Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHỊ PHYLLIS LIANG | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Đức Giê-hô-va ban phước cho lòng sẵn sàng

Đức Giê-hô-va ban phước cho lòng sẵn sàng

“Con bằng lòng đi”. Đây là câu trả lời của nhân vật trong Kinh Thánh tên Rê-bê-ca về một quyết định quan trọng sẽ thay đổi cả đời sống bà. Rê-bê-ca trả lời như vậy là vì sẵn lòng làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va (Sáng thế 24:50, 58). Dù không nghĩ mình là người đặc biệt nhưng tôi cố gắng thể hiện tinh thần sẵn sàng như thế khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Đúng là có những thử thách, tuy vậy tôi thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước cho lòng sẵn sàng, đôi lúc là theo những cách không ngờ đến.

Kho báu từ một bác lớn tuổi

 Vài năm sau khi gia đình chúng tôi chuyển tới thị trấn Roodepoort, Nam Phi, thì ba tôi qua đời. Vào năm 1947, lúc 16 tuổi, tôi làm nhân viên trực tổng đài trọn thời gian cho chính phủ để phụ giúp gia đình. Ngày nọ, một bác lớn tuổi gõ cửa nhà chúng tôi và mời đặt tạp chí Tháp Canh dài hạn. Chúng tôi đã đồng ý chỉ vì lịch sự với bác ấy.

 Tuy nhiên, không lâu sau đó, chúng tôi bắt đầu muốn có thêm sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh. Mẹ tôi từng theo Giáo hội Cải cách Hà Lan khi còn trẻ, bà thấy sự khác biệt giữa điều Kinh Thánh dạy và điều nhà thờ dạy. Chúng tôi đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh và sớm tham dự các buổi nhóm họp. Vào năm 1949, tôi là người báp-têm đầu tiên trong gia đình. Tôi tiếp tục làm việc ngoài đời trong vài năm nhưng rồi muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn.

Sẵn sàng đến nơi có nhu cầu

FomaA/stock.adobe.com

Bánh Koeksisters

 Vào năm 1954, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều và tôi đã hỏi văn phòng chi nhánh Nam Phi về nơi mình có thể hỗ trợ nhiều hơn. Văn phòng chi nhánh đã đề nghị thành phố Pretoria và sắp xếp một chị tiên phong khác đi chung với tôi đến đó. Chỗ chúng tôi ở khá thoải mái và tôi vẫn còn nhớ hương vị của món koeksisters, một loại bánh chiên giòn được tẩm với si-rô, bán ở gần đó.

 Sau khi bạn cùng làm tiên phong của tôi kết hôn, một tôi tớ chi nhánh là anh George Phillips đã hỏi tôi muốn làm tiên phong đặc biệt không. Tôi sẵn lòng chấp nhận lời mời đó.

 Tôi bắt đầu nhiệm sở tiên phong đặc biệt đầu tiên của mình vào năm 1955, tại thị trấn Harrismith. Tôi và người bạn đồng hành mới đã gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở phù hợp. Chẳng hạn, nhà thờ địa phương nghe về chúng tôi và gây áp lực để chủ nhà buộc chúng tôi phải rời đi.

 Sau đó, tôi được chỉ định đến Parkhurst, Johannesburg. Rồi có hai chị giáo sĩ đến kết hợp với tôi. Về sau, một chị kết hôn và chị còn lại thì được chỉ định đi nơi khác. Một chị yêu dấu tên là Eileen Porter đã cho tôi ở chung dù nhà chị không mấy rộng rãi. Tôi ngủ ở một góc nhỏ và tách biệt với gia đình chị bằng một tấm rèm. Chị Eileen tốt bụng và quan tâm đến tôi nên tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi ấn tượng trước lòng sốt sắng của chị dành cho chân lý bất kể chị có nhiều trách nhiệm trong gia đình.

 Không lâu sau, tôi được chỉ định đến Bắc Aliwal, thị trấn thuộc tỉnh Đông Cape, để phụng sự cùng với một chị tên là Merlene (Merle) Laurens. Lúc đó hai chúng tôi ở độ tuổi đôi mươi. Chúng tôi được khích lệ rất nhiều nhờ gương mẫu của một chị lớn tuổi tên là Dorothy, chúng tôi hay gọi thân mật là dì Dot. Lúc còn trẻ, dì Dot đã bị một đàn chó tấn công và bị thương nặng khi đi rao giảng, nhưng điều đó không làm giảm đi lòng sốt sắng của dì.

 Vào năm 1956, chị Merle rời đi để tham dự khóa thứ 28 của Trường Ga-la-át. Ước gì tôi được đi học chung với chị! Tuy nhiên, dì Dot đã chăm sóc tôi và chúng tôi trở thành bạn thân bất kể sự khác biệt về tuổi tác.

 Nhưng rồi, tôi vô cùng vui sướng khi được mời tham dự Trường Ga-la-át, giống như chị Merle! Trước khi đi học, tôi phụng sự ở thị trấn Nigel trong khoảng tám tháng cùng với chị Kathy Cooke, từng tốt nghiệp Trường Ga-la-át. Những gì chị Kathy kể khiến tôi rất hào hứng về điều tôi sẽ trải nghiệm trong trường ấy, và vào tháng 1 năm 1958, tôi lên đường đi New York.

Sẵn sàng để được huấn luyện

 Khi học Trường Ga-la-át, tôi ở chung phòng với chị Tia Aluni, người Samoa và chị Ivy Kawhe, người Maori. Lúc tôi còn ở Nam Phi, chính quyền Apartheid tách biệt người da trắng với những người thuộc chủng tộc khác, nên việc ở chung phòng với các chị ấy là một trải nghiệm đặc biệt đối với tôi. Tôi nhanh chóng thân thiết với họ và rất vui khi được học chung với các anh chị đa sắc tộc như vậy.

 Một trong số các giảng viên của khóa chúng tôi là anh Maxwell Friend. Đôi lúc anh dạy một cách nghiêm khắc. Có ba cái đèn trong lớp của anh được ghi là “Cao độ”, “Nhịp độ” và “Cường độ”. Khi một học viên trình bày bài giảng hay phần trình diễn, anh Friend sẽ bật đèn nào mà anh thấy học viên chưa làm tốt. Vốn là người nhút nhát, lại thường xuyên thấy những ánh đèn đáng sợ đó nên đôi khi tôi muốn bật khóc! Tuy vậy, tôi vẫn rất quý anh Friend. Thỉnh thoảng, khi thấy tôi bận rộn với trách nhiệm dọn dẹp giữa các buổi học, anh đã mang một ly cà phê cho tôi.

 Vài tháng trôi qua, tôi thắc mắc không biết mình sẽ được bổ nhiệm đi đâu. Chị Merle, bạn cùng làm tiên phong trước đây của tôi, đã được bổ nhiệm đến Peru sau khi tốt nghiệp trường Ga-la-át. Vì bạn cùng làm giáo sĩ với chị Merle sắp kết hôn nên chị ấy gợi ý là tôi thử đi hỏi anh Nathan Knorr, người dẫn đầu công việc thời đó, để xem tôi có thể thay thế chị kia không. Cứ cách vài tuần là anh Knorr đến thăm trường Ga-la-át, nên rất dễ để tôi có thể nói chuyện với anh ấy. Rồi khi tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm đến Peru!

Phụng sự ở vùng núi

Cùng với chị Merle (bên phải) tại Peru, năm 1959

 Tôi rất vui khi được đoàn tụ với chị Merle tại Lima, Peru! Không lâu sau, tôi có những học viên Kinh Thánh tiến bộ dù tôi vẫn đang học tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, tôi và chị Merle được bổ nhiệm đến Ayacucho, vùng cao nguyên. Phải thừa nhận đó là một nhiệm sở khó khăn. Tôi đã học một chút tiếng Tây Ban Nha nhưng nhiều người dân ở đây chỉ nói tiếng Quechua, và phải mất thời gian để tôi quen thuộc với không khí loãng ở trên cao.

Rao giảng ở Peru, năm 1964

 Tôi cảm thấy như mình không hữu hiệu lắm tại Ayacucho, tôi thắc mắc liệu chân lý có bao giờ phát triển tại vùng này không. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Ayacucho có hơn 700 người công bố và một văn phòng dịch thuật từ xa tiếng Quechua (Ayacucho).

 Với thời gian, chị Merle kết hôn với một anh giám thị vòng quanh tên là Ramón Castillo. Vào năm 1964, anh Ramón tham dự khóa Ga-la-át kéo dài 10 tháng. Trong khóa đó có một anh học cùng lớp Ga-la-át với tôi, tên là Fu-lone Liang. Anh Fu-lone từng phụng sự ở Hồng Kông nhưng rồi được mời trở lại trường Ga-la-át để tham dự khóa học liên quan đến các trách nhiệm trong chi nhánh. a Anh Fu-lone hỏi thăm anh Ramón về cuộc sống của tôi ở Peru, sau đó chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư.

 Ngay từ đầu, anh Fu-lone nói rõ rằng việc liên lạc với nhau như thế nghĩa là chúng tôi đang tìm hiểu nhau. Ở Hồng Kông, anh Harold King, bạn giáo sĩ của anh Fu-lone, thường xuyên đến bưu điện, nên anh ấy đồng ý gửi thư giúp anh Fu-lone. Anh Harold hay vẽ những hình nhỏ và viết trên bìa thư mà anh Fu-lone gửi cho tôi vài câu như: “Tôi sẽ thuyết phục anh ấy viết thư thường xuyên hơn nhé!”.

Cùng với anh Fu-lone

 Sau khi viết thư qua lại khoảng 18 tháng, chúng tôi quyết định kết hôn. Tôi rời Peru sau gần 7 năm phụng sự ở đó.

Cuộc sống mới ở Hồng Kông

 Vào ngày 17-11-1965, chúng tôi đã kết hôn. Tôi rất thích cuộc sống mới tại Hồng Kông, ở văn phòng chi nhánh cùng chồng và hai cặp vợ chồng khác. Trong khi anh Fu-lone làm công việc dịch thuật tại chi nhánh thì tôi đi rao giảng. Học tiếng Quảng Đông rất khó, nhưng các chị giáo sĩ khác và người chồng yêu dấu đã kiên nhẫn giúp đỡ tôi. Việc điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh với các em nhỏ khi đang học ngôn ngữ mới cũng giúp tôi cảm thấy bớt áp lực.

Sáu thành viên gia đình Bê-tên Hồng Kông vào giữa thập niên 1960. Anh Fu-lone và tôi đứng ở giữa

 Vài năm sau, chúng tôi chuyển đến nhà giáo sĩ tại một khu vực khác của Hồng Kông, gọi là Kwun Tong, nhờ đó anh Fu-lone có thể dạy tiếng Quảng Đông cho các giáo sĩ mới chuyển đến. b Tôi thích thánh chức ở đó đến mức có nhiều ngày tôi không muốn về nhà!

 Vào năm 1968, tôi vui sướng khi nhận được ấn phẩm học hỏi mới là sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời. Sách ấy đơn giản hơn so với ấn phẩm học hỏi trước đó là sách “Đức Chúa Trời luôn chân thật”, đặc biệt là dành cho những học viên không quen thuộc với Kinh Thánh và đạo Đấng Ki-tô.

 Tuy nhiên, tôi đã lầm khi cho rằng học viên đã chấp nhận chân lý chỉ vì thấy họ có thể trả đúng các câu hỏi trong sách. Có lần, tôi không hề biết là một trong các học viên của mình đã học hết sách Lẽ thật nhưng vẫn không tin có Đức Chúa Trời! Tôi nhận ra mình cần có những cuộc trò chuyện với học viên để biết họ cảm thấy thế nào về điều đang học.

 Sau vài năm ở Kwun Tong, chúng tôi chuyển về chi nhánh, anh Fu-lone bắt đầu phụng sự với tư cách là thành viên Ủy ban Chi nhánh Hồng Kông. Trong nhiều năm, tôi làm công việc dọn dẹp và tiếp tân. Đôi khi, anh Fu-lone phải đi công tác vì có những trách nhiệm mà không thể chia sẻ với tôi nên tôi phải ở nhà, dù vậy tôi xem đó là đặc ân vì được ủng hộ anh khi anh chăm lo các trách nhiệm thần quyền.

Anh Fu-lone cho ra mắt sách Lời tiên tri của Ê-sai tập 2 trong tiếng Hoa phồn thể và giản thể

Một sự thay đổi bất ngờ

 Đáng buồn là vào năm 2008, đời sống tôi bị đảo lộn trong tích tắc. Không lâu trước ngày Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su, người chồng yêu dấu của tôi đột ngột qua đời trong một chuyến công tác. Tôi tan nát cõi lòng. Các anh em đã ngay lập tức hỗ trợ tôi. Trong khi nghe bài giảng tại Lễ Tưởng Niệm, tôi cố gắng giữ bình tĩnh bằng cách giúp một người chú ý mở đến các câu Kinh Thánh. Tôi được thêm sức nhờ câu Kinh Thánh mà anh Fu-lone rất yêu thích, câu đó nói: “Vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, đang nắm tay hữu con,… ‘Ta sẽ giúp đỡ con’”.​—Ê-sai 41:13.

 Bảy năm sau khi anh Fu-lone qua đời, các anh ở Hồng Kông đề nghị tôi chuyển đến một chi nhánh lớn hơn, tại đó tôi có thể nhận được sự chăm sóc tốt hơn về sức khỏe. Vì thế, năm 2015, tôi chuyển đến chi nhánh Nam Phi. Chi nhánh ấy ở khá gần nơi tôi được nghe về chân lý vào năm 1947.

 Những năm tháng phụng sự Đức Giê-hô-va là khoảng thời gian tràn đầy niềm vui, tôi cảm nhận là Đức Giê-hô-va ban phước cho lòng sẵn sàng của mình. Tôi vẫn giữ liên lạc với vài học viên cũ, họ đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi thấy cách ngài ban phước cho những đóng góp nhỏ bé của chúng ta trong thánh chức. Chẳng hạn, số người công bố ở Peru tăng từ 760 người vào năm 1958 đến khoảng 133.000 người vào năm 2021, và số người công bố ở Hồng Kông tăng từ khoảng 230 người vào năm 1965 đến 5.565 người vào năm 2021.

 Tôi đã cao tuổi nên không thể làm nhiều như trước. Tuy nhiên, lòng sẵn sàng của tôi vẫn còn đó, tôi trông mong được thể hiện cùng tinh thần ấy trong thế giới mới của Đức Giê-hô-va, lúc đó sẽ cần rất nhiều bàn tay trợ giúp và tôi sẽ nói: “Con bằng lòng đi”.

a Để biết anh Fu-lone Liang học chân lý như thế nào, xin xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1974, trang 51 (Anh ngữ).

b Để biết một trong những kinh nghiệm của anh Fu-lone tại Kwun Tong, xin xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1974, trang 63 (Anh ngữ).