Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một chính phủ sẽ thắng được sự chết, kẻ thù của loài người

Một chính phủ sẽ thắng được sự chết, kẻ thù của loài người

Chương 15

Một chính phủ sẽ thắng được sự chết, kẻ thù của loài người

Ý ĐỊNH lúc đầu của Đức Chúa Trời đối với loài người là họ có thể sống và hưởng sự sống trong một địa-đàng trên đất. Chúng ta có thể tin chắc rằng ý định đó sẽ được thực hiện, căn cứ trên lời hứa đáng tin cậy của Đức Chúa Trời là sự chết, kẻ thù của nhân loại, sẽ bị khắc phục, hủy diệt (I Cô-rinh-tô 15:26).

Đời người không phải chỉ có bảy mươi hay tám mươi tuổi rồi thôi. Nếu những người thờ phượng Đức Chúa Trời chỉ hy vọng được có thế, hóa ra số phận của họ có khác gì những kẻ không tin kính Đức Chúa Trời và Kinh-thánh đâu? Nhưng không phải vậy. Kinh-thánh nói: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:10; 11:6).

Những ai phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì lòng yêu thương sâu đậm đối với ngài và các đường lối công bình của ngài thì phần thưởng của họ là gì? Họ được thưởng ngay bây giờ và trong tương lai nữa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự tin-kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (I Ti-mô-thê 4:8). Vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời đem lại một đời sống thỏa lòng, hạnh phúc ngay từ bây giờ. Còn về phần đời “sau”, Rô-ma 6:23 nói: “Sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời”.

Dĩ nhiên sự sống đời đời trong những hoàn cảnh hiện nay dường như có vẻ không hấp dẫn lắm. Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa ban cho sự sống đời đời dưới sự cai trị công bình. Để lời hứa được thành sự thật, trước hết loài người phải được thoát khỏi nguyên nhân gây ra sự chết. Nguyên nhân đó là gì? Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn đáp: “Cái nọc sự chết là tội-lỗi” (I Cô-rinh-tô 15:56).

Ngay từ lúc tuyên án phạt cặp vợ chồng phản nghịch là A-đam và Ê-va cùng kẻ xúi giục sự phản nghịch, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy một phương tiện mà qua đó, nhân loại sẽ được giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết. Đức Chúa Trời nói những lời này, không phải cho con rắn không biết lý luận được dùng làm công cụ để lường gạt, nhưng cho chính Sa-tan, “con rắn xưa”: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người”. Lời phán xét này—ghi trong Sáng-thế Ký 3:15—đưa ra nền tảng cho dòng dõi tương lai của A-đam và Ê-va có được hy vọng. Theo lời phán xét đó kẻ thù của loài người sẽ bị khắc phục (Khải-huyền 12:9).

Dĩ nhiên, nếu chỉ giết “con rắn xưa” là Sa-tan Ma-quỉ mà thôi thì vẫn chưa đủ để xóa bỏ hậu quả tai hại mà hắn gây ra khi xúi giục hai người đầu tiên phản nghịch lại Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời làm sao để sửa chữa mọi việc thì ngài vẫn còn giữ bí mật cho tới thời điểm mà ngài chọn để tiết lộ bí mật đó (I Giăng 3:8).

Ngày nay chúng ta có thể thấy rõ bí mật thánh đó nhờ sự giúp đỡ của toàn bộ Kinh-thánh. Ê-va không thể là “người nữ” nói nơi Sáng-thế Ký 3:15. Vì đã phản nghịch, Ê-va đứng về phía “con rắn xưa”, như vậy là “dòng-dõi” của hắn. Trong vòng các phụ nữ thuộc con cháu của A-đam và Ê-va cũng không có ai làm người nữ đó được. Tại sao không? Bởi vì “dòng-dõi người nữ” phải có quyền năng lớn hơn quyền năng của một người bình thường để có thể giày đạp “con rắn xưa”, Sa-tan Ma-quỉ, một thần linh vô hình. Để tạo ra một “dòng-dõi” mạnh mẽ như thế, “người nữ” phải thuộc lãnh vực thần linh chứ không thuộc loài người.

Ga-la-ti 4:26 chỉ cho thấy chính “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” là “người nữ” đó. Điều này rất có ý nghĩa. Vậy là thế nào?

Hồi xưa thành Giê-ru-sa-lem là kinh đô của vương quốc Giu-đa. Vì Đa-vít, vua đầu tiên người Giu-đa, đã lập nơi đó làm kinh đô cho chính phủ của ông, và từ đó về sau Giê-ru-sa-lem là kinh đô của các vua kế tiếp của nước Giu-đa. Do đó nói rằng “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” cho ra một vị vua chỉ là điều tự nhiên mà thôi. Yếu tố này cho thấy chính phủ đó là một chính phủ trên trời, có một vua ở trên trời, và nhiệm vụ của chính phủ này là chấm dứt tội lỗi và sự chết.

Thành “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” không phải là một người đàn bà hay một thành phố theo nghĩa đen. Đó chỉ là một thành tượng trưng, thiêng liêng. Vì ở trên trời nên thành này gồm có các thiên sứ, các tạo vật thần linh và có quyền năng. Vậy khi một trong các tạo vật thần linh này được chỉ định làm vua thì có nghĩa là “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” này đã cho ra một người thừa kế Nước Trời. Điều ấy đã xảy ra chưa?

VỊ VUA ĐÃ ĐẾN

Việc đó đã xảy ra đúng vào năm 29 CN. Vào lúc đó, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời xức dầu bằng thánh linh để trở nên vị Vua được chỉ định. Việc này xảy ra khi ngài trình diện với Giăng Báp-tít để được trầm mình trong nước. Kinh-thánh kể lại diễn biến này: “Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Giê-su ra khỏi nước; bỗng-chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ-câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16, 17).

Vài tháng sau đó, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng: “Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17). Đúng vậy, Nước Trời đã đến gần vì vị Vua được chỉ định đang có mặt lúc ấy.

Dù sanh ra làm người trên đất, Chúa Giê-su đã hiện hữu trước khi xuống thế gian. Chính ngài đã nói: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời” (Giăng 3:13). Để gợi sự chú ý đến gương khiêm nhường xuất sắc của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:5-7). Để hiểu rõ việc Chúa Giê-su từ trời xuống thế gian này đã diễn ra thế nào, chúng ta có lời tường thuật về cuộc nói chuyện được ghi lại giữa thiên sứ Gáp-ri-ên với trinh nữ Ma-ri:

“Thiên-sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-su. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng.

“Ma-ri bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận-biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Thiên-sứ truyền rằng: Đức Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:30-35).

Do đó sự sống của Chúa Giê-su, một trong những con của Đức Chúa Trời hợp thành “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”, đã được chuyển từ trời xuống vào lòng trinh nữ Ma-ri. Chúa Giê-su được sanh ra là một con trẻ hoàn toàn. Một phép lạ như thế có vẻ khó tin đối với một số người, tuy vậy điều đó không phải là cớ để nghi ngờ về sự xác thực của biến cố này. Chắc chắn Đấng khiến cho một con người nguyên vẹn phát triển từ một cái trứng nhỏ hơn là dấu chấm ở cuối câu này, cũng có thể dùng thánh linh hay sinh hoạt lực của ngài để chuyển sự sống từ trời xuống đất được. Vì sự sống của Chúa Giê-su đã được chuyển như thế để có thể trở thành người thừa kế vĩnh viễn ngôi vua Đa-vít, ngài quả thật đã đến từ “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”.

Như Đức Chúa Trời đã tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15, Chúa Giê-su đã bị “con rắn xưa” “cắn gót chơn” gây thương tích, khi ngài bị đóng đinh trên cây khổ hình ngày 14 Ni-san năm 33 CN. Không giống như việc đầu bị đạp dẹp không thể cứu vãn được, việc “cắn gót chơn” đó chỉ gây thiệt hại tạm thời. Vào ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết, ban cho ngài “quyền-phép của sự sống chẳng hay hư hay hết” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:40; Hê-bơ-rơ 7:16). Với tư cách thần linh bất tử, vị Vua Giê-su Christ có thẩm quyền giày đạp đầu “con rắn xưa” và xóa bỏ tất cả những tai hại mà hắn đã gây ra.

NHỮNG NGƯỜI CÙNG CAI TRỊ

Chúa Giê-su Christ là thành viên chính của “dòng-dõi” tổng hợp đó. Qua ngài, Đức Chúa Trời Toàn năng sẽ giày đạp Sa-tan Ma-quỉ dưới chân của những người cùng kết hợp với Chúa Giê-su trong Nước Trời (Khải-huyền 20:1-3). Sứ đồ của đấng Christ là Phao-lô nói như sau khi viết cho những người được thừa kế quyền cai trị: “Đức Chúa Trời bình-an sẽ kíp giày-đạp quỉ Sa-tan dưới chơn anh em” (Rô-ma 16:20). Ai là những người cùng cai trị này?

Khải-huyền, sách chót của Kinh-thánh, nêu ra con số 144.000 người. Sứ đồ Giăng, người ghi chép sách Khải-huyền, tả lại điều ông chứng kiến trong sự hiện thấy: “Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con [Chúa Giê-su Christ; đấng đã chết như một chiên con hiến dâng làm của-lễ] đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình... Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó. Những kẻ đó đã được chuộc từ trong loài người [chứ không phải từ riêng một dân nào, như dân Y-sơ-ra-ên chẳng hạn], để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con” (Khải-huyền 14:1-4).

Thật rất thích hợp khi 144.000 người được tả là ở với Chiên Con trên núi Si-ôn. Núi Si-ôn của thành Giê-ru-sa-lem xưa là kinh đô của các vua Giu-đa, nơi có đền vua. Chính tại núi Si-ôn, Đa-vít đã dựng một cái trại cho hòm giao ước thánh trong đó có hai bảng đá ghi Mười Điều Răn. Sau này hòm giao ước đó được chuyển vào một phòng trong cùng của đền thờ do con vua Đa-vít là Sa-lô-môn xây trên núi Mô-ri-a cách đó không xa. Ranh giới của Si-ôn vào thời đó cũng gồm luôn cả vùng núi Mô-ri-a nữa. Vì vậy mà Si-ôn thường được liên kết với chức vua và tế lễ (II Sa-mu-ên 6:12, 17; I Các Vua 8:1; Ê-sai 8:18).

Điều này phù hợp với sự kiện Chúa Giê-su là Vua kiêm Thầy tế lễ, giống như Mên-chi-xê-đéc ở thành Sa-lem xưa. Vì vậy Hê-bơ-rơ 6:20 nói về Chúa Giê-su như “thầy tế-lễ thượng-phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc”. Với chức vụ Vua kiêm Thầy tế lễ, Chúa Giê-su cai trị từ Núi Si-ôn ở trên trời.

Những người cùng cai trị với ngài cũng là các thầy tế lễ. Họ hợp thành đoàn thể giữ “chức thầy tế-lễ nhà vua” (I Phi-e-rơ 2:9). Khải-huyền 5:10 nói cho chúng ta biết phận sự của họ: “Ngài [đấng Christ] đã làm cho những người ấy nên nước và thầy tế-lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị-vì trên mặt đất”.

MỤC ĐÍCH CỦA SỰ CAI TRỊ

Mối quan tâm chính của vị Vua kiêm Thầy tế lễ Giê-su và những thầy tế lễ cùng cai trị khác là đem toàn thể nhân loại vào sự hợp nhất với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ mọi dấu vết của tội lỗi và sự bất toàn, bởi chỉ có những ai hoàn toàn phản chiếu được hình ảnh của Đức Chúa Trời mới có thể xứng đáng đứng trước mặt ngài. Ê-phê-sô 1:9-12 cho thấy sự cai trị của Nước Trời là một phần của sự quản trị của Đức Chúa Trời nhằm đem lại điều này.

“[Đức Chúa Trời] khiến chúng ta biết sự mầu-nhiệm của ý-muốn Ngài, theo ý-định mà Ngài đã tự lập-thành trước trong lòng nhơn-từ Ngài—để làm sự định trước [quản trị] đó trong khi kỳ mãn—hội-hiệp muôn vật lại trong đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất. Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế-nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết-đoán, hầu cho sự vinh-hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông-cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi-khen”.

Vì Chúa Giê-su Christ vô tội và hoàn toàn hòa hợp với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, việc hội hiệp muôn vật lại cùng ngài sẽ có kết quả là nhân loại được đưa vào sự hợp nhất với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Điều này sẽ được thấy rõ khi khía cạnh này trong công việc của Nước Trời được hoàn tất; Kinh-thánh nói rằng lúc đó Chúa Giê-su Christ “sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha” (I Cô-rinh-tô 15:24).

Để thực hiện được công việc to tát là làm cho nhân loại trở nên hoàn toàn, những người cai trị trên trời cũng sẽ phải cần đến những đại diện trên đất, những người được tiếng là gắn bó với sự công bình (Thi-thiên 45:16; Ê-sai 32:1, 2). Những người này phải hội đủ các điều kiện mà Vua Giê-su Christ muốn tìm thấy nơi những ai ngài giao phó trách nhiệm. Hai đức tính căn bản là sự khiêm nhường và tình yêu thương bất vụ lợi. Chúa Giê-su nói: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:25-27). Ngài còn nói: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12, 13).

Lẽ nào các bạn sẽ không cảm thấy an toàn sống dưới sự cai trị của những người đại diện Nước Trời, là những người phản ảnh sự yêu thương và khiêm nhường như thế và thật sự lo lắng cho bạn hay sao?

Sẽ không có một vấn đề nan giải nào trong việc liên lạc giữa chính phủ trên trời và những đại diện trên đất của Vua Giê-su Christ. Trong quá khứ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dùng các thiên sứ và sinh hoạt lực vô hình của ngài để đưa thông điệp cho tôi tớ của ngài trên đất (Đa-ni-ên 10:12-14; II Phi-e-rơ 1:21). Ngay cả loài người cũng đã có thể truyền đi được các thông điệp từ các trạm không hành lơ lửng trên không trung cao thẳm đến các phi thuyền và ngược lại nhận được tin tức từ những phi thuyền ấy chuyển đến các trạm không hành. Những việc như vậy con người bất toàn còn có thể làm được thì tại sao lại có người nghĩ rằng những việc ấy lại quá khó đối với những đấng cai trị hoàn toàn từ trên trời?

Tuy nhiên, trước khi chính phủ Nước Trời gồm có Chúa Giê-su Christ và những người khác cùng cai trị với ngài có thể xúc tiến công việc đưa nhân loại đến sự hợp nhất với Đức Chúa Trời, tất cả các lực lượng chống đối phải bị dẹp sạch. Ngày nay không có mảy may một dấu hiệu nào chứng tỏ những kẻ cai trị nhân loại sẵn sàng trao quyền cai trị của họ cho Chúa Giê-su Christ và những người cùng cai trị với ngài. Ý tưởng về một chính phủ từ trời sẽ kiểm soát các công việc trên trái đất khiến họ cười mỉa mai. Bởi vậy họ sẽ bị bắt buộc nhìn nhận uy quyền của Nước Đức Chúa Trời trong tay đấng Christ. Lúc đó không những họ sẽ mất địa vị cai trị mà còn mất luôn mạng sống nữa. Kinh-thánh nói: “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời” (Đa-ni-ên 2:44).

Sau khi dẹp tan mọi lực lượng đối lập, chính phủ Nước Trời sẽ bắt tay vào công cuộc giải cứu nhân loại khỏi bệnh tật và sự chết. Việc đó sẽ được thực hiện như thế nào?