ANH MILTIADIS STAVROU | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
“Chúng tôi cảm nghiệm sự chăm sóc và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va”
Khi khoảng 13 tuổi, giống như đa số những người trẻ đồng trang lứa, tôi thích xem những chiếc xe chạy qua đường nhà mình ở Tripoli, Lebanon, một cảnh tượng hiếm khi xảy ra. Tôi rất ấn tượng về một chiếc xe Mỹ có màu đỏ rất đẹp của một người đàn ông Syria. Vì thế, tôi vô cùng ngạc nhiên khi linh mục Chính Thống giáo địa phương bảo chúng tôi ném đá chiếc xe đó vì chủ xe là một Nhân Chứng Giê-hô-va!
Chúng tôi nói với linh mục rằng làm thế có thể gây hại cho người lái xe. Ông ấy đáp: “Hãy giết hắn, rồi dùng áo lễ phục của ta để lau máu khỏi tay con!”. Dù tôi rất tự hào về gốc gác Chính Thống giáo Hy Lạp, nhưng những lời giận dữ đó sau này đã khiến tôi rời khỏi giáo hội. Nghĩ lại, tôi thấy tình huống ấy đã giúp tôi khám phá ra chân lý về Đức Giê-hô-va.
Khám phá ra chân lý về Đức Giê-hô-va
Trong thời gian tôi lớn lên, thành phố cảng Tripoli có đông đảo người đến từ nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Mỗi gia đình đều tự hào về gốc gác của mình, và gia đình tôi cũng vậy. Tôi và các anh trai gia nhập vào một nhóm gọi là “Người lính của Giáo hội” (Soldiers of the Faith), a nhóm này chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng tôi chưa bao giờ gặp Nhân Chứng nào, nhưng linh mục nói rằng họ là một băng đảng chống lại Giáo hội Chính thống Hy Lạp, và lãnh đạo của họ là Giê-hô-va. Linh mục nhiều lần nói rằng khi gặp các Nhân Chứng, chúng tôi nên tấn công họ.
Tôi không biết rằng ba người anh của mình đã gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng thay vì tấn công họ, các anh đồng ý học Kinh Thánh với họ để chứng minh họ là sai. Buổi tối nọ, khi về đến nhà, tôi thấy phòng khách có nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đang thảo luận Kinh Thánh với gia đình tôi và vài người hàng xóm. Tôi rất bực tức! Tôi không ngờ các anh mình lại phản bội Chính Thống giáo. Khi tôi sắp bỏ đi, một người hàng xóm là nha sĩ được nhiều người biết đến và cũng là Nhân Chứng Giê-hô-va mời tôi ngồi xuống nghe. Một người bạn của gia đình đang đọc lớn tiếng Thi thiên 83:18 từ chính cuốn Kinh Thánh của tôi. Lúc đó, tôi nhận ra rằng linh mục đã nói dối chúng tôi. Đức Giê-hô-va không phải là lãnh đạo của một băng đảng, mà là Đức Chúa Trời có một và thật!
Tôi muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va nên đã bắt đầu tham dự buổi học hỏi Kinh Thánh tại nhà, do anh Michel Aboud hướng dẫn. Ngày nọ, một người bạn đã nêu câu hỏi mà tôi thắc mắc từ khi còn nhỏ. Người bạn ấy hỏi: “Xin anh cho biết ai đã tạo ra Đức Chúa Trời?”. Anh Michel hướng sự chú ý đến con mèo đang nằm trên ghế dài. Anh giải thích rằng con mèo không thể hiểu những lời và lập luận của con người. Tương tự, chúng ta không thể hiểu nhiều điều về Đức Chúa Trời. Minh họa đơn giản này đã giúp tôi nhận ra lý do mình không thể hiểu hết một số điều về Đức Giê-hô-va. Không lâu sau đó, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm vào năm 1946 ở tuổi 15.
Thánh chức tiên phong giúp đời sống tôi có ý nghĩa
Vào năm 1948, tôi làm việc cùng với anh trai là Hanna ở tiệm chụp hình của anh. Tiệm ấy nằm bên cạnh cửa hàng bán sơn của anh Najib Salem. b Anh Najib là người rao giảng dạn dĩ, và anh tiếp tục làm thế cho đến khi qua đời lúc 100 tuổi. Khi đi rao giảng chung với anh trong các làng, tôi thấy anh rất can đảm bất kể sự chống đối. Dường như anh có thể bắt chuyện với bất cứ ai về Kinh Thánh, dù họ theo đạo nào đi nữa. Gương sốt sắng của anh đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi.
Buổi sáng nọ, lúc chúng tôi đang ở tiệm thì có một chị tên Mary Shaayah ghé thăm. Chị ấy là người Lebanon đến từ Hoa Kỳ. Ngoài việc là người mẹ bận rộn, chị cũng là một tiên phong sốt sắng. Cuộc viếng thăm ấy là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Chị Mary đã chia sẻ kinh nghiệm rao giảng với chúng tôi hơn hai tiếng. Trước khi rời đi, chị Mary nhìn tôi và nói: “Milto à, em còn độc thân, sao không làm tiên phong?”. Tôi nói rằng tôi không thể làm thế vì phải kiếm sống. Rồi chị ấy hỏi tôi: “Nãy giờ chị ở đây được bao lâu?”. Tôi đáp: “Dạ, khoảng hai tiếng”. Chị Mary nói: “Chị không thấy em làm nhiều việc trong thời gian đó. Nếu mỗi ngày rao giảng khoảng thời gian ấy, em có thể làm tiên phong. Em hãy thử một năm, rồi quyết định có làm tiếp hay không”.
Trong văn hóa của tôi, nam giới không sẵn sàng nghe lời khuyên của phụ nữ, nhưng đề nghị của chị ấy có vẻ hợp lý. Hai tháng sau, vào tháng 1 năm 1952, tôi bắt đầu làm tiên phong. Khoảng 18 tháng sau, tôi được mời tham dự khóa thứ 22 của Trường Ga-la-át.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được chỉ định đến Trung Đông. Chưa đầy một năm sau, tôi kết hôn với Doris Wood, một giáo sĩ vui tính đến từ Anh Quốc cũng đang phụng sự ở Trung Đông.
Chia sẻ chân lý Kinh Thánh ở Syria
Không lâu sau khi kết hôn, vợ chồng chúng tôi được chỉ định đến Aleppo, Syria. Vì công việc rao giảng bị cấm đoán ở đó nên đa số những học viên Kinh Thánh mà chúng tôi tìm được là qua giới thiệu.
Ngày nọ, chúng tôi đến thăm một phụ nữ tỏ ra chú ý đến Kinh Thánh. Bà rất run sợ khi mở cửa và nói với chúng tôi: “Hãy cẩn thận! Cảnh sát mới tới nhà tôi và muốn biết anh chị đang sống ở đâu”. Rõ ràng, cảnh sát chìm biết những nơi chúng tôi điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi gọi điện cho những anh chăm lo công việc ở Trung Đông, và họ khuyên chúng tôi rời Syria càng nhanh càng tốt. Dù rất buồn khi phải rời xa các học viên Kinh Thánh, nhưng chúng tôi cảm nghiệm được sự bảo vệ yêu thương của Đức Giê-hô-va.
Cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va hướng dẫn ở I-rắc
Vào năm 1955, chúng tôi được chỉ định đến Baghdad, I-rắc. Dù có thể rao giảng kín đáo cho mọi người ở I-rắc, nhưng chúng tôi tập trung rao giảng cho những người thuộc Ki-tô giáo.
Chúng tôi cũng cố gắng nói chuyện thân thiện với những người đạo Hồi ngoài chợ hoặc trên đường phố. Vợ tôi thường chia sẻ những ý tưởng mà có lẽ thu hút người nghe. Chẳng hạn, cô ấy nói: “Trước đây cha tôi hay nói rằng chúng ta sẽ phải khai trình trước Đấng Tạo Hóa” (Rô-ma 14:12). Rồi cô ấy nói thêm: “Ý tưởng này giúp tôi rất nhiều trong đời sống. Ông/Bà nghĩ sao về ý tưởng này?”.
Chúng tôi rất vui khi được phụng sự ở Baghdad gần ba năm, giúp anh em địa phương tổ chức công việc rao giảng một cách kín đáo. Chúng tôi đã dùng nhà giáo sĩ để tổ chức các buổi nhóm họp trong tiếng Ả Rập. Thật vui mừng khi được đón tiếp những người có lòng thành thuộc cộng đồng Assyria, là một nhóm sắc tộc gồm những người theo Ki-tô giáo trên danh nghĩa. Khi chứng kiến tình yêu thương và sự hợp nhất của Nhân Chứng tại các buổi nhóm họp, họ nhận ra chúng ta là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su.—Giăng 13:35.
Trong số những người mau chóng hưởng ứng thông điệp bình an có anh Nicolas Aziz, người gốc Armenia và Assyria. Anh là người hiền lành, khiêm nhường và rất thương gia đình. Anh Nicolas và vợ là chị Helen chấp nhận liền điều Kinh Thánh dạy về Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su, tức là hai đấng ấy hoàn toàn riêng biệt (1 Cô-rinh-tô 8:5, 6). Tôi vẫn nhớ ngày mà anh Nicolas và 20 người khác báp-têm ở sông Ơ-phơ-rát.
Cảm nghiệm được bàn tay giúp đỡ của Đức Giê-hô-va ở I-ran
Sau cuộc đảo chính gây ra cái chết của vua Faisal II của I-rắc vào ngày 14-7-1958 được một thời gian thì chúng tôi bị trục xuất đến I-ran. Ở đó, chúng tôi tiếp tục rao giảng một cách thận trọng cho người nước ngoài khoảng sáu tháng.
Ngay trước khi rời Tehran, thủ đô của I-ran, tôi bị cảnh sát giải về đồn để thẩm vấn. Lúc đó tôi nhận ra chúng tôi đang bị họ theo dõi. Sau cuộc thẩm vấn, tôi liên lạc với vợ và cho cô ấy biết cảnh sát đang theo dõi chúng tôi. Chúng tôi thống nhất rằng để giữ sự an toàn, tôi không nên trở về nhà và chúng tôi sẽ không gặp nhau cho đến khi rời khỏi nước này.
Vợ tôi tìm được một nơi ở an toàn cho đến khi chúng tôi có thể gặp nhau ở sân bay. Nhưng làm thế nào cô ấy có thể tới đó mà không bị cảnh sát phát hiện? Cô ấy đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về điều này.
Đột nhiên, trời mưa rất to, khiến mọi người phải tìm nơi trú, kể cả cảnh sát. Đường phố không một bóng người, nên vợ tôi có thể thoải mái di chuyển. Cô ấy nói: “Trận mưa đó quả là một phép lạ!”.
Sau khi rời I-ran, chúng tôi được chỉ định đến một khu vực khác, nơi mà chúng tôi rao giảng cho những người thuộc nhiều sắc tộc và tôn giáo. Đến năm 1961, chúng tôi làm công việc vòng quanh, tới thăm anh em ở những vùng khác nhau thuộc Trung Đông.
Chứng kiến quyền năng của thần khí Đức Giê-hô-va
Khi chúng tôi làm thánh chức ở Trung Đông, tôi có nhiều cơ hội để thấy quyền năng của thần khí Đức Chúa Trời giúp người ta hợp nhất. Tôi vẫn nhớ những cuộc trò chuyện sôi nổi khi học Kinh Thánh với hai người Palestine là anh Eddy và anh Nicolas. Cả hai đều rất thích tham dự các buổi nhóm họp, nhưng họ sớm ngưng học vì có quan điểm chính trị mạnh mẽ. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va mở lòng họ. Khi nhận ra rằng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết những vấn đề không chỉ của người Palestine mà còn của cả nhân loại, thì họ học Kinh Thánh trở lại (Ê-sai 2:4). Họ từ bỏ tinh thần ái quốc và báp-têm. Về sau, anh Nicolas trở thành giám thị vòng quanh sốt sắng.
Khi đến những nước khác nhau, vợ chồng chúng tôi rất ấn tượng về lòng trung thành của anh em, dù họ ở trong hoàn cảnh nào. Vì họ phải chịu đựng rất nhiều khó khăn nên tôi quyết tâm an ủi họ trong những lần viếng thăm với tư cách là giám thị vòng quanh (Rô-ma 1:11, 12). Để đạt được mục tiêu này, tôi luôn cố gắng nhớ mình không cao trọng hơn anh em (1 Cô-rinh-tô 9:22). Việc khích lệ những anh em đang gặp khó khăn mang lại cho tôi sự thỏa lòng.
Thật vui mừng khi chứng kiến nhiều học viên của chúng tôi trở thành tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va! Một vài người chuyển đến nước khác cùng với gia đình để thoát khỏi những cuộc xung đột vũ trang ở trong nước. Nhưng họ trở thành ân phước cho những anh em phụng sự trong cánh đồng nói tiếng Ả Rập ở Úc, Canada, châu Âu và Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, một số người con trưởng thành của họ trở về Trung Đông để phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn về người rao giảng can đảm. Vợ chồng chúng tôi vui mừng vô cùng khi có rất nhiều con cháu thiêng liêng ở gần mình!
Nương cậy Đức Giê-hô-va mãi mãi
Trong suốt cuộc đời, chúng tôi cảm nghiệm được sự chăm sóc và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua nhiều cách. Tôi rất biết ơn vì ngài đã giúp tôi loại bỏ thành kiến và tinh thần ái quốc mà mình có khi còn trẻ. Sự huấn luyện mà tôi nhận được từ những anh em đồng đạo dạn dĩ và không thiên vị đã trang bị cho tôi để chia sẻ chân lý Kinh Thánh với người đến từ gốc gác khác nhau. Khi di chuyển từ nước này đến nước khác, vợ chồng chúng tôi gặp nhiều thử thách và những tình huống bấp bênh. Nhưng điều này dạy chúng tôi hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va thay vì bản thân.—Thi thiên 16:8.
Khi nghĩ lại về nhiều thập kỷ phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi biết ơn sâu xa Cha trên trời về mọi điều ngài đã làm cho mình. Tôi đồng ý với người vợ yêu dấu, cô ấy thường nói rằng không nên để bất cứ điều gì ngăn cản mình dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, ngay cả khi tính mạng bị đe dọa! Chúng tôi luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã cho phép mình góp phần vào việc rao truyền thông điệp bình an ở Trung Đông (Thi thiên 46:8, 9). Chúng tôi hướng đến tương lai với lòng tin chắc vì biết rằng Đức Giê-hô-va tiếp tục hướng dẫn và bảo vệ tất cả những ai nương cậy ngài.—Ê-sai 26:3.
a Để biết thêm về nhóm này, xin xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1980, trang 186-188 (Anh ngữ).
b Tự truyện của anh Najib Salem được đăng trong Tháp Canh ngày 1-9-2001, trang 22-26.