Con dấu thời xưa được dùng với mục đích nào?
Con dấu thời xưa có hình dạng nhỏ, có hình khắc được dùng để đóng dấu, thường để ấn trên đất sét hoặc sáp. Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn như hình nón, hình vuông, hình trụ và ngay cả hình đầu thú vật. Con dấu có thể cho thấy quyền sở hữu hoặc sự chứng thực và được dùng để niêm phong lối vào, như cửa hay lối vào của mộ.
Con dấu được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như xương, đá vôi, kim loại, đá quý hoặc gỗ. Đôi khi tên của người chủ và cha của người ấy được khắc trên con dấu. Một số con dấu khắc tước hiệu của người chủ.
Để chứng thực một tài liệu, người chủ con dấu sẽ ấn hình khắc vào đất sét, sáp hay chất liệu mềm khác được đặt trên tài liệu (Gióp 38:14). Chất liệu sẽ trở nên cứng và nhờ thế tài liệu sẽ được bảo mật.
Con dấu có thể được dùng để ủy quyền
Người ta có thể đưa con dấu của mình cho người khác để ủy quyền cho người ấy. Hãy xem một ví dụ liên quan đến một Pha-ra-ôn của Ai Cập xưa và một người Hê-bơ-rơ tên Giô-sép, con tộc trưởng Gia-cốp. Giô-sép làm nô lệ ở Ai Cập và sau này bị bỏ tù bất công. Nhưng một thời gian sau, Pha-ra-ôn phóng thích ông và ban cho ông chức thủ tướng. Kinh Thánh cho biết: “Rồi Pha-ra-ôn cởi chiếc nhẫn đóng dấu trên tay mình mà trao cho Giô-sép” (Sáng thế 41:42). Vì chiếc nhẫn đóng dấu có dấu chính thức, giờ đây Giô-sép có thẩm quyền để thực hiện công việc quan trọng được giao.
Hoàng hậu Giê-xa-bên của Y-sơ-ra-ên xưa đã dùng con dấu của chồng để âm mưu hạ thủ một người đàn ông tên Na-bốt. Nhân danh vua A-háp, bà viết thư cho một số trưởng lão, yêu cầu họ buộc tội Na-bốt về tội phỉ báng Đức Chúa Trời. Bà dùng con dấu của vua để đóng ấn các lá thư, và âm mưu của bà đã thành công.—1 Các vua 21:5-14.
Vua A-suê-ru của Ba Tư đã dùng nhẫn đóng dấu để chứng thực chiếu chỉ của mình.—Ê-xơ-tê 3:10, 12.
Một người viết Kinh Thánh là Nê-hê-mi cho biết các quan, người Lê-vi và các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên đã cho thấy họ chấp nhận một văn bản thỏa thuận bằng cách đóng dấu chứng nhận.—Nê-hê-mi 1:1; 9:38.
Kinh Thánh nói đến hai trường hợp con dấu được dùng để niêm phong. Khi nhà tiên tri Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử, “người ta mang một tảng đá đến đặt trên miệng hầm”. Rồi vua Đa-ri-út của Mê-đi và Ba Tư “niêm phong nó bằng nhẫn đóng dấu của mình và của các bậc quyền quý, để vụ việc của Đa-ni-ên không thể thay đổi được nữa”.—Đa-ni-ên 6:17.
Khi thi thể của Chúa Giê-su được đặt trong mộ, kẻ thù của ngài “niêm phong tảng đá chặn cửa mộ” (Ma-thi-ơ 27:66). Theo một sách bình luận về Phúc âm Ma-thi-ơ của tác giả David Linton Turner, nếu họ niêm phong bằng con dấu của chính quyền La Mã thì “con dấu này sẽ được ấn trên đất sét hoặc sáp đã được nhét vào các khe giữa... tảng đá và lối vào mộ”.
Vì con dấu thời xưa cho biết nhiều điều về lịch sử nên các nhà khảo cổ và sử gia dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu về chúng. Trên thực tế, việc nghiên cứu con dấu, được gọi là ấn chương học, đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu chính.