Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống đời đời trên đất đem lại những gì cho chúng ta?

Sự sống đời đời trên đất đem lại những gì cho chúng ta?

Chương 17

Sự sống đời đời trên đất đem lại những gì cho chúng ta?

SỐNG lâu hơn bảy mươi hay tám mươi tuổi, được mạnh khỏe và sung sướng quả là điều ai cũng mong muốn. Thật thế, các nhà khoa học đã bỏ ra nhiều năm tìm tòi những phương cách chống lại sự già nua và bệnh tật. Họ thường chủ trương làm cách nào đạt đến mục tiêu đời người trung bình một trăm tuổi.

Tuy nhiên, ý tưởng về đời sống vô tận đối với họ dường như không mấy hấp dẫn. Nhiều người có khuynh hướng lý luận: ‘Nếu không có bệnh tật, chết chóc và khó khăn hẳn chúng ta không biết thưởng thức những điều tốt. Sự sống đời đời trên đất ắt nhàm chán lắm. Chúng ta sẽ không biết có chuyện gì để làm nữa’. Có lẽ bạn đã từng nghe người ta bày tỏ ý tưởng như thế, nhưng chính bạn thì nghĩ sao? Thật ra, lý luận như vậy có lành mạnh không?

Thí dụ, chúng ta có cần phải bị bệnh thì mới không nhàm chán sức khỏe tốt hay không? Người ta không mất vui khi được sống khỏe mạnh. Sự an toàn, cảnh vật xinh đẹp xung quanh, việc làm thích thú và có kết quả, và thức ăn đầy đủ không khiến cho người ta chán đời. Đúng hơn, không phải sự thiếu thốn thực phẩm, cảnh vật chán ngắt, sự khó khăn và xích mích là những điều làm cho đời sống khó chịu hay sao? Người ta không cần phải chặt bớt một bàn tay để biết giá trị của bàn tay kia phải không? Chúng ta có thể thưởng thức những điều tốt mà không cần phải trải qua những điều xấu.

Sống làm người hoàn toàn không có nghĩa là ai nấy đều sẽ làm mọi việc khéo léo và thích thú giống như nhau. Kinh-thánh hứa cho chúng ta sống không bệnh tật và không phải chết (Khải-huyền 21:3, 4). Ngày nay tất cả những người mạnh khỏe không nhất thiết phải giống nhau, vậy tại sao chúng ta phải kết luận rằng sự hoàn toàn về thể xác và tâm trí sẽ làm cho người này giống hệt người kia? Người ta hãy còn khác nhau về nhân cách. Họ sẽ có sở thích khác nhau về việc làm, xây cất, trang trí nhà cửa, vườn tược, thức ăn, thức uống, giải trí, mỹ thuật, v.v...Ý thích và sở thích cá nhân của họ sẽ còn có ảnh hưởng mạnh đến năng khiếu và các lãnh vực hoạt động mà họ ưa thích.

Nhưng thật ra có đầy đủ công việc cho người ta làm và hoạt động cho đến mãi mãi không? Phải chăng đến một lúc nào đó sự hiểu biết sẽ ngưng lại vì chúng ta đã làm tất cả mọi việc rồi?

CÓ THỂ LÀM NHIỀU VIỆC

Hãy suy gẫm về chính cuộc đời bạn bây giờ. Bạn có cảm thấy bạn đã tận dụng mọi khả năng của bạn hay chưa? Có bao nhiêu việc bạn cảm thấy có thể làm được và cảm thấy thích làm—nếu có thì giờ và phương tiện?

Có lẽ bạn thích phát triển năng khiếu âm nhạc, hội họa, điêu khắc hay chạm trổ, hoặc học chút ít về nghề mộc, cơ khí, kỹ nghệ họa hay kiến trúc, hoặc học lịch sử, sinh vật, thiên văn hay toán học, hoặc trồng trọt vài thứ cây hay nuôi súc vật, chim hay cá. Có thể bạn thích đi du ngoạn, thăm viếng các vùng đất bạn chưa biết. Nhiều người không phải chỉ thích làm một trong những điều kể trên, nhưng thích làm nhiều thứ. Nhưng dù bạn có đủ phương tiện, bạn không có đủ thì giờ để làm tất cả những điều mà bạn thích làm.

Hơn nữa, vì thì giờ có hạn, chẳng phải bạn cảm thấy hối hả cố làm cho xong công việc hay sao? Làm việc mà không cảm thấy bị hối thúc không phải là sướng hơn sao?

Không có nguy cơ là việc làm sẽ hết. Trái đất là chỗ ở của chúng ta có đầy dẫy cây cối đủ loại và sinh vật nhiều đến nỗi chắc không bao giờ học biết hết mọi điều mới lạ và dùng hết sự hiểu biết mà chúng ta thâu thập được. Có nhiều bí mật đang chờ được khám phá. Bạn thử nghĩ: Có hơn 30.000 giống cá khác nhau, độ chừng 3.000 loại động vật lưỡng thê, chừng 5.000 loại động vật có vú và hơn 9.000 loài chim. Côn trùng, là loài sinh vật đông đảo nhứt trên đất, có tới 800.000 giống khác nhau. Các nhà khoa học tin là có lẽ hãy còn từ một tới 10 triệu giống khác nhau nữa chưa được khám phá ra. Phải kể đến hàng trăm ngàn giống cây cối khác nhau nữa.

Có bao nhiêu người trong chúng ta biết tên dù chỉ một phần nhỏ các sinh vật sống trên đất? Chúng ta còn biết ít hơn nữa về những thói quen đáng chú ý và vai trò quan trọng của chúng trong việc tiếp tục duy trì sự sống trên đất. Khả năng gia tăng sự hiểu biết là phi thường.

Có lẽ bạn chưa hề nghe nói tới một loại cá nước ngọt sống miền nhiệt đới gọi là cá “cichlid”. Vậy mà một nhà khoa học nhận xét về việc ông khảo cứu con cá đó: “Cá cichlid đã làm tôi mất 14 năm cặm cụi khảo cứu”. Hãy nghĩ phải tốn hết bao nhiêu năm để khảo cứu hàng ngàn giống sinh vật và thực vật—một sự khảo cứu mang lại lợi ích thật sự.

Chẳng hạn hãy lấy con hà nhỏ bé kia làm thí dụ. Con hà này khi bám vào tàu bè gây khó khăn đáng kể. Người ta phải cạo nó vì khi có nhiều con bám vào, tàu chạy chậm lại và nhiên liệu tiêu thụ có thể gia tăng tới 40%. Có người sẽ nghĩ con hà dường như chỉ làm hại mà thôi thì có gì đáng cho mình học đâu. Nhưng không phải vậy.

Chất keo mà con hà tiết ra để bám chặt vào vỏ tàu chỉ dày độ 7,6 ⁄ 1000 milimét. Vậy mà sức bám chặt của nó trên bề mặt còn mạnh hơn 492 kí-lô cho mỗi cm2. Chất keo này còn dính chặt gấp hai lần chất keo epoxy dùng trong kỹ nghệ chế tạo phi thuyền không gian trong những năm gần đây. Khi các chuyên viên khảo cứu đưa chất keo của con hà lên tới nhiệt độ 350°C, chất keo này không bị chảy, và hạ thấp nhiệt độ tới -230,5°C cũng không làm chất keo đó rạn nứt. Chất keo này cũng không hòa tan trong phần lớn các dung môi. Những đặc tính phi thường của chất keo này đã thúc đẩy các chuyên viên nghiên cứu tìm cách sản xuất một loại keo hà nhân tạo gọi là “keo siêu”.

Bởi vậy, sự hiểu biết đạt được qua sự nghiên cứu đã đem lại lợi ích cho con người. Ngày nay không có cách nào biết được hết các đặc tính của các sinh vật trên đất mà con người có thể bắt chước hay sử dụng. Những gì đã học được đủ để cho thấy kho tàng hiểu biết chỉ mới được khai thác sơ qua trên bề mặt mà thôi.

Ngay đến những lãnh vực mà người ta đã nghiên cứu nhiều rồi cũng vẫn còn có nhiều điều cần phải khám phá. Chẳng hạn, một trong những điều lạ lùng mà cây cỏ xanh tươi làm được là biến nước và thán khí (CO2) thành đường. Hiện tượng này, tức là sự quang hợp, hãy còn khiến cho con người bối rối dù đang nghiên cứu từ hai thế kỷ nay. Một nhà thực vật học là ông Laurence C. Walker nhận định rằng “nếu khám phá được bí mật này, có lẽ người ta có thể nuôi cả thế giới—bằng cách dùng một nhà máy lớn bằng một ngôi trường học thường mà thôi”.

Cả nhân loại có thể hưởng nhiều lợi ích vô kể bằng cách học hỏi nhiều hơn nữa về thực vật và động vật. Khi hiểu được việc các loài sống tùy thuộc lẫn nhau và những nhu cầu của chúng, con người có thể tránh vô tình làm rối loạn sự thăng bằng của sự sống. Sự hiểu biết chính xác sẽ giúp con người tránh làm hại chính mình và những vật sống khác.

Chẳng hạn, người ta hẳn đã có thể tránh được sự ô nhiễm lan tràn nếu hiểu tường tận những hậu quả tai hại của chất DDT và hành động phù hợp với sự hiểu biết đó. Buồn thay, người ta đã dùng chất DDT một cách bừa bãi. Hậu quả là gì? Bác sĩ Lorenzo Tomatis thuộc Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư tại Pháp nói: “Hiện nay chất DDT đã làm ô nhiễm tất cả thú vật, nước và đất đai trên trái đất này”. Trong vài trường hợp có những con thú và chim chóc chết vì bị nhiễm quá nhiều chất độc DDT. Quả thật, sự hiểu biết chính xác có thể ngăn ngừa nạn ô nhiễm tàn khốc này.

Người ta cũng có thể tiếp tục học hỏi về âm thanh, ánh sáng, các phản ứng hóa học, điện tử, khoáng sản và vô số những vật vô tri khác. Ngoài ra, vẫn còn không trung vô tận chỉ mới được thám hiểm chút ít mà thôi. Thật là cả một lãnh vực bao la để tìm tòi! Vũ trụ có hàng tỷ thiên hà hay hệ thống tinh tú, và những thiên hà này có thể có hàng tỷ ngôi sao (Thi-thiên 8:3, 4).

Cũng không nên quên rằng dù không được nghiên cứu kỹ lắm, các vật có tri giác và vô tri có thể kích thích óc sáng tạo và trí tưởng tượng của con người rồi. Màu sắc và cách cấu tạo của cây cỏ không những làm vui mắt nhưng cũng cho con người rất nhiều ý tưởng để làm giàu nghệ thuật trang trí. Không có lý do nào để sợ rằng rốt cuộc thì óc sáng tạo của con người sẽ ngừng hoạt động và đời sống sẽ trở nên nhàm chán và không thú vị nữa.

Nhưng dù có một hy vọng xa vời để đạt đến sự hiểu biết trọn vẹn về trái đất và mọi sinh vật trên đó, vậy thì lúc đó đời sống sẽ nhàm chán không? Hãy xem xét điều này: Trong một năm, một người có thể ăn hơn một ngàn bữa cơm. Khi được 40 tuổi, một người có thể ăn hơn 40.000 bữa cơm. Nhưng người đó có thấy ngán ăn khi mỗi năm trôi qua không? Người ăn 40.000 bữa cơm có thấy chán hơn người chỉ ăn phân nửa số lần đó không?

Sự thật là ngay cả trong những việc lặp đi lặp lại vẫn có cái thú vị. Có ai thấy chán vì cảm thấy một cơn gió nhẹ thổi qua, được những người mà mình yêu thương vuốt ve, nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng sóng biển vỗ vào bờ, tiếng chim hót líu lo, ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ, những giòng sông uốn khúc, những hồ trong vắt, những thác nước đổ xuống cuồn cuộn, những đồng cỏ xanh vờn, những núi non cao ngất như tháp hay những hàng dừa nghiêng mình bên bờ biển, và được ngửi hương thơm thoang thoảng của bông hoa? (So sánh Nhã-ca 2:11-13).

NHỮNG CƠ HỘI ĐỂ BÀY TỎ TÌNH YÊU THƯƠNG

Dĩ nhiên chỉ việc học hỏi và áp dụng những điều chúng ta học được không đủ để làm cho sự sống đời đời giàu ý nghĩa. Con người khi sinh ra đã có sẵn nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Khi chúng ta cảm thấy người khác cần chúng ta, quí mến và yêu thương chúng ta, chúng ta muốn tiếp tục sống. Khi biết người khác nhớ lúc chúng ta đi vắng, trông mong chúng ta trở lại, thì lòng chúng ta thấy ấm áp làm sao. Mối liên hệ gắn bó với họ hàng và bạn bè xây dựng và khích lệ. Chúng ta cảm thấy sung sướng khi làm được việc gì cho những người mà chúng ta yêu thương, và khi chăm lo hạnh phúc của họ.

Sự sống đời đời sẽ đem lại cho chúng ta vô số cơ hội để bày tỏ tình yêu thương và nhận được tình yêu thương của người khác. Lúc đó chúng ta sẽ có đầy đủ thì giờ để tìm hiểu người đồng loại, để rồi quí mến những đức tính tốt của họ và yêu thương họ thắm thiết. Quả thật dân cư trên đất khác biệt nhau—khác nhau về nhân cách, lối ăn mặc, sở thích ăn uống, kiến trúc, âm nhạc và các nghệ thuật khác. Ta không thể tưởng tượng được phải mất bao nhiêu thì giờ để hiểu biết hàng tỷ người và học hỏi những kinh nghiệm và tài năng của họ. Nhưng việc hiểu được cả gia đình nhân loại và có thể coi mỗi người như bạn thân mình thì chẳng phải là một niềm vui sướng hay sao?

Sự sống đời đời trên đất có thể đem lại cho chúng ta một phần thưởng dồi dào. Làm sao chúng ta có thể thấy nhàm chán khi có quá nhiều điều chúng ta có thể học và áp dụng một cách bổ ích? Làm sao chúng ta có thể mệt mỏi trong việc bày tỏ tất cả lòng yêu thương của chúng ta đối với người khác? Bác sĩ Ignace Lepp nhận xét trong sách Death and Its Mysteries:

“Những ai đã từng nếm được tình yêu thương chân thật và đạt được thành quả về mặt trí thức đều biết rõ những việc đó không bao giờ tận cùng được. Nhà khoa học bỏ ra hết cuộc đời và năng lực mình để tìm tòi thì biết rằng càng học nhiều càng có nhiều điều để học và càng muốn học thêm nữa. Cũng thế, những ai thật sự yêu thì đều biết rằng không thể tưởng tượng được tình yêu nảy nở tới mực độ nào”.

Nhưng khi nào chúng ta mới nắm được những cơ hội để sống đời đời đó? Khi nào thì Nước Đức Chúa Trời do đấng Christ sẽ thực hiện được điều đó? Và nếu chúng ta chết trước khi điều đó xảy ra, thì có cơ hội nào để chúng ta được sống lại không?