Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng đây là một sự lường gạt tinh vi?

Phải chăng đây là một sự lường gạt tinh vi?

Chương 10

Phải chăng đây là một sự lường gạt tinh vi?

TRẢI QUA hàng bao thế kỷ nhân loại đã chứng kiến nhiều việc rất lạ xảy ra. Người ta thấy những tảng đá lớn, những ly thủy tinh đựng nước và những vật tương tự di chuyển trên không giống như bởi một bàn tay vô hình. Người ta nghe những tiếng nói, tiếng đập và những tiếng ồn ào, nhưng không thấy nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra tiếng động đó. Những bóng dáng chợt hiện ra rồi vụt biến mất. Có khi những sự kiện xảy ra như thế đã được xác nhận thật kỹ càng nên không còn ai nghi ngờ được.

Nhiều người cho rằng những hiện tượng nói trên là bằng cớ chứng minh sự chết không phải là chấm dứt mọi sự hiện hữu có tri thức. Một số người tin vong linh người chết muốn làm người sống chú ý đến họ và cố gắng liên lạc với họ bằng cách này hay cách khác.

Nhưng người ta có thể hỏi: Nếu quả thật những người thân yêu đã chết tìm cách liên lạc với người sống, tại sao khi họ hiện ra thường làm những ai xem thấy đều sợ hãi? Thật ra điều gì ẩn sau những sự việc như vậy?

Kinh-thánh cho thấy rõ khi chết sự hiện hữu tri thức hoàn toàn chấm dứt (Truyền-đạo 9:5). Vì vậy, phải có một quyền lực nào khác chịu trách nhiệm về những việc mà người ta thường gán cho vong linh người chết gây ra. Những quyền lực đó có thể là gì? Có thông minh không? Nếu thế, chúng có thể bị mắc tội vì đã lường gạt nhân loại một cách tinh vi không?

Chắc chắn chúng ta không muốn bị lường gạt. Bị lường gạt có nghĩa là bị thiệt hại và có lẽ khiến mình bị lâm vào tình thế nguy hiểm. Vậy chúng ta có lý do xác đáng để xem xét và lý luận dựa trên những bằng cớ có sẵn hầu khỏi bị lường gạt một cách tinh vi như vậy. Chúng ta phải sẵn lòng trở lại quá khứ của lịch sử nhân loại trong cố gắng tìm ra sự thật.

Kinh-thánh giúp chúng ta làm được điều này, bằng cách đưa chúng ta lui về quá khứ, thời của cặp vợ chồng đầu tiên. Trong Sáng-thế Ký đoạn 3, Kinh-thánh kể lại một cuộc đối thoại mà nhiều người ngày nay có lẽ thấy khó tin. Dù vậy, đó không phải là chuyện giả tưởng. Cuộc đối thoại này mở mắt cho chúng ta thấy có một kẻ lường gạt khéo léo nhúng tay vào nội bộ của nhân loại hay không.

SỰ LƯỜNG GẠT BẮT ĐẦU

Một ngày kia, trong lúc không có chồng bên cạnh, người đàn bà đầu tiên là Ê-va đã nghe một tiếng nói. Đó là tiếng dường như của một con rắn nói ra. Kinh-thánh thuật lại cuộc đàm thoại này:

“Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ-quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí-khôn” (Sáng-thế Ký 3:1-6).

Lời lẽ được chuyển đạt qua con rắn là một lời nói dối. Đây là lời nói dối đầu tiên được ghi lại. Vì thế nó phải bắt nguồn từ một kẻ phát sinh ra sự nói dối hay cha sự nói dối. Bởi sự nói dối đó dẫn đến sự chết, nên kẻ nói dối đó cũng là kẻ giết người. Đương nhiên kẻ nói dối đó không phải chính thật con rắn, tạo vật không biết nói. Nhưng có kẻ nấp sau con rắn, dùng xảo thuật có thể được gọi là thuật nói từ trong bụng để cho người ta có cảm tưởng là chính con rắn nói. Chúng ta sống trong thế kỷ hai mươi không lấy đó làm lạ khi mà tiếng nói của người ta có thể được vang dội từ những màng hình nón trong bộ phận phóng thanh của máy truyền thanh hoặc truyền hình. Nhưng ai là kẻ nói đàng sau con rắn?

MỘT KẺ LƯỜNG GẠT VÔ HÌNH

Hắn đã được Chúa Giê-su nhận diện, Chúa Giê-su là đấng từ trên trời xuống và biết điều gì đã xảy ra trong lãnh vực vô hình (Giăng 3:13; 8:58). Khi một số những nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết ngài, Chúa Giê-su nói với họ: “Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).

Vì là một kẻ nói dối và một kẻ giết người, Ma-quỉ hẳn phải là kẻ có trí thông minh. Câu hỏi được nêu ra là: Hắn từ đâu mà ra?

Kinh-thánh tiết lộ rằng ngay cả trước khi có trái đất, đã có những thần linh vô hình vui hưởng sự sống. Gióp 38:7 nói về các thần linh này, “các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng”, khi trái đất được tạo ra. Vì là “con trai Đức Chúa Trời”, họ đã nhận được sự sống từ nơi ngài (Thi-thiên 90:2).

Bởi vậy, kẻ đã dùng con rắn để lường gạt Ê-va hẳn phải là một trong những con trai thần linh này, một trong những tạo vật thông minh của Đức Chúa Trời. Khi nói ngược lại lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời về cây biết điều thiện và điều ác, kẻ đó đã vu khống Đấng Tạo hóa của hắn, cho rằng Đức Chúa Trời là kẻ nói dối. Do đó hắn thật đáng được gọi là “Ma-quỉ”, vì danh xưng này từ chữ Hy Lạp di·aʹbo·los, nghĩa là “kẻ tố cáo gian, kẻ trình bày sai, kẻ vu khống”. Qua hành động đó, tạo vật này chống nghịch Đức Chúa Trời và vì vậy tự trở thành Sa-tan (tiếng Hê-bơ-rơ là sa·tanʹ; tiếng Hy Lạp là sa·ta·nasʹ), nghĩa là “kẻ chống đối”.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về những hành vi của tạo vật này. Kinh-thánh nói về Đức Chúa Trời: “Công-việc của [Ngài] là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình; ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Ngài đã dựng nên các con trai thông minh của ngài, vô hình cũng như hữu hình, với khả năng tự do lựa chọn. Ngài không ép họ phụng sự ngài, nhưng muốn họ tự ý phụng sự bởi lòng yêu thương. Ngài ban cho họ khả năng phát triển một lòng yêu thương lớn hơn nữa đối với ngài là Đức Chúa Trời và Cha họ.

Tuy nhiên, tạo vật thần linh tự trở thành kẻ chống đối và vu khống Đức Chúa Trời ấy đã không chọn việc làm cho lòng yêu thương của hắn đối với Đấng Tạo hóa được hoàn hảo thêm. Hắn đã để cho tham vọng ích kỷ bén rễ trong lòng hắn. (So sánh I Ti-mô-thê 3:6). Một bài ca thương diễn tả hạnh kiểm của “vua Ty-rơ” trong sách tiên tri Ê-xê-chi-ên phản ảnh điều đó. Trong bài ca thương đó có lời nói trực tiếp với vua Ty-rơ là người đã phản bội nước Y-sơ-ra-ên:

“Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn-ngoan, tốt-đẹp trọn-vẹn. Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời... Ngươi là một chê-ru-bin được xức dầu đương che-phủ; ta đã lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa. Đường-lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian-ác trong ngươi... Lòng ngươi đã kiêu-ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh-hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn-ngoan mình” (Ê-xê-chi-ên 28:12-17).

Giống như “vua của Ty-rơ” phản bội, con trai thần linh kia của Đức Chúa Trời đã quá tự cao tự đại. Vì lòng kiêu ngạo mà hắn đã muốn giành quyền kiểm soát nhân loại, và hắn dùng thủ đoạn lường gạt để đạt mục tiêu đó. Cho tới ngày nay phần đông nhân loại vẫn còn là nạn nhân của sự lường gạt này. Thật ra họ đứng về phía Sa-tan, vì từ chối không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh, Lời của ngài. Làm như vậy, họ chấp nhận lời nói dối như Ê-va đã làm, tức là nghĩ rằng làm trái ý muốn của Đức Chúa Trời có thể đem lại lợi ích thật sự.

Bởi Lời Đức Chúa Trời lên án việc liên lạc với người chết, những ai tìm cách nói chuyện với người chết tự động đứng về phía Sa-tan. Trong khi có lẽ họ nghĩ rằng họ đang nói chuyện với người chết, nhưng thật ra họ đã trở thành nạn nhân của một sự lừa bịp. Cũng như Sa-tan khiến Ê-va có cảm tưởng một con rắn nói tiếng người, hắn dễ dàng khiến người ta có cảm tưởng người chết nói chuyện qua đồng cốt. Phải chăng điều này có nghĩa là chính Sa-tan trực tiếp chịu trách nhiệm về tất cả những hiện tượng lạ lùng thường được liên kết với vong linh người chết? Hay là có ai khác liên can vào nữa?

NHỮNG KẺ LƯỜNG GẠT VÔ HÌNH KHÁC

Kinh-thánh tiết lộ rằng không phải chỉ có Sa-tan là tạo vật thần linh đã phản nghịch. Khải-huyền 12:3, 4, 9 cho biết còn có những kẻ khác. Đoạn Kinh-thánh này mô tả Sa-tan Ma-quỉ theo nghĩa bóng là một “con rồng lớn sắc đỏ” có “đuôi” và đuôi ấy “kéo một phần ba các ngôi sao trên trời”. Đúng vậy, Sa-tan có thể dùng ảnh hưởng của hắn, giống như một cái đuôi, để lôi cuốn các “ngôi sao” khác, các con thần linh của Đức Chúa Trời, hiệp với hắn trong cuộc phản nghịch. (So sánh Gióp 38:7, nơi mà các con trai của Đức Chúa Trời được gọi là “các sao mai”). Điều này xảy ra trước trận nước lụt khắp đất thời Nô-ê. Ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời, rất nhiều thiên sứ “bỏ chỗ riêng mình” trên trời, lấy hình người, sống với đàn bà và sanh ra con cái lai giống gọi là Nê-phi-lim. Kinh-thánh kể lại:

“Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ... Đời đó và đời sau, có người cao-lớn [Nê-phi-lim] trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn-ở cùng con gái loài người mà sanh con-cái; ấy là những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh” (Sáng-thế Ký 6:1-4).

Trong trận Nước lụt, vợ và con lai giống của các con trai Đức Chúa Trời đều chết hết. Còn chính chúng thì phải lột bỏ thân thể loài người. Kinh-thánh thuật lại điều gì đã xảy ra cho chúng sau đó: “Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên-sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào vực sâu [Tartarus], tại đó họ bị trói-buộc bằng xiềng nơi tối-tăm để chờ sự phán-xét” (II Phi-e-rơ 2:4). Và Giu-đe 6 nói thêm: “Còn các thiên-sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình, thì ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối-tăm đời đời, cầm-giữ lại để chờ sự phán-xét ngày lớn”.

Qua sự diễn tả liên hệ đến các tạo vật thần linh như trên, rõ ràng “vực sâu” và “nơi tối-tăm đời đời” không hiểu theo nghĩa đen. Những sự diễn tả này chỉ gợi cho chúng ta một hình ảnh về sự giam giữ, một tình trạng bị hạ thấp tách biệt khỏi sự soi sáng của Đức Chúa Trời.

Chẳng có căn bản nào trong Kinh-thánh cho phép chúng ta kết luận các thiên sứ bất tuân này ở trong một nơi gọi là Tartarus của chuyện thần thoại Iliad do Homer viết, tức là ngục thất thấp nhất nơi mà người ta nói Cronus và các thần Titan khác bị giam cầm. Sứ đồ Phi-e-rơ không tin các thần trong chuyện thần thoại đó. Như thế, không có lý do nào để kết luận ông dùng thành ngữ Hy-lạp ‘quăng vào vực sâu [Tartarus]’ để ám chỉ về nơi thần thoại mà tác giả Homer đã đề cập đến chín thế kỷ trước đó. Thật ra, thành ngữ ‘quăng vào vực sâu [Tartarus]’ trong tiếng Hy Lạp được diễn tả bởi chỉ một chữ duy nhất, một động từ, tar·ta·roʹo. Chữ đó cũng có nghĩa là hạ thấp xuống tột bực.

Để thí dụ, trong tiếng Việt Nam có từ “hạ bệ” bao hàm chữ “bệ” ám chỉ ngai vua. Tuy nhiên khi dùng chữ này người ta không đề cập đến ngai vua nào đó theo nghĩa đen. Cũng thế, động từ tiếng Hy Lạp được dịch ra ‘quăng vào vực sâu [Tar·ta·rus]’ không nhất thiết có ý nói đến một nơi thật sự nào đó, nhưng ám chỉ một tình trạng mà thôi.

I Phi-e-rơ 3:19, 20 đề cập đến những tạo vật thần linh bị hạ thấp, gọi chúng là “các linh-hồn [thần linh] bị tù, tức là kẻ bội-nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn-nhục chờ-đợi, chiếc tàu đóng nên”. Như vậy Kinh-thánh cho chúng ta hiểu là sau trận Nước lụt các “thiên-sứ phạm tội” bị hạn chế dưới một hình thức nào đó. Kinh-thánh không có cho thấy chúng được phép lấy hình người và hoạt động trên đất sau trận Nước lụt. Như thế, có lý khi nghĩ rằng vì bị hạn chế, chúng không thể lấy hình người một lần nữa.

HÃY COI CHỪNG ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC QUỈ

Tuy nhiên, phải chú ý rằng các thiên sứ không vâng lời này, ngày nay chúng ta biết chúng là các quỉ, có ham muốn mãnh liệt để kết hợp chặt chẽ với loài người. Chúng đã sẵn sàng bỏ địa vị trên trời để đổi lấy lạc thú làm chồng. Kinh-thánh chứng tỏ dù bây giờ chúng bị hạn chế về các sự tiếp xúc xác thịt đó, chúng vẫn còn lòng ham muốn đó. Chúng tìm đủ mọi cách để tiếp xúc với loài người và ngay cả kiểm soát họ nữa. Chúa Giê-su ám chỉ việc này, khi ngài nói bóng:

“Khi tà-ma ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô-khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; rồi nó nói rằng: Ta sẽ trở về nhà ta mà ta mới ra khỏi; khi trở về, thấy nhà không, quét sạch, và sửa-soạn tử-tế. Nó bèn lại đi, đem về bảy quỉ khác dữ hơn nó nữa, cùng vào nhà đó mà ở; vậy, số-phận người ấy sau lại xấu hơn trước” (Ma-thi-ơ 12:43-45).

Bởi thế một người cần phải đề phòng để tránh rơi vào vòng ảnh hưởng của các quỉ. Có lẽ người đó hoang mang về mình và về tương lai của mình. Vì muốn tự trấn an, có lẽ người tha thiết muốn biết trước mọi chuyện sẽ xảy ra tốt đẹp cho mình. Hoặc có lẽ người thấy các hiện tượng quái đản do ma thuật đem lại có vẻ hấp dẫn làm sao. Có lẽ người nghe đồn về người nào đó bói trúng chuyện vị lai. Hoặc có lẽ người ấy biết qua về nhiều hình thức bói toán được dùng đến: cầu cơ, tri giác ngoại cảm, bói lá trà, bói giọt dầu trên mặt nước, bói đũa, bói quả lắc, chiêm tinh (bói sao), bói theo tiếng chó sủa, theo đường chim bay, theo lối con rắn bò, bói thủy cầu, v.v... Có lẽ người đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, hoặc bị quyến rũ đến độ quyết định đi coi bói, đi cầu hồn hay dựa vào một hình thức ma thuật nào đó. Có lẽ người muốn thử một lần xem sao.

Làm thế có khôn không? Chắc chắn là không. Sự tò mò của người có thể khiến người rơi vào vòng kiểm soát của quỉ sứ. Việc ấy, thay vì giúp người nguôi ngoai, có lẽ chỉ khiến cho hoàn cảnh người tệ hơn. Có lẽ những sự khuấy rối siêu nhiên khiến người đêm thì mất ngủ, ngày thì đầy khiếp sợ. Có lẽ người bắt đầu nghe những tiếng nói lạ, xúi giục tự tử hoặc giết người nào đó.

Do đó, tránh sự nguy hiểm như thế và từ bỏ hẳn mọi hình thức bói toán không phải là khôn ngoan hơn hay sao? Giê-hô-va Đức Chúa Trời không xem thường việc này. Để bảo vệ cho dân Y-sơ-ra-ên khỏi bị các ác thần lường gạt và làm hại, ngài đã xem việc bói toán là tội đáng chết, Luật pháp ghi: “Khi nào một người nam hay nữ làm đồng-cốt, hay là bói-khoa, thì hẳn sẽ bị xử-tử” (Lê-vi Ký 20:27).

Quan điểm của Đức Chúa Trời về đồng cốt, phù thủy và việc bói toán vẫn không thay đổi. Mạng lệnh của ngài vẫn còn chống lại những kẻ thực hành tà thuật (Khải-huyền 21:8).

Bởi thế bạn hãy gắng sức chống lại sự lường gạt của các ác thần. Nếu bạn tình cờ nghe thấy một tiếng nói lạ, có lẽ tự mạo nhận là tiếng nói của một người bạn hay một người thân đã chết, đừng để ý đến. Hãy kêu cầu danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật, xin ngài giúp bạn khỏi rơi vào tầm ảnh hưởng của ma-quỉ. Hãy cầu nguyện khẩn thiết, như Con của Đức Chúa Trời đã khuyên: “Xin cứu chúng tôi khỏi kẻ ác!” (Ma-thi-ơ 6:13). Về phần những vật chi có dính dấp đến tà thuật, hãy theo gương của những người đã chấp nhận sự thờ phượng thật ở thành Ê-phê-sô xưa: “Có lắm người trước theo nghề phù-pháp [tại đó] đem sách-vở mình đốt trước mặt thiên-hạ”. Dù những sách vở này đắt tiền, họ không ngần ngại thiêu hủy hết (Công-vụ các Sứ-đồ 19:19).

Thể theo gương mẫu này, bạn nghĩ sao? Có nên cố tình giao thiệp với những người dính dáng đến tà thuật và nhận quà từ nơi họ không? Biết đâu họ có thể làm công cụ khiến bạn bị rơi vào vòng ảnh hưởng của các quỉ?

Khi hiểu ra rằng các ác thần thường khiến cho người ta nghe hoặc thấy những hiện tượng lạ lùng và khiếp đảm như tiếng nói, hình bóng chập chờn mà không biết nguồn gốc do đâu, chúng ta phải cương quyết đề phòng hầu khỏi bị lường gạt. Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi người chết và tránh can dự vào những lễ nghi cầu nguyện cúng tế vô giá trị. Đồng thời nhờ sự hiểu biết ấy, chúng ta tránh khỏi làm nạn nhân của các ác thần.

Nhưng nếu muốn được che chở khỏi bị Sa-tan và các quỉ của hắn lường gạt dù dưới hình thức nào liên quan đến người chết, chúng ta phải tin và hành động phù hợp với toàn thể Kinh-thánh, vì cả Kinh-thánh là do Đức Chúa Trời soi dẫn.