Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có phải sợ người chết không?

Bạn có phải sợ người chết không?

Chương 8

Bạn có phải sợ người chết không?

KHÔNG PHẢI ai ai cũng đều nghĩ là chỉ người chết mới cần được giúp đỡ. Còn có một sự tin tưởng thịnh hành hơn, đó là người sống cũng cần được giúp đỡ để tránh khỏi tai họa do người chết gây ra. Người ta thường tránh đi qua nghĩa địa vào ban đêm. Điều lạ lùng là ngay cả những bạn bè hay bà con trước kia được họ thương mến nay chết đi cũng được xem như là nguyên nhân làm cho họ sợ hãi và khiếp đảm.

Trong phong tục của dân Da đỏ sống trong vùng đồi núi miền Trung Chiapas, Mê-hi-cô, có tục đốt ớt đỏ trong ngày chôn cất. Tục lệ này được thực hiện với hy vọng khói cay khó chịu sẽ xua đuổi linh hồn người chết ra khỏi nhà.

Tại một số vùng ở Âu châu, vừa khi có người chết, người ta lập tức mở toang tất cả các cửa cái và cửa sổ trong nhà ra. Họ làm vậy nhằm để “siêu thoát” linh hồn. Hầu cho không ai bị linh hồn người chết nhập vào ám hại, một người trong gia đình kéo hai tay người chết để trên ngực và dùng bạc cắc vuốt mắt nhắm lại.

Khi một người Phật giáo ở Mông Cổ chết trong lều, người ta không khiêng xác người ra ngoài bằng lối cửa ra vào thường ngày, mà phải làm một cái cửa khác và sau khi khiêng xác chết ra ngoài rồi, người ta khâu cửa này lại. Hoặc có khi người ta để một tấm sáo bằng rơm trước cửa; sau khi xác khiêng ra ngoài rồi, người ta đốt tấm sáo đó. Mục đích của hành động như thế là để ngăn chặn vong linh người chết trở lại chỗ ở cũ và làm hại người sống.

Tại nhiều vùng ở Phi châu, khi trong nhà có người mắc bệnh, con chết, làm ăn lỗ lã hoặc bất cứ một chuyện không hay nào khác xảy đến, người ta đều đi cầu vấn một pháp sư juju ngay. Thường thì pháp sư bảo rằng có một thân nhân quá cố của gia đình bị xúc phạm. Y hỏi ý kiến các thần rồi ấn định của-lễ phải dâng. Pháp sư đòi thật nhiều tiền cho dịch vụ này; và ông ta cũng lấy thịt thú vật dâng cúng về cho mình.

Người ta có nên sợ hãi người chết đến mức chịu tốn kém khá nhiều để tự bảo vệ như thế không?

Kinh-thánh nói về người chết: “Sự yêu, sự ghét, sự ganh-gổ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu; họ chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (Truyền-đạo 9:6). Như thế người chết không thể làm hại bạn được. Và không ai có thể chứng minh câu nói này của Kinh-thánh là sai được.

Đành rằng người ta có thể gán một số chuyện xảy ra là do vong linh người chết phù hộ. Họ có thể cho rằng, sau khi họ cầu an với vong linh người chết, bệnh tình của họ thuyên giảm, công việc làm ăn phát đạt trở lại và những chuyện giống như vậy đến với họ. Nhưng có thể nào những rắc rối xảy đến rồi tan biến đi là do một nguồn lực khác không?

Không phải là lạ lùng hay sao khi người ta không hề biết mình đã xúc phạm đến một người thân quá cố cho đến khi đi cầu hỏi một pháp sư juju, hoặc hỏi người nào đó có địa vị tương tự, thì mới biết được? Và tại sao “vong linh” của người cha, mẹ hay con trai, con gái đã chết lại muốn đe dọa hạnh phúc và sự an lạc của những người mà trước kia họ thương mến thật nhiều? Điều gì khiến cho “vong linh” của một người chết trở nên thích phục hận, trong khi lúc còn sống không có như vậy? Vì những gì mà người ta gán cho người chết thường trái ngược hẳn với nhân cách của người ấy lúc còn sống, thế thì khi ta kết luận rằng “vong linh” của người chết không dính dấp gì cả, chẳng phải là hợp lý hơn sao? Hẳn là vậy. Thật ra Kinh-thánh có lý khi nói người chết “chẳng hề có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời”.

Bạn cũng hãy xem xét hiệu quả tai hại của sự sợ hãi người chết. Nhiều người đã rơi vào vòng nô lệ các pháp sư juju hay những kẻ lãnh đạo tôn giáo khác, những người thường tuyên bố rằng mọi sự rủi ro hay may mắn xảy đến cho một người phần lớn đều là do “vong linh” của người chết kiểm soát. Những người này tự cho mình địa vị đứng ra hòa giải với người chết bị xúc phạm. Bởi tin vào những lời huênh hoang của họ nên nhiều người đã tiêu nhiều tiền của để làm các nghi lễ tốn kém, tiền mà đáng lý ra họ có thể dùng để sống. Cho dù một số người cứ khăng khăng cho rằng các nghi lễ như thế đã giúp ích cho họ, nhưng kinh nghiệm của họ có khiến họ vui mừng vì đã có đặc ân giảng hòa với một người thân quá cố không? Nói đúng ra, phải chăng họ đang hành động giống như một người bị người khác cướp của?

Rồi bạn hãy nghĩ đến những phương pháp giả dối thường được dùng—đốt ớt đỏ, khiêng xác người chết ra qua cửa khác của lều, v.v...—nhằm ngăn cản “vong linh” người chết khỏi trở về khuấy rối người sống. Bạn có muốn bị lừa dối như thế suốt đời bạn không? Tìm cách gạt gẫm người chết, người mà khi còn sống mình không muốn gạt, thì có hợp lý không?

Chính sự thực hành các việc dối trá ấy cũng có thể ảnh hưởng xấu đối với một người. Khi một người tán thành sự dối gạt người chết mà y nghĩ rằng vẫn tiếp tục tồn tại có ý thức, lương tâm của y lại chẳng bị yếu đi đến độ tìm cách lừa dối người sống mỗi khi y thấy có thể thủ lợi được hay sao?

Đấng được Kinh-thánh gọi là Đức Chúa Trời thật hẳn không bao giờ chấp nhận những thực hành xuất phát từ sự sợ hãi người chết. Tại sao không? Vì những thực hành đó, ngoài việc dựa trên một ý tưởng sai lầm, hoàn toàn phản lại nhân cách, đường lối và cách cư xử của ngài. “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối” (Dân-số Ký 23:19). Ngài không chấp nhận sự lường gạt mà người ta thường làm vì tư lợi. Kinh-thánh nói: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc...kẻ gian-lận” (Thi-thiên 5:6).

Vì Kinh-thánh tiết lộ rằng người chết không có ý thức gì cả, tại sao bạn lại phải sợ họ? (Thi-thiên 146:4). Họ không thể giúp bạn cũng không thể làm hại bạn. Giờ đây qua Kinh-thánh bạn biết “linh hồn” chết được và “thần linh” không hiện hữu có tri thức biệt lập với thân thể. Thế nên bất cứ hiện tượng nào xảy ra khiến cho ta sợ hãi người chết thì nó phải xuất phát từ một nguồn khác. Vì trong một số trường hợp, có người hô hào là nhờ hòa giải với người chết mà họ khá hơn, nguồn gốc này phải đến từ một kẻ muốn xoa dịu tạm thời những đau khổ nhưng với một động lực sai lầm. Mục đích là để làm gì? Để ràng buộc con người vào vòng kềm kẹp và khiến người ta mù quáng không tìm được con đường ra khỏi sự sợ hãi và khiếp đảm.

Nhận biết nguồn gốc này là điều quan trọng.

[Hình nơi trang 71]

Sự sợ hãi người chết thúc đẩy nhiều người cầu vấn pháp sư juju