Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

ANH DAVID MAZA | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Một gia đình hạnh phúc gặp thảm kịch rồi được chữa lành

Một gia đình hạnh phúc gặp thảm kịch rồi được chữa lành

Sau khi tìm hiểu Kinh Thánh và áp dụng các nguyên tắc trong đó, cuối cùng tôi cũng có được điều mà mình từng nghĩ là không thể, đó là gia đình hạnh phúc. Vợ chồng tôi và ba người con cùng nhau hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Nhưng rồi một thảm kịch bất ngờ ập đến vào ngày 24-4-2004.

 Khi vợ tôi là Kaye sinh con gái đầu lòng là Lauren, tôi không biết cách để làm một người cha tốt. Khi đứa con thứ hai của chúng tôi là Michael ra đời, tôi vẫn chẳng khá hơn. Hôn nhân của cha mẹ tôi chỉ toàn là những cuộc cãi vã và cuối cùng là ly dị. Dù rất muốn là người chủ gia đình tốt, nhưng tôi lại không biết phải làm thế nào.

 Tệ hơn thế, tôi đã nghiện rượu và ma túy khi ở tuổi thanh thiếu niên. Rồi khi lớn lên, tôi vẫn chứng nào tật nấy. Những thói nghiện, bao gồm cả cờ bạc, đã khiến tôi có nhiều quyết định sai. Mọi chuyện tồi tệ đến mức Kaye đã bỏ tôi và mang theo hai đứa con. Tôi rất suy sụp.

 Tôi hỏi Kaye là tôi cần làm gì để cô ấy quay về. Lúc đó, cô ấy đang học Kinh Thánh với một Nhân Chứng Giê-hô-va tên là Gloria, nên điều kiện của cô ấy rất đơn giản: “Hãy học Kinh Thánh”. Tôi không biết điều đó nghĩa là gì và cũng không hứng thú, nhưng vì muốn Kaye quay trở lại nên tôi đã đồng ý gặp chị Gloria và chồng chị là anh Bill.

Một cuộc thảo luận thay đổi đời tôi

 Khi anh Bill và chị Gloria đến nhà chúng tôi, tôi ấn tượng khi thấy họ rất yêu thương và gắn bó với nhau. Tôi biết được là những người con của họ, trạc tuổi tôi, đang dùng đời sống một cách ý nghĩa. Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ Kinh Thánh chính là chìa khóa để có một gia đình hạnh phúc.

 Hôm đó, anh Bill và chị Gloria cũng nói chuyện về những vấn đề của tôi. Họ cho tôi xem điều Kinh Thánh nói nơi Ga-la-ti 6:7: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”. Tôi thầm nghĩ: “Nếu từ trước đến giờ mà mình nghĩ đến câu này trước khi đưa ra quyết định thì mình đã tránh được biết bao vấn đề!”.

Chị Kaye và anh David

 Với thời gian, đời tôi đã cải thiện nhiều khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Tôi và Kaye đã bỏ thuốc lá, tôi cũng được giúp đỡ để bỏ các thói nghiện khác. Vào năm 1985, chúng tôi có thêm một bé trai tên là David, gọi thân mật là Davey. Cuối cùng thì tôi cũng biết cách để làm một người cha tốt.

Hợp nhất phụng sự Đức Giê-hô-va

 Là cha mẹ, tôi và Kaye nhận ra rằng khi dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va thì chúng tôi cũng đến gần ngài hơn. Chúng tôi học được nhiều từ các ấn phẩm như sách Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn. Ngoài ra, các gia đình trong hội thánh cũng là gương tốt cho chúng tôi và các con.

Anh Michael và chị Diana

 Tất cả các con của chúng tôi đều làm tiên phong. Đến đầu năm 2004, Lauren đã phụng sự ở một hội thánh tiếng Tây Ban Nha. Vào thời điểm đó, Michael vừa rời Bê-tên để kết hôn với Diana, và họ sắp chuyển đến Guam phụng sự. Còn Davey, lúc đó 19 tuổi, mới phụng sự tại Cộng hòa Dominica được một thời gian.

 Vợ chồng tôi rất tự hào về quyết định của các con. Chúng tôi có cảm nghĩ giống với những lời nơi 3 Giăng 4: “Không có gì khiến tôi vui mừng hơn là nghe rằng con cái tôi tiếp tục bước theo chân lý”. Nhưng chúng tôi không biết là đời mình sẽ thay đổi chỉ sau một cuộc điện thoại.

Một thảm kịch đau lòng

 Vào ngày 24-4-2004, vợ chồng tôi chở hai cặp khác cùng đi ăn tối tại một nhà hàng cách nhà chúng tôi hơn 100km. Sau đó, tôi thả mọi người ở một quán cà phê để ăn tráng miệng rồi đi kiếm chỗ đậu xe. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên. Đó là của một người bạn và giọng anh ấy run run.

 Anh ấy nói: “Có chuyện rồi anh ơi. Davey gặp tai nạn”.

 Tôi hỏi: “Davey có sao không?”, và rất sợ nghe câu trả lời.

 Lúc đầu, anh ấy không thể nói thành lời. Rồi anh ấy ngập ngừng nói là Davey đã qua đời.

 Sau khi cúp máy, tôi nài xin Đức Giê-hô-va ban thêm sức. Rồi tôi đi vào quán cà phê và nói với mọi người là mình cảm thấy không khỏe, nên tốt hơn là chúng tôi sẽ về nhà. Tôi muốn nói cho Kaye biết chuyện của Davey khi chỉ có hai chúng tôi.

 Quãng đường 90 phút về nhà là một cực hình đối với tôi. Trong xe, Kaye hào hứng kể với mọi người về việc Davey sắp về thăm. Khi Kaye chưa hề hay biết chuyện Davey qua đời, thì những tin nhắn an ủi cứ liên tục xuất hiện trên điện thoại của tôi.

 Sau khi đưa mọi người về, chúng tôi trở về nhà. Kaye nhìn tôi và nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Cô ấy hỏi: “Có chuyện gì vậy anh?”. Tôi biết rằng câu trả lời của mình sẽ làm cô ấy tan nát cõi lòng, giống như cảm xúc của tôi sau cuộc điện thoại trước đó gần hai tiếng.

Đương đầu với nỗi mất mát

 Trước đây, vợ chồng tôi đã đương đầu với nhiều thử thách và chúng tôi biết rằng Đức Giê-hô-va luôn nâng đỡ dân ngài (Ê-sai 41:10, 13). Nhưng thử thách này thì hoàn toàn khác. Tôi cứ nghĩ: “Tại sao chuyện này lại xảy đến với Davey, người đã sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va? Tại sao ngài không bảo vệ con mình?”.

 Các con của chúng tôi cũng rất suy sụp. Lauren như là người mẹ thứ hai của Davey, nên Lauren đã rất đau lòng. Michael cũng vậy. Dù đã phụng sự xa gia đình khoảng 5 năm, Michael rất vui và hãnh diện khi thấy em trai bé nhỏ ngày nào đã trở thành một người thành thục.

 Ngay từ đầu, hội thánh là nguồn trợ giúp lớn cho chúng tôi. Chẳng hạn, khi Kaye vẫn còn sốc về sự ra đi của Davey, các anh chị trong hội thánh đã đến an ủi và trợ giúp chúng tôi (Châm ngôn 17:17). Tôi sẽ không bao giờ quên tình yêu thương của họ!

 Để đương đầu với nỗi đau, vợ chồng tôi đều đặn cầu nguyện, học Kinh Thánh và tham dự nhóm họp. Dù không giúp xóa đi nỗi đau, nhưng chúng tôi biết rằng việc duy trì nề nếp này là điều quan trọng để giữ vững tình trạng thiêng liêng.—Phi-líp 3:16.

Chị Lauren và anh Justin

 Trong thời gian này, Michael và Diana chuyển về sống gần chúng tôi, Lauren cũng trở về hội thánh của chúng tôi. Việc ở bên hỗ trợ lẫn nhau trong vài năm đã giúp cả gia đình nguôi ngoai nỗi đau. Sau khi Lauren kết hôn, thì chồng của Lauren là Justin cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều.

Một chuyến hành trình khó khăn

 Không lâu sau khi Davey qua đời, có một điều khác mà chúng tôi đã thực hiện để đương đầu với nỗi mất mát, dù rất khó nhưng hóa ra lại là một ân phước. Kaye sẽ kể câu chuyện này.

 “Khi nghe chồng nói là Davey qua đời, như thể tôi bị rơi vào một hố đen và ở đó trong một thời gian dài. Nỗi đau cứ gặm nhấm tôi từng ngày và khiến tôi hầu như không thể làm gì cả. Tôi cứ khóc suốt. Nói thật là đôi lúc tôi giận Đức Giê-hô-va và những người còn sống. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn mất thăng bằng.

 Tôi muốn đến Cộng hòa Dominica. Tôi muốn có mặt ở nơi mà Davey từng sống và phụng sự Đức Giê-hô-va trong những tháng cuối đời của con. Mặt khác, tôi vẫn chưa thật sự ổn định về mặt cảm xúc và nghĩ là mình không thể thực hiện được chuyến đi này.

 Nhưng một người bạn thân đã trợ giúp tôi khi nói là bạn bè của Davey tại Cộng hòa Dominica cũng rất đau buồn và họ muốn gặp gia đình của Davey. Nhờ thế, tôi có được sức mạnh để bay đến đó.

 Chuyến đi đó chính là điều mà chúng tôi cần. Chúng tôi biết được rằng Davey là một người thiêng liêng như thế nào. Trưởng lão duy nhất ở hội thánh mà Davey phụng sự nói rằng Davey là một người đáng tin cậy và luôn chu toàn các trách nhiệm được giao.

 Khi chúng tôi đi bộ quanh con phố mà Davey từng sống, nhiều người đến nói với chúng tôi về những điều tốt mà Davey đã làm cho họ. Dù biết Davey là một người tốt bụng, nhưng trải nghiệm này giúp tôi thấy được con trai của mình đã theo sát dấu chân Chúa Giê-su như thế nào.

Anh Davey khi phụng sự tại Cộng hòa Dominica

 Chúng tôi cũng gặp một trong những học viên Kinh Thánh của Davey. Học viên ấy sống trong một nhà rất chật hẹp và không thể ra khỏi giường vì bị giới hạn về sức khỏe. Các anh chị trong hội thánh nói rằng bất kể tình cảnh sống khắc khổ của học viên ấy, Davey vẫn luôn đối xử tôn trọng với anh ấy. Điều này khiến tôi rất tự hào về Davey!

 Từ trước đến giờ, đây là chuyến đi khó khăn nhất đối với tôi. Tuy nhiên, qua chuyến đi này, chúng tôi đã gặp những người biết Davey và cùng nhau san sẻ nỗi buồn cũng như nói về hy vọng trong tương lai. Điều này giúp cho nỗi đau trong lòng chúng tôi được nguôi ngoai phần nào”.

Được thúc đẩy từ gương của Davey

 Trong Tỉnh Thức! ngày 8-1-2005, có một bài kể về tai nạn của Davey và quãng thời gian phụng sự tại Cộng hòa Dominica. Lúc đó, gia đình chúng tôi không hề biết là bài đó sẽ tác động đến độc giả nhiều như thế nào. Chẳng hạn, vào tháng 5 năm 2019, một anh tên Nick đã liên lạc với chúng tôi và nói như sau:

 “Vào cuối năm 2004, cháu đang học đại học và không có mục tiêu thiêng liêng. Cháu không thấy hạnh phúc. Cháu đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình dùng những năm tháng tuổi trẻ một cách ý nghĩa hơn. Không lâu sau đó, cháu đọc bài về kinh nghiệm của Davey trong Tỉnh Thức!. Đó là câu trả lời cho lời cầu nguyện của cháu!

 Cháu nghỉ học và bắt đầu làm tiên phong. Cháu cũng đặt mục tiêu học tiếng Tây Ban Nha và chuyển đến một quốc gia khác. Với thời gian, cháu đã phụng sự tại Nicaragua và cũng tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời với vợ. Khi người khác hỏi điều gì đã thúc đẩy cháu làm tiên phong, cháu chia sẻ kinh nghiệm của Davey với họ”.

 Chúng tôi cũng có một bất ngờ khác khi gặp một em tên Abi. Em được giao nhiệm vụ giúp đỡ các đại biểu tại khách sạn mà chúng tôi ở trong kỳ hội nghị quốc tế năm 2019 tại Buenos Aires, Argentina. Chúng tôi rất ấn tượng trước cách cư xử yêu thương và tử tế của em ấy. Em ấy làm cả hai chúng tôi gợi nhớ đến Davey.

Kinh nghiệm của anh Davey thúc đẩy chị Abi làm tiên phong và chuyển đến phụng sự ở một vùng hẻo lánh

 Khi về phòng ở khách sạn, chúng tôi gửi cho Abi đường liên kết dẫn đến bài về kinh nghiệm của Davey trong Tỉnh Thức!. Một vài phút sau, em ấy hồi âm và nói là rất muốn nói chuyện với chúng tôi, nên chúng tôi đã gặp nhau dưới sảnh. Tại đó, Abi rưng rưng nước mắt và nói rằng chính kinh nghiệm của Davey đã thúc đẩy em bắt đầu làm tiên phong vào tháng 9 năm 2011 và rồi phụng sự ở một vùng hẻo lánh. Em ấy nói: “Mỗi khi gặp thử thách tại nhiệm sở, cháu đọc lại kinh nghiệm của anh Davey”. Em ấy còn mang theo bài đó!

 Những kinh nghiệm như thế cho thấy chúng ta thuộc về một gia đình quốc tế. Không điều gì trong thế gian này có thể sánh bằng sự hợp nhất của dân Đức Giê-hô-va!

 Vợ chồng tôi được an ủi khi biết rằng kinh nghiệm của Davey đã tác động tích cực đến người khác như vậy. Thật ra thì tất cả những người trẻ đang hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va cũng tác động như thế đến người khác. Có lẽ họ không biết, nhưng khi thấy lòng sốt sắng và gương mẫu của họ thì người khác được thúc đẩy để phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng.

“Đối với ngài tất cả họ đều sống”

 Nơi Lu-ca 20:37, Chúa Giê-su nhắc lại lời của Đức Giê-hô-va khi ngài gọi mình là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”. Đức Giê-hô-va không nói rằng ngài chỉ là Đức Chúa Trời của họ khi họ còn sống nhưng vẫn luôn là Đức Chúa Trời của họ! Tại sao? Nơi câu 38, Chúa Giê-su cho biết lý do: “Đối với ngài tất cả họ đều sống”.

 Thật vậy, trong mắt Đức Giê-hô-va, tất cả các tôi tớ trung thành của ngài đều đang sống. Điều đó cho thấy rằng ngài mong mỏi và chắc chắn sẽ làm họ sống lại! (Gióp 14:15; Giăng 5:28, 29). Tôi tin chắc rằng trong mắt ngài, Davey và các tôi tớ khác đã qua đời cũng đang sống.

 Dù rất muốn gặp lại Davey, nhưng điều tôi còn mong muốn hơn là được thấy cảnh Kaye đoàn tụ với con. Tôi chưa bao giờ thấy ai đau buồn đến vậy. Những lời nơi Lu-ca 7:15 đặc biệt có ý nghĩa với tôi: “Người chết ngồi dậy và bắt đầu nói, Chúa Giê-su giao anh ta lại cho mẹ”.

 Vào tháng 9 năm 2005, tôi bắt đầu làm tiên phong cùng với Kaye. Thật là một ân phước khi được làm tiên phong cùng với vợ và vợ chồng các con. Gia đình chúng tôi hợp nhất, hỗ trợ lẫn nhau và tập trung vào hy vọng về thế giới mới trong tương lai, khi cả gia đình được đoàn tụ với Davey yêu dấu của chúng tôi.