Phù điêu Ai Cập cổ đại chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh
Bức phù điêu này cao 8 mét, nằm gần một lối vào đền thờ thần Amun của người Ai Cập cổ đại ở Karnak. Theo các học giả, bức phù điêu này khắc họa việc Pha-ra-ôn Si-sắc chinh phục các xứ ở phía đông bắc Ai Cập, trong đó có Giu-đa và vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc.
Bức phù điêu cho thấy Amun trao hơn 150 tù binh cho Si-sắc, hay Si-sôn. a Mỗi tù binh tượng trưng cho một thành hoặc dân bị chinh phục. Phía trước mỗi tù binh là tấm biển hình bầu dục có khắc tên thành. Nhiều tên vẫn còn thấy rõ, và một số tên thì quen thuộc với độc giả Kinh Thánh, chẳng hạn như Bết-sê-an, Ga-ba-ôn, Mê-ghi-đô và Su-nem.
Việc Si-sắc chinh phục Giu-đa được đề cập trong Kinh Thánh (1 Các vua 14:25, 26). Thật vậy, Kinh Thánh ghi lại một cách chi tiết về cuộc xâm lược này. Lời tường thuật cho biết: “Năm thứ năm triều đại vua Rê-hô-bô-am, vua Si-sắc của Ai Cập đi lên đánh Giê-ru-sa-lem... Vua ấy dẫn theo 1.200 xe ngựa, 60.000 kỵ binh và vô số quân lính từ Ai Cập... Vua chiếm được các thành kiên cố của Giu-đa và cuối cùng thì đến Giê-ru-sa-lem”.—2 Sử ký 12:2-4.
Bức phù điêu Karnak không phải là bằng chứng khảo cổ duy nhất cho biết về cuộc chinh phục Y-sơ-ra-ên của Si-sắc. Ngoài ra, một mảnh của đài kỷ niệm bằng đá được tìm thấy ở nơi mà thành Mê-ghi-đô trong Kinh Thánh từng tọa lạc, trên mảnh đó cũng có tên “Si-sôn”.
Lời tường thuật chính xác về việc Si-sắc chinh phục Giu-đa là một ví dụ về tính trung thực của người viết Kinh Thánh. Họ trung thực ghi lại cả chiến thắng lẫn sự thất thủ của nước mình. Sự trung thực như thế hiếm thấy nơi những người viết khác vào thời xưa.
a Kinh Thánh dùng tên “Si-sắc”, là cách phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ của tên “Si-sôn”.