Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự chết ảnh hưởng thế nào đến đời sống hàng ngày của người ta

Sự chết ảnh hưởng thế nào đến đời sống hàng ngày của người ta

Chương 2

Sự chết ảnh hưởng thế nào đến đời sống hàng ngày của người ta

PHẦN ĐÔNG người ta lo nghĩ nhiều đến những gì có ảnh hưởng đến đời sống của họ và của gia đình họ ngay bây giờ. Nhưng ít người sẵn sàng nói hay nghĩ ngợi sâu xa về sự chết.

Thật ra sự chết không phải là một viễn ảnh huy hoàng, nhưng lại có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống hàng ngày của con người. Có ai trong chúng ta lại không trải qua nỗi đau đớn hay cảm thấy mất mát trước cái chết của một người bạn thân hay một người bà con thân yêu? Sự chết có thể thay đổi nếp sống của cả một gia đình, làm mất đi lợi tức đang ổn định và tạo ra sự cô đơn hoặc sự chán chường cho những người còn sống.

Dù sự chết không mang lại an vui gì, nhưng đó là điều xảy ra hằng ngày khiến bạn phải suy nghĩ đến. Bạn không thể kéo dài một công việc cho đến vô tận. Có lẽ ngày mai quá trễ.

Điều này ảnh hưởng đến bạn thế nào? Đôi khi bạn có cảm thấy hối hả vì đời sống ngắn ngủi, nên tìm đủ mọi cách đạt được tất cả những gì bạn có thể đạt hay không? Hay bạn theo thuyết định mệnh, nghĩ rằng cứ để việc gì sẽ đến phải đến?

QUAN ĐIỂM VỀ THUYẾT ĐỊNH MỆNH

Ngày nay nhiều người tin sự sống và sự chết đều do định mệnh an bài. Hơn 477 triệu người theo Ấn Độ giáo lấy khái niệm đó làm chuẩn. Thật ra quan điểm định mệnh dường như được mọi người chấp nhận. Bạn không nghe người ta nói: “Chuyện đó tất phải xảy ra”, “Giờ của ông đã điểm” hay “Ông ta thoát nạn vì phần số của ông chưa tới”, hay sao? Thường người ta nói thế khi thấy có một tai nạn nào đó xảy ra. Có thật như vậy không? Bạn hãy xem xét một thí dụ:

Trong một cuộc biểu diễn trên không phận Ba Lê năm 1973, một máy bay siêu thanh TU-144 của Cựu Liên bang Sô Viết nổ tung giết hại cả phi hành đoàn. Những mảnh lớn của máy bay đã rớt xuống làng Goussainville ở Pháp. Một người đàn bà ở đó vừa ra khỏi phòng ngủ và đóng cửa phòng lại thì một mảnh đã rơi xuống xuyên qua bức tường phía bên ngoài, phá sập phòng ngủ đó, còn bà ta thì vô sự.

Những người khác không thoát khỏi tai họa. Trong số những nạn nhân có ba đứa cháu của một bà lão, nhưng chính bà thì thoát nạn.

Có phải những đứa trẻ đó và những người khác đã phải chết vì “phần số” hay “thời vận” của họ đã tới không? Những người khác đã thoát nạn có phải vì theo định mệnh họ chưa phải chết lúc đó không?

Những ai trả lời “Có” cho những câu hỏi này tất tin rằng không ai có thể thoát chết bất chấp mọi biện pháp phòng ngừa, nếu “giờ của người đó đã điểm”. Họ nghĩ rằng dù có phòng ngừa đến đâu, họ không thể tránh khỏi điều mà định mệnh đã an bài. Quan điểm này giống như quan điểm của người Hy Lạp cổ xem ba nữ thần Clotho, Lachesis và Atropos như những thần cầm giữ vận mệnh của con người trong tay họ. Clotho được xem như nữ thần se dây nhợ tượng trưng sự sống, Lachesis như nữ thần định độ dài của dây nhợ đó và Atropos là nữ thần cắt đứt dây ấy khi đến giờ đã điểm.

Thuyết định mệnh như vậy có hợp lý không? Bạn hãy tự hỏi: Tại sao con số những người chết vì tai nạn giảm xuống khi người ta tôn trọng những biện pháp an toàn và gia tăng khi họ coi thường những biện pháp đó? Tại sao phần lớn những người chết vì tai nạn lưu thông là do bất cẩn, say sưa, lầm lỗi hay làm chuyện bất hợp pháp? Tại sao tại những nước có trình độ vệ sinh cao và dinh dưỡng tốt thì người ta có tuổi thọ trung bình cao hơn là những người sống tại những nước thiếu những điều kiện đó? Tại sao những người hút thuốc chết vì bệnh ung thư phổi nhiều hơn là những người không hút thuốc? Tất cả những điều này làm sao lại có thể lệ thuộc vào định mệnh mù quáng vô kiểm soát? Thay vì thế, điều gì xảy đến cho người ta chẳng phải là có nguyên nhân hay sao?

Trong nhiều tai nạn, chẳng phải một người bị chết là vì tình cờ rơi vào một tình thế nguy hiểm hay sao? Thí dụ: Một người kia mỗi ngày ra khỏi nhà vào một giờ giấc nào đó để đi làm. Một ngày nọ, khi đi ngang qua nhà của một người hàng xóm, ông nghe tiếng la hét và tiếng súng nổ. Ông rảo bước và, vừa lúc ông đến góc đường, ông bị trúng đạn. Ông chết vì không may đã đến góc đường vào chính lúc đó; đây là việc bất ngờ.

Sau khi đã quan sát những việc đã thật sự xảy ra hàng ngày, người viết sách Truyền-đạo trong Kinh-thánh nói: “Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ-làng chẳng được cuộc chạy-đua, người mạnh-sức chẳng được thắng-trận, kẻ khôn-ngoan không đặng bánh, kẻ thông-sáng chẳng hưởng của-cải, và người khôn-khéo chẳng được ơn; vì thời-thế và cơ-hội [việc bất ngờ] xảy đến cho mọi người” (Truyền-đạo 9:11).

Người nào tin như vậy hẳn không coi thường những biện pháp an toàn, không liều lĩnh vô ích, không nghĩ rằng mình khó chết nếu “giờ” của mình chưa đến. Người ấy hiểu rằng quan điểm theo thuyết định mệnh nguy hiểm cho chính mình và cho người khác. Nếu khôn ngoan áp dụng sự hiểu biết này, người ta sẽ sống lâu hơn.

Mặt khác, thuyết định mệnh có thể dẫn đến những hành động điên rồ, khiến một người sơ suất không chịu tìm hiểu về những vấn đề có thể ảnh hưởng đến chính mình và người thân của mình.

CHỈ SỐNG CHO HIỆN TẠI

Ngoài quan điểm về thuyết định mệnh, những biến cố trong thế kỷ hai mươi có ảnh hưởng đến hành động của người ta.

Hãy quan sát một chút điều gì đã xảy ra. Hàng triệu nạn nhân đã chết vì chiến tranh, tội ác, bạo động và đói kém. Những nhu cầu thiết yếu cho sự sống như không khí và nước đều bị ô nhiễm khủng khiếp. Dường như sự sống của loài người bị đe dọa về mọi mặt. Và không có gì bảo đảm chắc chắn con người sẽ giải quyết được các vấn đề trong tương lai gần đây. Đời sống hình như bất ổn. Hậu quả là gì?

Nhiều người trên trái đất chỉ sống cho hiện tại, làm tất cả những gì họ làm được hôm nay. Họ cảm thấy bị bắt buộc làm vậy, lý luận rằng đời sống bây giờ là tất cả những gì đời có thể mang lại cho họ. Kinh-thánh mô tả đúng thái độ của họ: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (I Cô-rinh-tô 15:32).

Có lẽ họ quay sang rượu chè và ma túy nhằm thoát khỏi những thực trạng phũ phàng của đời sống. Những người khác tìm lối thoát cho sự chán chường và sự lo lắng về đời sống ngắn ngủi của họ bằng cách buông mình vào tình dục phóng túng đủ loại—tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái. Sách Death and Its Mysteries (Bí mật của sự chết) nói:

“Dường như, ít nhất trong tiềm thức, ngày nay càng có nhiều người bình thường sợ hãi cái chết tập thể. Ít ra đó là một phần lý do tại sao thời kỳ của chúng ta đầy xáo trộn, bằng chứng là có tội ác vô cớ, phá hoại, dâm đãng và đời sống hối hả. Thậm chí âm nhạc và vũ điệu tân thời dường như nói lên sự tuyệt vọng của một thế giới không còn tin tưởng nơi tương lai nữa”.

Mọi lối sống không màng đến tương lai đã mang lại hậu quả gì?

20 Những người uống rượu nhiều và uống say có lẽ quên đi trong chốc lát những chuyện khó khăn của họ. Nhưng họ mất thể diện và trong lúc say sưa đôi khi họ tự làm hại mình và làm hại những người khác. Và ngày hôm sau những chuyện khó khăn của họ vẫn còn nguyên và lại có thêm sự nhức đầu làm họ khốn khổ.

Những người nghiện ma túy cũng phải trả giá cao vì muốn quên chuyện đời. Họ thường làm hại cơ thể cũng như tâm thần. Và để nuôi dưỡng chứng nghiện tốn kém, có lẽ họ dấn thân vào con đường suy đồi như trộm cắp hoặc mãi dâm.

Nói gì về những sự giao hợp vô luân? Việc đó có giúp cho số phận của một người tốt hơn trong đời không? Trái lại, kết quả thường là mắc phải chứng bệnh hoa liễu khủng khiếp, việc có thai hoang, con hoang, phá thai, gia đình ly tán, ghen tương cay đắng, đánh đập lẫn nhau và ngay cả giết người nữa.

Dĩ nhiên nhiều người không có đời sống trụy lạc như thế nhưng họ vẫn không khỏi bị ám ảnh bởi ý nghĩ, dù rõ rệt hay nằm trong tiềm thức, rằng đời họ rồi sẽ kết liễu. Biết rằng thời gian có hạn định, có lẽ họ tìm cách xây dựng sự nghiệp càng nhanh càng tốt trong thế gian. Kết quả ra sao? Lòng tham muốn của cải vật chất có thể xui khiến họ dẹp qua một bên sự lương thiện. Câu Châm-ngôn trong Kinh-thánh nói thật chí lý: “Kẻ nào vội làm cho giàu ắt sẽ chẳng được vô tội” (Châm-ngôn 28:20, NW). Nhưng chưa hết đâu.

Khi bỏ ra nhiều thì giờ và năng lực để tìm kiếm vật chất, người ta còn ít thì giờ để chung vui với gia đình. Đành rằng con cái có thể nhận được tất cả những của cải vật chất mà chúng muốn, nhưng chúng có nhận được sự hướng dẫn và sự sửa trị cần thiết để trở nên những người ý thức trách nhiệm không? Nhiều cha mẹ dù ý thức rằng thì giờ mà họ dành cho con cái họ khá eo hẹp nhưng thật ra không cảm thấy có lý do nào để đặc biệt lưu ý, cho đến khi quá muộn. Thật khổ tâm khi một người hay tin con trai mình đã bị bắt giam hay con gái trong tuổi vị thành niên của mình sắp có con hoang.

Qua những sự việc đang xảy ra ngày nay, rõ ràng là nhiều người cần phải học biết một lối sống thỏa đáng hơn, dù đời sống ngắn ngủi, phải không?

Sự chết dường như không thể tránh được. Nhưng điều này không làm cho mọi người gạt bỏ các nguyên tắc luân lý, cũng không làm cho mọi người thờ ơ phó mặc cho định mệnh. Trái lại, ngày nay có hàng trăm ngàn người đang hưởng được một lối sống lành mạnh, vì họ không để cho viễn tượng của sự chết ảnh hưởng tiêu cực trên họ.

MỘT ĐƯỜNG LỐI TỐT HƠN

Nếu có quan điểm đúng, người ta có thể học được vài điều quí giá từ sự chết. Khi thấy người khác chết, chúng ta có thể suy gẫm về lối sống của chúng ta. Cách đây độ 3.000 năm, một người nhận định kỹ lưỡng tình hình nhân loại nói lên điều này: “Danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh. Đi đến nhà tang-chế hơn là đến nhà yến-tiệc; vì tại đó thấy sự cuối-cùng của mọi người; và người sống để vào lòng... Lòng người khôn-ngoan ở trong nhà tang-chế, còn lòng kẻ ngu-muội ở tại nhà vui-sướng” (Truyền-đạo 7:1-4).

Ở đây Kinh-thánh không khuyên nên buồn rầu thay vì vui vẻ. Đúng hơn, Kinh-thánh nói đến một thời điểm đặc biệt, lúc mà một gia đình có tang chế vì người nào đó trong nhà chết. Đây không phải là lúc để quên đi gia đình có tang chế và chỉ nghĩ đến việc tiệc tùng và cười nói. Như cái chết đã chấm dứt mọi kế hoạch và mọi hoạt động của người, thì với chúng ta, một ngày kia cũng vậy thôi. Tốt hơn một người nên tự hỏi: Tôi đang làm gì với đời sống tôi? Tôi có đang lập nên một danh hay một tiếng tốt không? Tôi mang lại hạnh phúc và no ấm cho người khác đến đâu?

Không phải lúc mới sanh ra, nhưng trong suốt cuộc sống, chúng ta làm cho “danh” mình mang một ý nghĩa thật sự, cho người khác thấy chúng ta thuộc hạng người nào. Nói theo nghĩa tượng trưng, lòng người nào ở nơi “nhà tang chế” có nghĩa là người đó hết lòng xem xét lối sống của mình, dù đời sống có ngắn ngủi đến đâu. Người đó quí trọng sự sống. Người đó không phản ảnh sự nông cạn và vô tâm như đang ở nơi đô hội, nhưng lại tập sống một đời sống có ý nghĩa và có mục đích và do đó có ích cho hạnh phúc và sự ấm no của người đồng loại.

Làm sao một người có thể xác định được là mình đang tận hưởng đời sống và thật sự sống một cuộc sống có ý nghĩa? Chắc chắn cần phải có một tiêu chuẩn để phán đoán. Càng lúc càng có nhiều người thành thật trên khắp đất đi đến kết luận Kinh-thánh là tiêu chuẩn đáng tin cậy đó. Nhờ xem xét Kinh-thánh mà họ có thể tìm ra một lẽ sống thật sự, có một hy vọng rực rỡ về tương lai, một hy vọng liên quan đến đời sống trong sự công bình trên chính trái đất này. Họ đã hiểu được ý định của Đức Chúa Trời cho loài người không phải là sự chết mà chính là sự sống.

[Hình nơi trang 11]

Định mệnh chi phối đời sống của bạn, đúng như những người Hy Lạp cổ tin tưởng không?