Sự lo lắng và căng thẳng ở nam giới—Kinh Thánh có thể giúp như thế nào?
Khi nghĩ đến một người đang đương đầu với sự lo lắng và căng thẳng, a có thể bạn hình dung đến một người bị tê liệt vì sợ hãi, một người khó ra khỏi giường vào buổi sáng hoặc một người luôn nói về những điều mình lo lắng.
Một số người phản ứng như thế khi bị lo lắng và căng thẳng. Nhưng các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng có những người, nhất là người nam, thì dễ phản ứng theo cách khác. Một báo cáo cho biết nam giới “có nguy cơ dùng rượu bia, thuốc men và ma túy để đối phó với lo lắng và căng thẳng cao hơn [nữ giới], nên thật ra tình trạng nghiện ngập có thể là do vấn đề quá lo lắng và căng thẳng. Sự lo lắng và căng thẳng ở nam giới thường có biểu hiện là bực bội và tức giận”.
Dĩ nhiên, không phải mọi người nam đều phản ứng giống nhau. Dù một người phản ứng theo cách nào, sự lo lắng và căng thẳng là một vấn đề ngày càng phổ biến trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” này (2 Ti-mô-thê 3:1). Nếu bạn đang đương đầu với sự lo lắng và căng thẳng, Kinh Thánh có thể giúp bạn không?
Lời khuyên thực tế của Kinh Thánh giúp đối phó với lo lắng và căng thẳng
Kinh Thánh có rất nhiều lời khuyên đáng tin cậy có thể giúp chúng ta khi đương đầu với sự lo lắng và căng thẳng. Hãy xem ba ví dụ.
1. “Chớ bao giờ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai. Ngày nào có đủ nỗi khổ của ngày đó”.—Ma-thi-ơ 6:34.
Ý nghĩa: Sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta tránh lo lắng thái quá về những điều có thể (hoặc có thể không) xảy ra trong tương lai. Thường thì sự việc không xảy ra đúng như những gì mình lo sợ. Trong một số trường hợp, sự việc còn chuyển biến theo hướng tốt hơn một cách không ngờ.
Hãy thử cách này: Nhớ lại những lần trong quá khứ mà bạn từng tin chắc như đinh đóng cột rằng sẽ xảy ra một điều tồi tệ, nhưng rồi không phải vậy. Sau đó, hãy xác định xem mình đang lo lắng về điều gì, cố gắng đánh giá một cách khách quan liệu điều đó sẽ thật sự trở thành vấn đề lớn không.
2. “Sắt mài giũa sắt, bạn rèn giũa bạn”.—Châm ngôn 27:17.
Ý nghĩa: Những người khác có thể giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng và căng thẳng nếu chúng ta để họ giúp. Họ có thể cho chúng ta một số đề nghị thực tế rút ra từ trải nghiệm của chính họ. Hoặc ít nhất họ có thể đưa ra nhận xét khách quan của người ngoài cuộc.
Hãy thử cách này: Nghĩ đến một người có thể cho mình lời khuyên bổ ích, chẳng hạn một người bạn từng đương đầu với vấn đề tương tự. Hỏi người ấy xem điều gì giúp ích và điều gì không giúp ích khi ở trong hoàn cảnh đó.
3. “Hãy trút hết mọi lo lắng [hay “nỗi phiền muộn”, chú thích] cho ngài, vì ngài quan tâm đến [bạn]”.—1 Phi-e-rơ 5:7.
Ý nghĩa: Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời, quan tâm sâu xa đến những ai đang chịu khổ. Ngài mời chúng ta cầu nguyện với ngài về bất cứ điều gì khiến mình nặng trĩu âu lo.
Hãy thử cách này: Liệt kê những vấn đề khiến mình lo lắng và căng thẳng. Sau đó, hãy cầu nguyện với Đức Chúa Trời về những vấn đề ấy, nói cụ thể từng vấn đề và xin ngài giúp mình đối phó.
Thời kỳ không còn sự lo lắng và căng thẳng nữa
Kinh Thánh không chỉ đưa ra lời khuyên giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng và căng thẳng. Sách này còn hứa về một thời kỳ sắp đến, khi mà những lo lắng hiện tại của chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn. Điều này sẽ được thực hiện như thế nào?
Nước Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ những nguyên nhân gây ra lo lắng và căng thẳng (Khải huyền 21:4). Dưới sự cai trị của Nước ấy, ngay cả ký ức về những lo lắng và căng thẳng sẽ không làm khổ chúng ta nữa.—Ê-sai 65:17.
“Đức Chúa Trời, đấng ban sự bình an” muốn mang lại tương lai ấy cho bạn (Rô-ma 16:20). Ngài đảm bảo với chúng ta: “Ta biết rõ ý ta đang nghĩ về các con, đó là ý bình an, chứ không phải ý thảm họa, hầu ban cho các con một tương lai và một hy vọng”.—Giê-rê-mi 29:11.
a Trong bài này, cụm từ “sự lo lắng và căng thẳng” không nói đến tình trạng bệnh lý, nhưng nói đến sự căng thẳng và lo lắng thường ngày đè nặng trên một người. Những người có biểu hiện bệnh lý có thể tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ.—Lu-ca 5:31.