Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có lý do để quan tâm

Bạn có lý do để quan tâm

Chương 1

Bạn có lý do để quan tâm

Có khi nào loài người sẽ được sống đời đời không?

Ngay bây giờ một số cây đã sống được hàng bao thế kỷ rồi.

BẠN có quí sự sống không? Bạn có mong muốn đời sống với sức khỏe tốt cho chính bạn và những người thân của bạn không? Phần đông người ta sẽ trả lời có.

Nhưng ngày nay nhiều vấn đề khó khăn không ngớt nhắc chúng ta về tình trạng bấp bênh của đời sống của chúng ta, của người hôn phối và con cái chúng ta nữa. Tai nạn, tội ác, bạo động, chiến tranh và đói kém đã làm chết hàng triệu người đang đầy nhựa sống. Dù có những tiến bộ về y khoa, bệnh tật vẫn gây nhiều chết chóc. Nạn ô nhiễm là mối đe dọa trầm trọng nhất.

Bởi vậy, ngày nay thường thấy nhiều người thắc mắc: “Đời sống chỉ có thế thôi sao? Hoặc hy vọng đẹp nhất của chúng ta là sống một đời khác sau khi chết? Khi một người chết điều gì xảy ra? Có phải một phần của người đó tiếp tục sống không? Người chết có ý thức, thấy được, nghe được, nói được—hành động được không? Sau khi chết, người ta có bị hành tội không? Thật ra, sự chết là bạn hay thù?” Chắc chắn biết được lời giải đáp cho những câu hỏi này có ích cho chúng ta.

SỰ CHẾT CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA KHÔNG?

Có lẽ bạn không để ý rằng quan điểm của chúng ta về sự chết có ảnh hưởng lớn trên đời sống của tất cả chúng ta, nhưng thật ra là như vậy. Quan điểm mà chúng ta có về sự chết ảnh hưởng đến việc chúng ta hưởng thụ đời sống và sống cách nào mặc dù đa số người không nghĩ vậy. Vì vậy chúng ta cần phải biết lẽ thật về sự chết.

Một thí dụ: bạn có biết đa số tôn giáo lớn ngày nay đều hướng con người về sự chết hơn là về sự sống không? Hàng trăm triệu người được dạy khi chết đi họ được vào sống trong một thế giới khác, “thế giới của người chết”, nơi đó họ sẽ được ban phước hay sẽ bị thống khổ. Cầu nguyện và làm những nghi lễ tốn kém để an ủi người chết là một phần thiết yếu của nhiều tôn giáo.

Người ta có thể nói: “Có lẽ là như vậy, nhưng tôi không hơi đâu mà lo nghĩ đến sự chết hay việc gì xảy ra sau khi chết. Vấn đề của tôi là sống và tận hưởng những gì mà đời mang lại cho tôi ngay bây giờ khi còn kịp”. Ngay cả câu trả lời này cũng chứng tỏ sự chết có ảnh hưởng trên đời sống của người ta. Nghĩ cho cùng, sự chết há chẳng định đoạt khi nào chúng ta không còn hưởng được gì từ sự sống nữa hay sao?

Vì thế, dù chúng ta có lẽ cố gắng xua đuổi ý tưởng về sự chết ra khỏi tâm trí chúng ta, ý thức về đời sống quá ngắn ngủi vẫn còn ám ảnh chúng ta không nguôi. Có lẽ ý thức đó thúc đẩy một người bôn ba làm giàu lúc còn trẻ—“khi y còn hưởng đời được”. Vì biết đời sống ngắn ngủi, nhiều người tỏ ra nóng nảy, hung bạo và vô cảm đối với người khác; dùng những thủ đoạn bất lương để đạt đến mục tiêu của họ. Họ cảm thấy không có thì giờ để hành động phải lẽ. Tuy vậy, có lẽ lúc nào họ cũng hô hào là sự chết không có chi phối đời sống của họ.

Chính bạn thì nghĩ sao về sự chết? Sự chết có chi phối những dự tính của bạn về tương lai hay lối sống của bạn ngay bây giờ không?

CẦN PHẢI BIẾT CHẮC CHẮN

Vấn đề được đặt ra là có rất nhiều quan điểm về sự sống và sự chết. Thường thì những quan điểm này mâu thuẫn với nhau, trái ngược hẳn với nhau.

Nhiều người tin chết là hết, hay ít ra, người ta sinh ra để chết. Bạn có đồng ý như vậy không? Bạn thấy có lý khi vài cây sống lâu hơn loài người có trí thông minh đến hàng ngàn năm? Bạn có cảm thấy đời sống bảy mươi hay tám mươi năm không thấm thía gì để bạn làm tất cả những gì bạn muốn làm, học biết tất cả những gì bạn muốn học, xem tất cả những gì bạn muốn xem và khai triển hết tài nghệ và khả năng của bạn theo ý bạn muốn không?

Rồi có vô số người tin sự sống vẫn còn tiếp diễn sau khi chết, vì cái gì đó—linh hồn hay thần linh—sống sót sau khi thân thể chết. Tuy nhiên, quan điểm của họ khác xa với nhau. Và dĩ nhiên sự tin tưởng của họ mâu thuẫn với ý tưởng của những người cho rằng chết là hết. Không phải tất cả những quan điểm mâu thuẫn đều đúng. Quan điểm nào đúng? Điều này có quan trọng không? Có, quan trọng lắm. Bạn hãy xem xét lý do tại sao.

Nếu quả thật những người chết có thể hưởng lộc qua những lời cầu nguyện và những lễ nghi do chúng ta làm cho họ, chẳng phải chúng ta tàn nhẫn khi không cầu nguyện và làm những lễ nghi đó cho họ hay sao? Nhưng còn nếu những người chết thật sự chết, không thể được người sống giúp đỡ gì cả thì sao? Hóa ra hàng trăm triệu người bị lường gạt một cách thê thảm. Hóa ra những hệ thống tôn giáo chính đã làm giàu bằng sự lừa đảo, dạy điều sai lầm về người chết để lợi dụng những người sống thay vì làm ơn cho họ.

Chúng ta có thể an ủi người khác thế nào khi, sớm muộn gì, cảnh chết chóc sẽ xảy đến với gia đình chúng ta hay gia đình của một người bạn chúng ta? Có lý lẽ nào để tin thuyết “định mệnh” an bài cuộc đời và số năm sống của chúng ta? Một đứa bé chết rồi sẽ ra sao? Đức Chúa Trời có “gọi đứa bé đó về chầu ngài” như một số người nói không?

Thật có rất nhiều điều chúng ta cần biết về sự chết, và hễ chúng ta càng yêu đời chừng nào, chúng ta càng muốn biết chắc câu giải đáp đúng chừng nấy. Nhưng tìm đâu ra—đặc biệt là trong bối cảnh hỗn độn và mâu thuẫn như thế?

15 Có nhiều kinh sách tôn giáo bàn về sự sống và sự chết, vài cuốn có từ lâu đời. Nhưng có một cuốn sách rất cổ trình bày một quan điểm hoàn toàn khác hẳn với tất cả những cuốn sách kia. Thật thế, quan điểm của sách đó khác hẳn một cách đáng ngạc nhiên với điều mà phần đông người ta tưởng là sách đó nói đến. Sách đó là Kinh-thánh.

Kinh-thánh nói về những người có thật, những người đã từng trải qua những vấn đề căn bản như chúng ta ngày nay. Sau khi suy gẫm về toàn thể lẽ sống, chính họ cũng hỏi: “Vậy, ích chi cho người lao-khổ, cực lòng mà làm việc ở dưới mặt trời?” “Người dầu sống đến hai ngàn năm, mà không hưởng được chút phước nào, cuối-cùng cả thảy há chẳng về chung một chỗ sao?” (Truyền-đạo 2:22; 6:6). Họ cũng nêu ra thắc mắc: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” Bạn trả lời sao?

Cuốn sách này trong tay bạn không những thảo luận về các cố gắng của người ta nhằm giải đáp những thắc mắc vừa được nêu ra, và cũng cho biết Kinh-thánh có câu trả lời tối quan trọng cho mỗi câu hỏi đó. Bạn có thể học biết về hy vọng có một không hai mà Kinh-thánh trình bày, cho những người đang đương đầu với sự chết hay đã chết rồi. Nếu hiểu được những điều này, bạn sẽ thấy hạnh phúc và yên tâm hơn ngay bây giờ và trong tương lai nữa.