Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU

Phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể khó khăn về kinh tế

Phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể khó khăn về kinh tế

 Tại nhiều nước, vật giá leo thang làm cho đời sống của người ta khó khăn hơn, gồm cả Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng thay vì lo lắng thái quá, Nhân Chứng được yên tâm khi biết rằng Đức Giê-hô-va “chẳng bao giờ bỏ” tôi tớ ngài (Hê-bơ-rơ 13:5). Hết lần này đến lần khác, ngài đã giữ đúng lời hứa đó. Ngài đã làm vậy với các anh chị ở Philippines, đất nước có nhiều người vẫn đang sống trong cảnh nghèo khổ. Đặc biệt trong những thập niên 1970 và 1980, đất nước này đã trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn.

 Một chị tên Vicky a nhớ lại: “Đôi lúc tôi bật khóc vì không có đủ thức ăn. Có nhiều khi chúng tôi chẳng còn gì ngoài gạo, muối và nước”. Một anh tên Florencio không thể tìm được việc làm. Anh kể: “Tôi chỉ có ba áo sơ mi và ba quần tây để mặc luân phiên khi dự nhóm họp và hội nghị”. Dân của Đức Giê-hô-va đã đương đầu như thế nào? Điều gì giúp họ giữ được tình trạng thiêng liêng vững mạnh? Và làm thế nào gương mẫu của họ giúp chúng ta ngày nay khi đương đầu với thời kỳ đầy bất ổn?

Họ tin cậy Đức Giê-hô-va

 Nhân Chứng ở Philippines tin chắc rằng Đức Giê-hô-va chăm sóc họ trong thời kỳ khó khăn ấy (Hê-bơ-rơ 13:6). Quả thật ngài đã làm thế, thường là theo những cách ngoài mong đợi. Chẳng hạn, một chị tên Cecille nhớ lại: “Sau khi nấu chén gạo cuối cùng cho bữa sáng, gia đình gồm bốn người của chúng tôi không còn gì để ăn. Vì thế, chúng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình đủ những gì cần dùng cho ngày hôm đó. Trong khi chúng tôi vẫn còn đang ăn sáng, một anh đã mang đến năm ký gạo. Chúng tôi bật khóc vì quá đỗi biết ơn và vui mừng về ân phước này từ Đức Giê-hô-va. Chúng tôi còn có rất nhiều trải nghiệm tương tự như thế”.

 Ngoài ra, dân Đức Chúa Trời cũng áp dụng sự khôn ngoan thiết thực trong Kinh Thánh (Châm ngôn 2:6, 7). Chẳng hạn, một chị mới báp-têm tên Arcelita, lúc đó còn độc thân và phải chật vật kiếm sống, đã trút đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va. Rồi chị suy ngẫm về Châm ngôn 10:4: “Tay biếng nhác dẫn đến nghèo khó, tay cần mẫn mang lại giàu có”. Áp dụng những lời ấy, chị đã quyết định trồng một vườn rau. Chị kể: “Đức Giê-hô-va đã thật sự ban phước cho nỗ lực của tôi. Tôi thu hoạch đủ ăn và đủ trang trải chi phí đi lại”.

Họ đã không bỏ việc nhóm họp với nhau

 Các anh cũng thiếu ngân sách để mua đất và xây Phòng Nước Trời. Nhưng điều đó không cản trở họ vâng theo mệnh lệnh nhóm lại để khuyến khích nhau (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Họ tìm cách thích ứng với hoàn cảnh. Chẳng hạn, một chị tên Deborah hồi tưởng: “Chúng tôi gồm khoảng sáu người nhóm lại trong một túp lều nhỏ do tôi và bạn cùng làm tiên phong đã dựng. Chúng tôi dùng lá dừa nước để lợp mái, lá dừa để làm vách và thân cây cọ để làm ghế ngồi”.

 Thường thì nhà riêng được dùng làm nơi để nhóm họp. Một chị tên Virginia chia sẻ: “Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi làm từ cỏ và tre. Chúng tôi phải kê lại đồ đạc mỗi thứ Bảy để có chỗ cho nhóm họp ngày hôm sau”. Tại một nhà khác thì mái bị dột. Một anh tên Noel nhớ lại: “Khi trời mưa, chúng tôi phải dùng những cái xô để hứng nước. Nhưng chúng tôi chẳng hề để ý đến những bất tiện ấy vì được nhóm lại cùng gia đình thiêng liêng của mình”.

Họ giữ lòng sốt sắng trong thánh chức

 Thiếu thốn về vật chất không làm suy giảm lòng sốt sắng của Nhân Chứng trong thánh chức. Chị Lindina, sống trên đảo Negros, hồi tưởng: “Gia đình chúng tôi đông anh em mà chỉ có ba đi làm nên không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ tiền để đi lại. Do đó, chúng tôi thường đi bộ đến khu vực, nhưng rất vui vì cả nhà đi chung. Chúng tôi cũng biết rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về nỗ lực của mình”.

Khó khăn không cản trở Nhân Chứng rao giảng

 Một trong những thử thách lớn nhất là việc di chuyển đến những khu vực miền núi xa xôi hẻo lánh để rao giảng, vì có rất ít hay có nơi không có phương tiện công cộng. Chị Esther, sống trên đảo Luzon, kể lại: “Nhóm chúng tôi, gồm 6 đến 12 anh chị, xuất phát từ rất sớm vì chúng tôi phải đi bộ nhiều cây số. Chúng tôi dành cả ngày để rao giảng. Về thức ăn thì chúng tôi nấu và đem theo, rồi cùng nhau ăn dưới bóng cây. Dù một số anh chị không có đồ ăn để mang theo, họ vẫn đến đi chung. Chúng tôi nói với họ: ‘Đừng lo, có đủ thức ăn cho mọi người mà’”.

 Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào cho tinh thần hy sinh đó. Chẳng hạn, vào năm 1970, có 54.789 người công bố ở Philippines. Đến năm 1989, con số này tăng gần gấp đôi, đạt 102.487 người. Vào năm 2023, số người công bố Nước Trời tại Philippines lên đến 253.876 người.

“Nghèo khó không cản trở chúng tôi yêu thương Đức Giê-hô-va”

 Bất kể khó khăn kinh tế trầm trọng, Nhân Chứng vẫn thịnh vượng về thiêng liêng. Một anh tên Antonio nói: “Nghèo khó không cản trở chúng tôi yêu thương Đức Giê-hô-va”. Chị Fe Abad chia sẻ: “Khi tôi và chồng đương đầu với khó khăn kinh tế, chúng tôi đã gắn bó với Đức Giê-hô-va và cảm nghiệm được niềm vui khi có đời sống đơn giản. Kết quả là con cái chúng tôi cũng học tin cậy nơi ngài”.

 Chị Lucila, sống trên đảo Samar, nhận xét: “Khi chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va thì nghèo khó không phải là vấn đề. Khi đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu, chúng ta sẽ thỏa lòng và giữ được thái độ tích cực. Thật vậy, tôi có niềm vui khi thấy các học viên Kinh Thánh của mình phát triển mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và sau này cùng tôi làm tiên phong”.

 Ý thức rằng thời kỳ đầy biến động đang ở phía trước, chúng ta muốn ghi nhớ những lời của một trưởng lão tên Rodolfo. Anh viết: “Trải qua giai đoạn khó khăn vào thập niên 1970 và 1980, tôi cảm nghiệm được bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình. Dù có rất ít tiền, tôi không thấy thiếu thốn. Đức Giê-hô-va đã chăm sóc tôi chu đáo. Hiện tôi có đời sống tốt nhất, và tôi háo hức mong đợi ‘sự sống thật’ trong địa đàng sắp đến”.​—1 Ti-mô-thê 6:19.

a Một số tên đã được thay đổi.