Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

ANH TERRY REYNOLDS | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ để tôi dâng cho ngài điều tốt nhất

Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ để tôi dâng cho ngài điều tốt nhất

 Khi tôi 14 tuổi, có một anh Nhân Chứng trung thành và lớn tuổi tên là Cecil đã tặng cho tôi một cuốn Kinh Thánh. Đó là cuốn mà anh dùng để học hỏi cá nhân và có những ghi chú của anh. Tôi nghĩ: “Đây quả là một món quà tuyệt vời”.

 Anh Cecil là người khiêm nhường và rất quan tâm đến người khác. Gương của anh ấy và gương của mẹ cũng như của các anh chị trung thành khác trong hội thánh đã khơi dậy trong tôi “ước muốn… để hành động”, tức dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có (Phi-líp 2:13). Tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình.

Được thúc đẩy nhờ lòng sốt sắng của mẹ

 Tôi chào đời vào năm 1943. Cha mẹ tôi sống ở một nông trại gần thành phố biển Bundaberg thuộc vùng trồng mía của Queensland, Úc. Người dân ở đó có thói quen vào thành phố mỗi tối thứ Bảy để gặp gỡ bạn bè. Ngày nọ, vào năm 1939, cha mẹ tôi gặp hai tiên phong (là những Nhân Chứng Giê-hô-va phụng sự trọn thời gian). Họ nói với cha mẹ tôi về Kinh Thánh. Những điều mà cha mẹ tôi học được đã động đến lòng họ, và với thời gian họ trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, tôi và chị gái là Jean được nuôi dạy trong gia đình đạo Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cha tôi bị ngã cầu thang và qua đời tại nhà. Lúc ấy tôi chỉ bảy tuổi, và đó là cú sốc lớn đối với tôi. Dù vậy, tôi nhớ rõ cha là người làm việc rất siêng năng và có khiếu hài hước. Tôi mong mỏi gặp lại cha khi cha được sống lại và được biết rõ hơn về cha!—Công vụ 24:15.

 Mẹ tôi là người tốt bụng và phải lẽ. Mẹ giúp chị em chúng tôi cảm thấy thoải mái để chia sẻ về những điều mình thích và không thích. Nhưng liên quan đến nguyên tắc Kinh Thánh và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va thì mẹ nghiêm khắc hơn. Chúng tôi đều đặn tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô. Chị em chúng tôi cũng được mẹ khuyên là ngoài giờ học ở trường thì không nên kết hợp quá nhiều với những bạn không phải là Nhân Chứng (1 Cô-rinh-tô 15:33). Nhìn lại, tôi rất biết ơn về sự nghiêm khắc của mẹ.

Khi tôi khoảng 14 tuổi

 Mẹ tôi cũng là người rao truyền Nước Trời rất sốt sắng. Mẹ thường làm tiên phong kỳ nghỉ (nay được gọi là tiên phong phụ trợ). Tôi còn nhớ mẹ đều đặn thăm lại hơn 50 người chú ý để phân phát tạp chí Tháp CanhTỉnh Thức!. Ngay cả khi mẹ đã lớn tuổi và sức khỏe yếu nhưng lòng quan tâm của mẹ dành cho người chú ý vẫn không hề suy giảm. Khi thấy tình yêu thương của mẹ dành cho người khác và đặc biệt là cho các con, chúng tôi được thúc đẩy để bắt chước mẹ. Vào năm 1958, tôi dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và báp-têm ở tuổi 14.

Được khích lệ nhờ bạn bè tốt

 Không lâu sau đó, một anh hơn 20 tuổi trong hội thánh là anh Rudolf cũng báp-têm. Anh ấy là người nhập cư từ Đức. Vào mỗi sáng thứ Bảy, tôi và anh Rudolf thường làm chứng cho những người ngồi trong xe hơi khi đợi những thành viên trong gia đình họ mua sắm.

 Anh Rudolf rất sốt sắng, và anh mời tôi cùng làm tiên phong kỳ nghỉ vào những kỳ nghỉ ở trường. Có lần chúng tôi rao giảng sáu tuần cùng nhau ở thành phố Gladstone, cách phía bắc Bundaberg khoảng 190km. Anh ấy quan tâm đến tôi như một người anh trai. Lòng quan tâm đó và niềm vui mà tôi cảm nghiệm khi làm tiên phong kỳ nghỉ đã vun trồng trong tôi ước muốn làm tiên phong đều đều. Khi 16 tuổi, tôi đã đạt được mục tiêu đó, và tôi quyết tâm dùng đời sống mình để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian.

 Nhiệm sở tiên phong đầu tiên của tôi là ở Mackay, một thành phố ven biển thuộc phía bắc Bundaberg và không xa so với rạn san hô Great Barrier. Khoảng một năm sau, khi 17 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt a ở một vùng hẻo lánh thưa dân thuộc Úc. Người bạn cùng làm tiên phong với tôi là anh Ben Brickell lớn hơn tôi 30 tuổi. Thật là một đặc ân khi được làm việc chung với anh tiên phong đầy kinh nghiệm đó. Anh ấy được nhiều người xem là tiên phong nổi bật. b

Rao giảng cho một phụ nữ thổ dân trong khu vực hẻo lánh, năm 1963

 Khu vực của chúng tôi nằm ở phía tây bắc Queensland, giáp với Vịnh Carpentaria. Vào thời đó, tôi và anh Ben là Nhân Chứng duy nhất ở vùng hẻo lánh thưa dân ấy. Đôi khi chúng tôi mất nhiều giờ để lái xe từ nhà này sang nhà kia. Khi di chuyển trên con đường khô cằn và bụi bặm ấy, anh Ben thường kể những kinh nghiệm trước đây mà anh có trong thánh chức. Những kinh nghiệm ấy bao gồm việc rao giảng bằng xe phóng thanh c trong Thế Chiến II khi công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Úc bị cấm đoán.

Một anh và tôi (ở giữa) đang điều khiển học hỏi Kinh Thánh trong khu vực hẻo lánh

 Sau khi kết thúc một ngày làm thánh chức, chúng tôi cắm trại qua đêm tại một nơi gần con đường. d Để chuẩn bị cho bữa tối, chúng tôi nhặt củi và đốt lửa trại. Giường của tôi được làm bằng một tấm bạt chống thấm, cũng có chăn và gối. Tôi vẫn nhớ mình đã thán phục Đức Giê-hô-va đến mức nào khi nhìn lên bầu trời đầy sao mà không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn thành phố.

 Ở khu vực biệt lập này, việc hỏng xe có thể rất nguy hiểm. Dịp nọ, trục xe của chúng tôi bị hỏng. Hôm đó trời rất nóng, và chúng tôi cũng sắp hết nước. Để thay cái trục, anh Ben phải đi nhờ xe để vào thị trấn Cloncurry. Còn tôi thì phải ở lại trông xe ba ngày. Mỗi ngày, có một vài chiếc xe đi qua, và các tài xế đã tử tế cho tôi chút nước. Một người đàn ông cũng đưa cho tôi cuốn sách bị sờn rách và nói: “Hãy đọc cái này đi. Nó có thể giúp anh”. Tôi rất ngạc nhiên là sách đó không phải do tổ chức chúng ta xuất bản nhưng lại nói về những kinh nghiệm của Nhân Chứng Giê-hô-va trong các trại tập trung của Quốc Xã!

 Tôi và anh Ben cùng làm tiên phong với nhau gần một năm. Điều cuối cùng anh nói với tôi trước khi chúng tôi tạm biệt, đó là “Cố lên em trai”. Lòng sùng kính và sự sốt sắng của anh Ben đã giúp tôi càng quyết tâm tiếp tục phụng sự trọn thời gian.

Tham dự Trường Ga-la-át, sau đó đến Đài Loan

 Sau khi làm tiên phong trong khu vực hẻo lánh đó vài năm, tôi được mời làm giám thị vòng quanh. Công việc này gồm dành khoảng một tuần để thăm mỗi hội thánh và nhóm đơn lẻ trong vòng quanh. Trong nhiều năm, tôi được chỉ định thăm bốn vòng quanh. Các vòng quanh này bao gồm các hội thánh ở Queensland và New South Wales. Rồi vào năm 1971, tôi có đặc ân bất ngờ là được tham dự khóa thứ 51 của Trường Ga-la-át, là trường giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York. Nhờ tập trung nghiên cứu Kinh Thánh trong 5 tháng và nhận được sự khích lệ khi kết hợp với các học viên cũng như với giảng viên, tôi được trang bị cho nhiệm sở kế tiếp, đó là làm giáo sĩ ở Đài Loan.

Khóa Ga-la-át mà tôi tham dự

 Chín học viên trong lớp của chúng tôi được bổ nhiệm đến Đài Loan, trong đó có anh Ian Brown đến từ New Zealand. Anh ấy là bạn cùng làm giáo sĩ với tôi. Chúng tôi không biết gì về Đài Loan cả, thậm chí còn không biết nước đó nằm ở đâu. Chỉ sau khi xem bản đồ thì chúng tôi mới biết.

 Tôi không nghĩ là vùng hẻo lánh thuộc Queensland và Đài Loan lại khác nhau đến thế! Thử thách đầu tiên của chúng tôi là vấn đề ngôn ngữ, đó là tiếng Hoa. Trong thời gian khá dài, tôi không hiểu những gì được trình bày tại các buổi nhóm họp, là nơi cung cấp những điều cần thiết để giúp đức tin mình vững mạnh. Chúng tôi cũng không trò chuyện được nhiều với anh em đồng đạo. Tình huống này đã giúp tôi và anh Ian hiểu vì sao chúng tôi cần học rất nhiều điều tại Trường Ga-la-át. Việc học Kinh Thánh đều đặn và cầu nguyện chân thành đã giúp chúng tôi không bỏ cuộc. Dù không trò chuyện được nhiều với anh em địa phương, nhưng chúng tôi được khích lệ rất nhiều khi thấy tình yêu thương mà họ dành cho chúng tôi và cho Đức Giê-hô-va.

Học tiếng Hoa

 Sau khi đến Đài Loan, tất cả các giáo sĩ phải học tiếng Hoa rất nhiều trong một thời gian ngắn. Người dạy tiếng Hoa cho chúng tôi là một chị đến từ Úc tên là Kathleen Logan, e tốt nghiệp khóa thứ 25 của Trường Ga-la-át. Chúng tôi tập trung tối đa vào việc học ngôn ngữ này. Và như được hướng dẫn, chúng tôi áp dụng ngay điều mình học được. Ngày đầu tiên khi đi thánh chức, tôi và anh Ian đã học thuộc một lời trình bày ngắn. Trên đường đến khu vực, chúng tôi thảo luận xem ai sẽ là người nói đầu tiên. Tôi chọc anh Ian và nói rằng vì tôi lớn hơn nên tôi quyết định anh Ian sẽ nói trước. Chủ nhà là người Hoa trông có vẻ đàng hoàng. Ông ấy kiên nhẫn lắng nghe anh Ian vừa nói tiếng Hoa vừa nói tiếng Anh. Rồi chúng tôi ngạc nhiên khi ông ấy hỏi bằng tiếng Anh một cách trôi chảy là tại sao chúng tôi đến gặp ông ấy. Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, ông khuyến khích chúng tôi kiên trì học tiếng Hoa. Những lời tử tế của ông ấy đã giúp chúng tôi có thêm tự tin để tiếp tục cố gắng, như anh Ben từng nói.

 Khu vực của chúng tôi là một vùng rộng lớn thuộc thủ đô Đài Bắc. Vì có rất ít Nhân Chứng sống ở đó nên đa số người ta chưa từng được nghe tin mừng. Không nản lòng, tôi và anh Ian bắt tay vào công việc. Vào thời bấy giờ, chúng tôi thường để lại hàng trăm tạp chí mỗi tháng. Sự thật là có những người nhận tạp chí chỉ vì muốn biết chúng tôi là ai và muốn nói gì! Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để gieo hạt giống Nước Trời và tin chắc rằng một số hạt giống sẽ sinh hoa kết quả.

Được bạn đời trợ giúp

Wen-hwa và tôi tham gia thánh chức, năm 1974

 Trong thời gian làm thánh chức ở đây, tôi kết bạn với một chị Đài Loan địa phương tên là Wen-hwa. Cô ấy rất yêu mến chân lý và muốn giúp người dân địa phương nhận lợi ích từ thông điệp Kinh Thánh giống như cô ấy. Để đạt được mục tiêu đó, cô ấy đã giúp nhiều giáo sĩ, trong đó có tôi, cải thiện những kỹ năng về ngôn ngữ. Với thời gian, tôi có cảm tình với cô ấy, và chúng tôi kết hôn vào năm 1974.

 Wen-hwa đã giúp các giáo sĩ hữu hiệu hơn trong thánh chức. Chẳng hạn, cô ấy đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về phong tục và lối suy nghĩ của người Đài Loan. Cô ấy cũng giúp chúng tôi thay đổi lời trình bày cho phù hợp với khu vực địa phương, là khu vực mà phần lớn người ta theo Phật giáo và Lão giáo. Đa số người ta ở đây thờ cúng tổ tiên và chưa từng đọc Kinh Thánh, thậm chí chưa bao giờ thấy sách ấy. Vì thế, những lời trình bày của chúng tôi tập trung vào Đấng Tạo Hóa, danh ngài là Giê-hô-va và tại sao chúng ta tin chắc ngài hiện hữu. Ví dụ, khi một nông dân hoặc ngư dân nói thành ngữ “Chúng tôi dựa vào trời để có thực phẩm”, chúng tôi sẽ đáp lại: “Ai là đấng cung cấp mọi thực phẩm? Hẳn đó là ông Trời. Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo ra muôn vật và là đấng xứng đáng để chúng ta thờ phượng”.

Cùng với Wen-hwa, năm 1975

 Với thời gian, những nỗ lực của chúng tôi được tưởng thưởng. Hạt giống Nước Trời đã sinh hoa kết quả trong lòng những người hưởng ứng tin mừng. Một số học viên Kinh Thánh đã nỗ lực để từ bỏ niềm tin sai lầm ăn sâu trong lòng và phong tục trái với Kinh Thánh. Nhưng với sự giúp đỡ của các giáo sĩ và công bố địa phương, họ đã làm được, và đời sống họ cải thiện rất nhiều (Giăng 8:32). Sau này, nhiều anh được bổ nhiệm làm trưởng lão và phụ tá hội thánh. Nhiều anh chị cũng bắt đầu phụng sự trọn thời gian, trong đó có những anh chị phụng sự tại chi nhánh địa phương, tức Bê-tên.

 Kể từ năm 1976, tôi có đặc ân vừa phục vụ trong Ủy ban Chi nhánh Đài Loan, vừa làm giáo sĩ ngoài cánh đồng. Vào năm 1981, vợ chồng chúng tôi được mời vào Bê-tên, và tôi tiếp tục phục vụ trong ủy ban chi nhánh nhiều năm. Tính đến nay, tôi đã phụng sự trọn thời gian được 60 năm. Trong đó, tôi phụng sự ở Đài Loan hơn 50 năm, và gần 50 năm là cùng với người vợ yêu dấu của mình. Người bạn và cùng làm giáo sĩ với tôi trước đây là anh Ian Brown tiếp tục phụng sự trọn thời gian ở Đài Loan cho đến khi qua đời vào năm 2013.

Văn phòng làm việc của tôi tại Đài Loan, năm 1997

 Vợ chồng chúng tôi cố gắng bận rộn trong công việc tại Bê-tên, trong hội thánh tiếng Hoa và trong thánh chức. Chúng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về những đặc ân quý giá này. Ngài đã ban cho tôi ước muốn lẫn sức mạnh để phụng sự ngài hết lòng khi tôi còn là một cậu bé, và ngài tiếp tục làm thế cho vợ chồng chúng tôi khi chúng tôi lớn tuổi.

a Tiên phong đặc biệt là người rao truyền tin mừng trọn thời gian. Người đó tình nguyện đến nơi mà văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va xác định là cần người dạy Kinh Thánh.

b Câu chuyện cuộc đời của anh Ben Brickell được đăng trong Tháp Canh ngày 1-9-1972 (Anh ngữ).

c Xe phóng thanh được trang bị thêm loa bên ngoài để thông điệp Nước Trời được vang ra xa hơn.

d Để biết anh em rao giảng thế nào ở phía tây bắc Queensland, xin xem video Làm chứng ở khu vực biệt lập​—Úc.

e Câu chuyện cuộc đời của anh Harvey và chị Kathleen Logan được đăng trong Tháp Canh tháng 1 năm 2021.