Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHỊ CAMILLA ROSAM | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Tôi đặt mục tiêu để luôn vâng lời Đức Giê-hô-va

Tôi đặt mục tiêu để luôn vâng lời Đức Giê-hô-va

 Ông bà ngoại của tôi được biết những lời hứa của Đức Giê-hô-va về Nước Trời vào năm 1906, ngay sau khi mất con trai vì bệnh bạch hầu. Bác sĩ của họ là một Học viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Vị bác sĩ ấy chia sẻ những hy vọng an ủi trong Kinh Thánh với họ, bao gồm hy vọng về sự sống lại. Kết quả là ông bà, dì và mẹ tôi trở thành Học viên Kinh Thánh.

 Trong nhiều năm, họ hàng bên ngoại của tôi rất sốt sắng trong chân lý. Những người nữ trong gia đình còn làm người dẫn chỗ khi “Kịch ảnh về sự sáng tạo” (Photo-Drama of Creation) được chiếu tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Đáng buồn là trong gia đình bên ngoại, chỉ còn mình mẹ tôi là thờ phượng Đức Giê-hô-va. Điều này không dễ dàng với mẹ vì cả gia đình đã từng rất gần gũi với nhau và cùng thờ phượng ngài đến những năm 1930. Sự vâng lời và lòng trung thành của mẹ đã tác động lớn đến tôi. Ngoài ra, ba cũng là một Học viên Kinh Thánh trung thành và nêu gương mẫu tốt cho tôi.

Với gia đình vào năm 1948

 Tôi sinh năm 1927 và là chị cả trong sáu chị em. Tất cả chúng tôi đều ở trong chân lý. Ba tôi là thợ mộc và gia đình chúng tôi sống ở vùng ngoại ô Chicago. Chúng tôi nuôi gà và vịt cũng như có một vườn rau lớn.

 Tôi thích làm việc nhà. Một trong những việc tôi làm là vá tất (vớ) cho gia đình. Ngày nay, người ta thường không vá tất nữa; nhưng vào thời đó, người ta không bỏ đi những chiếc tất bị thủng hay rách mà vá chúng lại bằng kim chỉ. Việc học may vá không phải là vô ích vì sau này, tôi đã dùng đến kỹ năng đó rất nhiều.

Gương mẫu tốt của ba mẹ

 Ba lo sao để cho gia đình luôn tập trung thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng tôi tham dự tất cả các buổi nhóm họp, đều đặn tham gia thánh chức và cùng thảo luận một câu Kinh Thánh mỗi ngày. Vào tối thứ Bảy, chúng tôi thảo luận Tháp Canh trong buổi học Kinh Thánh của gia đình.

 Để làm chứng cho những người hàng xóm, ba lắp đặt một tấm biển phát sáng bên trong cửa sổ phòng khách. Các anh em đồng đạo đã làm tấm biển đó để quảng cáo cho bài diễn văn công cộng hoặc ấn phẩm của chúng ta. Tấm biển có ánh đèn nhấp nháy nhằm thu hút sự chú ý của những người đi qua. Ba tôi cũng lắp hai tấm biển khác ở xe hơi.

Mẹ dẫn chúng tôi đi rao giảng bằng máy hát đĩa

 Qua lời nói và hành động, ba dạy chúng tôi tầm quan trọng của việc vâng lời Đức Giê-hô-va. Còn mẹ thì luôn hỗ trợ ba. Mẹ cũng bắt đầu làm tiên phong khi em gái út của tôi mới năm tuổi, và mẹ tiếp tục làm tiên phong trong nhiều năm cho đến khi qua đời. Ba mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho tôi.

 Đời sống lúc đó rất khác với thời nay. Chúng tôi không có ti-vi, nên tôi và các em thường ngồi dưới sàn để nghe các chương trình thú vị trên radio. Quan trọng hơn hết, gia đình chúng tôi nghe các chương trình thiêng liêng của tổ chức Đức Giê-hô-va được phát qua radio.

Hội nghị, máy hát đĩa và biển quảng cáo

 Chúng tôi rất thích tham dự các kỳ hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại hội nghị được tổ chức vào năm 1935, chúng tôi biết được rằng “đám đông lớn”, là nhóm người sống sót qua “hoạn nạn lớn” như được đề cập nơi Khải huyền 7:9, 14, có hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất. Trước năm 1935, ba mẹ tôi đều dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm. Tuy nhiên, sau hội nghị ấy, chỉ còn ba làm thế. Lúc đó, mẹ biết rằng hy vọng của mẹ là sống đời đời trên đất, chứ không phải cùng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời.

 Vào năm 1941, tại một hội nghị ở Saint Louis, Missouri, anh Joseph Rutherford, là người dẫn đầu lúc đó, đã cho ra mắt sách Con trẻ (Children). Cử tọa vỗ tay không ngớt! Lúc ấy, tôi 14 tuổi và đã báp-têm được một năm. Tôi nhớ như in lúc tôi xếp hàng cùng với các bạn khác và đi lên bục để nhận sách.

Với chị Lorraine vào năm 1944

 Thời đó, công việc thánh chức khác với bây giờ. Vào thập niên 1930, chúng tôi dùng máy hát đĩa xách tay để bật cho chủ nhà nghe các bài giảng dựa trên Kinh Thánh đã được thu sẵn. Trước khi gõ cửa, chúng tôi quay dây cót của máy hát đĩa và đảm bảo rằng đĩa và đầu kim ở đúng vị trí. Khi chủ nhà ra mở cửa, chúng tôi giới thiệu ngắn gọn, mở phần thu bài giảng dài khoảng bốn phút rưỡi, rồi mời nhận ấn phẩm. Người trong khu vực lắng nghe với lòng tôn trọng. Hình như không ai phản ứng một cách thô lỗ. Khi tôi bắt đầu làm tiên phong năm 16 tuổi, ba đã tặng tôi một máy hát đĩa và tôi hãnh diện khi dùng nó trong thánh chức. Lúc đó, bạn đồng hành của tôi là một chị dễ thương tên là Lorraine.

 Một hình thức làm chứng khác là qua các cuộc diễu hành thông tin. Trong một thời gian, chúng tôi gọi đó là cuộc diễu hành với những tấm biển quảng cáo, vì chúng tôi đeo hai tấm biển, một tấm phía trước và một tấm phía sau. Trên các tấm biển là những khẩu hiệu, chẳng hạn như “Tôn giáo là cạm bẫy và thủ đoạn lừa gạt” và “Hãy phụng sự Đức Chúa Trời và Vua là Đấng Ki-tô”.

Làm chứng bằng biển quảng cáo

 Các buổi nhóm họp giúp chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho sự chống đối cũng như biết phải nói gì để bênh vực chân lý. Và chúng tôi đã gặp sự chống đối. Chẳng hạn, trong lần đầu chúng tôi mời nhận tạp chí tại một trung tâm mua sắm tấp nập, cảnh sát đã bắt chúng tôi về đồn. Vài tiếng sau, chúng tôi được thả và cảm thấy rất vui bởi mình bị bắt bớ vì vâng lời Đức Giê-hô-va.

Hôn nhân, Trường Ga-la-át và vấn đề nhập ngũ

Anh Eugene và tôi trong ngày cưới

 Sau này, Lorraine đã giới thiệu cho tôi một anh tên là Eugene Rosam, người mà chị ấy gặp tại một hội nghị ở Minneapolis, Minnesota. Anh Eugene lớn lên ở Key West, Florida. Khi vào lớp mười, anh bị đuổi học vì từ chối tham gia một nghi lễ ái quốc. Ngay sau đó, anh bắt đầu làm tiên phong. Một ngày nọ, anh gặp một bạn nữ trước đây học cùng lớp. Vì anh Eugene là một học sinh gương mẫu nên bạn ấy thắc mắc tại sao anh lại bị đuổi học. Sau khi anh dùng Kinh Thánh để trả lời, bạn ấy đã đồng ý học Kinh Thánh. Bạn ấy đã chấp nhận chân lý và trở thành một chị trung thành.

Ở Key West vào năm 1951

 Tôi và anh Eugene kết hôn vào năm 1948. Rồi chúng tôi làm tiên phong cùng nhau ở Key West. Sau đó, chúng tôi được mời học khóa thứ 18 của Trường Ga-la-át và tốt nghiệp vào đầu năm 1952. Trong khóa đó, chúng tôi được học tiếng Tây Ban Nha nên kỳ vọng là sẽ được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở một nước nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng điều đó đã không xảy ra. Cũng trong thời gian đó, có chiến tranh ở Hàn Quốc và anh Eugene bị gọi nhập ngũ. Không hiểu tại sao lại như thế vì trong Thế Chiến II, anh Eugene đã được miễn nhập ngũ do là người truyền giáo. Giờ đây, vì bị gọi nhập ngũ nên chúng tôi được lệnh là phải ở lại Hoa Kỳ. Tôi đã khóc vì thất vọng. Cuối cùng hai năm sau, anh Eugene cũng được miễn nghĩa vụ quân sự. Dù sự việc không diễn ra như mình đã kỳ vọng nhưng chúng tôi học được rằng khi một cánh cửa khép lại thì Đức Giê-hô-va có thể mở một cánh cửa khác và ngài đã làm thế. Chúng tôi chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi.

Khóa Ga-la-át của chúng tôi

Được làm công việc lưu động rồi chuyển đến Canada

 Vào năm 1953, sau khi làm tiên phong tại một hội thánh nói tiếng Tây Ban Nha tại Tucson, Arizona, chúng tôi được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh. Với thời gian, chúng tôi phụng sự tại các vòng quanh ở Ohio, California và thành phố New York. Vào năm 1958, chúng tôi bắt đầu phụng sự trong công tác địa hạt a tại California và Oregon. Trong những năm đó, chúng tôi ở nhà của các anh em. Rồi vào năm 1960, chúng tôi chuyển đến Canada, nơi mà anh Eugene phụng sự với tư cách là giảng viên Trường thánh chức Nước Trời dành cho các giám thị trong hội thánh. Chúng tôi ở Canada đến năm 1988.

 Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi ở Canada là việc gặp một gia đình nọ trong khi đi rao giảng từng nhà. Tôi và một chị đã gặp một người mẹ tên là Gail. Chị kể là các con trai của chị rất buồn khi ông ngoại qua đời và chúng hỏi chị: “Tại sao ngoại lại chết?”, “Ngoại đi đâu?”. Nhưng chị không có câu trả lời. Vì thế, chúng tôi giải đáp các câu hỏi đó bằng cách chia sẻ với chị những câu Kinh Thánh an ủi.

 Lúc đó, anh Eugene đang là giám thị vòng quanh nên chúng tôi chỉ ở đó trong một tuần. Tuy nhiên, chị đi cùng tôi đã trở lại thăm chị Gail. Kết quả là chị Gail đã chấp nhận chân lý và chồng của chị là anh Bill cùng ba người con trai là Christopher, Steve và Patrick cũng thế. Hiện nay, anh Chris là trưởng lão tại Canada. Anh Steve là giảng viên tại một nơi dành cho các trường thần quyền ở Palm Coast, Florida. Và anh Patrick là thành viên của Ủy ban Chi nhánh tại Thái Lan. Vợ chồng tôi thân thiết với gia đình ấy trong nhiều năm. Tôi rất vui khi được góp phần nhỏ trong việc giúp họ biết về Đức Giê-hô-va!

Từ các cuộc viếng thăm bệnh viện đến Ủy ban Liên lạc Bệnh viện

 Trong khi chúng tôi ở Canada, Đức Giê-hô-va đã mở một cánh cửa đầy thú vị và ý nghĩa cho anh Eugene. Tôi xin kể về câu chuyện đó.

 Nhiều năm trước, lập trường về việc truyền máu của chúng ta bị hiểu lầm nên các phương tiện truyền thông nói tiêu cực về chúng ta. Các tờ báo trên khắp Canada đã đăng bài nói rằng các con của Nhân Chứng bị chết vì cha mẹ từ chối cho chúng truyền máu. Chồng tôi có đặc ân giúp để điều chỉnh các thông tin sai lệch đó.

 Ngay trước hội nghị quốc tế năm 1969 tại Buffalo, New York, anh Eugene cùng với một số anh khác đã đi tới các bệnh viện lớn trong khu vực để giải thích rằng sẽ có khoảng 50.000 Nhân Chứng từ Canada và Hoa Kỳ tham dự hội nghị. Nếu các bác sĩ hiểu rõ và thấy lập trường của chúng ta về việc truyền máu là hợp lý thì sẽ rất hữu ích khi xảy ra một trường hợp y tế khẩn cấp. Các anh đưa cho các bác sĩ những bài về phương pháp điều trị không dùng máu từ các tài liệu y khoa có thẩm quyền. Phản ứng tích cực của các bác sĩ đã thúc đẩy anh Eugene và một số anh khác bắt đầu đến thăm các bệnh viện ở Canada. Họ cũng giúp các anh trưởng lão địa phương đối phó hiệu quả hơn với các tình huống y tế khẩn cấp.

 Dần dần những nỗ lực đó đã mang lại kết quả. Thật ra, kết quả ngoài sức tưởng tượng! Tại sao có thể nói thế?

Tôi yêu thích công việc may vá tại Bê-tên

 Vào giữa thập niên 1980, anh Eugene nhận được một cuộc gọi của anh Milton Henschel tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York. Hội đồng Lãnh đạo muốn chương trình đang được thực hiện tại Hoa Kỳ được mở rộng để cung cấp thông tin cho nhiều bác sĩ hơn. Nên vợ chồng tôi chuyển đến Brooklyn, và vào tháng 1 năm 1988, Hội đồng Lãnh đạo thành lập một ban tại trụ sở trung ương với tên gọi là Dịch vụ Thông tin Bệnh viện. Sau đó, chồng tôi và hai anh khác được giao nhiệm vụ tổ chức các hội thảo, trước tiên là tại Hoa Kỳ rồi đến các quốc gia khác. Không lâu sau, Ban Thông tin Bệnh viện được thành lập tại nhiều chi nhánh và Ủy ban Liên lạc Bệnh viện được thành lập tại nhiều thành phố. Tôi không thể tưởng tượng là có bao nhiêu Nhân Chứng và con của họ nhận được lợi ích từ sự cung cấp đầy yêu thương này của Đức Giê-hô-va. Trong khi anh Eugene tổ chức các hội thảo và đến thăm các bệnh viện, tôi thường làm việc tại phòng may vá hoặc nhà bếp tại Bê-tên.

Một lớp huấn luyện Ủy ban Liên lạc Bệnh viện tại Nhật Bản

Thử thách lớn nhất

 Vào năm 2006, tôi đối mặt với thử thách lớn nhất, đó là anh Eugene qua đời. Tôi rất nhớ anh, người bạn đời yêu dấu và tri kỷ của tôi! Điều gì đã giúp tôi chịu đựng thử thách này? Có nhiều điều. Chẳng hạn, tôi luôn gần gũi với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và đều đặn đọc Kinh Thánh. Tôi lắng nghe phần thảo luận câu Kinh Thánh mỗi ngày với gia đình Bê-tên. Tôi đọc cả chương của câu Kinh Thánh đó. Tôi cũng giữ mình bận rộn trong Ban May vá tại Bê-tên và xem đó là một đặc ân. Những năm trước đó, tôi cũng có cơ hội được may rèm cho các Phòng hội nghị tại New Jersey và New York. Giờ đây, tôi sửa đồ và làm những việc lặt vặt tại Bê-tên Fishkill. b

 Đối với tôi, những điều quan trọng nhất trong đời sống là yêu thương Đức Giê-hô-va cũng như vâng lời ngài và tổ chức của ngài (Hê-bơ-rơ 13:17; 1 Giăng 5:3). Tôi rất vui vì vợ chồng tôi đã đặt những điều đó lên hàng đầu trong đời sống. Nhờ thế, tôi có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng tôi phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trong địa đàng, trong đó có niềm vui là được đoàn tụ với nhau.—Giăng 5:28, 29.

a Giám thị vòng quanh thì thăm các hội thánh, còn giám thị địa hạt trước đây thì thăm các vòng quanh và nói bài giảng ở các hội nghị vòng quanh.

b Chị Camilla Rosam qua đời vào tháng 3 năm 2022, trong khi bài này được biên soạn. Lúc đó, chị 94 tuổi.