Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể nói chuyện với người chết không?

Bạn có thể nói chuyện với người chết không?

Chương 9

Bạn có thể nói chuyện với người chết không?

TRONG cuộc sống, chúng ta cảm thấy cần phải nói chuyện với những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta muốn thấy những người thân yêu của chúng ta mạnh khỏe và hạnh phúc. Khi mọi sự suôn sẻ cho họ, chúng ta cảm thấy được khích lệ. Nhưng khi biết họ bị lâm nguy vì một thiên tai hay một hoạn nạn khác, chúng ta bắt đầu lo lắng. Chúng ta nóng lòng muốn nghe tin tức về họ. Đến khi nào được tin họ an toàn, chúng ta mới thấy yên tâm.

Vì muốn biết tin tức của những người thân mà nhiều người đi đến chỗ muốn nói chuyện với người chết. Họ muốn biết những người thân yêu đã chết có hạnh phúc ở “bên kia thế giới” không. Nhưng người ta có thể nói chuyện với người chết được không?

Một số người quả quyết rằng thỉnh thoảng họ cảm thấy sự hiện diện của một người thân thuộc hay bạn bè đã chết và cũng nghe tiếng nói của họ nữa. Những người khác cũng có các kinh nghiệm tương tự như thế qua trung gian của những đồng cốt. Họ tin rằng qua trung gian đồng cốt họ có thể nghe được tiếng nói từ “bên kia thế giới”. Những tiếng nói đó cho họ biết gì? Đại khái như sau: ‘Người chết rất hạnh phúc và hài lòng. Họ tiếp tục quan tâm đến đời sống của những người thân yêu còn sống và có thể nghe và thấy mọi việc của người sống’.

Bàn về những tin tức loại đó, François Grégoire có viết trong cuốn sách của ông là L’au-delà (Bên kia thế giới): “Những Thần linh này muốn nói với chúng ta điều gì? ‘Trước hết họ có vẻ nóng lòng muốn tỏ cho người ta biết họ là ai và vẫn còn hiện hữu’... nhưng họ chẳng nói gì về thế giới bên kia cả, dù một sự tiết lộ nhỏ cũng không”.

Bạn nghĩ thế nào về những tin tức như thế? Bạn có tin rằng người chết thật sự nói không? Vì Kinh-thánh cho thấy rõ rằng không có thần linh hoặc linh hồn còn tiếp tục tồn tại có tri thức sau khi thân thể chết, vậy những tiếng nói đó có thật là tiếng nói của người chết, hay không?

TRƯỜNG HỢP CỦA VUA SAU-LƠ

Trong số những người tin người chết có thể mang tin tức đến cho người sống, vài người đưa ra lập luận là Kinh-thánh có quan điểm đó. Họ nêu ra trường hợp của Sau-lơ, vua dân Y-sơ-ra-ên xưa.

Vì bất trung cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vua Sau-lơ không còn nhận được sự hướng dẫn nào từ Đức Chúa Trời để thi hành các trách nhiệm của ông nữa. Bởi thế, khi dân Phi-li-tin mang quân đến gây chiến, trong cơn tuyệt vọng, ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của một bà đồng bóng. Ông xin bà gọi nhà tiên tri Sa-mu-ên đã chết lên. Kinh-thánh thuật lại việc gì đã xảy ra sau đó:

“Khi người đờn-bà [bà bóng] thấy Sa-mu-ên, bèn la tiếng lớn nói cùng Sau-lơ rằng: Cớ sao ông lại gạt tôi? Ông là Sau-lơ! Vua đáp cùng người rằng: Chớ sợ; nhưng ngươi thấy chi? Người đáp: Tôi thấy một vì thần ở dưới đất lên. Vua hỏi: Mặt mày ra sao? Người đáp: Ấy là một ông già ở dưới lên, mặc một cái áo tơi. Sau-lơ hiểu là Sa-mu-ên, bèn cúi đầu, sấp mình xuống đất và lạy. Sa-mu-ên hỏi Sau-lơ rằng: Nhân sao ngươi quấy sự yên-tịnh ta mà gọi ta lên?” (I Sa-mu-ên 28:12-15).

Trong trường hợp này Sau-lơ có thật sự tiếp xúc với nhà tiên tri Sa-mu-ên đã chết không? Làm sao có thể được, khi Kinh-thánh liên kết sự chết với sự nín lặng, chứ không phải với việc nói chuyện? Chúng ta đọc: “Kẻ chết hoặc kẻ xuống cõi nín-lặng chẳng ngợi-khen Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 115:17).

Những đoạn khác của Kinh-thánh làm sáng tỏ vấn đề. Trước hết, rõ ràng khi đi cầu vấn đồng cốt, Sau-lơ đã vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Cả hai hạng người, người đồng cốt và người đi cầu vấn chúng, đều bị kết tội tử hình (Lê-vi Ký 20:6, 27). Luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên nói: “Các ngươi chớ cầu đồng-cốt hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô-uế” (Lê-vi Ký 19:31). “Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho, chớ tập bắt chước những sự gớm-ghiếc của các dân-tộc ở tại đó. Ở giữa ngươi chớ nên có ai...đi hỏi đồng-cốt, kẻ thuật-số hay là kẻ đi cầu-vong” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-11; Ê-sai 8:19, 20).

Nếu quả thật các đồng cốt có thể liên lạc với người chết, tại sao luật pháp Đức Chúa Trời gọi thực hành của họ là “ô uế”, “đáng gớm ghiếc” và đáng tội chết? Nếu kẻ mà người ta liên lạc được là những người thân yêu đã chết, thì tại sao Đức Chúa Trời yêu thương xem đó là một tội ác ghê tởm? Tại sao ngài không muốn người sống nhận được tin tức từ người chết để được an ủi? Phải chăng quan điểm của Đức Chúa Trời cho thấy người ta không thật sự nói chuyện với người chết, nhưng có dính dấp đến một sự lường gạt ghê tởm? Kinh-thánh cho thấy rõ chính là vậy.

Hãy xem xét trường hợp của Sau-lơ. Sau-lơ thú nhận về liên lạc của ông với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời đã lìa khỏi tôi. Ngài không trả lời cho tôi, hoặc bởi các đấng tiên-tri, hoặc bởi chiêm-bao. Vậy, tôi đã vời ông [Sa-mu-ên] lên để ông bảo cho tôi biết điều tôi phải làm” (I Sa-mu-ên 28:15). Hiển nhiên, Đức Chúa Trời sẽ không cho phép người đồng cốt nối lại sự liên lạc—mà ngài đã cắt đứt—bằng cách để cho bà bóng liên lạc với nhà tiên tri đã chết để nhà tiên tri đó cho Sau-lơ biết tin tức từ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, vào cuối đời ông, chính Sa-mu-ên là nhà tiên tri trung thành với Đức Chúa Trời đã cắt đứt hẳn mọi liên lạc với Sau-lơ. Do đó, nếu ta kết luận Sa-mu-ên sẵn sàng nói chuyện với Sau-lơ qua đồng cốt, một phương pháp mà Đức Chúa Trời kết án, thì chẳng phải là vô lý hay sao?

Rõ ràng là trong vụ này phải có sự lừa đảo, một việc gì dơ bẩn khiến cho những đồng cốt và những kẻ cầu vấn chúng đều đáng tội chết. Ngày nay một sự lừa đảo giống vậy hẳn phải đứng đằng sau các vụ mà người ta bảo là liên lạc được với người chết.

Bằng chứng là nhiều người đã tự tử vì ảnh hưởng của “tiếng nói” mà người ta tưởng là từ cõi bên kia. Họ đã từ bỏ vật sở hữu quí giá nhất—sự sống—để đi đến với những người thân yêu đã chết. Những người khác bắt đầu kinh hãi khi nghe những tiếng nói như vậy vì đó là lời báo chuyện tang tóc sắp xảy đến, thí dụ như một tai nạn khủng khiếp hay người nào đó sắp chết. Làm sao những tiếng nói như vậy có thể đến từ một nguồn tốt được? Ai hay cái gì ẩn sau những tiếng nói đó?

[Hình nơi trang 77]

Kẻ đã nói chuyện cùng Sau-lơ qua trung gian của bà bóng tại Ên-đô-rơ là ai?