Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự già yếu và sự chết bắt đầu như thế nào?

Sự già yếu và sự chết bắt đầu như thế nào?

Chương 4

Sự già yếu và sự chết bắt đầu như thế nào?

MẶC DÙ mọi người xem sự già yếu và sự chết như việc bình thường, người ta vẫn chưa biết tại sao có sự già yếu và sự chết. Điều này được thấy rõ qua các truyền thuyết cách đây nhiều thế kỷ tìm cách giải thích tại sao con người già và chết.

Theo một truyền thuyết trong truyện thần thoại Hy Lạp, một người đàn bà tên là Pandora đã mở một cái hộp hay một cái bình mà người ta đã bảo bà phải đóng kín. Người ta cho rằng vì thế mà “sự già yếu”, “bệnh tật”, “sự mất trí” và các “hận thù” khác đã bắt đầu giáng trên nhân loại.

Ở Úc, nhiều bộ lạc thổ dân tin lúc đầu con người được sống đời đời. Nhưng họ phải lánh xa một cái cây rỗng nào đó. Khi các con ong đến làm tổ ở cây đó, những người đàn bà thèm muốn ăn mật của chúng. Cãi lại lời cảnh cáo của những người đàn ông, một người đàn bà đã dùng rìu để thọc cái cây. Truyện thần thoại nói ngay lúc ấy một con dơi to bay ra. Con dơi ấy là “sự chết”. Khi rời khỏi cây đó, con dơi đòi mạng sống của bất cứ ai bị cánh của nó chạm đến.

Có điều đáng chú ý là những truyện thần thoại của các dân tộc khác, sống rải rác xa nhau, cũng thường qui tội cho một người đàn bà lúc đầu cãi lời nên đã gây ra sự chết.

TẠI SAO CÓ SỰ TƯƠNG TỢ?

Khi đọc những truyện thần thoại nói trên, một số người có thể có khuynh hướng liệt những lời giải thích của Kinh-thánh về nguyên nhân của sự già yếu và sự chết vào chung một loại với các truyện đó. Họ còn nói những truyện thần thoại giống với lời tường thuật của Kinh-thánh ở một số điểm. Nhưng tại sao có những điểm giống nhau? Phải chăng những truyện thần thoại này đã bắt nguồn từ cùng một sự kiện có thật và sau đó đã bị bóp méo đi không?

Chính Kinh-thánh làm sáng tỏ những câu trả lời cho những câu hỏi này. Kinh-thánh nói đến tháp Ba-bên xưa ở Canh-đê, nơi mà những người đã phản nghịch bất tuân lệnh Đức Chúa Trời bị phân tán ra khắp trái đất (Sáng-thế Ký 11:2-9). Những bản gia phổ trong Kinh-thánh cho thấy điều đó đã xảy ra vào thời kỳ vài tôi tớ trung thành với Đức Giê-hô-va còn sống và biết sự thật về sự sống và nguyên nhân của sự chết (Sáng-thế Ký 6:7, 8; 8:20, 21; 9:28; 10:1-9; 11:10-18; I Sử-ký 1:19). Tuy nhiên, vì phần đông người ta không tôn trọng lẽ thật về ý định của Đức Chúa Trời đối với loài người, chúng ta khó lòng mong đợi họ truyền lại đúng sự thật về nguyên nhân chính xác của sự chết. Khi họ bị tản lạc, dần dần theo thời gian, những sự kiện thật đã bị bóp méo và được tô điểm thêm; đó là nguồn gốc của các truyện thần thoại. Dù có nhiều truyện thần thoại giải thích khác nhau về nguyên nhân của sự già yếu và sự chết, nhưng người ta có thể rút tỉa ra được một căn bản chung.

Điều này không phải là giả thuyết suông: Có những bằng chứng cụ thể cho thấy những truyện thần thoại về tôn giáo, kể cả những truyện về sự chết, xuất phát từ một nguồn gốc chung. Đại tá J. Garnier có nhận xét trong sách The Worship of the Dead:

“Không phải chỉ những người Ê-díp-tô, người Canh-đê, người Phê-ni-xi, người Hy Lạp và người La Mã, nhưng cũng có những người theo Ấn giáo, người Phật giáo Trung Hoa và Tây Tạng, người Gô-tích, người thuộc khối nói tiếng Anh, người Druids, người Mê-hi-cô, người Pê-ru, thổ dân Úc và ngay cả những người man rợ sống trên những hải đảo Thái Bình Dương hẳn đã phát triển những tư tưởng tôn giáo của họ từ một nguồn gốc và một trung tâm chung. Khắp nơi chúng ta thấy có những trùng hợp lạ lùng về nghi lễ, phong tục, truyền thống và tên của các thần và nữ thần của họ cũng như những liên lạc giữa các thần đó”.

Nguồn gốc chung đó nằm tại đâu? Có phải bằng chứng hiển nhiên cho thấy đó là tại Canh-đê như Kinh-thánh ám chỉ không? Giáo sư George Rawlinson ghi lại:

“Sự giống hệt giữa hệ thống người Canh-đê và hệ thống thần thoại cổ xưa [đặc biệt là của người Hy Lạp và người La Mã] hình như đáng được lưu ý nhiều hơn cả. Sự giống nhau này rất phổ thông và rất tỉ mỉ ở vài điểm khiến người ta nêu lên giả thuyết là sự tình cờ nào đó đã tạo nên sự trùng hợp. Trong đền thờ Bá thần [Pantheons] tại Hy Lạp và La Mã cũng như tại Canh-đê người ta thường thấy có những nhóm [thần và nữ thần] giống nhau; sự kế tiếp về gia phổ cũng thường được truy ra; và trong vài trường hợp chính những tên hiệu và chức tước quen thuộc của các thần cổ tiết lộ một cách lạ lùng nhất chúng bắt nguồn từ Canh-đê”.

Như thế ông kết luận gì? Ông nói:

“Chúng ta không thể nghi ngờ rằng bằng cách này hay cách khác, ngay từ lúc đầu đã có một sự thông đồng tín ngưỡng và những ý niệm thần thoại từ bờ biển vịnh Ba Tư [nơi thành Ba-bên cổ tọa lạc] cho đến những xứ nằm trong Địa Trung Hải”.

Bởi vậy, những gì Kinh-thánh nói về sự phát triển của những khái niệm tôn giáo phù hợp với những bằng chứng của lịch sử. Nếu Kinh-thánh thật sự bảo tồn lẽ thật một cách chính xác và sau đó lẽ thật bị các truyện thần thoại của tôn giáo bóp méo đi, hẳn lời tường thuật của Kinh-thánh khuyến khích chúng ta suy luận. Sự tường thuật đó có lý, phải không?

SỰ SỐNG TÙY THUỘC VÀO SỰ VÂNG LỜI

Khi thảo luận về những nguyên nhân của sự già yếu và sự chết, cuốn sách đầu tiên của Kinh-thánh, Sáng-thế Ký, không bắt đầu bằng “Ngày xửa, ngày xưa” ở một “xứ thần tiên thơ mộng nọ”, nhưng trình bày những điều có thật. Kinh-thánh nói đến một nơi có thật, vườn Ê-đen. Vị trí địa lý của vườn đó được nhận ra bởi vài con sông, hai sông trong số đó là sông Ơ-phơ-rát và sông Ti-gơ-ri (Hi-đê-ke) vẫn còn được biết đến ngày nay (Sáng-thế Ký 2:10-14). Niên đại học Kinh-thánh cho biết thời gian đó là năm 4026 trước công nguyên hay ít lâu sau đó. Hơn nữa, Kinh-thánh nói đến cặp vợ chồng đầu tiên, sự kiện này phù hợp với khoa học. Sách The Races of Mankind có ghi lại:

“Câu chuyện trong Kinh-thánh về A-đam và Ê-va, cha mẹ của toàn thể nhân loại, hàng thế kỷ qua đã nói đến cùng một lẽ thật mà ngày nay khoa học cho thấy: đó là tất cả các dân tộc trên đất đều hợp thành một gia đình và có cùng một nguồn gốc”.

Sau khi đã cho biết người đầu tiên đã được tạo ra thế nào, Kinh-thánh cho thấy Đấng Tạo hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đã cho người ở trong một nơi giống như vườn địa đàng. Ngài đã đặt trước mặt người triển vọng sống đời đời, và đồng thời muốn hưởng được sự sống đó phải có điều kiện. Đức Chúa Trời nói với người: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:16, 17).

Lệnh này rất giản dị. Tuy nhiên đó chẳng phải là điều chúng ta mong đợi sao? Lúc đó A-đam sống một mình. Đời sống lúc đó giản dị, không có gì rắc rối cả. Ông không gặp vấn đề gì khi làm việc để sống, không bị áp lực của hệ thống thương mại tham lam. Không có cần đến những luật pháp phức tạp để kiểm soát khuynh hướng tội lỗi bên trong ông, vì ông là người hoàn toàn, không có khuynh hướng tội lỗi.

Dù giản dị, nhưng lệnh cấm đó cũng liên hệ đến những vấn đề luân lý với hậu quả nghiêm trọng. Việc hai người đầu tiên cãi lại lời răn của Đức Chúa Trời có nghĩa là họ đã phản nghịch lại ngài với tư cách là Đấng Cai trị. Tại sao vậy?

Chính lệnh cấm của Đức Giê-hô-va đã khiến cho việc ăn trái “cây biết điều thiện và điều ác” là sai. Không có chất độc nào trong trái cây đó. Trái cây ấy tốt lành, tức là “ăn ngon” (Sáng-thế Ký 3:6). Bởi vậy, lệnh cấm của Đức Chúa Trời về trái cây đó chỉ giản dị nhấn mạnh đến việc con người phải tùy thuộc vào Đấng Tạo hóa của mình là Đấng Cai trị. Nếu vâng lời, người đàn ông và đàn bà đầu tiên sẽ cho thấy họ kính trọng quyền của Đức Chúa Trời trong việc ấn định điều gì là “thiện”, hay được ngài chấp nhận, và điều gì là “ác”, tức bị ngài lên án. Bởi thế sự cãi lời của họ có nghĩa là họ phản nghịch lại quyền thống trị của Đức Chúa Trời.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho họ biết hình phạt của sự phản nghịch là họ phải chết. Hình phạt đó có quá nặng không? Thật ra, nhiều quốc gia trên thế giới há không giành quyền ấn định vài tội phạm là tội tử hình hay sao? Tuy nhiên, những quốc gia này không thể ban cho hay duy trì sự sống của một người nào một cách vĩnh viễn. Nhưng Đấng Tạo hóa của con người thì làm được. Và ấy là vì ý muốn của ngài mà A-đam và Ê-va đã được sáng tạo (Khải-huyền 4:11). Như thế Đấng Ban cho và Đấng Duy trì sự sống chẳng lẽ lại không có quyền ấn định rằng ai phản lại ngài là đáng chết hay sao? Chắc chắn là có! Cũng vậy, chỉ có một mình ngài mới hoàn toàn nhận biết được sự nghiêm trọng của những hiệu quả tàn khốc mà việc cãi lại luật pháp của ngài mang đến.

Nếu vâng theo lệnh cấm, cặp vợ chồng đầu tiên A-đam và Ê-va tất chứng tỏ họ quí mến và biết ơn Đức Chúa Trời về tất cả những gì mà ngài đã làm cho họ. Sự vâng lời với động lực đúng sẽ giúp họ tránh trở nên ích kỷ và lờ đi Đấng Ban ơn cho họ là Đức Chúa Trời.

Lệnh cấm đó có bản chất thích hợp với một Đức Chúa Trời yêu thương và công bình. Lệnh ấy không có gì là vô lý cả. Ngài không để cho họ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết cho sự sống. Có nhiều cây khác họ có thể ăn để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của họ. Bởi vậy, cả A-đam lẫn Ê-va không có lý do nào để cảm thấy cần phải ăn trái “cây biết điều thiện và điều ác” cả.

Tuy nhiên, lời tường thuật cho thấy rằng một ngày kia khi không có chồng bên cạnh, Ê-va đã bị lường gạt và ăn trái cấm. * Sau đó bà đã thuyết phục được chồng cùng với bà vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:1-6).

Giờ đây có lẽ có người tranh cãi rằng Đức Chúa Trời có thể châm chế đối với sự phản nghịch này của họ hoặc ngài có thể làm ngơ trước lỗi lầm của họ và thông qua cho họ khỏi bị phạt. Nhưng đó có phải là giải pháp tốt nhất không? Chẳng phải ngày nay vì không đủ sức làm cho người ta tôn trọng luật pháp nên luật pháp công bình bị khinh thường, do đó tội ác và bạo động gia tăng hay sao? Đối với Đức Chúa Trời, thông qua tội của A-đam và Ê-va và không trừng phạt họ có nghĩa là khuyến khích họ và con cháu họ tiếp tục làm ác nhiều hơn nữa. Điều đó hẳn sẽ khiến Đức Chúa Trời chia sẻ trách nhiệm về các hành động như thế.

Hơn nữa, sự châm chế sẽ có thể khiến cho lời của Đức Chúa Trời không còn đáng tin cậy vì xem ra ngài không cho những điều ngài nói là quan trọng và do đó người ta có thể phạm luật pháp ngài mà khỏi bị phạt.

Bởi vậy, rõ ràng việc Đức Chúa Trời thực thi luật pháp của ngài để cho những người đầu tiên phải chịu hình phạt đúng mức vì hành vi bất tuân cố ý và ngang nhiên của họ là hoàn toàn hợp lý và công bình. Cũng phải nói thêm là họ không tỏ ra ăn năn chút nào. Lòng họ không có vẻ gì thay đổi.

NGUYÊN NHÂN CĂN BẢN: TỘI LỖI

Bởi sự phản nghịch, A-đam và Ê-va đã tự cắt đứt liên lạc tốt giữa họ và Đức Chúa Trời. Họ không hề hưởng sự sống bất diệt, bất tử. Kinh-thánh nói bởi quyền năng của ngài, Đức Chúa Trời ‘lập mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao vững đến đời đời vô-cùng’ (Thi-thiên 148:3-6). Đối với cặp vợ chồng đầu tiên cũng vậy. Họ cũng phải tùy thuộc Đức Chúa Trời để tiếp tục sống.

Vì từ chối không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời, A-đam và Ê-va đã tự tách rời khỏi quyền năng bảo tồn sự sống của ngài. Hơn nữa, khi lìa bỏ ngài họ không còn được Đức Chúa Trời hướng dẫn nữa. Bởi tội lỗi, A-đam và Ê-va lìa xa Đức Chúa Trời, rồi với thời gian chính tội lỗi đó đưa họ đến sự chết.

Tuy nhiên, sau khi phạm tội họ vẫn còn nhiều tiềm năng để sống. Lịch sử ghi lại cho thấy rõ A-đam đã sống 930 tuổi (Sáng-thế Ký 5:5). Dù vậy, lời cảnh cáo này cho A-đam vẫn ứng nghiệm: “Vì một mai ngươi ăn [cây biết điều thiện và điều ác], chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17).

Vì không vâng lời, tổ phụ của gia đình nhân loại là A-đam không những đã chuốc lấy sự chết cho chính mình, mà còn cho cả dòng dõi tương lai nữa. Vì vậy Kinh-thánh nói: “Cho nên, bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

Khi đã mất sự hoàn toàn, A-đam không thể truyền sự hoàn toàn lại cho dòng dõi mình được. Bắt đầu từ đó con cháu ông sinh ra với sự yếu kém. Hậu quả của tội lỗi trong cơ thể ông khiến ông chỉ có thể sinh ra dòng dõi yếu kém và bất toàn. Điều này phù hợp với Kinh-thánh trong Gióp 14:4: “Ai có thể từ sự ô-uế mà lấy ra được điều thanh-sạch? Chẳng một ai!” Vì thế, ngày nay sự già yếu và sự chết mà con người lãnh chịu bắt nguồn từ tội di truyền của A-đam. Vì là con cháu của ông, họ nhận lãnh công giá của tội lỗi tức là sự chết (Rô-ma 6:23).

Điều đó thật sự có nghĩa gì? Phải chăng sự chết chấm dứt tất cả mọi sinh hoạt, hay có một phần nào đó của con người còn tiếp tục sống? Sau khi thân thể chết, chúng ta có còn biết gì không?

[Chú thích]

^ đ. 27 Những chi tiết về sự lường gạt và kẻ chủ mưu lường gạt được thảo luận nơi chương 10.

[Bản đồ nơi trang 28]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

TRUYỀN THUYẾT CỦA NHIỀU XỨ CÓ NGUỒN GỐC PHÁT XUẤT TỪ BA-BÊN

BA-BÊN

PHI CHÂU

ẤN ĐỘ

HY LẠP

[Hình nơi trang 32]

Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời đã cho hai người đầu tiên triển vọng sống vô tận