Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhiều người hiện đang sống có cơ hội không bao giờ chết

Nhiều người hiện đang sống có cơ hội không bao giờ chết

Chương 18

Nhiều người hiện đang sống có cơ hội không bao giờ chết

THỜI KỲ mà Nước Đức Chúa Trời bắt đầu điều hành mọi việc trên trái đất gần đến rồi. Bạn có thể ở trong số những người sẽ chứng kiến những ân phước lớn mà Nước Trời sẽ đem lại cho nhân loại. Đó là một lời tuyên bố có căn cứ hẳn hoi. Có rất nhiều bằng chứng ủng hộ cho lời nói đó, kể cả những bằng chứng mà chính bạn đã thấy tận mắt.

Cách đây nhiều thế kỷ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có tiết lộ thời kỳ đặc biệt dành cho sự cai trị của đấng mà ngài đã chọn để làm vua trên toàn thế giới. Ngài đã dùng những biểu hiệu và chiêm bao để cho biết một số tin tức.

Bạn không nên nghi ngờ về những phương tiện truyền tin ấy mà Đức Chúa Trời đã dùng để truyền đạt những tin tức rất quan trọng này cho loài người. Hãy xem con người tân tiến thời nay làm gì trong lãnh vực truyền tin. Những tin tức mật được chuyển đi qua không gian bằng mật mã. Sau đó những tin tức bằng mật mã này được người hay máy “phiên dịch”. Lối truyền tin này có dụng ý không cho tin tức lọt vào tay những kẻ không có quyền thâu nhận.

Cũng thế, Đức Chúa Trời cũng có mục tiêu khi dùng các biểu hiệu. Phải siêng năng học hỏi mới có thể hiểu được những biểu hiệu ấy. Nhưng nhiều người không muốn bỏ ra thì giờ để hiểu, vì họ không thật sự yêu mến Đức Chúa Trời và lẽ thật. Bởi vậy, họ không hiểu được “những điều mầu-nhiệm về nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 13:11-15).

MỘT GIẤC MƠ CỔ CÓ TÍNH CÁCH TIÊN TRI

Một trong những “điều mầu-nhiệm” đó được chứa đựng trong sách Đa-ni-ên trong Kinh-thánh. Sách đó cho biết những điều chính yếu để xác định thời điểm mà vị Vua được chỉ định bởi Đức Chúa Trời nhận lấy quyền vua. Trong đoạn thứ tư của sách ấy bạn sẽ đọc được lời tường thuật về giấc mơ mà Đức Chúa Trời đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy. Mục đích giấc mơ đó là gì và sự ứng nghiệm của nó ra sao? Kinh-thánh thuật lại:

“Hầu cho những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn-hạ trong loài người lên đó” (Đa-ni-ên 4:17).

Nội dung của giấc mơ là thế này: Một cây to lớn bị đốn đi theo lệnh của một “đấng thánh”, một thiên sứ. Gốc cây bị xiềng lại để cây không thể nẩy chồi. Nó bị xiềng lại nơi giữa “cỏ xanh trong đồng ruộng” cho đến “bảy kỳ” (Đa-ni-ên 4:13-16).

Giấc mơ đó có nghĩa gì? Nhà tiên tri Đa-ni-ên được soi dẫn để giải nghĩa cho Nê-bu-cát-nết-sa:

“Cây mà vua đã thấy... hỡi vua, ấy là chính mình vua, vua đã trở nên lớn và mạnh, sự cao-cả của vua tăng-thêm và thấu đến trời, quyền-thế vua đến đầu-cùng đất”.

“Song đến điều vua thấy một đấng thánh canh-giữ từ trời mà xuống, và nói rằng: Hãy đốn cây và hủy-phá đi; song, hãy để lại gốc của rễ nó trong đất, rồi hãy buộc nó bằng một dây xích sắt và đồng ở giữa đám cỏ xanh trong đồng ruộng, cho nó bị nhuần-thấm bởi sương-móc trên trời; và cho người có phần với các thú đồng, cho đến khi đã trải qua trên người bảy kỳ. Hỡi vua, nầy là lời giải, và nầy là mạng-định của Đấng Rất Cao, đã đến trên vua, chúa tôi: Người ta sẽ đuổi vua ra khỏi giữa loài người, và chỗ-ở vua sẽ ở giữa những thú-vật trong đồng. Vua sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, và sẽ được thấm-nhuần sương-móc trên trời; bảy kỳ sẽ trải qua trên vua, cho đến khi vua nhận-biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý.

“Còn như đã truyền rằng chừa lại gốc của rễ cây đó, tức là khi nào vua đã nhận-biết các từng trời cầm quyền, thì nước vua chắc sẽ thuộc về vua” (Đa-ni-ên 4:20-26).

Như vậy giấc mơ này trước hết được ứng nghiệm nơi vua Nê-bu-cát-nết-sa. Trong “bảy kỳ”, hay bảy năm thực sự, Nê-bu-cát-nết-sa bị mất trí. Tuy nhiên, nước của ông được giữ lại cho ông, để rồi sau khi đầu óc được bình phục, ông nhận lại ngôi vua (Đa-ni-ên 4:29-37).

QUYỀN CAI TRỊ CỦA ĐẤNG “RẤT HÈN-HẠ TRONG LOÀI NGƯỜI”

Nhưng câu chuyện về cây bị đốn này không phải chỉ ứng nghiệm trên vua Nê-bu-cát-nết-sa thôi. Làm sao chúng ta biết điều đó? Bởi vì, như đã trình bày trong sự hiện thấy nói trên, việc này có liên quan đến Nước Trời và quyền cai trị của đấng mà Đức Chúa Trời chỉ định. Và ai được Đức Chúa Trời lựa chọn làm vua? Câu trả lời cho vua Nê-bu-cát-nết-sa là đấng “rất hèn-hạ trong loài người” (Đa-ni-ên 4:17).

Sự kiện lịch sử đã chứng tỏ một cách hiển nhiên là các nhà cầm quyền chính trị của loài người không bày tỏ sự hèn hạ đó. Các chính phủ loài người và các nhà cai trị tự tôn mình và trong suốt lịch sử họ đã đánh nhau đẫm máu như thú vật. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Kinh-thánh ví những chính phủ hay các nước bất toàn của loài người như những con thú và cho thấy sau cùng hết thảy chúng sẽ đều bị tước hết quyền cai trị (Đa-ni-ên 7:2-8). Về đấng sẽ thay thế chúng, tiên tri Đa-ni-ên nói như sau:

“Ta lại nhìn-xem trong những sự hiện-thấy ban đêm, nầy, có một người giống như con người đến với những đám mây trên trời; người tới đến Đấng Thượng-cổ và bị dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người. Quyền-thế người là quyền-thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy-phá” (Đa-ni-ên 7:13, 14).

Đấng được mô tả ở đây không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, thường được Kinh-thánh gọi là “Con người” và “Vua của các vua và Chúa của các chúa” (Ma-thi-ơ 25:31; Khải-huyền 19:16). Ngài sẵn sàng từ bỏ mọi quyền hành cao trọng ở trên trời để trở thành một con người, “dưới các thiên-sứ một chút” (Hê-bơ-rơ 2:9; Phi-líp 2:6-8). Là con người, dù bị khiêu khích cùng cực, Chúa Giê-su đã tỏ ra có “lòng nhu-mì và khiêm-nhường” (Ma-thi-ơ 11:29). “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình” (I Phi-e-rơ 2:23).

Thế gian loài người không coi Chúa Giê-su ra gì, và từ chối không chịu dành cho ngài sự vinh hiển mà đáng lẽ ngài được nhận. Nhà tiên tri Ê-sai đã báo trước tình trạng này: “Người đã bị người ta khinh-dể và chán-bỏ, từng trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì” (Ê-sai 53:3).

Rõ ràng Chúa Giê-su là đấng “rất hèn-hạ giữa loài người”, giống như lời miêu tả trên. Như vậy, giấc chiêm bao có tính cách tiên tri về cái cây bị đốn ám chỉ về thời kỳ mà ngài nhận quyền cai trị trên thế giới. Điều này sẽ xảy ra vào cuối thời hạn “bảy kỳ”. Các “kỳ” này dài bao lâu? Khi nào các “kỳ” bắt đầu? Khi nào thì chấm dứt?

THỜI GIAN “BẢY KỲ”

Hơn sáu thế kỷ sau giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, Chúa Giê-su Christ xuất hiện, rao giảng rằng “nước thiên-đàng [Nước Trời] đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17). Ngài có thể nói thế vì lúc đó ngài, với tư cách là Vua được chỉ định, đang có mặt tại đó. Nhưng lúc đó ngài chưa nhận vương quyền cai trị trên thế gian loài người. Bởi vậy, có một lần nọ, khi người khác nghĩ lầm rằng “nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay”, Chúa Giê-su Christ nói một thí dụ cho thấy còn có một thời gian lâu trước khi ngài nhận được quyền bính (Lu-ca 19:11-27). Do đó, rõ ràng là lời tiên tri của Đa-ni-ên có một ứng nghiệm lớn hơn, “bảy kỳ” gồm nhiều thế kỷ, chứ không phải chỉ có bảy năm.

“Bảy kỳ” bao gồm 2.520 ngày, tức là bảy năm theo ý nghĩa tiên tri, mỗi năm có 360 ngày. Điều này được xác nhận trong những phần khác của Kinh-thánh với sự đề cập đến “các thì”, “tháng” và “ngày”. Thí dụ, Khải-huyền 11:2 nói đến một thời kỳ gồm “bốn mươi hai tháng”, hay ba năm rưỡi. Câu Kinh-thánh kế tiếp đề cập đến cùng một thời kỳ đó dưới dạng “một ngàn hai trăm sáu mươi ngày”. Vậy, nếu đem 1.260 ngày chia cho 42 tháng thì sẽ được 30 ngày cho mỗi tháng. Do đó mỗi năm có 12 tháng tức 360 ngày. Dựa trên căn bản này, “bảy kỳ”, hay bảy năm, sẽ dài 2.520 ngày (7 × 360).

Khải-huyền 12:6, 14 nói đến 1.260 ngày và đồng thời gọi đó là “một thì, các thì, và nửa thì”, tức ‘ba thì rưỡi’; điều này xác nhận lối tính toán trên là đúng. Vì hai lần ba rưỡi là bảy nên “bảy kỳ” bằng 2.520 ngày (2 × 1.260).

Dĩ nhiên, vì có liên quan đến việc Chúa Giê-su nhận quyền bính cai trị khắp thế giới của loài người, thời gian “bảy kỳ” của lời tiên tri trong Đa-ni-ên dài hơn 2.520 ngày, mỗi ngày có 24 giờ. Có cách nào để biết rõ mỗi “ngày” dài bao lâu không? Có, vì theo công thức của Kinh-thánh cho ngày tiên tri, “một năm đền cho một ngày” (Dân-số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6). Áp dụng công thức này cho “bảy kỳ”, chúng ta được 2.520 năm.

“BẢY KỲ” BẮT ĐẦU

Bây giờ chúng ta có thể xem xét lúc nào “bảy kỳ” bắt đầu, sau khi biết thời kỳ đó dài bao lâu. Một lần nữa chúng ta chú ý tới điều gì đã xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa, làm ứng nghiệm giấc mơ về cây bị đốn. Hãy xem xét tình trạng của ông:

19 Nê-bu-cát-nết-sa mất trí khôn lúc đang nắm giữ quyền thống trị thế giới, vì lúc đó Ba-by-lôn là cường quốc mạnh nhất trên đất. Trong trường hợp của Nê-bu-cát-nết-sa, việc đốn cây tượng trưng sự kiện ông ngưng làm bá chủ hoàn cầu một thời gian.

Những điều Đức Chúa Trời làm trong trường hợp Nê-bu-cát-nết-sa cũng liên hệ đến sự cai trị của vị vua do Đức Chúa Trời chọn. Do đó việc Nê-bu-cát-nết-sa mất ngôi trong “bảy kỳ” phải là điều tượng trưng. Tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời tạm ngưng cai trị hay làm bá chủ, bởi vì, trong trường hợp của Nê-bu-cát-nết-sa, chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho phép ông lên ngôi cai trị thế giới và sau đó tạm cách chức ông, như chính ông nhìn nhận (Đa-ni-ên 4:34-37). Như vậy điều đã xảy đến cho Nê-bu-cát-nết-sa phải tượng trưng cho quyền bá chủ của một nước của Đức Chúa Trời bị lấy đi. Do đó cái cây tượng trưng cho quyền thống trị hoàn cầu.

Một thời chính phủ có kinh đô tại Giê-ru-sa-lem đã từng là một nước của Đức Chúa Trời. Những người cai trị thuộc dòng vua Đa-vít được nói là ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” và được lệnh phải cai trị theo luật pháp của ngài (I Sử-ký 29:23). Do đó Giê-ru-sa-lem là kinh đô của chính phủ Đức Chúa Trời theo nghĩa tượng trưng.

Thế thì khi người Ba-by-lôn dưới quyền Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt Giê-ru-sa-lem, và lãnh thổ quốc gia do thành đó cai trị hoàn toàn bị bỏ hoang, quyền cai trị thế giới rơi vào tay dân ngoại mà không bị một nước nào đại diện cho quyền bá chủ của Đức Giê-hô-va can thiệp. Đấng Thống trị Tối cao đã tự hạn chế quyền cai trị của ngài bằng cách ấy. Sự tự hạn chế quyền bá chủ hoàn cầu bởi một nước của ngài được ví với việc gốc cây đã bị đốn rồi còn bị xiềng lại. Lúc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và hoàn toàn bị bỏ hoang, kinh đô ấy, tượng trưng cho quyền bá chủ của Đức Giê-hô-va, khởi sự bị “giày-đạp”. Thế thì điều này có nghĩa là “bảy kỳ” đã khởi sự lúc Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa hoàn toàn bị bỏ hoang. Điều đó xảy ra khi nào?

Người ta có thể dùng Kinh-thánh và lịch sử thế gian để ấn định biến cố này xảy ra năm 607 trước công nguyên (TCN). * Đây là bằng chứng:

Các sử gia thế gian đồng ý Ba-by-lôn rơi vào tay Si-ru người Ba-tư (Phe-rơ-sơ) năm 539 TCN. Năm đó được tất cả những tài liệu lịch sử chấp nhận. Kinh-thánh tiết lộ là Si-ru có ra chiếu chỉ cho phép người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày trở về thành Giê-ru-sa-lem để xây cất lại đền thờ, trong năm đầu của triều đại ông. Vì trước nhất vua Đa-ri-út người Mê-đi có cai trị một thời gian ngắn tại Ba-by-lôn, năm đầu của triều vua Si-ru tại Ba-by-lôn hẳn phải khởi sự từ năm 538 đến năm 537 TCN (Đa-ni-ên 5:30, 31). Vì phải đi đường khá xa nên hẳn người Y-sơ-ra-ên phải trở lại quê quán cũ của họ vào “tháng bảy” năm 537 TCN (thay vì năm 538 TCN), như thế chấm dứt thời kỳ bỏ hoang thành Giê-ru-sa-lem và đất Giu-đa (E-xơ-ra 3:1, 6). Dù vậy họ vẫn còn ở dưới quyền thống trị của người ngoại, và do đó họ đã tự coi là ‘làm tôi trong xứ của họ’ (Nê-hê-mi 9:36, 37).

Kinh-thánh (II Sử-ký 36:19-21) cho thấy từ lúc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và đất đai thuộc thành đó bị bỏ hoang cho tới khi phục hưng có một thời kỳ 70 năm:

“Chúng [Nê-bu-cát-nết-sa] đốt đền Đức Chúa Trời, đánh đổ vách-thành Giê-ru-sa-lem, lấy lửa đốt các cung-điện, và phá-hủy các khí-dụng tốt-đẹp của nó. Phàm ai thoát khỏi gươm, thì người bắt đem qua Ba-by-lôn; chúng làm tôi-mọi cho người và cho con trai người cho đến đời nước Phe-rơ-sơ hưng-khởi; để cho ứng-nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, tức cho đến khi xứ được hưởng các năm sa-bát của nó; vì trọn lúc xứ bị bỏ hoang, thì dường như giữ sa-bát, cho đến khi mãn hạn bảy mươi năm”.

Lui lại bảy mươi năm từ lúc người Y-sơ-ra-ên trở về xứ họ, tức năm 537 TCN, chúng ta tính ra năm 607 TCN. Thế thì năm 607 TCN là năm mà thành Giê-ru-sa-lem, kinh đô của chính phủ Đức Chúa Trời hiểu theo nghĩa tượng trưng, khởi sự bị các nước dân ngoại giày đạp.

“BẢY KỲ” KẾT THÚC

Chúa Giê-su đề cập đến sự giày đạp thành Giê-ru-sa-lem khi nói với các môn đồ của ngài: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị giày-đạp cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn” (Lu-ca 21:24). “Các kỳ” ấy phải kết thúc 2.520 năm kể từ năm 607 TCN. Đó là năm 1914 CN. Lúc đó Giê-ru-sa-lem có hết bị giày đạp không?

Thật ra không có một vua nào thuộc dòng dõi Đa-vít đã được trở lại ngôi tại thành Giê-ru-sa-lem trên đất năm 1914 CN cả. Nhưng không nên mong đợi một việc như thế xảy ra. Tại sao không? Vì thành Giê-ru-sa-lem trên đất không còn mang ý nghĩa thánh theo quan điểm của Đức Chúa Trời nữa. Khi còn trên đất, Chúa Giê-su nói: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên-tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm-họp con-cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang” (Lu-ca 13:34, 35). Hơn nữa, nước ở trong tay Chúa Giê-su không phải là một chính phủ trên đất đặt kinh đô tại Giê-ru-sa-lem hay thành phố nào khác, nhưng là một nước ở trên trời.

Khải-huyền 11:15 nói: “Từ nay nước của thế-gian thuộc về Chúa chúng ta và đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời”. Điều này đã được ứng nghiệm cách vô hình ở trên trời năm 1914 CN. Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho chính phủ của đấng Mê-si cai trị với sự chấp nhận của Đức Chúa Trời; từ đó chính phủ này mới không còn bị giày đạp nữa. Lại một lần nữa có một vị vua thuộc dòng Đa-vít do Đức Chúa Trời bổ nhiệm, hành xử quyền cai trị trên mặt đất. Những biến cố mà chúng ta đã thấy xảy ra trên đất này làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh-thánh kể từ năm 1914 CN chứng tỏ Nước Trời đã được thành lập rồi.

Một trong những lời tiên tri này của Kinh-thánh nằm trong đoạn sáu của sách Khải-huyền. Nơi đây miêu tả vương quyền được trao cho Chúa Giê-su và những biến cố sau đó đều phải hiểu theo nghĩa bóng.

Về việc Chúa Giê-su lên ngôi, lời tường thuật nói: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều-thiên, và người đi như kẻ thắng lại đến đâu cũng thắng” (Khải-huyền 6:2). Sau đó sách Khải-huyền xác định cách không nhầm lẫn được đấng cỡi ngựa ấy: “Có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là Đấng Trung-tín và Chơn-thật; Ngài lấy lẽ công-bình mà xét-đoán và chiến-đấu... Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là: Vua của các vua và Chúa của các chúa” (Khải-huyền 19:11-16).

Khải-huyền đoạn sáu tiếp tục nói về điều gì xảy ra trên đất sau khi Chúa Giê-su nhận được “mão triều-thiên” biểu hiệu vương quyền trên thế giới:

“Liền có con ngựa khác sắc hồng hiện ra. Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa-bình khỏi thế-gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn. Khi Chiên Con mở ấn thứ ba, tôi nghe con sanh-vật thứ ba nói: Hãy đến! Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa ô. Kẻ ngồi trên ngựa tay cầm cái cân... Khi Chiên Con mở ấn thứ tư, tôi nghe con sanh-vật thứ tư nói: Hãy đến! Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng-vàng hiện ra. Người cỡi ngựa ấy tên là Sự chết, và Âm-phủ theo sau người. Họ được quyền trên một góc tư thế-gian, đặng sát-hại dân-sự bằng gươm-dao, bằng đói-kém, bằng dịch-lệ và bằng các loài thú dữ trên đất” (Câu 4 đến 8).

Những lời này đã không ứng nghiệm rồi sao? Lưỡi gươm chiến tranh toàn diện đã không quay tít từ năm 1914 rồi sao? Quả thật! Thế chiến I giết hại nhiều người chưa từng có trước đó. Hơn 9 triệu lính đã chết vì thương tích, bệnh tật hay những lý do khác. Những thường dân chết vì chiến tranh hay do các hậu quả của chiến tranh cũng lên đến hàng triệu. Thế chiến II còn giết hại nhiều người hơn nữa. Người ta ước lượng đã có tới 55 triệu thường dân và quân lính đã thiệt mạng.

Sự đói kém đã không hoành hành trên đất giống như một con ngựa ô rồi sao? Đúng vậy, đã có nạn đói tại nhiều nơi ở Âu châu trong Thế chiến I và sau đó. Ở Nga đã có hàng triệu người chết. Một thảm trạng xảy ra sau Thế chiến II được cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Thế giới, 1973) miêu tả là “nạn đói lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Và ngày nay trên thực tế cứ mỗi ba người dân trên đất có một người đang chết đói dần dần hay đang khổ sở vì thiếu dinh dưỡng.

Nạn dịch cũng khiến nhiều người chết. Chỉ trong vòng vài tháng vào năm 1918-1919, bệnh dịch cúm Tây Ban Nha đã giết 20.000.000 người. Trước đó chưa hề có một tai họa độc nhất nào đã giết hại số người nhiều đến như vậy.

Quả thật, người ta không thể lờ đi các tin tức này vì quá lớn. Joseph Carter, tác giả của sách 1918 Year of Crisis, Year of Change nói: “Trong mùa thu đó [năm 1918], sự sợ hãi chồng lên sự sợ hãi, vì ba trong số bốn người người cưỡi ngựa của sách Khải-huyền—chiến tranh, đói kém, dịch lệ—đã thật sự xuất hiện”. Cho đến nay những người cưỡi ngựa tượng trưng này vẫn chưa dừng bước.

Vậy có những bằng chứng hiển nhiên cho biết năm 1914 CN dây xích không còn buộc cái cây tượng trưng kia trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa nữa. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã khởi sự hành quyền qua Nước của Con Ngài là Chúa Giê-su. Nhưng tại sao tình hình thế giới không sáng sủa hơn? Tại sao thời kỳ mà Chúa Giê-su nhận được quyền làm vua trên nhân loại có kèm theo sự rối loạn?

Đó là vì Sa-tan Ma-quỉ chống lại Nước Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su cai trị. Hắn chống lại nước này ngay lúc nước ấy nhận được quyền cai trị trên nhân loại. Nhưng hắn bại trận và bị quăng xuống khỏi các từng trời cùng với các quỉ sứ. Giận dữ, hắn và các quỉ sứ ráo riết gây xáo trộn để đưa mọi người và mọi vật đến chỗ bị hủy diệt. Ấy là tại sao sau khi kể lại chiến tranh trên trời và hậu quả của cuộc chiến tranh ấy, lời tường thuật của Kinh-thánh nói tiếp: “Hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi! Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:7-12).

Thời gian còn lại cho kẻ thù của Nước Trời ngắn như thế nào? Chúa Giê-su tiết lộ rằng việc ngài đến trong sự vinh hiển của Nước Trời và việc chấm dứt hệ thống mọi sự không tin kính sẽ xảy ra trong vòng một thế hệ. Ngài nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng-dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến” (Ma-thi-ơ 24:3-42).

Như thế, một số người thuộc thế hệ 1914 CN phải có mặt ở trong số những người chứng kiến việc Chúa Giê-su hoàn tất cuộc chinh phục và nắm trọn quyền kiểm soát toàn thể trái đất. Điều đó có nghĩa là nhiều người hiện đang sống có cơ hội sẽ không bao giờ chết. Làm sao có thể như vậy được?

TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI ĐANG SỐNG SẼ KHÔNG HỀ CHẾT?

Để hoàn tất cuộc chinh phục, Vua Giê-su chỉ cần chống lại những kẻ nào từ chối vâng phục quyền cai trị của ngài. Khi an ủi những anh em cùng đức tin đang đau khổ vì sự bắt bớ, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Vả, theo sự công-bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo những kẻ làm khổ anh em, và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ-ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Giê-su từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh-hiển của quyền-phép Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9).

Chắc chắn không phải tất cả mọi người đều từ chối không muốn “biết” hoặc không nhận biết uy quyền của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Không phải tất cả đều không vâng phục ‘tin mừng về Chúa Giê-su Christ’. Dù ít so với dân số thế giới, vẫn có một đoàn thể gồm những tín đồ đấng Christ đang cố gắng chứng tỏ họ là những tôi tớ tận tụy của Đức Chúa Trời và môn đồ trung thành của Chúa Giê-su. Trong ngày phán xét của Đức Chúa Trời, những ai đang hết lòng phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể yên chí sẽ không bị sự phán xét đó hủy diệt. Kinh-thánh nói:

“Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con. Ấy vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che-chở chúng dưới trại Ngài. Chúng sẽ không đói, không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn-giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng” (Khải-huyền 7:14-17).

Triển vọng trước mắt của đám đông sống sót qua khỏi “cơn đại-nạn” không phải là sự chết mà là sự sống. “Chiên Con” tức là Chúa Giê-su Christ sẽ dẫn họ đến “những suối nước sống”. Sự sống đó không phải chỉ kéo dài có bảy mươi hay tám mươi năm, mà là sự sống đời đời. Ngài sẽ áp dụng lợi ích của sự hy sinh cứu chuộc của ngài để giải thoát họ khỏi tội lỗi và khỏi hậu quả của tội lỗi là sự chết. Vì họ đã ngoan ngoãn đáp ứng sự giúp đỡ của ngài, họ sẽ đạt đến trạng thái hoàn toàn và không còn chết nữa.

Sẽ không còn sự khuấy phá của Sa-tan và quỉ sứ của hắn làm cản bước tiến của nhân loại nữa. Sau khi “cơn đại-nạn” chấm dứt hệ thống gian ác này, Sa-tan sẽ bị ném xuống vực sâu trong một ngàn năm. Kinh-thánh mô tả một cách tượng trưng về biến cố này: “Tôi thấy một vị thiên-sứ trên trời xuống, tay cầm chìa-khóa vực sâu và một cái xiềng lớn. Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma-quỉ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm. Người quăng nó xuống vực, đóng cửa vực và niêm-phong lại, hầu cho nó không đi lừa-dối các dân được nữa” (Khải-huyền 20:1-3). Như thế, trong một tình trạng như chết, Sa-tan và quỉ sứ hắn sẽ không thể quấy rối nhân loại được.

Kinh-thánh chỉ rõ thế hệ 1914 CN là thế hệ sẽ chứng kiến việc Nước Trời khởi đầu cai trị mà không bị sự cản trở của Sa-tan. Như vậy, nhiều người hiện đang sống sẽ có cơ hội không bao giờ chết. Họ sẽ được sống sót khỏi sự hủy diệt hệ thống không tin kính hiện nay, và sau đó từ từ được thoát khỏi tội lỗi và tiến đến sự hoàn toàn. Vì là những người không có tội, họ được miễn khỏi phải trả tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23).

Bạn hãy gấp rút đứng về phía Vua Giê-su Christ, nếu bạn chưa làm việc đó, và bắt đầu một đời sống với tư cách là một tín đồ trung thành của ngài. Những tín đồ đấng Christ Nhân-chứng Giê-hô-va đang cố gắng làm công việc đó và họ hăng hái giúp người khác làm giống như vậy.

[Chú thích]

^ đ. 34 Những sử gia hiện đại thường không nêu ra năm 607 TCN là năm xảy ra biến cố này, nhưng đó là vì người ta dựa vào những tài liệu được viết nhiều thế kỷ sau khi biến cố đó xảy ra. Mặt khác, Kinh-thánh có bằng cớ của những người đã tận mắt chứng kiến sự việc, và Kinh-thánh nêu ra những yếu tố mà những sử gia phàm lờ đi. Hơn nữa, sự ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh-thánh vào cuối “bảy kỳ” giúp ấn định niên đại đó một cách không lầm lẫn. Xem sách Insight on the Scriptures, quyển 1, trang 447-467, để biết tại sao niên đại học của Kinh-thánh đáng tin cậy hơn lịch sử của thế gian.