Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Địa ngục có nóng không?

Địa ngục có nóng không?

Chương 11

Địa ngục có nóng không?

PHẢI CHĂNG nhiều bản dịch Kinh-thánh đề cập đến một nơi gọi là “địa ngục”? Đúng thế, nhiều bản dịch Kinh-thánh có dùng từ ngữ này. Nhưng câu hỏi được đặt ra là những điều mà giới lãnh đạo tôn giáo dạy về nơi gọi là “địa ngục” có xuất phát từ Kinh-thánh không hay có nguồn gốc nào khác?

Bạn có biết rằng không phải chỉ riêng những người thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ, mà còn có nhiều người khác nữa, tuy không theo đạo đấng Christ nhưng cũng tin có một địa ngục đầy khổ ải không? Chúng ta biết được điều này khi đọc nhiều tài liệu khác nhau về sự thống khổ của những người ở trong địa ngục.

Một “thánh thư” của một đạo không theo đấng Christ vào thế kỷ thứ bảy công nguyên (CN) nói:

“Địa ngục!—chúng nó sẽ bị thiêu ở trong đó—một cái giường quái ác (vâng, để nằm đó)!—Than ôi, thế ấy!—Rồi chúng nó sẽ nếm mùi địa ngục,—một chất lỏng sôi, và một chất lỏng đen kịt, đục ngầu, băng giá khủng khiếp!... (Chúng nó sẽ ở) giữa Trận cuồng phong lửa táp và Nước sôi, và trong màn Khói đen kịt: (Sẽ) chẳng có gì để giải khát, hoặc làm chúng vui lòng”.

Phật giáo, được sáng lập vào khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, dạy rằng có nhiều “địa ngục” và mô tả một trong những “địa ngục” đó:

“Nơi đây lửa cháy không ngừng; sanh linh đau khổ không nguôi”.

Sách giáo lý Công giáo Catechism of Christian Doctrine, xuất bản năm 1949, ghi nhận:

“Họ bị xa cách mặt Thiên Chúa và bị đau đớn đời đời trong sự thống khổ rùng rợn, đặc biệt là bị hành hạ trong lửa. Việc bị xa cách mặt Thiên Chúa được gọi là hình phạt tiêu cực; còn sự thống khổ thật sự về phần hồn lẫn phần xác sau khi được sống lại được gọi là hình phạt tích cực”.

Một số giáo phẩm Tin lành ở vài nơi cũng tô điểm một cách sống động về những sự rùng rợn của địa ngục. Ngay cả những tín đồ của giáo hội đó đôi khi cũng nói là họ được những sự hiện thấy về những thống khổ trong địa ngục nữa. Một người kia diễn tả sự hiện thấy của mình như sau: ‘Tôi thấy nơi nào cũng chỉ có toàn là lửa cháy và người ta. Thật là đau đớn và khổ sở biết dường nào! Người thì gào thét, kẻ thì rên rĩ và cầu xin nước uống! Người thì bứt tóc, kẻ thì nghiến răng; còn những kẻ khác nữa thì tự cắn tay chân’.

Thường thì người ta cho rằng sự đe dọa trừng phạt ở địa ngục nhằm thúc đẩy con người làm điều thiện. Nhưng lịch sử có biện minh cho điều đó chăng? Há những việc độc ác nhất lại không phải là do những người tin thuyết địa ngục chủ mưu đề xướng hay sao? Há những pháp đình tôn giáo khủng khiếp vào thời trung cổ và những trận thập tự chiến đẫm máu của giáo hội tự xưng theo đấng Christ không phải là một bằng chứng điển hình của việc này hay sao?

Thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy càng ngày càng có đông người không còn thật sự tin vào địa ngục đầy khổ ải nữa. Họ cũng không tin là sự trừng phạt ngăn ngừa được tội ác. Dù không thật sự bác bỏ giáo lý này, họ không tin lập luận đó có lý và chân thật. Có lẽ họ vẫn theo giáo hội đó và, bởi họ ủng hộ đạo họ, họ chịu trách nhiệm về việc truyền bá giáo lý địa ngục.

Nhưng Kinh-thánh nói gì về sự thống khổ sau khi chết? Nếu đã đọc xong các chương trước của sách này, hẳn bạn biết nhiều điều mà người ta tin tưởng về người chết đều sai lầm. Bạn đã biết là không có linh hồn hay thần linh nào lìa bỏ thể xác khi người ta chết để tiếp tục sống với ý thức. Bởi vậy, giáo lý về sự thống khổ đời đời sau khi chết không dựa trên Kinh-thánh, vì không có gì sống sót để bị hành hạ theo nghĩa đen cả. Vậy thì nhiều bản dịch Kinh-thánh khác nhau dùng chữ “địa ngục” ở những đoạn nào?

NHẬN RA “SHEOL”

Trong bản dịch Kinh-thánh Công giáo là Douay Version chữ “địa ngục” được đề cập đến lần đầu tiên ở Sáng-thế Ký 37:35. Trong câu này tộc trưởng Gia-cốp nói về Giô-sép, người con mà ông tưởng đã chết: “Ta sẽ đi xuống địa ngục cùng với con ta”. Hiển nhiên Gia-cốp không muốn nói ông muốn chịu khổ cùng với con trai của ông. Ngay đến lời phụ chú về câu này trong bản dịch Douay Version (do Nhà sách Kinh-thánh Douay xuất bản tại Nữu Ước năm 1941) cũng không giải thích về đoạn này như thế. Chúng ta đọc:

“Xuống địa ngục. Tức là đi xuống minh phủ, nơi mà linh hồn của những người công bình được thâu nhận trước khi Chúa Cứu thế chết... [Chữ này] chắc chắn ám chỉ nơi yên nghỉ mà Gia-cốp tưởng là linh hồn của ông sẽ đến”.

Tuy nhiên, không có nơi nào trong Kinh-thánh nói đến “minh phủ” cả. Kinh-thánh cũng không hề hỗ trợ ý tưởng về một nơi nghỉ ngơi dành cho linh hồn như là cái gì biệt lập với thân thể. Trong phần ngữ vựng của bản dịch Kinh-thánh Công giáo hiện đại The New American Bible (do P. J. Kenedy & Sons, xuất bản tại Nữu Ước năm 1970), có ghi nhận như sau: “Giữa linh hồn và thể xác không có gì đối lập hay khác biệt với nhau cả; đó chỉ là những lối khác nhau để diễn tả một thực tại duy nhất, cụ thể”.

Nếu vậy thì “âm phủ” nơi mà Gia-cốp đã nghĩ rằng ông sẽ xuống cùng với con mình là gì? Lời giải đáp chính xác cho câu hỏi này nằm trong việc hiểu đúng nghĩa của chữ nguyên thủy she’ohlʹ (phiên âm là “Sheol”) được dịch ra là “âm phủ”. Chữ này, cũng được dịch là “mồ mả”, “vực”, “chỗ ở của người chết” và “hạ giới”, xuất hiện sáu mươi sáu lần * (trong bản dịch New World Translation) trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (thường được gọi là “Cựu Ước”), nhưng chữ này không hề được liên kết với sự sống, hoạt động hay hành tội. Trái lại, chữ đó thường dính liền với sự chết và bất động. Đây là một ít thí dụ:

“Vì trong sự chết chẳng còn nhớ đến Chúa [Đức Giê-hô-va] nữa; nơi Âm-phủ [Sheol, NW] ai sẽ cảm-tạ Chúa?” (Thi-thiên 6:5).

“Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ [Sheol, NW], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:10).

“Nơi Âm-phủ [Sheol, NW] chẳng ngợi-khen ngài được, và sự chết chẳng tôn-vinh ngài [Đức Giê-hô-va] được; những kẻ đã xuống mồ rồi chẳng còn trông-cậy sự thành-thật của Ngài nữa. Duy kẻ sống, kẻ sống, mới hay tôn-vinh Ngài, như tôi làm ngày nay” (Ê-sai 38:18, 19).

Bởi thế, rõ ràng Sheol là một nơi mà người chết đi đến. Đây không phải là một mồ mả cá nhân nào, nhưng nói chung là mồ mả chung của nhân loại, nơi mà mọi hoạt động có ý thức đều ngưng lại. Đây cũng là điều mà cuốn New Catholic Encyclopedia (Tân Bách khoa Tự điển Công giáo) công nhận về ý nghĩa của chữ Sheol trong Kinh-thánh:

“Trong Kinh-thánh chữ này chỉ định một nơi hoàn toàn bất động mà một người phải đi xuống lúc chết, dù công bình hay gian ác, dù giàu hay nghèo” (Quyển 13, trang 170).

Trong suốt thời kỳ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được viết ra, không hề có một nơi hành tội bằng lửa. Điều này cũng được xác nhận qua sự kiện là không bao giờ có hình phạt bằng sự thống khổ cho việc không vâng lời. Dân Y-sơ-ra-ên đã phải lựa chọn giữa sự sống hoặc sự chết, chứ không phải giữa sự sống hay sự thống khổ. Môi-se đã nói với họ: “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài và trìu-mến Ngài” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20).

Cũng thế, sau này Đức Chúa Trời kêu gọi những người Y-sơ-ra-ên bất trung hãy ăn năn và khuyến khích họ tránh khỏi bị chết sớm, chứ không phải khỏi bị thống khổ. Đức Giê-hô-va phán qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống. Các ngươi khá xây-bỏ, xây-bỏ đường-lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?” (Ê-xê-chi-ên 33:11).

HADES CŨNG TƯƠNG TỢ NHƯ SHEOL

Nhưng có người có lẽ lại hỏi: Chúa Giê-su Christ đã không xuống thế gian để thay đổi sự việc hay sao? Không, Đức Chúa Trời không hề thay đổi nhân cách hoặc những tiêu chuẩn công bình của ngài. Ngài phán qua nhà tiên tri Ma-la-chi: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi” (Ma-la-chi 3:6). Đức Giê-hô-va không hề thay đổi hình phạt đối với những kẻ không vâng lời. Ngài kiên nhẫn với dân tộc ngài để họ có thể thoát khỏi sự hủy diệt, chứ không phải khỏi sự thống khổ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết cho anh em cùng đạo: “Chúa [Đức Giê-hô-va] không chậm-trễ về lời hứa của ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9).

Sự thật cho thấy hình phạt đối với những kẻ không vâng lời vẫn là sự chết. Nơi mà Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp (thường được gọi là “Tân Ước”) mô tả nơi mà người chết đi đến không khác với nơi mà Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ gọi bằng Sheol (Rô-ma 6:23). Đây là bằng chứng hiển nhiên suy ra từ sự so sánh phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ với phần Kinh-thánh tiếng Hy Lạp. Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp chữ haiʹdes, phiên âm là “Hades”, được dùng 10 lần, diễn tả cùng một ý tưởng với chữ Hê-bơ-rơ she’ohlʹ (Ma-thi-ơ 11:23; 16:18; Lu-ca 10:15; 16:23; * Công-vụ các Sứ-đồ 2:27, 31; Khải-huyền 1:18; 6:8; 20:13, 14 [Nếu bản dịch mà bạn đang dùng, không có chữ “địa ngục” hay “Hades” trong các đoạn này, hãy lưu ý là những từ được dùng thế cho hai chữ này không có dụng ý nói đến một nơi thống khổ]). Hãy xem xét thí dụ sau:

Thi-thiên 16:10 viết: “Vì Chúa [Đức Giê-hô-va] sẽ chẳng bỏ linh-hồn tôi trong Âm-phủ [Sheol], cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư-nát”. Trong một bài diễn văn, sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã chứng tỏ câu Thi-thiên này có sự ứng nghiệm tiên tri: “Vì người [Đa-vít] là đấng tiên-tri, và biết Đức Chúa Trời đã thề hứa với người sẽ cho một hậu-tự người ngồi trên ngai mình, thì người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ [Hades], và xác-thịt Ngài chẳng thấy sự hư-nát” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:30, 31). Hãy chú ý rằng ở đây chữ Hy Lạp haiʹdes đã được dùng thế chữ Hê-bơ-rơ she’ohlʹ. Vậy hai chữ Sheohl và Hades được coi như tương đương với nhau.

Trong phần phụ chú ngữ vựng trong bản dịch Nouvelle Version do Hội Kinh-thánh Pháp xuất bản có viết như sau về “chỗ ở của người chết”:

“Từ ngữ này dịch từ chữ Hy Lạp Hades, tương đương với chữ Hê-bơ-rơ Sheol. Đó là một nơi mà người chết ở trong khoảng [thời gian] từ lúc qua đời đến lúc họ được sống lại (Lu-ca 16:23; Công-vụ các Sứ-đồ 2:27, 31; Khải-huyền 20:13, 14). Vài bản dịch đã dịch lầm chữ này là địa ngục”.

NGUỒN GỐC CỦA GIÁO LÝ VỀ LỬA ĐỊA NGỤC

Rõ ràng là Kinh-thánh dùng các chữ Sheol và Hades không phải để dạy giáo lý lửa địa ngục. Tạp chí Công giáo Commonweal (số ra ngày 15-1-1971) nhìn nhận đó không phải là giáo lý của tín đồ đấng Christ và ngay cả phản lại tinh thần đạo đấng Christ nữa. Tạp chí này ghi nhận:

“Đối với nhiều người, kể cả một số triết gia nữa, hỏa ngục đáp ứng lại nhu cầu thích tưởng tượng của con người—một loại ông Kẹ ăn thịt con nít... Có người công bình nào không muốn nhìn thấy người bất công bị trừng phạt đích đáng chăng? Và nếu trong đời này họ không bị phạt, tất phải là trong kiếp sau. Tuy nhiên, quan điểm ấy không phù hợp với Tân Ước kêu gọi người ta hãy sống và yêu thương”.

Rồi tạp chí này tiếp tục đem ra một sự kiện có thể là nguồn gốc của giáo lý này:

“Một yếu tố khác, có thể đã góp phần vào truyền thuyết của đạo Gia-tô về hỏa ngục, được tìm thấy trong thế giới La Mã. Cũng như bản thể bất diệt từng là một định đề của phần lớn triết lý Hy Lạp, công lý từng là đức hạnh quan trọng nhất của người La Mã, đặc biệt khi đạo Gia-tô đã bắt đầu phát triển... Có lẽ khi hai luồng tư tưởng này—triết lý Hy Lạp và công lý La Mã—giao kết nhau sanh ra phép đối xứng thần học về thiên đàng và hỏa ngục: nếu linh hồn tốt được thưởng, tất linh hồn xấu bị phạt. Để khẳng định sự tin tưởng của họ về việc công lý trừng phạt kẻ bất công, người La Mã chỉ việc mượn điển tích Aeneid của Virgil và đọc về những người được ban phước trong chỗ gọi là Elysium và những người bị trừng phạt trong chỗ gọi là Tartarus đầy lửa và những hình phạt rợn người”.

Vậy sự dạy dỗ về lửa địa ngục được nhìn nhận là một giáo lý của những người xa cách Đức Chúa Trời. Giáo lý này có thể được gọi đúng là “đạo-lý của quỉ dữ” (I Ti-mô-thê 4:1). Sở dĩ gọi như thế là vì giáo lý đó phát nguồn từ sự nói dối là con người không thật sự chết, và cũng phản ảnh được bản tánh đáng tởm, gian tà và độc ác của các quỉ. (So sánh Mác 5:2-13). Phải chăng giáo lý này chỉ gây cho loài người toàn những sự sợ hãi và kinh khiếp một cách vô ích? Phải chăng giáo lý đó trình bày một cách quá lệch lạc về Đức Chúa Trời? Trong Lời của ngài, Đức Giê-hô-va tự tỏ mình là một Đức Chúa Trời yêu thương (I Giăng 4:8). Nhưng giáo lý về lửa địa ngục vu khống ngài, cáo gian ngài một cách độc ác nhất mà người ta có thể tưởng tượng được.

Bởi thế ta có thể nói những ai dạy giáo lý lửa địa ngục đang nói xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Một số giới chức giáo phẩm không quen thuộc với những bằng chứng trong Kinh-thánh mà đáng lẽ họ phải biết rành. Họ tự nhận là sứ giả nói thông điệp của Đức Chúa Trời và do đó họ có bổn phận phải biết Kinh-thánh nói gì. Chắc chắn họ biết rõ là những hành động và lời nói của họ có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của những người nghe họ dạy. Đáng lý ra điều đó phải khiến họ tra cứu kỹ lưỡng những sự dạy dỗ của họ. Bất cứ một sự trình bày sai lạc nào về Đức Chúa Trời đều có thể khiến người ta xây bỏ sự thờ phượng thật, để rồi chịu thiệt hại.

Chắc chắn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không chấp nhận những thầy giáo giả. Ngài đã phán xét những nhà lãnh đạo tôn giáo bất trung của dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Ta cũng đã làm cho các ngươi ra khinh-bỉ hèn-hạ trước mặt cả dân, vì các ngươi chẳng giữ đường-lối ta” (Ma-la-chi 2:9). Chúng ta có thể chắc chắn rằng những thầy giáo giả vào thời chúng ta cũng sẽ bị phán xét giống vậy. Kinh-thánh cho biết chẳng bao lâu nữa các phần tử chính trị của thế gian này sẽ tước đi địa vị và ảnh hưởng của họ (Khải-huyền 17:15-18). Những ai vẫn tiếp tục ủng hộ hệ thống tôn giáo dạy điều giả dối cũng sẽ không khá gì hơn. Chúa Giê-su Christ nói: “Nếu kẻ mù dẫn-đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố” (Ma-thi-ơ 15:14).

Vì sự việc là vậy, bạn còn muốn tiếp tục ủng hộ bất cứ hệ thống tôn giáo nào dạy lửa địa ngục không? Bạn cảm thấy thế nào nếu cha bạn bị vu khống một cách thâm độc? Bạn sẽ tiếp tục nhận những kẻ vu khống đó làm bạn mình không? Đúng ra, há bạn không đoạn giao với chúng, hay sao? Cũng vậy, há chúng ta lại không muốn đoạn giao với những ai vu khống Cha trên trời của chúng ta sao?

Việc sợ bị hành tội không phải là một động lực tốt để phụng sự Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta phụng sự ngài với động lực yêu thương. Điều này phải làm chúng ta cảm động. Khi ý thức người chết không kêu la đau đớn ở trong một nơi có lửa cháy, nhưng thật ra, họ ở trong mồ chung của những người chết không có ý thức, im lặng và không có sự sống, chúng ta có thể dẹp qua được hàng rào ngăn cách mình bày tỏ sự yêu thương đối với Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 29 Chương tới sẽ bàn kỹ Lu-ca 16:23.

[Hình nơi trang 90]

Cách người Phật giáo hình dung địa ngục

[Hình nơi trang 91]

Cách mà Dante người Công giáo hình dung địa ngục (“Inferno”)