Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Còn về lửa địa ngục (Ghê-hen-na) thì sao?

Còn về lửa địa ngục (Ghê-hen-na) thì sao?

Chương 13

Còn về lửa địa ngục (Ghê-hen-na) thì sao?

VÀI người có thể nói: ‘Đành rằng Kinh-thánh không bao giờ nói đến Hades như là một nơi nóng bỏng đau đớn, nhưng chẳng lẽ Kinh-thánh lại không nói đến “lửa địa ngục”, hay sao?’

Đành rằng nhiều bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp (thường được gọi là “Tân Ước”) dùng từ “lửa địa ngục”. Trong trường hợp này chữ Hy Lạp được dịch “địa ngục” là geʹen·na (Ghê-hen-na). Nhưng Ghê-hen-na có phải là tên của một nơi hành tội bằng lửa không? Nhiều người bình luận của các đạo tự xưng theo đấng Christ nói: Đúng thế. Tuy nhiên, họ biết rõ linh hồn không bất tử. Họ cũng biết Kinh-thánh cho thấy sự bất tử là một phần thưởng mà Đức Chúa Trời dành cho những người mà ngài xét là xứng đáng chứ không phải là một sự rủa sả dành cho kẻ ác để họ có thể chịu thống khổ đời đời (Rô-ma 2:6, 7; I Cô-rinh-tô 15:53, 54).

Những người bình luận khác thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ nhìn nhận Ghê-hen-na không phải là một nơi thống khổ đời đời bằng lửa. Cuốn The New Bible Commentary, (trang 779) nói: “Ghê-hen-na là tên bằng tiếng Hy Lạp của thung lũng hay trũng Hi-nôm ở Giê-ru-sa-lem luôn luôn có lửa cháy để thiêu rác rến của thành phố. Đây là một hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc chỉ về sự hủy diệt sau cùng”.

Đâu là sự thật? Tốt nhất là tìm xem Kinh-thánh nói gì về vấn đề này.

Chữ “Ghê-hen-na” xuất hiện 12 lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Môn đồ Gia-cơ dùng chữ đó một lần, và Chúa Giê-su Christ dùng 11 lần khi tuyên bố về những án phạt. Đây là những đoạn đó:

“Ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công-luận xử-đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên [tức là xét đoán sai lầm và kết tội anh em mình như vô dụng], thì đáng bị [quăng vào Ghê-hen-na]” (Ma-thi-ơ 5:22).

“Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong [Ghê-hen-na]” (Ma-thi-ơ 10:28).

“Ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống [Ghê-hen-na]; phải, ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ!” (Lu-ca 12:5).

“Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ [đáng bị quăng vào Ghê-hen-na] gấp hai các ngươi. Hỡi loài rắn, dòng-dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi [Ghê-hen-na] được?” (Ma-thi-ơ 23:15, 33).

“Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống [Ghê-hen-na], trong lửa chẳng hề tắt. Lại nếu chơn ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng què chơn mà vào sự sống, còn hơn đủ hai chơn mà bị quăng vào [Ghê-hen-na]. Còn nếu mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó đi; thà rằng chỉ một mắt mà vào nước Đức Chúa Trời, còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào [Ghê-hen-na], đó là nơi sâu-bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt”. (Mác 9:43-48; cũng xem những câu Kinh-thánh với lời lẽ tương tự nơi Ma-thi-ơ 5:29, 30; 18:8, 9).

“Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô-hội của tội-ác ở giữa các quan-thể chúng ta, làm ô-uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa [Ghê-hen-na] đốt cháy [tức là dùng sai lưỡi có thể hủy diệt giống như Ghê-hen-na; như thế lưỡi có thể ảnh hưởng đến trọn một đời người từ lúc sanh đến lúc chết, có thể làm cho một người xứng đáng bị phạt trong Ghê-hen-na]” (Gia-cơ 3:6).

Hãy lưu ý rằng trong khi những đoạn văn này cho thấy lửa được liên kết với Ghê-hen-na thì không có đoạn nào nói đến sự hiện hữu có ý thức hay đau đớn sau khi chết. Đúng ra, theo Ma-thi-ơ 10:28, Chúa Giê-su cho thấy Đức Chúa Trời có thể “hủy diệt” không phải chỉ thân thể mà thôi, nhưng cả linh hồn, tức là toàn thể con người, trong Ghê-hen-na. Đây là loại hủy diệt nào? Xem xét kỹ hơn chữ “Ghê-hen-na”, ta sẽ hiểu rõ điều này.

GHÊ-HEN-NA—THUNG LŨNG HI-NÔM

Mặc dù chữ “Ghê-hen-na” được tìm thấy trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, chữ này là tổng hợp của hai chữ Hê-bơ-rơ, Gaʹi Hin·nomʹ, nghĩa là thung lũng (hay trũng) Hi-nôm. Thung lũng này nằm về phía nam và tây nam Giê-ru-sa-lem. Vào thời những vua bất trung của xứ Giu-đa là A-cha và Ma-na-se, thung lũng Hi-nôm được dùng như một nơi hành lễ cúng hình tượng, kể cả việc thực hành gớm ghiếc là tế lễ trẻ con (II Sử-ký 28:1, 3; 33:1, 6; Giê-rê-mi 7:31; 19:2, 6). Về sau, một vua tốt là Giô-si-a ngăn chặn việc thờ lạy hình tượng diễn ra ở nơi đó và biến thung lũng ấy thành nơi không còn thích hợp cho việc thờ phượng nữa (II Các Vua 23:10).

Truyền thuyết kể lại rằng thung lũng Hi-nôm sau đó trở thành nơi đổ rác. Và Kinh-thánh xác nhận điều này. Thí dụ, trong Giê-rê-mi 31:40, thung lũng Hi-nôm được gọi rõ ràng là “trũng của thây chết và tro”. Cũng có “cửa Trũng”, một cái cổng dường như mở ra hướng cực đông của thung lũng Hi-nôm giáp ranh với thung lũng Xết-rôn (Nê-hê-mi 3:13, 14).

Việc gắn liền Ghê-hen-na với nơi thiêu hủy rác rến của một thành phố hoàn toàn phù hợp với những lời nói của Chúa Giê-su Christ. Đề cập đến Ghê-hen-na, ngài nói: “Sâu-bọ của chúng nó chẳng hề chết và...lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:48). Hiển nhiên ngài có ý nói nơi đổ rác đó được châm lửa mãi, có lẽ bằng lưu huỳnh để tiếp tục cháy. Vật gì không bị lửa thiêu sẽ bị sâu bọ đục và ăn mòn.

Cũng nên nhận xét rằng, khi nói đến Ghê-hen-na bằng cách này, Chúa Giê-su không du nhập quan niệm nào mới mà Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ chưa nói đến. Trong phần Kinh-thánh này, thật ra số phận sau cùng của những kẻ không tin kính Đức Chúa Trời đã được diễn tả bằng những lời lẽ tương tự.

Ê-sai 66:24 tiên tri những người có ân huệ của Đức Chúa Trời “sẽ thấy thây của những người đã bội-nghịch cùng [Đức Chúa Trời]; vì sâu của chúng nó chẳng hề chết, lửa chúng nó chẳng hề tắt; chúng nó sẽ làm sự gớm-ghiếc cho mọi xác-thịt”. Hiển nhiên đây không phải là hình ảnh của sự thống khổ, nhưng là hình ảnh một sự hủy diệt khủng khiếp. Sau sự hủy diệt, không phải linh hồn có ý thức hay “hồn ma vất vưởng” được chừa lại, nhưng chỉ còn “thây” chết mà thôi. Kinh-thánh cho thấy loài sâu bọ, chứ không phải con người, bám vào những “thây” chết ấy mới còn sống sót. Ở đây không có nói đến “linh hồn bất tử” nào.

Cũng thế, trong lời tiên tri của Giê-rê-mi, trũng Hi-nôm có liên quan đến sự hủy diệt những người bất trung. “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, ngày đến, bấy giờ nơi nầy sẽ không gọi là Tô-phết, cũng không gọi là nơi trũng của con trai Hi-nôm nữa, mà là nơi trũng của sự đánh giết. Trong nơi nầy ta sẽ làm hư-không mưu của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem. Ta sẽ làm cho chúng nó ngã bởi gươm trước mặt kẻ thù, và bởi tay của những kẻ muốn hại mạng-sống chúng nó; ta sẽ phó thây chúng nó cho chim trời và loài thú đất làm đồ-ăn” (Giê-rê-mi 19:6, 7).

Hãy lưu ý là khi nói đến thung lũng (hay trũng) Hi-nôm, Giê-rê-mi không ngụ ý nói đến một sự thống khổ có ý thức sau khi chết. Đó là hình ảnh của sự hủy diệt hoàn toàn, và sau đó những “thây” chết sẽ làm đồ ăn cho chim muông.

MỘT BIỂU HIỆU CỦA SỰ HỦY DIỆT

Bởi thế, dựa trên những bằng chứng của Kinh-thánh, Ghê-hen-na hay thung lũng Hi-nôm có thể tượng trưng thích đáng cho sự hủy diệt, chứ không phải cho sự thống khổ bằng lửa. Trong tạp chí Công giáo Commonweal, Joseph E. Kokjohn nhìn nhận điều này:

“Hiển nhiên, nơi trừng phạt sau cùng là Ghê-hen-na, trũng Hi-nô[m], là nơi khi xưa người ta đã giết người để cúng tế cho các thần ngoại đạo, nhưng vào thời Kinh-thánh chỗ đó đã thành nơi đổ rác thành phố rồi, nằm ở bên ngoài Giê-ru-sa-lem. Tại đó mùi hôi thối, khói và ngọn lửa liên tục nhắc nhở cho dân cư trong thành nhớ điều gì xảy ra cho vật gì bị quăng vào đó: thảy đều bị thiêu hủy”.

15 Sự hủy diệt vĩnh viễn tượng trưng bởi Ghê-hen-na còn được Kinh-thánh đề cập đến ở một số nơi khác. Khi viết cho anh em tín đồ đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca, sứ đồ Phao-lô nói những kẻ nào làm khổ họ sẽ “bị hình-phạt hư-mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền-phép ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9).

Như vậy những bằng chứng trong Kinh-thánh cho thấy rõ những kẻ mà Đức Chúa Trời xét không xứng đáng được sống sẽ chịu “sự hư-mất đời đời” chứ không phải sự thống khổ đời đời trong lửa theo nghĩa đen. Chúng sẽ không được chừa lại để sống ở một nơi nào cả. Do đó lửa Ghê-hen-na biểu hiệu cho sự hủy diệt toàn diện đó.

Điều đáng lưu ý là khi Chúa Giê-su Christ nói với những nhà lãnh tôn giáo vào thời ngài, ngài phán: “Hỡi loài rắn, dòng-dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi [Ghê-hen-na] được?” (Ma-thi-ơ 23:33). Tại sao thế? Bởi vì họ giả hình. Họ muốn được trọng vọng và được gọi bằng chức tước cao cả, nhưng chẳng màng đến những người mà họ có bổn phận phải giúp đỡ về thiêng liêng. Họ đặt lên vai những người khác gánh nặng của những điều luật truyền khẩu, và coi nhẹ công lý, sự thương xót và trung tín. Họ là những thầy giáo giả, đặt những lời truyền khẩu của loài người lên trên thẩm quyền của Kinh-thánh (Ma-thi-ơ 15:3-6; 23:1-32).

Bạn có nhận thấy có những điều giống vậy giữa những nhà lãnh đạo tôn giáo thời nay, đặc biệt trong các đạo tự xưng theo đấng Christ không? Họ có tốt hơn những nhà lãnh đạo Do Thái giáo vào thời Chúa Giê-su làm thánh chức trên đất không? Không hơn một chút nào, bởi các nhà lãnh đạo giáo hội tự xưng theo đấng Christ đã bất tuân, họ trình bày sai lầm về Đức Chúa Trời và “tin mừng về Đức Chúa Giê-su chúng ta”. Như thế, hễ họ còn dạy giáo lý sai lầm đến chừng nào, thì họ còn ở trong vị thế nguy hiểm và sẽ chịu “hình-phạt hư-mất đời đời”.

Vì thế, sự thật về Ghê-hen-na phải giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc lánh xa tôn giáo giả. Như Chúa Giê-su cho thấy, không phải chỉ những nhà lãnh đạo tôn giáo nhưng cả những ai ủng hộ họ đều ở trong vòng nguy hiểm. Thật thế, Chúa Giê-su Christ nói đến một người vào đạo những thầy thông giáo và người Pha-ri-si thì ‘đáng bị quăng xuống Ghê-hen-na gấp hai lần họ’ (Ma-thi-ơ 23:15). Bởi vậy, ngày nay những ai cứ mù quáng theo giáo lý tôn giáo sai lầm không thể hy vọng thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch lại họ.

Trong khi việc này khiến chúng ta nghĩ ngợi nhiều về vị thế của chúng ta, đồng thời nó cũng mang lại cho chúng ta sự bảo đảm đầy an ủi nữa. Bằng cách nào? Bằng cách là chúng ta biết chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ qua, nhưng sẽ trừng phạt tội lỗi nặng. Nếu người ta không muốn sống phù hợp với luật pháp công bình của ngài và cố ý đeo đuổi đường lối hung ác, ngài sẽ không cho họ tiếp tục sống thêm nữa để sự yên tịnh của người công bình khỏi bị khuấy rối.

[Bản đồ nơi trang 113]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

BẢN ĐỒ GIÊ-RU-SA-LEM VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT

VỊ TRÍ ĐỀN THỜ

THUNG LŨNG HI-NÔM (GHÊ-HEN-NA)