Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

A4

Danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ

Danh Đức Chúa Trời bằng các ký tự Hê-bơ-rơ được dùng trước cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn

Danh Đức Chúa Trời bằng các ký tự Hê-bơ-rơ được dùng sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn

Danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn phụ âm tiếng Hê-bơ-rơ là יהוה và xuất hiện gần 7.000 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Trong bản dịch này, bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ đó được dịch là “Giê-hô-va”. Danh ấy xuất hiện nhiều nhất trong Kinh Thánh. Những người viết được soi dẫn đã đề cập đến Đức Chúa Trời qua nhiều tước vị và cụm từ miêu tả như “Đấng Toàn Năng”, “Đấng Tối Cao” và “Chúa”, nhưng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ là danh riêng duy nhất được dùng để nói về Đức Chúa Trời.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời hướng dẫn những người viết Kinh Thánh dùng danh ngài. Ví dụ, ngài soi dẫn nhà tiên tri Giô-ên viết: “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Giô-ên 2:32). Đức Chúa Trời cũng cho một người viết sách Thi thiên ghi lại: “Nguyện mọi người biết rằng chỉ mình ngài, danh là Giê-hô-va, là Đấng Tối Cao trên khắp trái đất” (Thi thiên 83:18). Thật ra, danh Đức Chúa Trời xuất hiện khoảng 700 lần chỉ riêng trong sách Thi thiên, một sách được dân Đức Chúa Trời dùng cho việc ca hát và ngâm thơ. Vậy tại sao danh ấy bị xóa khỏi nhiều bản dịch Kinh Thánh? Tại sao bản dịch này dùng danh ngài dưới dạng “Giê-hô-va”? Và danh Giê-hô-va có nghĩa gì?

Phần trích từ sách Thi thiên trong Cuộn Biển Chết có niên đại nửa đầu thế kỷ thứ nhất CN. Những câu này được viết bằng các ký tự Hê-bơ-rơ thông dụng sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn, riêng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ xuất hiện nhiều lần dưới dạng ký tự Hê-bơ-rơ cổ

Tại sao danh này bị xóa khỏi nhiều bản dịch Kinh Thánh? Có nhiều lý do. Một số nghĩ rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng không cần một danh độc nhất để nhận diện. Số khác có thể bị ảnh hưởng bởi truyền thống Do Thái là tránh dùng danh Đức Chúa Trời, có lẽ vì họ sợ nói phạm danh ấy. Cũng có người nghĩ rằng vì không ai biết cách phát âm chính xác của danh ngài nên tốt nhất là chỉ dùng tước vị, như “Chúa” hay “Đức Chúa Trời”. Nhưng những suy nghĩ đó không chính đáng vì lý do sau:

  • Những người cho rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng không cần một danh độc nhất đã lờ đi bằng chứng là những bản sao chép thời ban đầu của Lời ngài, bao gồm những bản được bảo tồn trước thời Đấng Ki-tô, có danh riêng của Đức Chúa Trời. Như đã đề cập, Đức Chúa Trời cho ghi lại danh ngài trong Kinh Thánh khoảng 7.000 lần. Rõ ràng, ngài muốn chúng ta biết và sử dụng danh ấy.

  • Những dịch giả xóa danh của Đức Chúa Trời vì tôn trọng truyền thống Do Thái đã lờ đi một điều quan trọng. Dù các ký lục người Do Thái không muốn phát âm danh ngài, họ đã không xóa danh ấy khỏi bản sao chép Kinh Thánh của mình. Những cuộn sách cổ tìm thấy ở Cum-ran, gần Biển Chết, có danh ấy trong nhiều nơi. Một số dịch giả Kinh Thánh ngụ ý danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong bản gốc bằng cách thế danh này với từ “CHÚA” viết hoa. Nhưng người ta vẫn thắc mắc: “Tại sao những dịch giả này đã tự ý thay thế hay xóa danh Đức Chúa Trời dù biết danh ấy xuất hiện trong Kinh Thánh hàng ngàn lần? Họ nghĩ ai cho mình quyền làm thế?”. Chỉ có họ mới biết.

  • Những người nghĩ không nên dùng danh Đức Chúa Trời vì không biết chắc cách phát âm lại vẫn dùng danh Chúa Giê-su. Nhưng môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất đã phát âm tên ngài khác với tín đồ thời nay. Đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô người Do Thái, tên Giê-su có lẽ được phát âm là Ye·shuʹa‛. Và tước vị “Ki-tô” là Ma·shiʹach, hay “Mê-si”. Những tín đồ nói tiếng Hy Lạp gọi ngài là I·e·sousʹ Khri·stosʹ, còn tín đồ nói tiếng La-tinh gọi ngài là Ieʹsus Chriʹstus. Dưới sự soi dẫn, tên của ngài theo cách dịch tiếng Hy Lạp được ghi lại trong Kinh Thánh. Điều đó cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã theo cách dùng tên phổ biến trong ngôn ngữ của họ. Tương tự, Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới thấy hợp lý để dùng dạng “Giê-hô-va”, dù đó không hẳn là cách danh Đức Chúa Trời được phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ.

Tại sao Bản dịch Thế Giới Mới dùng dạng “Giê-hô-va”? Trong tiếng Anh, bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ (יהוה) được viết bằng những phụ âm YHWH. Theo cách viết của tiếng Hê-bơ-rơ cổ, bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ không có nguyên âm. Khi tiếng Hê-bơ-rơ cổ còn thông dụng, người đọc có thể dễ dàng tự thêm vào các nguyên âm thích hợp.

Khoảng 1.000 năm sau khi phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hoàn tất, các học giả người Do Thái đã hình thành một hệ thống dấu hay ký hiệu dùng để phát âm. Cách này giúp độc giả biết nên dùng nguyên âm nào khi đọc tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng vào thời ấy, nhiều người Do Thái mê tín rằng gọi danh riêng của Đức Chúa Trời là sai, nên họ đã dùng những cụm từ khác để thay thế. Do đó, khi sao chép bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ, dường như họ đã kết hợp nguyên âm của các cụm từ thay thế với bốn phụ âm trong danh Đức Chúa Trời. Vì vậy, những bản chép tay có các dấu thay thế cho nguyên âm không giúp xác định cách phát âm danh Đức Chúa Trời ban đầu trong tiếng Hê-bơ-rơ. Một số người phát âm danh ấy là “Gia-vê”, còn một số thì đề nghị cách khác. Cuộn Biển Chết có một phần của sách Lê-vi bằng tiếng Hy Lạp phiên âm danh Đức Chúa Trời là Iao. Ngoài ra, các tác giả Hy Lạp cũng đề nghị những cách phát âm như Iae, I·a·beʹI·a·ou·eʹ. Tuy nhiên, chúng ta không nên võ đoán. Đơn giản là chúng ta không biết tôi tớ của Đức Chúa Trời thời xưa đã phát âm danh ấy ra sao trong tiếng Hê-bơ-rơ (Sáng thế 13:4; Xuất Ai Cập 3:15). Điều chúng ta biết là Đức Chúa Trời đã dùng danh mình nhiều lần để nói với dân ngài, và họ gọi Đức Chúa Trời bằng danh ngài cũng như dùng danh ấy khi nói chuyện.—Xuất Ai Cập 6:2; 1 Các vua 8:23; Thi thiên 99:9.

Vậy tại sao bản dịch này dùng dạng “Giê-hô-va”? Vì dạng này của danh Đức Chúa Trời đã được sử dụng từ lâu trong nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt.

Danh Đức Chúa Trời nơi Sáng thế 15:2 trong bản Ngũ Thư của William Tyndale, năm 1530

Trong Kinh Thánh tiếng Anh, cách dịch danh riêng của Đức Chúa Trời xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1530 trong bản Ngũ Thư của William Tyndale. Ông dùng dạng “Iehouah”. Qua thời gian, tiếng Anh dần thay đổi nên cách viết danh Đức Chúa Trời cũng thay đổi. Chẳng hạn, vào năm 1612, Henry Ainsworth đã dùng dạng “Iehovah” trong suốt bản dịch sách Thi thiên của ông. Đến năm 1639, khi sách ấy được hiệu đính và in ra cùng với bản Ngũ Thư thì đã dùng dạng “Jehovah”. Vào năm 1901, các dịch giả của bản Kinh Thánh American Standard Version đã dùng dạng “Jehovah” ở những nơi danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ.

Để giải thích lý do dùng “Jehovah” thay vì “Yahweh” trong một tác phẩm về sách Thi thiên (Studies in the Psalms) xuất bản năm 1911, học giả Kinh Thánh đáng kính là Joseph Bryant Rotherham nói rằng ông muốn dùng một “dạng tên quen thuộc hơn (trong khi hoàn toàn có thể chấp nhận) với công chúng đọc Kinh Thánh”. Vào năm 1930, học giả A. F. Kirkpatrick có ý tương tự về việc sử dụng dạng “Jehovah”. Ông cho biết: “Các chuyên gia về ngữ pháp hiện đại tranh luận rằng nên đọc danh ấy là Yahveh hay Yahaveh; nhưng dường như cách viết JEHOVAH đã quen thuộc trong tiếng Anh. Điều thật sự quan trọng không phải là cách phát âm chính xác, nhưng là việc thừa nhận đây là danh riêng, chứ không chỉ là tước vị như ‘Chúa’”.

Bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ, YHWH: “Đấng làm cho trở thành”

Động từ HWH: “trở thành”

Danh Giê-hô-va có nghĩa gì? Trong tiếng Hê-bơ-rơ, danh Giê-hô-va đến từ một động từ có nghĩa là “trở thành”. Vì vậy, Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới hiểu rằng danh Đức Chúa Trời có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Các học giả có nhiều quan điểm khác nhau nên chúng ta không thể võ đoán về ý nghĩa của danh ấy. Tuy nhiên, định nghĩa này rất thích hợp với vai trò của Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa của mọi vật, cũng như đấng hoàn thành ý định của ngài. Ngài không chỉ tạo ra vũ trụ vật chất và các tạo vật thông minh, nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, ngài luôn khiến cho ý muốn và ý định của ngài được hoàn thành.

Vì vậy, ý nghĩa của danh Giê-hô-va không chỉ giới hạn trong động từ được trích nơi Xuất Ai Cập 3:14 là: “Ta Sẽ Trở Thành Đấng Ta Chọn Trở Thành” hay “Ta Sẽ Chứng Tỏ Là Đấng Ta Sẽ Chứng Tỏ”. Những từ này không định nghĩa trọn vẹn danh của Đức Chúa Trời. Đúng hơn, chúng tiết lộ một khía cạnh trong đức tính của ngài, cho thấy ngài sẽ trở thành bất cứ điều gì cần thiết trong mọi hoàn cảnh để thực hiện ý định của mình. Vậy, dù danh Giê-hô-va có thể bao hàm nghĩa này, nhưng không chỉ giới hạn ở đó. Danh ấy cũng bao hàm những điều ngài làm cho xảy ra liên quan đến các tạo vật và việc hoàn thành ý định của ngài.