Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một trái đất không còn bệnh tật và sự chết

Một trái đất không còn bệnh tật và sự chết

Chương 16

Một trái đất không còn bệnh tật và sự chết

THẬT LÀ một niềm an ủi lớn thay cho nhân loại chúng ta khi trái đất được giải thoát khỏi bệnh tật và sự chết! Sẽ không còn những giọt lệ cay đắng tuôn rơi vì buồn rầu và đau khổ. Sẽ không còn bệnh tật gây ra đau đớn cực cùng và sự biến dạng khủng khiếp. Sẽ không còn tuổi già tàn phá và làm mòn mỏi sức lực của con người, thường khiến họ mang một tâm trạng tuyệt vọng và bị bỏ rơi. Khắp nơi người ta sẽ hưởng được khí lực và sức mạnh thanh xuân. Sẽ không còn một lời rên rỉ thoát ra từ môi họ!

Điều này không phải dựa trên trí tưởng tượng suông. Đó là ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài có ý định ban cho loài người—không phải chỉ vài năm ngắn ngủi đầy những vấn đề và đau khổ—mà còn nhiều hơn nữa (Khải-huyền 21:3, 4).

VIỆC NÀY CÓ THỂ ĐƯA ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN LAO KHÔNG?

Nhưng một trái đất không còn bệnh tật và sự chết sẽ đem lại những vấn đề khác trầm trọng hơn không? Bạn có tự hỏi: Mọi người sẽ sống ở đâu? Phải chăng khi không còn bệnh tật và sự chết, dân cư sẽ gia tăng nhanh chóng để rồi đời sống trở nên khó chịu, và nhiều người sẽ thiếu ăn?

Đức Chúa Trời không hề có ý định làm cho trái đất đầy tràn người ở. Đức Chúa Trời nói với A-đam và Ê-va khi họ còn là người hoàn toàn: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất” (Sáng-thế Ký 1:28). Làm “đầy dẫy” đất khác hẳn với làm đầy tràn đất. Nếu có người xin bạn rót đầy một ly nước, hẳn bạn không rót mãi cho đến khi nước tràn ra khỏi ly. Khi nước đầy ly bạn sẽ ngừng lại không rót nữa. Cũng thế, khi trái đất sẽ đầy người ở một cách thoải mái, Đức Chúa Trời sẽ không để cho dân cư trái đất gia tăng nữa.

Hơn nữa, chúng ta không nên dựa trên những gì chúng ta nghe và thấy ngày nay để phán đoán sai lầm về khả năng của trái đất trong việc cung cấp nơi ở cho chúng ta và duy trì sự sống của loài người và loài thú. Trong khi đông đảo dân cư sống chen chúc nhau ở thành thị, có nhiều vùng đất rộng lớn ít người ở. Nếu hiện nay dân cư được phân phối đồng đều, thì mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ con được 6 mẫu Anh (lối 2,5 mẫu tây) đất phì nhiêu. Quả thật là quá rộng chỗ để sống!

Tại nhiều nơi trên đất, rất nhiều người bị đói không phải vì đất đai không đủ sức sanh sản hoa màu, nhưng vì thực phẩm không được phân phối đồng đều. Trong khi tại vài nơi thực phẩm quá dư dật, thì tại những nơi khác lại thiếu thốn dữ dội. Thật ra trái đất có thể sản xuất nhiều hơn mức sản xuất hiện tại. Ngay vào năm 1970 Tổ chức Lương Nông trực thuộc Liên Hiệp Quốc (FAO) ước lượng tiềm năng canh nông đủ sức để nuôi sống khoảng chừng 42 lần số dân cư hiện có trên đất.

Những công trình mà người ta đã thực hiện tại vài vùng trên đất cho thấy khả năng gia tăng sản xuất của trái đất lớn biết bao.

Một thời, thung lũng Imperial ở California cằn cỗi, không trồng trọt gì được. Nhưng nhờ tưới nước cho vùng sa mạc giàu khoáng sản này, nên thung lũng này đã trở thành một trong những vùng canh nông trù phú nhất tại Hoa Kỳ.

Âu châu chỉ có chừng phân nửa đất đai để trồng trọt, nhưng vì được khai khẩn nhiều hơn, nên sản xuất thực phẩm bằng Bắc Mỹ.

Thật ra, chắc chắn có thể khai khẩn thêm nhiều đất đai khác để trồng trọt mà vẫn giữ được vẻ đẹp của rừng núi và những đồng cỏ mỹ miều.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác bảo đảm sự cung cấp thực phẩm sung mãn cho trái đất đầy người và thú. Yếu tố đó là gì? Đó là sự giúp đỡ và hướng dẫn của Đức Chúa Trời, dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời qua trung gian Con ngài là Chúa Giê-su Christ. Không ai biết rõ trái đất hơn Đức Chúa Trời, vì ngài là Đấng tạo ra nó. Dưới sự cai trị khôn ngoan của chính phủ Nước Trời, đất đai sẽ sản xuất dồi dào. Lúc đó trái đất sẽ trở nên giống như xứ Y-sơ-ra-ên khi dân còn trung thành: “Đất đã sanh hoa-lợi nó, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chúng tôi, sẽ ban phước cho chúng tôi” (Thi-thiên 67:6).

Vùng sa mạc khô khan và những vùng bỏ hoang khác lên đến hàng triệu mẫu chắc chắn sẽ được khai hoang. Lịch sử cho thấy Đức Chúa Trời đã có lần giúp cho có nước cần thiết. Vào thế kỷ thứ sáu TCN, lời hứa có tính cách tiên tri của Đức Chúa Trời đã được ứng nghiệm, hàng ngàn người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn đã được trở về Giê-ru-sa-lem (E-xơ-ra 2:64-70). Họ hẳn đã chọn con đường thẳng xuyên qua sa mạc cằn cỗi xứ Sy-ri. Tuy vậy Đức Chúa Trời đã cung cấp cho họ tất cả mọi thứ cần yếu để sống. Ngài cũng đã tiên tri về quê hương của họ: “Có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa-mạc” (Ê-sai 35:6).

Vì trong quá khứ Đức Chúa Trời đã làm điều đó rồi, nên chúng ta có lý do tốt để chờ đợi chính phủ Nước Trời trong tay đấng Christ sẽ thực hiện việc ấy trên bình diện rộng lớn hơn.

Chúng ta không cần phải lo sợ rằng nếu không còn bệnh tật và sự chết trên đất thì sẽ có những tình trạng không vui xảy ra. Không những sẽ không có nạn nhân mãn, mà mỗi người sẽ có thể ăn uống thỏa thê.

Sự cai trị trong tay của Vua được Đức Chúa Trời chỉ định là Chúa Giê-su Christ và 144.000 người cùng cai trị với ngài sẽ chăm sóc dân cư trên đất. Lời tiên tri Ê-sai có nói về sự dư dật thức ăn ngon và bổ: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo...có tủy, rượu ngon lọc sạch” (Ê-sai 25:6).

Chúng ta có thể tin tưởng nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói về ngài: “Chúa sè tay ra, làm cho thỏa-nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:16). Ngài luôn luôn giữ lời hứa. Kinh-thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành; thảy đều ứng-nghiệm hết” (Giô-suê 21:45).

BỆNH TẬT VÀ SỰ CHẾT SẼ BIẾN MẤT THẾ NÀO

Ngoài lời hứa cung cấp vật chất cần thiết cho nhân loại được sống, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có hứa một điều khác nữa còn quí giá hơn nhiều. Đó là gì? Đó là việc họ được giải cứu khỏi bệnh tật và sự chết. Thật thế, sau khi tuyên bố ý định về tiệc yến được nói đến trong sách Ê-sai, ngài hứa thêm: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê-sai 25:8).

Phù hợp với lời hứa của Đức Chúa Trời ở đây, chính phủ của Nước Trời trong tay của Chúa Giê-su Christ và những người cùng cai trị với ngài sẽ hoạt động nhằm giải cứu loài người khỏi sự chết. Sở dĩ có bệnh tật và sự chết là bởi vì chúng ta sanh ra là người bất toàn, phải chịu tội lỗi từ người đầu tiên A-đam, nên cần phải loại bỏ hiệu quả của tội lỗi. Làm sao loại bỏ được?

Căn bản để làm điều đó phải là một sự sắp đặt thỏa mãn công lý. Dĩ nhiên đó phải là một sự sắp đặt xóa bỏ được những hậu quả do sự phản nghịch của A-đam gây ra. Phải lấy lại điều mà A-đam đã đánh mất. Giá dùng làm giá chuộc phải tương đương với giá trị của cái mà A-đam đã đánh mất, tức mạng sống làm người hoàn toàn với tất cả những quyền lợi và triển vọng.

Không có con cháu nào của A-đam có thể cung cấp giá chuộc vì thảy đều có tội. Thi-thiên 49:7 nói rõ: “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời”. Nhưng Chúa Giê-su Christ có thể làm được việc ấy, vì ngài là người hoàn toàn, và ngài sẵn lòng phó mạng sống mình để “làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28).

Dựa trên căn bản của sự hy sinh mạng sống hoàn toàn của chính ngài, Chúa Giê-su Christ có đủ tư cách áp dụng những lợi ích qua của-lễ chuộc tội để giải cứu loài người khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Công việc này đòi hỏi thì giờ và sự giúp đỡ vì khuynh hướng phạm tội tiềm tàng trong bản thể của con người. Dưới Nước Trời trong tay của Chúa Giê-su Christ, mọi người dân đều nhận được sự huấn luyện trong đường lối công bình (Khải-huyền 20:12; Ê-sai 26:9).

Tuy nhiên, không nhất thiết có nghĩa là những người có thân thể không lành lặn hoặc bị tàn tật trầm trọng phải chờ đợi lâu mới được hồi phục. Khi Chúa Giê-su Christ còn ở trên đất, ngài đã chữa lành những người bệnh hoạn và đau khổ trong nháy mắt bằng phép lạ. Có một số lần ngài đã chữa bệnh từ đàng xa. Người bệnh không thấy ngài và ngài cũng không đụng đến họ (Ma-thi-ơ 8:5-13; 15:21-28; Lu-ca 7:1-10). Bởi thế bất cứ người tàn tật nào như què chân hay cụt tay, mà sống trong lúc Nước Trời bắt đầu cai trị trên toàn trái đất thì có thể có hy vọng được chữa lành bằng phép lạ, ngay tức khắc, vào thời điểm mà Đức Chúa Trời đã định. Thật là tuyệt diệu biết bao khi nhìn thấy người mù được sáng mắt, người điếc được rỗng tai và người tàn tật với hình hài xấu xí được lành lặn!

Tuy nhiên, việc đưa thân thể và tâm trí con người đến trạng thái hoàn toàn sẽ là một tiến trình, đòi hỏi sự áp dụng của-lễ hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và sự tuân theo những chỉ thị của chính phủ Nước Trời, cũng giống như sự điều trị một người tàn tật dưới sự hướng dẫn của một y sĩ có tài. Trong khóa tập luyện người tàn tật có thể làm nhiều lỗi, nhưng với thời gian người đó có thể đạt tới mức sống một đời sống hữu ích không còn phải tùy thuộc người khác. Sự tiến bộ tùy thuộc vào cách người đó đáp ứng đối với sự giúp đỡ mà người đó nhận được.

KHẢ NĂNG CỦA CÁC ĐẤNG CHỮA TRỊ CON NGƯỜI BẤT TOÀN

Chúa Giê-su Christ hội đủ tất cả những khả năng cần thiết để chữa lành nhân loại. Vì đã từng sống làm người trên đất, ngài quen thuộc với những vấn đề của con người bất toàn. Dù hoàn toàn, ngài đã nếm qua sự đau khổ và buồn rầu đến độ khóc lóc. Kinh-thánh thuật lại cho chúng ta: “Khi Đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhơn-đức Ngài, nên được nhậm lời. Dầu Ngài là Con, cũng đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:7, 8).

Bởi lẽ Chúa Giê-su Christ đã từng sống trên đất, chúng ta có thể tin cậy ngài sẽ là đấng cai trị biết thông cảm. Ngài sẽ không đối xử khắt khe với dân của ngài, vì ngài đã tự nguyện hiến dâng đời sống mình cho nhân loại (I Giăng 3:16). Hơn nữa, vì là Thầy tế lễ thượng phẩm, Chúa Giê-su sẽ tỏ ra thương xót đối với những ai tôn trọng sự hướng dẫn của ngài, giải thoát họ khỏi tội lỗi. Ngài sẽ không mất kiên nhẫn với họ hay khiến họ có cảm tưởng bị áp bức vì họ lỡ phạm điều gì không phản ảnh nhân cách của Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 4:15, 16 nói về công việc tế lễ của Chúa Giê-su: “Chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn-phước, hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”.

Trong khi tiến dần đến sự hoàn toàn, loài người vẫn còn vô ý phạm tội. Nhưng nhờ ăn năn và cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời qua Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-su Christ, họ sẽ được tha tội và tiếp tục nhận được sự trợ giúp hầu vượt qua các yếu kém. Khi mô tả những sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm ban cho sự sống và sự chữa lành bệnh, Khải-huyền 22:1, 2 nói đến một “sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”.

Những người cùng cai trị với Chúa Giê-su Christ cũng có đủ khả năng để giúp đỡ nhân loại. Những người cùng cai trị này gồm có đàn ông và đàn bà từ mọi tầng lớp xã hội khác nhau (Ga-la-ti 3:28). Trong số đó có những người trong quá khứ đã phạm tội tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, say sưa, gian lận cưỡng đoạt và các tội tương tự như thế. Nhưng họ đã ăn năn, quay trở lại và bắt đầu sống một đời sống trong sạch để ca ngợi và tôn vinh Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Cho đến chết, tất cả những người sắp hợp tác với Chúa Giê-su Christ trong chức vụ vua kiêm thầy tế lễ phải là những người yêu mến và thực hành điều công bình, ghét điều ác và không vị kỷ, tự hiến mình cho hạnh phúc của người đồng loại (Rô-ma 12:9; Gia-cơ 1:27; I Giăng 3:15-17; Giu-đe 23).

Giữ một tình trạng thánh sạch trước Đức Chúa Trời không là việc dễ đối với họ. Họ đã bị áp lực ghê gớm ép họ đi theo đường lối ích kỷ của thế gian. Nhiều người đã phải đương đầu với những áp lực bên ngoài như sự mắng nhiếc, ngược đãi về thể xác và bị mọi người ghét bỏ và khinh bỉ. Chúa Giê-su nói cho họ biết họ sẽ gặp phải điều gì: “Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn-nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta” (Ma-thi-ơ 24:9). Thêm vào đó, suốt đời họ đã phải phấn đấu với những khuynh hướng tội lỗi của chính mình. Sứ đồ Phao-lô là một người trong số đó có nói: “Tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Thật vậy, đoàn thể 144.000 vua kiêm thầy tế lễ này có thể cảm thông những khó khăn của dân Nước Trời. Họ đã phấn đấu với chính mình và chứng tỏ trung thành với Đức Chúa Trời dù có nhiều trở ngại lớn.

NHỮNG TÌNH TRẠNG LÝ TƯỞNG TRÊN ĐẤT

Trên đất cũng vậy, mọi việc sẽ suôn sẻ để giúp đỡ loài người tiến đến sự hoàn toàn. Chỉ những ai chứng tỏ hết lòng ao ước thực hiện ý định của Đức Chúa Trời mới được sống sót sau khi Nước Trời hủy diệt mọi kẻ thù nghịch. Sẽ không còn những tính xấu như tham lam, ích kỷ của con người—nguyên nhân gây ra ô nhiễm cho thức ăn, nước uống và không khí của chúng ta. Những người sống sót sẽ không còn phải khổ sở vì nạn chia rẽ quốc gia và chủng tộc nữa. Tất cả sẽ như anh chị em và sẽ theo đuổi hòa bình và hợp nhất với nhau trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngay cả thú rừng cũng không làm hại loài người hoặc các gia súc. Lúc đó lời tiên tri nơi Ê-sai 11:6-9 sẽ thật sự được ứng nghiệm chứ không phải chỉ trong nghĩa thiêng liêng mà thôi:

“Bấy giờ muông-sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư-tử con với bò con nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư-tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề ổ rắn hổ-mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.

Qua sự cai trị của Nước Trời, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ đặc biệt chú ý đến loài người. Sách Khải-huyền trong Kinh-thánh phác họa điều này bằng một sự hiện thấy có tính cách tiên tri. Sau khi ví sự bành trướng quyền lực của Nước Trời như là việc thành Giê-ru-sa-lem Mới từ trên trời xuống, sự tường thuật cho biết: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải-huyền 21:2-4).

Hãy nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì. Đời sống hiện tại này với những đau đớn và buồn rầu rõ ràng không phải chỉ có thế. Nhân loại sẽ được giải thoát khỏi mọi đau đớn về tâm trí, cảm xúc và thể chất do sự bất toàn đem lại. Sự lo nghĩ nhiều về đời sống bấp bênh hoặc về tai họa và nguy hiểm trầm trọng sẽ là những việc thuộc về quá khứ. Trạng thái buồn nản, trống rỗng và cô đơn cùng với sự đau buồn về mặt cảm xúc sẽ không còn nữa. Người ta sẽ không bao giờ còn khóc lóc hay rên rỉ vì thân xác bệnh tật đau đớn nữa. Những giọt lệ cay đắng sẽ không còn đọng trong mắt và tuôn rơi trên má họ nữa. Sẽ không còn nguyên nhân để người ta sầu khổ. Vì đã đạt đến trạng thái hoàn toàn về tinh thần lẫn thể chất, con người sẽ thật sự vui sống cho đến mãi mãi. Bạn có muốn được ở trong số những người này để vui hưởng những ân phước đến từ Đức Chúa Trời không?