Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHỊ ASTER PARKER | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Tôi muốn dâng trọn đời sống cho Đức Giê-hô-va

Tôi muốn dâng trọn đời sống cho Đức Giê-hô-va

 Tôi rất biết ơn vì cha mẹ yêu dấu đã dạy tôi chân lý từ khi còn nhỏ. Họ dùng những hình ảnh và các câu chuyện trong sách Từ địa đàng đã mất đến địa đàng được khôi phục (From Paradise Lost to Paradise Regained) để động đến lòng tôi. Tôi nhiệt tình chia sẻ điều mình học với những đứa trẻ ở nhà kế bên và với ông nội khi ông đến thăm. Cha mẹ có một nề nếp thiêng liêng rất tốt, và điều này đã giúp gia đình chúng tôi thích nghi khi chuyển từ Asmara, Eritrea đến Addis Ababa, Ethiopia.

 Từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu mến chân lý. Tôi muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Khi 13 tuổi, tôi rất vui vì đã đạt được mục tiêu ấy. Khi tôi lên 14, anh Helge Linck a hỏi tôi có suy nghĩ đến việc làm tiên phong chưa. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc ấy. Dù lúc đó, cha mẹ tôi đã làm tiên phong tạm thời (nay được gọi là tiên phong phụ trợ), nhưng tôi không hiểu tiên phong đều đều có nghĩa gì. Câu hỏi của anh Linck đã gieo một hạt giống vào lòng tôi, đó là ước muốn để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn.

Tôi lúc ở tuổi thiếu niên, cùng với em trai là Josiah

Được chuẩn bị cho sự ngược đãi

 Vào năm 1974, biến động chính trị ở Ethiopia đã dẫn đến việc bắt giữ, giết chóc và hỗn loạn. Với thời gian, chúng tôi không thể rao giảng từng nhà và phải nhóm họp theo từng nhóm nhỏ. Cha mẹ bắt đầu chuẩn bị cho chị em chúng tôi để đương đầu với nhiều sự chống đối hơn. Các nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp chúng tôi hiểu sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nghĩa gì. Chúng tôi học được rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình biết phải nói gì nếu bị thẩm vấn và khi nào có lẽ cần giữ im lặng.—Ma-thi-ơ 10:19; 27:12, 14.

AFP PHOTO

Thời kỳ bất ổn xã hội, năm 1974

 Sau khi học xong, tôi bắt đầu làm việc cho hãng hàng không Ethiopia. Vào một buổi sáng, khi tôi đến chỗ làm thì các đồng nghiệp chúc mừng tôi vì tôi được chọn làm người dẫn đầu đoàn diễu hành trong ngày kỷ niệm của chính phủ. Thấy vậy, tôi liền nói với quản lý rằng vì giữ lập trường trung lập nên tôi sẽ không tham gia ngày lễ đó.

 Ngày hôm sau, khi đang làm việc tại sân bay, từ đằng xa tôi thấy một nhóm người nam đeo súng trường trên vai đi về phía quầy vé. Tôi nghĩ họ đến để bắt ai đó đang cố trốn khỏi đất nước. Nhưng thay vì thế, họ lại chỉ tay về phía tôi. Họ muốn gì ở tôi? Một ngày làm việc bình thường của tôi giờ đã thay đổi hoàn toàn.

Được giúp đỡ khi ngồi tù

 Những người lính đã dẫn tôi đến một trụ sở, và tôi bị thẩm vấn trong vài giờ. Họ yêu cầu tôi cho biết: “Ai trả tiền cho Nhân Chứng Giê-hô-va? Có phải cô làm việc cho Mặt trận Giải phóng Eritrea không? Có phải cô hoặc ba cô làm việc cho chính quyền Hoa Kỳ không?”. Dù lẽ ra tình huống này rất căng thẳng, nhưng tôi cảm thấy bình tĩnh nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 4:6, 7.

 Sau cuộc thẩm vấn, binh lính giải tôi đến một căn nhà được chuyển thành nhà tù và giam tôi trong một căn phòng rộng 28 mét vuông. Ở đó đã có khoảng 15 phụ nữ trẻ là tù nhân chính trị.

Lúc tôi là nhân viên hãng hàng không

 Vào đêm đó, khi nằm trên sàn nhà cứng trong khi vẫn còn mặc đồng phục của hãng hàng không, tôi lo lắng vì biết rằng cha mẹ và các em đang rất lo cho mình. Họ biết là tôi bị bắt nhưng không biết là tôi đang ở đâu. Tôi đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp gia đình mình biết nơi tôi bị giam.

 Vào sáng hôm sau khi thức dậy, tôi thấy một người lính trẻ mà tôi quen. Cậu ấy nhìn tôi vẻ kinh ngạc và nói: “Chị Aster, chị đang làm gì ở đây vậy?”. Tôi đã xin cậu ấy đến nhà của cha mẹ mình và cho họ biết tôi đang ở đâu. Cuối ngày hôm đó, tôi nhận được thức ăn và quần áo mà cha mẹ gửi. Cậu lính ấy đã nói cho họ biết nơi mà tôi ở. Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi! Trải nghiệm đó đảm bảo với tôi rằng mình không đơn độc.

 Tôi không được phép có Kinh Thánh hay bất cứ ấn phẩm nào khác. Gia đình và bạn bè cũng không được phép thăm tôi. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự khích lệ cho tôi qua các tù nhân khác. Tôi rao giảng cho họ mỗi ngày, và họ rất ấn tượng khi nghe sự thật về Nước Đức Chúa Trời. Họ thường nói với tôi: “Chúng tôi đang đấu tranh cho chính phủ loài người, còn chị thì đang đấu tranh cho chính phủ của Chúa. Đừng thỏa hiệp, ngay cả khi họ dọa giết chị!”.

 Đôi khi, binh lính cũng thẩm vấn và đánh tù nhân. Đêm nọ, vào lúc khoảng 11 giờ, họ đến để dẫn tôi tới phòng thẩm vấn. Khi thẩm vấn, họ đưa ra nhiều lời cáo buộc. Họ nói rằng tôi không ủng hộ chính quyền, và khi tôi không chịu lặp lại một khẩu ngữ chính trị thì hai người lính là nam giới đã đánh tôi. Tôi đã bị đưa đi thẩm vấn vài lần như vậy. Mỗi lần, tôi đều cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va, và tôi cảm nghiệm ngài nâng đỡ mình.

 Ba tháng sau, một người lính đến nói với tôi rằng tôi được tự do. Dù rất ngạc nhiên và háo hức nhưng tôi cũng buồn một chút vì tôi đã rất thích chia sẻ hy vọng về Nước Trời cho những nữ tù nhân trẻ. Nhưng giờ đây, tôi không thể làm thế nữa.

 Vài tháng sau khi ra tù, trong khi tôi không có ở nhà, binh lính đã đến và bắt tất cả thanh thiếu niên trong gia đình chúng tôi! Họ bắt hai em gái và một em trai của tôi. Lúc đó, tôi quyết định rằng tốt nhất là mình nên trốn khỏi đất nước. Dù rất buồn khi nghĩ đến việc phải xa gia đình một lần nữa, nhưng mẹ đã khuyến khích tôi mạnh mẽ và tin cậy Đức Giê-hô-va. Không lâu sau đó, tôi đáp chuyến bay đến Hoa Kỳ. Cũng vào tối hôm ấy, binh lính đã đến nhà để bắt tôi lần thứ hai. Khi không thấy tôi ở nhà, họ lập tức đi sân bay. Nhưng khi họ đến nơi thì chuyến bay của tôi đã cất cánh.

 Tôi đến bang Maryland và được anh Haywood và chị Joan Ward chào đón. Anh chị ấy là giáo sĩ và từng giúp cha mẹ tôi học Kinh Thánh. Năm tháng sau, tôi đã đạt được mục tiêu của mình là làm tiên phong. Con gái của anh chị Ward là chị Cyndi trở thành bạn cùng làm tiên phong với tôi, và chúng tôi có nhiều trải nghiệm thú vị trong thánh chức.

Với bạn cùng làm tiên phong là chị Cyndi Ward

Dành trọn thời gian để phụng sự Đức Chúa Trời tại Bê-tên

Lúc phụng sự với chồng ở Bê-tên Wallkill, New York

 Vào mùa hè năm 1979, tôi thăm Bê-tên ở New York và gặp anh Wesley Parker. Tôi rất quý những phẩm chất tốt và mục tiêu thiêng liêng của anh. Vào năm 1981, chúng tôi kết hôn và tôi chuyển đến Wallkill, New York, để phụng sự tại Bê-tên cùng với anh Wesley. Tôi làm việc trong Ban Nhà và Ban Giặt khô, rồi sau đó làm việc với nhóm MEPS trong Ban Vi tính. Phụng sự tại Bê-tên cho tôi cơ hội dành trọn thời gian để phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi phụng sự ở đó, tôi cũng được biết nhiều anh chị mà đến giờ chúng tôi vẫn là bạn của nhau.

 Còn ở Ethiopia, gia đình tôi đang phải trải qua sự ngược đãi dữ dội, và điều này khiến tôi rất lo lắng. Ba người em của tôi bị bắt thì vẫn đang ở tù. b Mỗi ngày, mẹ tôi đều phải chuẩn bị và mang đồ ăn cho các em vì trong tù không cung cấp đồ ăn.

 Trong giai đoạn căng thẳng ấy, Đức Giê-hô-va là nơi trú náu của tôi, và gia đình Bê-tên cũng an ủi và hỗ trợ tôi (Mác 10:29, 30). Ngày nọ, anh John Booth nói với tôi rằng: “Chúng tôi rất vui vì chị phụng sự tại Bê-tên ở đây. Điều đó không thể xảy ra nếu chị không được Đức Giê-hô-va ban phước”. c Những lời tử tế ấy trấn an tôi rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho quyết định của mình là rời Ethiopia và ngài sẽ chăm sóc cho gia đình của tôi.

Phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với các con

 Vào tháng 1 năm 1989, chúng tôi biết tin là tôi có thai. Lúc đầu, chúng tôi bị sốc! Nhưng sau vài ngày, cảm xúc đó trở thành niềm vui. Dù vậy, chúng tôi băn khoăn không biết mình sẽ làm cha làm mẹ thế nào, chúng tôi sẽ sống ở đâu và làm sao để tự chu cấp sau khi rời Bê-tên.

 Vào ngày 15-4-1989, chúng tôi chất đồ lên xe và đi đến bang Oregon. Chúng tôi đã lên kế hoạch để tiếp tục phụng sự trọn thời gian với tư cách là tiên phong. Tuy nhiên, không lâu sau khi đến đó, một vài người bạn có ý tốt nói với chúng tôi rằng việc chúng tôi làm tiên phong thì không hợp lý. Đúng là chúng tôi có ít vật chất và sắp có con. Chúng tôi nên làm gì? Ngay sau đó, chúng tôi được giám thị vòng quanh là anh Guy Pierce và vợ là chị Penny đến thăm. d Họ khuyến khích chúng tôi đừng từ bỏ mục tiêu của mình. Vì thế chúng tôi bắt đầu làm tiên phong và tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ (Ma-la-chi 3:10). Chúng tôi tiếp tục làm tiên phong sau khi con trai thứ nhất là Lemuel chào đời, và ngay cả sau khi sinh con trai thứ hai là Jadon.

 Làm tiên phong khi các con còn nhỏ là một trải nghiệm mà chúng tôi rất quý. Công việc tiên phong cho chúng tôi nhiều cơ hội để giải thích những sự thật thiêng liêng không chỉ với người khác mà còn với các con mình (Phục truyền luật lệ 11:19). Tuy nhiên, sau khi sinh con trai thứ ba là Japheth, chúng tôi phải ngưng công việc tiên phong một thời gian.—Mi-chê 6:8.

Chúng tôi dạy các con phụng sự Đức Giê-hô-va

 Với tư cách là cha mẹ, chúng tôi nhận biết trách nhiệm quan trọng nhất của mình là giúp mỗi người con xem Đức Giê-hô-va là đấng có thật và xây đắp mối quan hệ cá nhân với ngài. Để làm được điều này, chúng tôi cố gắng làm cho buổi thờ phượng của gia đình trở thành điều mà các con mong đợi. Khi chúng còn rất nhỏ, chúng tôi đọc cùng nhau sách Hãy nghe lời Thầy Dạy LớnSách kể chuyện Kinh Thánh. Thậm chí chúng tôi còn diễn lại một số câu chuyện. Tôi là phụ nữ duy nhất trong nhà nên khi diễn lại câu chuyện về Giê-xa-bên, tôi đóng vai Giê-xa-bên. Các con thì thích giả vờ đẩy tôi xuống khỏi ghế sô-pha và sau đó giả vờ làm các con chó! Ngoài buổi thờ phượng của gia đình, anh Wesley cũng học Kinh Thánh với từng người con.

 Chúng tôi yêu thương các con và hết lòng chăm sóc chúng. Chúng tôi cầu nguyện để gia đình luôn gắn bó với nhau. Khi các con lớn hơn, chúng tôi dạy chúng những kỹ năng trong đời sống, chẳng hạn như rửa chén bát, dọn dẹp phòng, giặt quần áo và nấu ăn.

 Không chỉ các con học được những bài học mà ngay cả chúng tôi, là những bậc cha mẹ, cũng học được nhiều điều. Có những lần, chúng tôi đã phản ứng thái quá và nói những lời thiếu tử tế với các con hoặc với nhau. Vào những lần như thế, chúng tôi đã khiêm nhường và xin lỗi.

 Chúng tôi thường mời các anh chị trong hội thánh đến nhà để tỏ lòng hiếu khách. Chúng tôi cũng mời các thành viên Bê-tên, giáo sĩ, giám thị lưu động và những anh chị đang phụng sự ở nơi có nhu cầu (Rô-ma 12:13). Khi có các anh chị đến chơi, chúng tôi không bảo các con sang phòng khác. Chúng ở lại với chúng tôi, cùng trò chuyện và nghe những kinh nghiệm. Thường thì các con nhớ chi tiết các cuộc trò chuyện hơn là vợ chồng chúng tôi.

 Vợ chồng chúng tôi cố gắng để làm cho đời sống phụng sự Đức Giê-hô-va trở nên thú vị. Chẳng hạn, chúng tôi lên kế hoạch trước và tiết kiệm tiền cũng như ngày nghỉ, nhờ thế chúng tôi có thể đi du lịch ở các nước khác nhau. Mỗi chuyến đi, chúng tôi đều thăm văn phòng chi nhánh, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức. Điều này giúp chúng tôi quý trọng tổ chức toàn cầu của Đức Giê-hô-va, và gia đình chúng tôi gắn bó với nhau hơn.

Gia đình chúng tôi đi tham quan trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York, năm 2013

Tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng

 Chúng tôi nhận thấy có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha trong khu vực của mình, nhưng không thường xuyên được rao giảng. Vì thế, khi các con vẫn còn rất nhỏ, chúng tôi đã hỏi anh Pierce xem anh nghĩ sao về việc gia đình chúng tôi chuyển đến hội thánh tiếng Tây Ban Nha. Anh cười tươi và nói: “Một ngư dân thì sẽ đi đến nơi nào có cá”. Với sự khích lệ đó, chúng tôi đã chuyển đến hội thánh tiếng Tây Ban Nha ở Woodburn, bang Oregon. Chúng tôi rất vui vì có một số cuộc học hỏi tiến bộ, giúp một số người đến bước báp-têm và được thấy nhóm tiếng Tây Ban Nha trở thành hội thánh.

 Có một thời điểm, anh Wesley bị mất việc và anh tìm được việc mới ở bang California, nên chúng tôi phải chuyển đến đó. Hai năm sau, Lemuel, Jadon và tôi quyết định làm tiên phong. Vào năm 2007, tôi vui mừng được tham dự Trường dành cho tiên phong cùng với hai con. Không lâu sau khi học trường tiên phong, chúng tôi nhận thấy có nhiều người nói tiếng Ả Rập trong khu vực của mình. Vì thế, sau 13 năm phụng sự trong cánh đồng tiếng Tây Ban Nha, gia đình chúng tôi chuyển đến hội thánh tiếng Ả Rập. Chúng tôi rất vui khi chia sẻ chân lý cho nhiều người nhập cư nói tiếng Ả Rập cũng như ra nước ngoài để tham gia các đợt rao giảng đặc biệt trong ngôn ngữ đó. Chúng tôi tiếp tục làm tiên phong trong cánh đồng tiếng Ả Rập ở San Diego, bang California.

 Anh Wesley là người chồng và người làm đầu gia đình tuyệt vời. Anh rất tôn trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va. Anh không bao giờ nói bất cứ điều gì tiêu cực về Bê-tên hoặc những sắp đặt của hội thánh. Thay vì thế, anh luôn tìm điều tích cực để nói. Anh cầu nguyện với tôi và cho tôi. Khi chúng tôi đối mặt với tình huống căng thẳng, những lời cầu nguyện của anh đã an ủi tôi và giúp tôi bình tĩnh.

 Nhìn lại, chúng tôi thấy mình có nhiều niềm vui trong thánh chức trọn thời gian, trong việc nuôi dạy con cái và khi phụng sự trong các hội thánh có nhu cầu lớn. Chúng tôi thấy rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai đặt ngài lên hàng đầu, và chúng tôi chưa bao giờ thiếu bất cứ điều gì (Thi thiên 37:25). Tôi tin chắc rằng dành trọn đời sống cho Đức Giê-hô-va là quyết định tốt nhất mà tôi từng đưa ra.—Thi thiên 84:10.

Tôi chụp hình với gia đình (từ trái qua phải): Japheth, Lemuel, Jadon và anh Wesley

a Anh Linck đã phụng sự tại văn phòng chi nhánh Kenya, là nơi chăm sóc công việc Nước Trời ở Ethiopia.

b Các em của tôi được ra tù sau bốn năm.

c Anh Booth từng là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo cho đến khi kết thúc đời sống trên đất vào năm 1996.

d Sau này, anh Pierce là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo cho đến khi kết thúc đời sống trên đất vào năm 2014.