm trước vẫn tiếp tục ở lại đây và rất vui thích thánh chức. Đôi khi họ ngạc nhiên khi thấy những hạt giống đầu tiên họ gieo đã sinh trái sau một thời gian dài (Truyền đạo 11:6). Anh Christopher được đề cập ở trên, cho biết: “Tôi tình cờ gặp lại người đàn ông mà tôi đã giúp học hỏi Kinh Thánh khi mới dọn đến Albania. Tôi rất vui khi ông ấy kể lại chi tiết những cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi về Kinh Thánh. Giờ đây cả hai vợ chồng ông đã báp têm và đang phụng sự Đức Giê-hô-va”. Chị Federica được nói đến ở trên, cho biết: “Khi tôi đến một hội thánh, một chị đã đến gặp và hỏi xem tôi còn nhớ chị ấy không. Chị cho biết tôi đã làm chứng cho chị cách đây chín năm. Một thời gian sau khi tôi chuyển đến thị trấn khác, chị ấy bắt đầu học hỏi Kinh Thánh và tiến bộ đến bước báp têm. Trước đây, tôi từng nghĩ những năm đầu của mình ở Albania không có kết quả nhưng tôi đã sai!”
Các anh chị chuyển đến Albania hay Kosovo biết ơn khi thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước cho những nỗ lực của họ và cho họ có đời sống đầy thỏa nguyện. Sau nhiều năm phụng sự ở Albania, anh Eliseo tóm tắt những trải nghiệm của mình như sau: “Là con người, chúng ta thường dễ bị lừa gạt để nghĩ rằng chúng ta có thể tạo được đời sống ổn định dựa trên những gì thế gian xem là bền vững. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Ngược lại, các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va giúp đời sống của chúng ta ổn định và có mục đích. Việc phụng sự ở nơi có nhu cầu đã giúp tôi ghi nhớ điều đó. Tôi cảm thấy mình hữu ích và có giá trị. Tôi có những người bạn thật xung quanh cùng hướng tới mục tiêu chung”. Chị Sandra cũng có cùng cảm nghĩ: “Khi chuyển đến nơi có nhu cầu, tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va ban cho tôi cơ hội thực hiện ước mơ từ lâu của mình, đó là được làm giáo sĩ. Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã chuyển đến Albania và cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết”.
a Anh chị có thể biết thêm về lịch sử công việc rao giảng ở Albania trong sách Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2010 (Anh ngữ).
b Kosovo nằm ở phía đông bắc của Albania. Trong vùng này có nhiều người nói thổ ngữ của Albania. Nhiều Nhân Chứng từ Albania, một số nước châu Âu, và Hoa Kỳ đã tình nguyện đến Kosovo để rao truyền tin mừng cho những người nói thổ ngữ của Albania. Đến năm 2020, ở đây có 256 người công bố đang phụng sự trong tám hội thánh, ba nhóm và hai tiền nhóm.