Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người chết có cần sự giúp đỡ của bạn không?

Người chết có cần sự giúp đỡ của bạn không?

Chương 7

Người chết có cần sự giúp đỡ của bạn không?

MỘT câu châm ngôn xưa của người Trung Hoa nói: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu nhi chí giả”. (Phụng thờ người đã khuất như khi còn sống, ấy mới là người con giữ tròn đạo hiếu thảo). Nếu người chết thật sự còn sống ở một lãnh vực nào khác và thật sự hưởng được những lợi ích mà các người sống dâng cúng thì việc quan tâm đến họ quả là một điều yêu thương.

Dĩ nhiên, nhiều người chỉ làm theo phong tục cổ truyền một cách máy móc, chứ thật sự chẳng tin việc người ta có thể tiếp tục tồn tại sau khi chết. Nhưng những người khác thì tin rằng người chết cần được họ giúp đỡ.

Hàng triệu người trong khắp châu Á và một phần châu Phi tin là họ phải suốt đời thờ kính tổ tiên đã chết. Trước bài vị của các thân nhân quá cố họ đốt hương, khấn vái, chưng hoa và dâng ngay cả thức ăn nữa. Người ta tin hình thức cúng vái ấy sẽ giúp những người chết hưởng được một kiếp sau thanh thản để khỏi trở thành cô hồn về phá phách.

Nhằm giúp đỡ người mới vừa quá cố, những người sống đặc biệt chịu tốn kém trong lúc tang liệm và mai táng. Hãy xem xét các tập tục của người Á Đông vào dịp một ông cố vấn chánh phủ nổi tiếng bị chết:

Một số tu sĩ Phật giáo chủ tọa cuộc lễ. Người ta đốt pháo để xua đuổi các ác thần, đốt giấy ghi những bài cầu vong, tin rằng sẽ đem lại lợi ích cho vong linh người chết, đặt đồ ăn, đồ uống và thuốc lá kế bên xác người chết để vong linh người có thể dùng bất cứ lúc nào nếu muốn.

Sau đó người ta liệm xác vào quan tài và để trong nhà quàn bốn mươi chín ngày. Con trưởng nam khóc lóc sáu ngày tại đó. Qua ngày thứ bảy, anh về nhà ngủ, tắm rửa và thay quần áo. Đoạn anh lập lại chu kỳ khóc lóc sáu ngày, nghỉ ngơi một ngày, cứ thế trong suốt thời kỳ bốn mươi chín ngày. Trong thời gian ấy, không lúc nào ngơi; nào đốt pháo, nào thổi sáo, đánh trống và đập chập chỏa ngày đêm.

Đến ngày thứ bốn mươi chín người ta đưa đám tang một cách rầm rộ, với sự tham dự của các dàn nhạc. Dọc đường, trên các trụ dây điện thoại, trên các cột đèn, trên các cây, người ta treo pháo trước để khi đám táng đi ngang qua thì cho nổ ròn rã. Người ta dọn đồ ăn, đồ uống và thuốc lá trên bàn thờ, đốt giấy ghi những bài cầu vong cũng như đốt nhang trong những miếu nhỏ dựng lên dọc theo lề đường. Thêm vào đó, những cỗ xe giấy tựa như những cái nhà mạ vàng, sườn bằng tre, tô điểm cho đám táng. Nhiều người đi đưa đám đem theo lồng đèn cốt để soi lối cho vong linh người chết. Bên cạnh huyệt, những đồ mã tượng trưng nhà cửa, máy bay, tàu bè, binh lính, tôi tớ và nhiều thứ khác được đốt cháy.

Trong trường hợp những người không mấy giàu có hoặc sang trọng, người ta cũng làm theo những thể thức tương tự nhưng nhỏ hẹp hơn, chẳng hạn, đốt ít giấy vàng mã hơn.

Sở dĩ người ta đốt giấy vàng mã là bởi vì người ta tin nơi hành tội. Người ta tin rằng sau khi chết, vong linh người chết vất va vất vưởng ở nơi hành tội trong hai năm, nhưng cần được giúp để lên trời. Những vật cúng tế dưới hình thức vàng mã cốt để cho thấy người chết sống sung sướng và có đủ mọi thứ cần dùng ở bên kia thế giới. Nhiều người Trung Hoa tin rằng nếu làm vậy vong hồn người chết được siêu thoát khỏi nơi hành tội sớm hơn.

Bạn nghĩ sao về những nghi lễ rườm rà và tốn kém ấy? Bạn có muốn làm theo những tục lệ như thế không? Nếu bạn muốn vậy, tại sao?

Nếu bạn tin người chết cần sự giúp đỡ của bạn, bạn có bằng cớ đích đáng nào để nghĩ rằng sau khi thân thể chết đi, có cái gì đó có tri thức vẫn tồn tại? Điều gì khiến bạn chắc chắn rằng những phương tiện dùng để giúp người chết có hiệu quả? Ví dụ, người ta chứng minh ra sao về việc các lồng đèn soi lối cho một vong linh, pháo xua đuổi những ác thần và giấy vàng mã đốt cháy có thể giúp vong linh người chết vào chốn an lạc thần tiên? Dựa trên căn bản nào để nói những điều ấy là những phương tiện thật sự để giúp đỡ vong linh của người chết?

Dù trong vùng bạn ở, những nghi lễ tôn giáo nhằm giúp đỡ người chết có lẽ hoàn toàn khác hẳn, có ai chứng minh cho bạn một cách thỏa đáng điều mà người ta làm đem lại kết quả lợi ích không?

Có một điều cũng đáng lưu ý là mức độ chánh trực và công bằng của những cố gắng giúp đỡ người chết. Những người có tiền của dư giả dĩ nhiên có thể mua rất nhiều pháo, giấy vàng mã hay những vật liệu khác cho là giúp đỡ người chết. Vậy thì, đối với người nghèo thì sao? Dù người đó có lẽ ăn hiền ở lành lúc còn sống, hẳn là phải chịu thiệt thòi vì không có ai làm gì cho người sau khi chết. Cũng vậy, người nghèo phải mua đồ vật giúp người chết, khiến người ấy nghèo hơn, trong khi đối với người giàu thì việc đó không thấm vào đâu.

Bạn có cảm tưởng ra sao về sự thiên vị rõ rệt như vậy? Bạn có muốn đến gần một thần nào tỏ ra tư vị người giàu, bỏ bê người nghèo, không xem xét họ là hạng người như thế nào không? Đức Chúa Trời của Kinh-thánh cho thấy ngài không thiên vị như thế. Kinh-thánh nói về ngài: “Trước mặt Đức Chúa Trời, chẳng vị-nể [thiên vị] ai đâu” (Rô-ma 2:11).

Bây giờ hãy giả sử một người ý thức được các nghi lễ tôn giáo nhằm giúp đỡ người chết không có giá trị gì, hoàn toàn nghịch với ý muốn của Đức Chúa Trời không thiên vị. Nếu người làm theo các nghi lễ ấy chỉ vì tôn trọng tục lệ và tránh khác biệt với những người lân cận, thì có hợp lý không? Nếu một người xem các nghi lễ tôn giáo là sai lầm, có lý nào lại ủng hộ những nghi lễ ấy? Chấp nhận điều gì có tính cách thiên vị người giàu và đặt một gánh nặng cho người nghèo thì có đúng không?

ĐẠO TỰ XƯNG THEO ĐẤNG CHRIST TIN CÓ NƠI LUYỆN TỘI

Không phải chỉ có những tôn giáo không theo đấng Christ mới tin người chết cần phải được giúp đỡ ra khỏi nơi hành tội đâu. Bách khoa tự điển New Catholic Encyclopedia ghi nhận:

“Những linh hồn trong nơi luyện tội có thể được giúp đỡ bởi các công việc mộ đạo như cầu nguyện, ân xá, bố thí, kiêng ăn và hy sinh... Trong khi một người không thể đòi hỏi Đức Chúa Trời áp dụng giá trị thỏa đáng của các việc thiện của mình đối với linh hồn khốn khổ nhưng chắc chắn y có thể hy vọng Đức Chúa Trời nhậm lời cầu khẩn của mình mà giúp những con chiên đang đau khổ của Giáo hội”.

Người ta bảo đảm mạnh mẽ như thế nào về các cố gắng đó sẽ đem lại lợi ích? Bách khoa tự điển nêu trên tiếp:

“Vì việc áp dụng những công việc thiện này tùy nơi người cầu khẩn Đức Chúa Trời, không có gì tuyệt đối bảo đảm là những lời cầu nguyện có thể giúp ngay một linh hồn hay bất kỳ linh hồn nào trong nơi luyện tội. Nhưng sự thương xót và yêu thương của Đức Chúa Trời đối với những linh hồn ở trong nơi luyện tội, những linh hồn đang ở gần ngài lắm rồi, chắc chắn sẽ khiến ngài gấp rút giải thoát họ khỏi giai đoạn luyện lọc khi một con chiên nào trên đất van xin ngài làm việc này”.

Vì thế không có một bảo đảm chân chính nào cho thấy rằng những việc người ta làm nhằm giúp những ai mà người ta tin đang ở trong nơi luyện tội thật sự thực hiện được điều gì. Và cũng chẳng có căn bản nào để bảo đảm thế, vì Kinh-thánh không bảo đảm vậy. Trong Kinh-thánh không hề có chữ “nơi luyện tội”. Bách khoa tự điển nêu trên nhìn nhận: “Nghĩ cho cùng, giáo lý của Công giáo về nơi luyện tội dựa trên truyền thuyết, chứ không phải trên Kinh-thánh” (Quyển 11, trang 1034).

Đành rằng truyền thuyết không nhất thiết là xấu. Nhưng truyền thuyết đặc biệt này đi ngược hẳn lại Lời Đức Chúa Trời. Kinh-thánh không dạy linh hồn tồn tại sau khi thân thể chết. Và dĩ nhiên linh hồn không ở trong nơi luyện tội một thời gian để được tẩy uế. Vì thế mà những lời của Chúa Giê-su nói với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đáng dành cho những người dạy giáo lý luyện tội: “Các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời. Hỡi kẻ giả-hình! Ê-sai đã nói tiên-tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân này lấy môi-miếng thờ-kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ-lạy ta là vô-ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (Ma-thi-ơ 15:6-9).

Cũng hãy đối chiếu những cách giúp đỡ những người ở trong nơi luyện tội với sự dạy dỗ của Kinh-thánh. Như cuốn bách khoa tự điển nói trên có lưu ý, lời cầu nguyện là một trong những việc sùng bái mà người ta thiết tưởng có thể giúp những linh hồn ở trong nơi luyện tội. Tập sách Assist the Souls in Purgatory do tu viện dòng Benedict (Benedictine Convent of Perpetual Adoration) xuất bản, nói:

“Một lời cầu nguyện ngắn mà sốt sắng thường có lợi cho các linh hồn khốn khổ nhiều hơn một hình thức sùng bái dài dòng đòi hỏi nhiều chú ý. Có vô số kinh cầu nguyện ngắn mà Giáo hội đã ban ân xá, hết thảy đều có mục đích cứu vớt các linh hồn khốn khổ... Thật dễ làm sao lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện ngắn này trong khi chúng ta làm từ việc này sang việc khác, và ngay cả khi tay chúng ta bận rộn!... Chúng ta có thể giúp cho biết bao linh hồn vơi bớt tội lỗi hoặc được ra khỏi nơi luyện tội nếu suốt ngày chúng ta thường xuyên dâng những lời cầu nguyện ngắn này của Giáo hội để xin xá tội cho người quá cố: ‘Lạy Chúa, xin ban cho họ được an nghỉ đời đời và được sáng soi vô cùng. Xin cho họ nghỉ ngơi an bình. A-men’. (Cứ mỗi lần đọc được ân xá 300 ngày. Theo ‘Kinh Xá tội’, trang 582). Nếu chúng ta hết lòng sốt sắng lặp đi lặp lại các tên thánh ‘Giê-su, Ma-ri, Giu-se’, thì mỗi lần nhắc lại có thể được ân xá bảy năm”·

Sự cầu nguyện lặp đi lặp lại chỉ ba cái tên mà hiệu quả gấp tám lần một bài cầu nguyện 25 chữ không làm bạn ngạc nhiên sao? Đức Chúa Trời có chấp nhận lời cầu nguyện được lặp đi lặp lại không? Chúa Giê-su nói điều này: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. Vậy các ngươi đừng như họ” (Ma-thi-ơ 6:7, 8).

Kinh-thánh khuyến khích bạn dùng những lời xuất phát từ đáy lòng để cầu nguyện thay vì lặp đi lặp lại những câu học thuộc lòng.

Điều không nên bỏ qua là giáo lý về nơi luyện tội có liên quan đến tiền bạc. Dĩ nhiên người ta có thể bào chữa là sự quan tâm của giáo hội trong việc thâu trữ tiền bạc không phải là nguyên nhân của giáo lý đó. Nhưng điều này không thay đổi được sự kiện các tổ chức tôn giáo chấp nhận giáo lý nơi luyện tội thích nhận đồ cúng vật chất. Chưa hề có ai bị nhà thờ khiển trách vì cố gắng chạy chọt mua lễ để mình hay người khác được ra khỏi nơi luyện tội. Chưa có ai nghe nhà thờ khuyên là tốt hơn nên dùng của cải vật chất eo hẹp của mình để sinh sống cả. Trải qua nhiều thế kỷ, người giàu cũng như nghèo đã bỏ tiền vào đầy rương của các tổ chức tôn giáo với hy vọng làm giảm bớt thời gian mà họ hoặc những người thân của họ ở trong nơi hành tội. Corliss Lamont nhận xét trong một cuốn sách The Illusion of Immortality của ông:

“Các nghi lễ tôn giáo liên quan đến người chết đã làm giàu cho Nhà thờ nhiều vô kể, nhất là đối với Giáo hội Công giáo La Mã và các giáo phái Chính thống Đông phương. Các đạo này nhấn mạnh đến thánh lễ, kinh cầu nguyện và những công việc tốt lành khác dành cho người đã chết, sắp chết hay tất cả những ai bằng cách này hay cách khác lo nghĩ đến số phận tương lai của mình.

“Ngay từ buổi đầu của Thời Trung cổ Giáo hội Công giáo đã thu được những món tiền khổng lồ từ những người giàu và nghèo chỉ nhờ việc bán ân xá mà thôi. Muốn được ân xá, người ta phải trả tiền, bố thí hay dâng cúng dưới một hình thức nào đó, miễn sao linh hồn của chính mình hay của thân nhân, bè bạn được ân xá hoàn toàn hay một phần hình phạt trong nơi luyện ngục... Ở Nga, Giáo hội Chính thống nhờ việc cầu xin thay cho những người chết như thế mà chất chứa của cải khổng lồ. Ngoài những lợi tức đều đều từ các công nhân và nông dân nơm nớp lo sợ về việc Đức Chúa Trời trừng phạt, nhiều người thuộc giai cấp quí phái và thượng lưu đã làm giàu cho các tu viện và nhà thờ miễn là mỗi ngày người ta cầu nguyện cho linh hồn của họ sau khi họ chết”.

Nếu quả thật những đồ cúng vật chất ấy đem lại lợi ích cho những người chết, hẳn Đức Chúa Trời có ưa thích tiền bạc. Nhưng ngài không cần đến tiền bạc hoặc của cải vật chất của bất cứ người nào cả. Qua người viết Thi-thiên được soi dẫn Đức Chúa Trời nói: “Ta sẽ không bắt bò đực nơi nhà ngươi, cũng chẳng lấy dê đực trong bầy ngươi; vì hết thảy thú rừng đều thuộc về ta, các bầy súc vật tại trên ngàn núi cũng vậy. Ta biết hết các chim của núi, mọi vật hay động trong đồng-ruộng thuộc về ta. Nếu ta đói, ta chẳng nói cho ngươi hay; vì thế-gian và muôn vật ở trong, đều thuộc về ta” (Thi-thiên 50:9-12).

Thật ra, tất cả những sự giàu có trên thế gian này hợp lại cũng không thể giúp đỡ một người chết. Tiền bạc và của cải vật chất không thể cứu y khỏi chết. Kinh-thánh nói: “Chúng nó nhờ-cậy nơi tài-sản mình, phô-trương của-cải dư-dật mình...Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời, hầu cho người được sống mãi-mãi, chẳng hề thấy sự hư-nát. (Vì giá chuộc mạng sống họ thật mắc quá, người không thể làm được đến đời đời)” (Thi-thiên 49:6-9).

Không còn nghi ngờ gì nữa: tất cả những cố gắng nhằm giúp người chết đều trái ngược với Kinh-thánh. Giáo lý dạy người sống có thể giúp ích cho người chết chỉ gia thêm gánh nặng cho người ta mà thôi. Tuy nhiên, sự hiểu biết Kinh-thánh sẽ giúp người ta thoát khỏi ý tưởng sai lầm này. Điều này khuyến khích chúng ta làm tất cả những gì có thể được cho những người trong gia đình khi họ còn sống, để họ cảm thấy họ cần thiết, được yêu thương và quí mến. Sau khi họ chết rồi, thật quá muộn để đền bù lại những thiếu sót vì mình đã không đối đãi tử tế và tận tâm đối với họ.

[Hình nơi trang 64]

Người ta nói những nghi lễ của Lão giáo có thể giải thoát một linh hồn khỏi nơi hành tội

[Hình nơi trang 65]

Người ta nói những nghi lễ của Công giáo có thể giúp đỡ các linh hồn trong nơi luyện tội