Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Loài người được dựng nên để sống

Loài người được dựng nên để sống

Chương 3

Loài người được dựng nên để sống

ĐỨC CHÚA TRỜI đã tạo ra loài người để sống. Kinh-thánh nói vậy khi tả lại tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va. Kinh-thánh cho chúng ta biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho họ sống trong một cảnh vườn xinh đẹp, một địa đàng, ở trong vùng có tên là “Ê-đen”. Vườn địa đàng đó thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết cho sự sống của họ. Cuốn sách đầu tiên của Kinh-thánh là Sáng-thế Ký nói về điều này: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 2:9).

Xin lưu ý rằng không có cây “sự chết”, nhưng có “cây sự sống” trong vườn địa đàng xinh đẹp đó. “Cây sự sống” đây biểu hiệu cho sự bảo đảm không lay chuyển là những ai được phép ăn trái cây đó sẽ tiếp tục sống mãi. Không có lý do nào để A-đam và Ê-va nơm nớp sợ chết. Nếu họ cứ tiếp tục vâng lời Đấng Tạo hóa bằng cách không ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”, thì họ sẽ không chết (Sáng-thế Ký 2:16, 17).

Nhưng điều mà Kinh-thánh nói về việc con người đã được tạo ra để sống đời đời có phù hợp với những gì mà chúng ta có thể quan sát về sự sống không? Các sự kiện há lại không cho thấy rằng con người bị chết từ hàng ngàn năm sao? Đúng vậy, nhưng bạn có biết rằng chính cơ cấu thân thể của bạn là bằng chứng hiển nhiên cho thấy bạn phải sống lâu hơn quãng đời hiện nay không?

Thí dụ, hãy xem bộ óc con người. Có phải bộ óc được phác họa để hoạt động chỉ trong vòng 70 hay 80 năm thôi không? Nhà sinh hóa học Isaac Asimov bình luận về khả năng hoạt động của não bộ, nói rằng hệ thống tích trữ của bộ óc “có khả năng tuyệt hảo trong việc lãnh hội kiến thức và tích trữ ký ức theo ý con người muốn—và ngay cả đến một tỷ lần như vậy cũng được”.

Con người có bộ óc với khả năng tích trữ tin tức đến một tỷ lần hơn số tin tức mà ta có thể dùng trong quãng đời trung bình hiện nay thì có hợp lý không? Đúng hơn, há chẳng phải con người đã được tạo ra để sống lâu đến độ cần bộ óc với khả năng tích trữ ký ức đến vô cực hay sao?

Đấy cũng chưa phải là hết đâu.

CHỈ CÓ CON NGƯỜI MỚI CÓ KHÁI NIỆM VỀ THỜI GIAN VÔ TẬN

Điều đáng lưu ý ở đây là Kinh-thánh nói chỉ có con người—chứ không phải bất cứ sinh vật nào khác trên đất—có triển vọng sống vô tận. Thật thế, Kinh-thánh nói chỉ có loài người mới có khái niệm về quá khứ vô cùng xa vời hay tương lai vô tận mà thôi. Người được soi dẫn viết sách Truyền-đạo trong Kinh-thánh ghi lại: “Ta đã thấy công-việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người là để loài người dùng tập rèn lấy mình. Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người” (Truyền-đạo 3:10, 11).

Vậy thì, nếu Kinh-thánh nói sự thật về con người, hẳn chúng ta phải có thể thấy được bằng chứng về việc đó. Chúng ta có bằng chứng nào không? Con người có khác hẳn với loài thú không? Chỉ có con người mới suy nghĩ đứng đắn về tương lai, lo lắng cho tương lai và hoạt động cho tương lai, phải không? Con người phản ứng trước cái chết khác hẳn với thú vật, chứng tỏ rằng chỉ có con người mới biết đời có nghĩa gì trong quá khứ và trong tương lai mà thôi, phải không?

Không ai có thể chối cãi được rằng mọi sinh vật đều muốn sống. Các thú vật nào là mồi cho thú khác đều có bản năng tìm cách thoát khỏi các thú đi săn mồi bằng cách bay đi hoặc ẩn mình. Nhiều sinh vật cố cự lại các địch thủ dù không thắng nổi để bảo vệ con mình khỏi chết. Người ta biết loài thỏ có lối đá rất mạnh đến nỗi có thể hạ được những con chuột gấu. Người ta quan sát thấy ở miền tây Hoa Kỳ có một loại sơn dương cái chống cự nổi một con chó sói để bảo vệ con nhỏ của nó và đến đỗi làm con chó sói gẫy răng và bị thương phía sau vì móng chân bén nhọn của con sơn dương cái. Khi con chó sói tìm cách thoát thân thì con sơn dương cái nhảy vụt lên đầu chó sói và dẫm lên mình nó cho đến chết.

Những phản ứng theo bản năng trước sự đe dọa của cái chết đóng vai trò lớn trong việc bảo tồn sự sống các sinh vật. Nhưng thế có nghĩa là thú vật ý thức về quá khứ và tương lai như con người không?

Chúng ta biết một người có thể hồi tưởng lại quá khứ và dự tính cho tương lai. Trong lúc ở nhà riêng, người có thể hồi tưởng lại quãng đời thơ ấu của mình: các trò tinh nghịch, những nỗi thất vọng, thất bại, những thành công và niềm vui. Người có thể dự trù cho tương lai: xây cất nhà mới, mua sắm bàn ghế, lựa chọn nền giáo dục cho con cái theo ý mình muốn, v.v... Nhưng để thí dụ, một con chó có thể nghĩ ngợi về thời thơ ấu của nó, về các trẻ con đã đùa giỡn với nó, về sự lớn lên và lúc bắt cặp với chó khác hay không? Cuộc nghiên cứu của ông Hans Bauer viết trong sách Animals Are Quite Different như sau:

“Con chó luôn luôn cần đến một cảm giác có thật để gợi lại những chuyện đã qua. Chúng ta hãy thí dụ vào dịp nào đó nó được dẫn đến một thành phố xa lạ và có một chuyện đã xảy ra cho nó. Khi trở về nhà cũ nó quên đi các cảm giác ở thành phố kia. Nhưng nếu nó trở lại nơi chốn trước nó nhớ lại được. So sánh giữa loài người với loài vật về cơ cấu tâm lý, người ta thấy rằng đặc điểm và ưu thế của con người là tầm ký ức của người ta không lệ thuộc vào những nhu cầu hàng ngày, nhưng được khắc sâu trọn vào một luồng ý thức”.

Như vậy, khác với loài người, thú vật không thể tự ý dựng lại những biến cố xảy ra trong quá khứ.

Nhưng chúng có thể trù tính trước cho tương lai không? Há không có những con chuột bạch, một vài loại kiến, những con sóc và các thú vật khác dự trữ hay giấu đi thức ăn để dùng sau này hay sao? Há đó không phải là một sự trù tính cho tương lai để khỏi bị chết đói vào mùa đông hay sao? Tác giả nói trên đáp là “Không”, và ông dẫn chứng những sự kiện này:

“Chúng không biết điều chúng đang làm và tại sao chúng làm thế. Chúng chỉ việc làm theo bản năng, bằng cớ là ngay đến những con thú bị phân rẽ khỏi cha mẹ chúng và bị nhốt trong lồng từ lúc rất nhỏ bắt đầu ‘dự trữ’ thức ăn vào mùa thu. Các thú ấy đã không hề biết đến thời tiết mùa đông ra sao và trong những tháng sắp tới chúng sẽ không bị để cho thiếu ăn. Tuy nhiên chúng ‘dự trữ’ chỉ vì chúng muốn ‘dự trữ’ đó thôi”.

Để tóm lược sự tương phản giữa loài người và loài thú, ông nhận xét:

“Bởi vậy, thế giới loài vật chỉ sống cho hiện tại. Vì chúng dễ bị lôi cuốn từ một vật hấp dẫn này sang một vật hấp dẫn khác và sau đó chúng không bao giờ trở lại vật cũ nữa”.

Quả thật, chỉ có con người mới có khái niệm về “thời gian vô tận”, mới có khả năng nghĩ ngợi chuyện đã qua và hướng về tương lai, trù tính cho tương lai mà thôi.

Chính vì loài vật chỉ sống cho hiện tại, nên đối với chúng, sự chết rõ ràng là không bi thảm như đối với loài người. Hình như thú vật coi sự chết như là một chuyện tự nhiên.

Hãy xem xét một sự kiện xảy ra cho một con sư tử cái và ba con của nó ở Công viên Quốc gia Serengeti. Trong lúc sư tử cái đi vắng, ba sư tử con nằm trốn trong bụi rậm. Rồi có hai con sư tử đực từ một vùng khác xuất hiện. Bắt gặp các sư tử con đang trốn, chúng giết chết hết cả ba. Chúng ăn thịt một con, rồi mang đi theo một con và bỏ con thứ ba lại. Khi sư tử cái trở về thấy xác con, nó làm gì? Nó chẳng tỏ ra buồn khổ hay cảm xúc gì cả, nhưng chỉ ngửi xác con được bỏ lại—và rồi nuốt luôn con nó.

Cũng đáng ghi nhận là những con thú làm mồi cho sư tử không có phản ứng sợ hãi khi thấy một con sư tử ở cách chúng một khoảng xa. Khi con sư tử ăn mồi xong rồi, chẳng mấy chốc đoàn thú kia trở lại sinh hoạt bình thường. Thật thế, những con thú làm mồi thản nhiên ở gần con sư tử chỉ đứng cách chúng chừng 40 thước.

LOÀI NGƯỜI COI SỰ CHẾT LÀ KHÔNG TỰ NHIÊN

Phản ứng của loài người trước sự chết thật là khác biệt làm sao! Đối với phần nhiều người, sự chết của vợ, chồng, con cái là một kinh nghiệm buồn bã nhất trong đời. Tình cảm của một người bị xao động một thời gian lâu sau cái chết của một người mà mình thương yêu.

Ngay cả những người huênh hoang nói “ai cũng phải chết cả” lại khó lòng chấp nhận ý tưởng là khi họ chết thì mọi việc của họ đều chấm dứt. Tờ The Journal of Legal Medicine nói: “Thường thường các bác sĩ trị tâm bệnh đồng ý rằng trong tiềm thức người ta gạt bỏ sự chết, ngay cả lúc gần chết đến nơi”. Thí dụ, một thanh niên tự nhận là vô thần, trước khi bị hành quyết, nói rằng theo một quan điểm hợp lý, sự chết của anh ta sẽ “không có nghĩa gì hơn là sự kết liễu một cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng rất tích cực”. Nhưng kế đến anh ta nhận xét thật ra mình không thể “chấp nhận ý tưởng rồi thì mọi việc sẽ vào hư vô”.

Ước vọng của người ta muốn được tham gia vào các hoạt động trong tương lai mạnh mẽ đến độ một số người sắp đặt để khi chết thi thể họ phải được ướp lạnh. Tiền phí tổn sơ khởi để ướp lạnh có thể cao đến 8.500 Mỹ kim và mỗi năm phải chi tiêu thêm 1.000 Mỹ kim, nếu muốn tiếp tục giữ thi thể đông lạnh. Mục đích của việc ướp lạnh thi thể là họ mong rằng một ngày kia các nhà bác học có thể làm cho họ sống lại. Dĩ nhiên hiện nay các nhà bác học còn lâu lắm mới thực hiện được chuyện ấy. Tuy nhiên chỉ ý tưởng là chuyện đó có thể làm được cũng đủ khiến một số người muốn ướp thây họ dù phải tốn kém nhiều.

Bởi con người thấy khó chấp nhận ý tưởng chết là hết nên khắp nơi người ta đều muốn ghi nhớ mãi mãi kỷ niệm về người chết và họ chôn cất người chết theo nghi lễ. Cuốn sách Funeral Customs the World Over (Tục lệ mai táng trên khắp thế giới) nhận định:

“Không có một giống dân nào, dù sơ khai hay văn minh, lại không chôn cất người chết theo nghi lễ, nếu được để tự nhiên làm vậy và có đủ phương tiện. Bởi thế việc mai táng theo nghi lễ là sự kiện phổ thông đến độ khiến ta kết luận hữu lý rằng hình như điều đó do bản chất của con người mà ra. Điều đó ‘tự nhiên’, thông thường, hữu lý. Làm theo như vậy dường như ‘đúng’, và nếu không làm như vậy dường như là ‘sai’, đặc biệt đối với những người có liên lạc họ hàng mật thiết, đối với người chúng ta thân mến, sống gần nhau, cùng kinh nghiệm hay có những liên lạc khác, vì họ cho việc không làm lễ là thiếu sót bất thường, vì thế cần phải xin lỗi hay hổ thẹn”.

Tác phẩm nói trên kết luận gì về những tục lệ mai táng phổ thông? Sách đó nói:

“Điều này là đúng đến nỗi người ta có thể định nghĩa thêm về loài người, ngoài những lời định nghĩa khác. Loài người là một sinh vật biết chôn cất những người chết theo nghi lễ”.

Dù vậy, thế hệ này đến, thế hệ kia đi, rốt cuộc những người chết cũng hoàn toàn bị quên lãng. Ngay cả những người đã từng nổi danh trong lịch sử cách đây nhiều thế kỷ cũng bị người sống quên đi. Họ không còn ảnh hưởng trên người khác nữa. Thí dụ, những nhà cai trị đầy quyền thế trong thời cổ như Nê-bu-cát-nết-sa, A-lịch-sơn Đại đế và Giu-lơ Sê-sa không còn ảnh hưởng trên đời sống hàng ngày của chúng ta nữa, mặc dù họ đã gây ảnh hưởng trên hàng triệu người sống vào thời của họ. Sự kiện cay đắng về việc những người chết bị quên đi với thời gian đã được tác giả sách Truyền-đạo trong Kinh-thánh công nhận: “Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa” (Truyền-đạo 1:11). Ngay sự kiện một người cố gắng hết sức mình để được nhớ đến, dù biết rằng cuối cùng rồi mình cũng sẽ bị quên lãng đi, chứng tỏ theo bẩm sinh con người muốn sống, dù chỉ trong ký ức.

SỰ CHẾT CỦA CON NGƯỜI DƯỜNG NHƯ KHÔNG HỢP LÝ

Sau khi đã xem qua phản ứng thông thường của loài người trước sự chết, tiềm năng phi thường về ký ức, khả năng học hỏi và ý thức nội tâm về thời gian vô tận của con người, chẳng phải ta lại không thấy rõ nhân loại đã được tạo ra để sống hay sao? Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận lời giải thích của Kinh-thánh là thời ban đầu Đức Chúa Trời không có ý định để con người phải chết, chúng ta mới có thể hiểu được lý lẽ của mọi sự việc, nếu không chúng ta sẽ đành bó tay. Hãy xem thí dụ về một số cây cối và thú vật sống lâu hơn con người.

Một cây có thể sống hàng trăm năm; vài cây như cây cổ thụ cù tùng (sequoia) và cây bách tùng có thể sống hàng ngàn năm. Một con rùa biển khổng lồ sống hơn 150 năm cũng là thông thường. Tại sao lại như thế này? Tại sao cây cối vô tri thức và những con rùa không biết suy luận có thể sống lâu hơn loài người có trí thông minh?

Thế thì phải chăng sự chết của con người là một hoang phí kinh khủng? Trong khi có lẽ chỉ một phần kiến văn và kinh nghiệm được truyền lại cho những người khác, phần lớn những sự đó đều mất đi không để lại cho hậu sinh được. Để thí dụ, một người nào đó là một nhà khoa học xuất sắc, một kiến trúc sư tài ba hay một nhạc sĩ, một họa sĩ hoặc một nhà điêu khắc lỗi lạc. Người đó có thể đã dạy nghề cho những người khác. Nhưng khi người đó chết đi, không ai có được toàn thể tài năng và kinh nghiệm của ông. Có thể sau khi biết cách giải quyết nhiều vấn đề gặp phải, ông đã bắt đầu khám phá ra một cái gì mới. Những người thừa hưởng sự hiểu biết và kinh nghiệm của ông, giờ đây phải học hỏi qua nhiều thí nghiệm và sai lầm—và rồi họ bỏ dở công trình vì bị chết. Vì lãnh vực hiểu biết rất bao quát, tại sao con người phải làm việc trong trở ngại khó khăn vì sự chết cướp mất đi những người giàu kinh nghiệm?

Hơn nữa, nói rằng con người phải sống vỏn vẹn vài năm trên đất và rồi chết đi không thể phù hợp với sự tin tưởng nơi một Đấng Tạo hóa đầy yêu thương. Tại sao không? Bởi điều này có nghĩa là Đấng Tạo hóa chăm sóc một số cây cối thiếu thông minh và thú vật ngu đần nhiều hơn là săn sóc loài người, một tạo vật có thể bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn. Điều đó cũng có nghĩa là ngài ít thương xót nhân loại, những người bị sự chết làm tổn thương một cách sâu xa nhất trong tất cả các loài sống.

Thật ra, nếu như đời sống này chỉ có thế thôi, và nếu Đức Chúa Trời quả thật đã dự trù như thế, làm sao chúng ta có thể thật sự yêu thương ngài? Đúng vậy, làm sao chúng ta có thể đến gần Đấng không cho phép chúng ta thực hiện trọn vẹn các tiềm năng của chúng ta? Như thế chẳng phải là bất nhân hay sao khi ban cho người nào một tiềm năng lớn lao để thâu thập sự hiểu biết, rồi lại ngăn cản người đó làm được điều đó?

Tuy nhiên, nếu loài người đã được tạo ra để tiếp tục sống, họ cần biết lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao người ta chết? Họ cần câu trả lời thích đáng để giúp họ hiểu tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự chết tiếp tục gieo tang tóc cho nhân loại hàng ngàn năm nay. Câu trả lời này giúp vượt qua trở ngại lớn nhất ngăn cản người ta có một liên lạc tốt với Đấng Tạo hóa và tìm ra ý nghĩa thật và niềm vui trong đời sống ngay bây giờ.

Nhưng làm sao chúng ta có thể biết chắc lý do của sự chết?

[Hình nơi trang 24]

ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI QUÁ NGẮN NGỦI—CÓ HỢP LÝ KHÔNG?

Loài người chỉ sống 70 hoặc 80 năm dù có tiềm năng học thức kỳ diệu

Ngay đến loài thiên nga có thể sống trên 80 năm

Dù không có trí thông minh loài rùa biển có thể sống hơn 150 năm

Vài loại cây sống hàng ngàn năm