Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Không bao lâu nữa hàng tỉ người chết sẽ sống lại

Không bao lâu nữa hàng tỉ người chết sẽ sống lại

Chương 19

Không bao lâu nữa hàng tỉ người chết sẽ sống lại

CHÍNH PHỦ Nước Trời trong tay của Chúa Giê-su và 144.000 người đồng cai trị quả sẽ ban ân phước dồi dào cho những ai sống sót qua khỏi “cơn đại-nạn”. Lúc đó những hậu quả tai hại do tội lỗi của A-đam đã gây ra cho chính ông và cho con cháu tương lai của ông sẽ không còn được nhắc đến một cách đau buồn nữa. Lời được soi dẫn của nhà tiên tri Ê-sai có hứa: “Những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17).

Muốn vậy, thì phải hoàn toàn loại bỏ sự đau đớn và buồn rầu do hiệu quả của tội lỗi gây ra. Và điều này có thể bao hàm việc làm sống lại hàng tỉ người chết. Tại sao?

Giả thử bạn được sống sót qua “cơn đại-nạn”, bạn có thật sự sung sướng hay không khi biết rằng những bạn hữu và những người thân thuộc đã chết từ lâu vẫn không được hưởng sự sống và các ân phước của sự sống? Sự đó có làm bạn đau lòng không? Để xóa bỏ mọi sự đau đớn như thế, người chết phải được sống lại. Chỉ khi nào họ được sống lại và được giúp đỡ để trở nên hoàn toàn về thể xác lẫn tinh thần thì những hậu quả tai hại của tội lỗi mới hoàn toàn được xóa bỏ.

Kinh-thánh bảo đảm cho chúng ta rằng đa số người chết sẽ sống lại. Họ sẽ có cơ hội nhận được sự sống lâu dài hơn đời sống ngắn ngủi mà họ đã có trước khi chết đi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã trao quyền hành cho Con Ngài là Chúa Giê-su để làm cho họ sống lại (Giăng 5:26-28). Sự kiện Chúa Giê-su được giao cho quyền làm kẻ chết sống lại phù hợp với lời tiên tri của Kinh-thánh gọi ngài là “Cha Đời đời” (Ê-sai 9:5). Vì làm sống lại những kẻ ngủ trong sự chết nên ngài trở thành Cha của họ. (So sánh Thi-thiên 45:16).

CĂN BẢN CHO SỰ TIN TƯỞNG

Hễ ai chấp nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì không khó khăn gì để tin chắc vào sự sống lại. Đấng đã khởi sự ban sự sống cho nhân loại hẳn cũng có đầy đủ sự khôn ngoan để làm người chết sống lại, tạo lại những kẻ đã chết rồi. Điều này hợp lý phải không? Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa người chết sẽ sống lại một lần nữa. Ngài cũng đã thực hiện nhiều công việc đầy quyền năng khiến chúng ta càng tin tưởng nhiều hơn nơi lời hứa này.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban quyền phép cho một số các tôi tớ trung thành của ngài để họ thật sự làm kẻ chết sống lại. Tiên tri Ê-li đã làm sống lại đứa con duy nhất của một bà góa ở Sa-rép-ta, gần bờ biển phía đông Địa Trung Hải (I Các Vua 17:21-23). Người kế nghiệp ông là Ê-li-sê đã làm sống lại con một của người đàn bà danh tiếng và hiếu khách ở Su-nem, thuộc miền bắc Y-sơ-ra-ên (II Các Vua 4:8, 32-37). Chúa Giê-su Christ đã làm sống lại đứa con gái của Giai-ru, người cai nhà hội gần biển Ga-li-lê; con một của bà góa ở Na-in, phía tây nam biển Ga-li-lê; và bạn thân của ngài là La-xa-rơ đã chết bốn ngày, được chôn gần thành Giê-ru-sa-lem (Mác 5:22, 35, 41-43; Lu-ca 7:11-17; Giăng 11:38-45). Sứ đồ Phi-e-rơ đã làm sống lại Đô-ca (Ta-bi-tha) ở Giốp-bê dọc bờ biển Địa Trung Hải (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42). Và sứ đồ Phao-lô đã làm sống lại Ơ-tích từ trên lầu ba té xuống đất, khi ông ghé sang tỉnh của La Mã ở Tiểu Á (Công-vụ các Sứ-đồ 20:7-12).

Sự sống lại của Chúa Giê-su Christ là phi thường nhất. Những biến cố lịch sử được kiểm chứng tường tận cho thấy việc này có thật. Đó là điều mà Phao-lô nói với đám đông người nhóm lại giữa A-rê-ô-ba ở thành A-thên, xứ Hy Lạp: “[Đức Chúa Trời] sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian bởi Người mà Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên-hạ” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31).

Sự sống lại của Chúa Giê-su là một sự kiện không có một chút nghi ngờ nào cả. Có rất nhiều người, chứ không phải chỉ có hai hoặc ba người, có thể làm chứng về điều đó. Vì sau khi sống lại, có lần Chúa Giê-su hiện ra cho khoảng năm trăm môn đồ thấy. Sự sống lại của ngài được xác nhận rõ đến đỗi sứ đồ Phao-lô nói từ chối không tin sự sống lại tức là từ chối toàn bộ đức tin về đấng Christ. Ông viết: “Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng-dạy của chúng tôi ra luống-công, và đức-tin anh em cũng vô-ích. Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời đã chẳng khiến Đấng Christ sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 15:13-15).

Giống như sứ đồ Phao-lô, những tín đồ đấng Christ ở thế kỷ thứ nhất tin chắc rằng Chúa Giê-su đã từ kẻ chết sống lại. Niềm tin vào phần thưởng được sống lại mạnh đến đỗi họ sẵn sàng đương đầu với sự bắt bớ tàn nhẫn, ngay cả với cái chết nữa.

SỰ SỐNG LẠI VỚI THỂ THIÊNG LIÊNG

Sự sống lại của Giê-su Christ cho thấy việc làm người chết sống lại không có nghĩa là ban cho người được sống lại một thân thể giống hệt như trước. Chúa Giê-su được sống lại, không phải với thân thể của loài người, nhưng với thể thiêng liêng. Sứ đồ Phi-e-rơ viết về điều này: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội-lỗi chịu chết một lần, là Đấng công-bình thay cho kẻ không công-bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh-hồn [thần linh, NW] thì được sống” (I Phi-e-rơ 3:18). Lúc sống lại Chúa Giê-su có một thân thể không phải bằng thịt và huyết, nhưng một thân thể thích hợp để sống trên trời (I Cô-rinh-tô 15:40, 50).

Dĩ nhiên mắt phàm không thể thấy được thân thể thần linh. Bởi thế, sau khi được sống lại, Chúa Giê-su đã lấy hình người để cho các môn đồ ngài có thể nhìn thấy. Nên lưu ý rằng Giê-su đã không được chôn với quần áo nhưng được quấn bằng vải liệm. Sau khi ngài sống lại, vải liệm còn lại ở trong mồ. Như thế ngài phải mặc lấy xác thịt cùng quần áo để các môn đồ có thể thấy ngài (Lu-ca 23:53; Giăng 19:40; 20:6, 7). Có lạ không? Không, trước kia các thiên sứ đã làm y như vậy để hiện ra cho người ta thấy. Sự kiện Chúa Giê-su mặc lấy hình người giải thích tại sao các môn đồ của ngài không luôn luôn nhận ra ngài ngay và tại sao ngài có thể thình lình hiện ra và biến mất (Lu-ca 24:15-31; Giăng 20:13-16, 20).

Chỉ có 144.000 người cùng cai trị với Chúa Giê-su Christ sẽ có sự sống lại giống như vậy. Kinh-thánh nói cho chúng ta biết về sự sống lại với thể thần linh:

“Vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình-thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác. Đức Chúa Trời cho nó một hình-thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình-thể riêng...

“Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân-thể đã gieo ra là hay hư-nát, mà sống lại là không hay hư-nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết-khí, mà sống lại là thể thiêng-liêng. Nếu đã có thể huyết-khí, thì cũng có thể thiêng-liêng; ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống. Nhưng chẳng phải thể thiêng-liêng đến trước, ấy là thể huyết-khí; rồi thể thiêng-liêng đến sau. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thể nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang ảnh-tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh-tượng của người thuộc về trời” (I Cô-rinh-tô 15:36-49).

SỰ SỐNG LẠI Ở TRÊN ĐẤT

Nhưng về phần những người sẽ được sống lại để sống trên đất, khác với Chúa Giê-su Christ và 144.000 người cùng cai trị với ngài thì sao? Bởi lẽ họ đã “trở về bụi đất”, có phải Đức Chúa Trời sẽ gom lại tất cả những nguyên tử trước kia đã từng hợp thành thân thể của họ để họ có lại đúng hình hài giống như lúc họ chết không?

Không, không phải vậy. Tại sao không? Trước hết, bởi vì làm thế cũng giống như đem họ trở lại tình trạng lúc gần chết. Những người được sống lại trong quá khứ không còn ở trong tình trạng bệnh tật như trước lúc họ chết. Mặc dù họ chưa được hoàn toàn khi sống lại nhưng họ có một thân thể nguyên vẹn và khỏe mạnh.

Hơn nữa gom lại tất cả những nguyên tử cũ để dựng lại thân thể của họ lúc sống lại là không hợp lý. Khi chết đi cơ thể loài người bị mục nát dần dần để biến thành những hóa chất hữu cơ. Những chất này sau đó được thực vật hấp thụ, và người ta ăn những cây cỏ này hoặc trái những cây đó. Như vậy sau cùng thì những nguyên tố cấu tạo thân thể người chết có thể trở thành những nguyên tố của một người khác. Vậy rõ ràng là lúc được sống lại một người không thể nhận lại cùng những nguyên tử đã có khi chết.

Vậy thì sự sống lại có ý nghĩa gì cho mỗi cá nhân? Có nghĩa là con người cũ được trở lại. Và cái gì tạo thành con người đó? Có phải những hóa chất trong thân thể của người ấy, hay không? Không, những phân tử trong cơ thể được đều đặn thay thế. Thế thì điều gì thật sự giúp phân biệt người này với người kia. Đó là diện mạo tổng quát, tiếng nói, nhân cách, kinh nghiệm, sự phát triển trí tuệ và ký ức. Vì vậy, khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, qua Con ngài là Giê-su Christ, làm sống lại một người, ngài hẳn sẽ ban cho người đó một thân thể có những nét giống như lúc trước. Người được sống lại sẽ có cùng một ký ức thâu thập được trước khi chết và hoàn toàn ý thức được ký ức đó. Người đó sẽ biết mình là ai và những người đã từng biết người cũng có thể nhận ra người nữa.

Có người sẽ nói: ‘Nhưng nếu một người được tạo lại như thế, đó có thật là cùng một con người trước kia không? Hay chỉ là một người tương tự thôi?’ Không, vì khi lập luận như vậy, người ta đã quên sự kiện đã được đề cập ở trên là ngay trong lúc sống, cơ thể của chúng ta không ngừng biến đổi. Cách đây khoảng bảy năm những phân tử hợp thành cơ thể chúng ta khác với những phân tử mà chúng ta hiện có. Diện mạo của chúng ta cũng biến đổi với thời gian. Thế nhưng chúng ta không có cùng một dấu tay hay sao? Chúng ta không phải luôn luôn là chúng ta hay sao? Chắc chắn là vậy.

Những người thấy sự sống lại có vẻ khó tin nên suy gẫm đến tiến trình kỳ diệu giống như vậy diễn ra lúc thụ thai. Tinh trùng phối hợp với noãn sào tạo thành một tế bào rất nhỏ nhưng có tiềm năng trở thành một cá nhân khác hẳn với bất cứ người nào đã từng sống. Trong tế bào này có những yếu tố hướng dẫn sự cấu tạo cá nhân và lập thành nhân cách căn bản thừa hưởng từ cha mẹ. Rồi dĩ nhiên, sau đó nhân cách người ấy phong phú thêm nhờ có kinh nghiệm sống. Giống như những diễn biến xảy ra lúc thụ thai, khi được sống lại hay tái tạo, người chết sẽ nhận lại được nhân cách và vốn liếng hiểu biết lúc còn sống, và mỗi tế bào trong cơ thể của người đó sẽ được in sâu những đặc điểm khiến người đó khác hẳn với tất cả những người khác. Tâm trí và cơ thể của người đó sẽ được ghi khắc lại những đức tính, những đặc điểm và khả năng luyện tập lúc còn sống trước kia.

Người viết Thi-thiên được soi dẫn viết về Đấng Tạo Hóa: “Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (Thi-thiên 139:16). Như vậy, ngay khi các nhiễm thể kết hợp nhau lúc thụ thai thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể nhận thức và có một hồ sơ ghi lại những tính chất căn bản của một đứa trẻ. Vậy, khi tin rằng ngài có khả năng tra cứu hồ sơ để tái tạo một người đã chết là điều hoàn toàn có lý.

Chúng ta có thể tin cậy vào trí nhớ toàn hảo của Đức Giê-hô-va. Ngay đến loài người bất toàn còn có thể dùng băng video để lưu trữ và phát ra hình ảnh và tiếng nói của mình, huống chi Đức Chúa Trời. Khả năng của ngài về việc lưu trữ đó còn cao siêu hơn nhiều, vì ngài gọi được tên tất cả hằng hà sa số những ngôi sao! (Thi-thiên 147:4).

Do đó, Đức Chúa Trời có thể khiến cho những người chết còn ở trong ký ức ngài được sống lại hay tạo lại họ. Bởi vì ngài có trí nhớ toàn hảo và có ý định làm sống lại những người chết, nên những người có đức tin như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, dù đã chết rồi, nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể coi họ như còn sống. Chúa Giê-su Christ lưu ý một người Sa-đu-sê không tin tưởng vào sự sống lại: “Còn về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về Bụi gai, khi người gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Vậy, Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài” (Lu-ca 20:37, 38).

Thật ra có dư lý do để tin là có sự sống lại hay là sự tái tạo. Đành rằng một số người có thể phủ nhận ý niệm này. Nhưng bạn có ở trong tình trạng khá hơn không nếu bạn cứ nhắm mắt và không muốn suy nghĩ về bằng chứng và không chịu tin nơi sự sống lại? Làm như vậy có khiến cho bạn dễ chấp nhận việc bạn mất một người bà con hay một người bạn thân vì sự chết cướp mất không? Điều đó có khiến bạn chuẩn bị tốt hơn để đối phó với viễn tượng chính bạn sẽ chết không?

Biết rằng đời sống này không phải chỉ có thế thôi sẽ giải thoát người ta khỏi mối lo sợ bị chết vì bạo hành. Sa-tan Ma-quỉ đã lợi dụng niềm lo sợ này để khiến người ta làm nô lệ cho hắn bằng cách xúi giục các tay sai trên đất của hắn, bắt họ làm theo ý muốn của hắn (Ma-thi-ơ 10:28; Hê-bơ-rơ 2:14, 15). Vì sợ hãi trước trường hợp có thể bị hành quyết, nhiều người đã không đủ can đảm làm theo tiếng gọi của lương tâm họ để rồi phạm những tội ác ghê gớm chống lại nhân loại, như trong các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, một người có niềm tin mạnh mẽ nơi sự sống lại thấy cương quyết hơn trong việc làm điều phải, dù điều đó có thể khiến mình bị chết. Đối với người này, sự sống có được sau khi được sống lại còn quí hơn nhiều so với những năm sống ngắn ngủi bây giờ. Người đó không muốn để mất cơ hội nhận được sự sống đời đời vì sự sống dài thêm ít năm mà so sánh sự sống đời đời thì chẳng thấm thía vào đâu. Người đó giống như những người thời xưa mà Kinh-thánh nói đến trong sách Hê-bơ-rơ: “[Họ] bị hình khổ dữ-tợn mà không chịu giải-cứu [không chịu làm điều gì trái lẽ phải], để được sự sống lại tốt hơn” (Hê-bơ-rơ 11:35).

Chắc chắn những người có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại ở trong tình trạng tốt hơn là những ai không có hy vọng về sự sống lại. Họ không cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến tương lai.

Kinh-thánh có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống này chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt, trong vòng thế hệ này, để nhường chỗ cho một chánh phủ công bình trong tay của Chúa Giê-su Christ và những người cùng cai trị với ngài. Đó là tại sao chẳng bao lâu nữa hàng tỉ người chết sẽ được sống lại và bắt đầu hưởng những lợi ích đến từ sự cai trị của Nước Trời. Thật huy hoàng biết bao cho những người sống sót qua “hoạn-nạn lớn” khi đón tiếp những người chết sống lại. Hãy nghĩ đến niềm vui khi một lần nữa được ở gần bên những người bạn thân và những họ hàng yêu dấu được sống lại, nghe lại tiếng nói quen thuộc của họ và nhìn thấy họ khỏe mạnh.

Điều này có ảnh hưởng gì đến bạn? Nó có giục lòng bạn cám ơn Đức Chúa Trời về hy vọng kỳ diệu của sự sống lại không? Lòng biết ơn của bạn lẽ nào lại không thúc đẩy bạn làm tất cả những gì bạn có thể làm được để học biết về ngài và sau đó trung thành phụng sự ngài hay sao?

[Hình nơi trang 172]

Đấng làm cho đứa trẻ phát triển trong bụng mẹ lại không thể làm người chết sống lại hay sao?