Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thần linh trở về với Đức Chúa Trời

Thần linh trở về với Đức Chúa Trời

Chương 6

Thần linh trở về với Đức Chúa Trời

TRONG tâm trí của bất cứ người nào thành thật tìm hiểu Kinh-thánh hẳn không còn nghi vấn nào nữa về cái mà Kinh-thánh gọi là “linh hồn” không phải là một phần bất tử của con người tiếp tục sống một cách tri thức sau sự chết. Tuy vậy, trước những bằng chứng đầy dẫy và rõ ràng về bản chất thật của linh hồn, một số người đưa ra nhiều lập luận khác hầu cố gắng ủng hộ việc họ tin có cái gì ở trong con người tiếp tục sống sau sự chết.

Người ta thường dẫn chứng Truyền-đạo 12:7: “Bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. Adam Clarke, một nhà thần học thuộc giáo phái Giám lý hội (Wesleyan Methodist), có nói về câu này trong cuốn Commentary của ông: “Ở đây người khôn ngoan phân biệt rõ giữa thân thể và linh hồn: hai cái đó không cùng một thứ; không phải cả hai đều là vật chất. Thân thể, là vật chất, trở về với bụi đất nơi nó được tạo ra; nhưng thần linh, không thuộc về vật chất, trở về với Đức Chúa Trời”. Cũng thế, sách A Catholic Commentary on Holy Scripture nói: “Linh hồn trở về với Đức Chúa Trời”. Như vậy cả hai lời bình luận đều coi linh hồn và thần linh là một.

Lại cũng có những học giả khác theo Công giáo La Mã và Tin lành đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác, đáng lưu ý. Trong phần “Chú thích về từ ngữ giáo lý Kinh-thánh” của một bản dịch Kinh-thánh Công giáo New American Bible (xuất bản bởi P. J. Kenedy & Sons, Nữu-ước, 1970), chúng ta đọc: “Khi ‘thần linh’ được dùng tương phản với ‘xác thịt’...thì mục đích của việc dùng danh từ như vậy không phải để phân biệt phần vật chất và phần không vật chất của loài người...‘Thần linh’ không có nghĩa là linh hồn”. Nơi Truyền-đạo 12:7 bản dịch này dùng chữ “hơi thở sự sống” thay vì “thần linh”. Bản Interpreter’s Bible nhận định về người viết sách Truyền-đạo: “Người truyền đạo (Koheleth) không có muốn nói về nhân cách con người tiếp tục hiện hữu”. Trước nhiều kết luận khác nhau như thế, chúng ta có thể nào biết chắc thần linh là gì và thần linh trở về Đức Chúa Trời hiểu theo nghĩa nào?

Nơi Truyền-đạo 12:1-7 những hậu quả của tuổi già và sự chết được diễn tả một cách văn hoa. Sau khi chết, thân thể dần dần bị tan rữa và trở lại bụi đất. Mặt khác, “thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời”. Như thế sự chết của loài người được liên kết với việc thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, và điều này chỉ cho thấy sự sống của loài người tùy thuộc vào thần linh đó bằng cách này hay cách khác.

Theo nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “thần linh” hay “hơi thở sự sống” trong Truyền-đạo 12:7ruʹahh. Chữ tương đương trong tiếng Hy Lạp là pneuʹma. Dù cho sự sống của chúng ta tùy thuộc vào sự hô hấp, chữ “hơi thở” (nhiều dịch giả thường dịch các chữ ruʹahh pneuʹma như vậy) không phải lúc nào cũng được coi như nghĩa thứ hai của chữ “thần linh”. Hơn nữa, các chữ khác trong tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, tức là ne·sha·mahʹ (Hê-bơ-rơ) và pno·eʹ (Hy-lạp), cũng được dịch là “hơi sống”. (Xem Sáng-thế Ký 2:7 và Công-vụ các Sứ-đồ 17:25). Dù gì đi nữa, điều đáng lưu ý là, khi dùng chữ “hơi thở” để dịch chữ “thần linh” theo cách thứ hai, các người dịch cho thấy rằng những chữ trong nguyên bản áp dụng cho cái gì không có nhân tính nhưng thiết yếu cho sự sống được tiếp tục.

NHẬN RA THẦN LINH

Kinh-thánh nói rõ là sự sống của loài người tùy thuộc vào thần linh (ruʹahh hay pneuʹma): “Chúa [Đức Giê-hô-va] lấy hơi thở [ruʹahh] chúng nó lại, chúng nó bèn tắt chết, và trở về bụi-đất” (Thi-thiên 104:29). “Thân thể không có thần linh [pneuʹma] thì chết” (Gia-cơ 2:26, NW). Thế thì thần linh là điều làm cho thân thể sống động được.

7 Nhưng sức mà nhờ nó thân thể hoạt động được không phải chỉ là hơi thở. Tại sao không? Vì các tế bào của xác chết còn sống thêm một thời gian ngắn sau khi sự hô hấp ngưng lại. Nhờ vậy những cố gắng làm hồi sinh có thể thành công, và người ta có thể ghép bộ phận trong thân thể của người này sang người khác. Nhưng những việc này phải được thi hành nhanh chóng. Một khi sinh hoạt lực đã rời khỏi các tế bào của thân thể, mọi cố gắng để kéo dài sự sống chỉ hoài công mà thôi. Tất cả hơi thở trong thế gian cũng không làm sống lại được dù chỉ một tế bào. Hiểu theo nghĩa này, rõ ràng “thần linh” là một sinh hoạt lực vô hình, hoạt động trong mỗi tế bào sống của thân thể con người.

Phải chăng sinh hoạt lực này chỉ hoạt động ở loài người mà thôi? Những điều dạy dỗ trong Kinh-thánh có thể giúp chúng ta đạt đến một sự hiểu biết trung thực về vấn đề này. Khi nói đến sự hủy diệt người và thú trong một trận nước lụt toàn diện, Kinh-thánh kể lại: “Các vật có hơi [ruʹahh, thần linh] thở [ne·sha·mahʹ] sự sống trong lỗ mũi, các vật ở trên đất liền đều chết hết” (Sáng-thế Ký 7:22, NW). Truyền-đạo 3:19 cũng đề cập đến điểm căn bản đó khi nói về sự chết: “Việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi [ruʹahh], loài người chẳng hơn gì loài thú”. Do đó, khi nói về thần linh làm cho thân thể sống động thì loài người không hơn gì thú vật cả. Cả hai loài, người và thú, đều có cùng một thứ thần linh vô hình hay sinh hoạt lực.

Hiểu theo một nghĩa nào đó, thần linh hay sinh hoạt lực ở trong thú vật và loài người có thể được so sánh với một luồng điện tử hay với một dòng điện chạy qua một động cơ hay một dụng cụ sử dụng điện năng. Điện năng vô hình có thể được sử dụng để thực hiện nhiều công việc, tùy theo loại động cơ hay loại dụng cụ chạy bằng điện. Lò điện có thể được dùng để tạo ra nhiệt, quạt máy tạo ra gió, máy điện toán để giải những bài tính, máy truyền hình để truyền lại hình ảnh, tiếng nói và âm thanh khác. Năng lực vô hình tạo ra âm thanh trong máy này cũng có thể tạo ra nhiệt lượng trong máy kia, thực hiện những tính toán trong máy nọ. Nhưng có bao giờ dòng điện có những đặc tính, thường thì phức tạp, của những máy móc chạy bằng điện không? Không, dòng điện vẫn chỉ là dòng điện—một lực hay một hình thức năng lực, thế thôi.

Cũng thế, cả hai loài, người và thú “đều có cùng một thần linh”, một sinh hoạt lực. Thần linh hay sinh hoạt lực có thể làm cho loài người thực hiện nhiều hoạt động trong cuộc sống không hề khác biệt gì với thần linh làm cho thú vật có những hoạt động tương tự. Thần linh ấy không thể nào giữ những đặc điểm của các tế bào trong một thân thể đã chết. Thí dụ, trong trường hợp các tế bào não bộ, thần linh không thể nào giữ lại các dữ kiện đã được tích lũy ở đó và tiếp tục tiến trình tư tưởng ngoài phạm vi các tế bào này được. Kinh-thánh nói với chúng ta: “Hơi thở [thần linh, ruʹahh] tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:4).

Sự thật là như vậy, việc ruʹahh hay thần linh trở về với Đức Chúa Trời không thể nào có nghĩa là sự hiện hữu với tri thức tiếp tục tồn tại. Thần linh không thể nào duy trì những tiến trình của tư tưởng con người. Thần linh chỉ là sinh hoạt lực, không thể hiện hữu có tri thức ngoài một thân thể.

THẦN LINH TRỞ VỀ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ THẾ NÀO?

Như vậy thì lực vô hình, vô nhân tính hay thần linh này trở về với Đức Chúa Trời thế nào? Có phải thần linh trở về theo nghĩa đen cùng Đức Chúa Trời ở trên trời không?

Cách mà Kinh-thánh dùng chữ “trở về” không đòi hỏi chúng ta phải nghĩ đến, trong mọi trường hợp, một sự di chuyển thật sự từ một nơi này sang một nơi khác. Thí dụ, dân Y-sơ-ra-ên bất trung đã được dặn dò: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (Ma-la-chi 3:7). Hiển nhiên, câu này không có nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên phải rời bỏ mặt đất và đến trình diện ngay trước mặt Đức Chúa Trời. Câu ấy cũng không có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ rời bỏ nơi ở của ngài trên các tầng trời và bắt đầu xuống sống với dân Y-sơ-ra-ên. Đúng ra, việc dân Y-sơ-ra-ên “trở về” với Đức Giê-hô-va có nghĩa là họ rời bỏ con đường lầm lạc và quay về với đường lối công bình của Đức Chúa Trời. Và sự “trở về” của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên có nghĩa là ngài chú ý lại dân sự của ngài lần nữa. Cả hai cách trở về ấy chỉ bao hàm một thái độ, chứ không phải là một sự trở về theo nghĩa đen, không phải là một sự di chuyển từ một vị trí địa dư này sang một vị trí khác.

Một sự trở về nào đó mà không đòi hỏi phải có sự di chuyển thật sự có thể được dẫn chứng bằng sự kiện diễn ra trong việc chuyển nhượng một công ty thương mại hay một tài sản từ tay một nhóm người này qua tay một nhóm người người khác. Thí dụ, trong một quốc gia nào đó, quyền khai thác hỏa xa được chuyển nhượng từ một công ty tư nhân sang một công ty quốc doanh. Khi có một sự chuyển nhượng như thế, thì các dụng cụ trang bị hỏa xa, và cả đến những văn kiện, hồ sơ về hỏa xa vẫn nằm yên tại vị trí cũ. Chỉ có quyền kiểm soát những dụng cụ trang bị và văn kiện hỏa xa được chuyển nhượng mà thôi.

Sự trở về của thần linh hay sinh hoạt lực cũng vậy. Khi người ta chết, thần linh không hề di chuyển thật sự từ mặt đất lên các từng trời để “trở về với Đức Chúa Trời”. Nhưng sự ban cho hay món quà sự sống mà một người với tư cách một tạo vật thông minh vui hưởng giờ đây, khi chết đi, được hoàn lại cho Đức Chúa Trời. Thần linh hay sinh hoạt lực, cần yếu để con người sống động, nằm trong tay Đức Chúa Trời (Thi-thiên 31:5; Lu-ca 23:46).

Điều này có thể được so sánh với sự kiện xảy ra cho một người bị tố cáo trước tòa, khi người đó nói với quan tòa: ‘Mạng sống tôi nằm trong tay ông’. Người đó muốn nói đời sống sau này của y sẽ ra sao tùy nơi quan tòa. Người bị tố cáo không được lựa chọn. Y không có quyền, thế thôi.

Cũng vậy, khi chết một người không có quyền kiểm soát thần linh hay sinh hoạt lực của mình. Thần linh trở về với Đức Chúa Trời theo nghĩa là ngài kiểm soát triển vọng về sự sống tương lai của cá nhân đó. Chính Đức Chúa Trời sẽ định đoạt xem có nên ban lại thần linh hay sinh hoạt lực cho người chết một lần nữa hay không.

Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là không có triển vọng sống nào cả sau khi chết? Có điều gì khác cần phải xem xét không?

NÓI GÌ VỀ SỰ SANH LẠI HAY SỰ ĐẦU THAI?

Hàng triệu người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, dù theo đấng Christ hay không, tin rằng người ta đều đã sống qua những kiếp trước và sẽ tiếp tục sống sau khi chết. Dù khái niệm của họ có khác nhau rất nhiều, họ cùng tin một cách giống nhau là một phần nào đó của con người được sanh lại hay đầu thai trong một thể xác khác.

Để trình bày những lý lẽ bênh vực cho việc tin sự sanh lại, sách Phật giáo A Manual of Buddhism nói: “Đôi khi chúng ta trải qua những kinh nghiệm lạ lùng không thể giải thích được nếu không dựa vào thuyết sanh lại. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp những người mà chúng ta chưa hề biết mặt trước kia, thế mà trong thâm tâm chúng ta có cảm tưởng đã quen biết họ rồi? Biết bao nhiêu lần chúng ta viếng thăm những nơi nào đó nhưng lại có cảm giác hoàn toàn quen thuộc với những phong cảnh chung quanh đó?”

Bạn có bao giờ từng trải qua những kinh nghiệm đó chưa? Sau khi gặp mặt một người, có bao giờ bạn có cảm tưởng mình đã quen biết người đó lâu rồi không? Làm sao giải thích được một kinh nghiệm như vậy?

Có nhiều người giống nhau. Có lẽ sau một hồi suy nghĩ, chính bạn nhận ra rằng người đó có tính tình và hình vóc giống với một người bà con hay bằng hữu của bạn.

Cũng thế, có lẽ bạn đã sống trong một thành phố nào đó hoặc đã thấy tranh ảnh của thành phố đó. Sau đó, khi viếng thăm một thành phố khác, có lẽ bạn nhận ra một số những điểm giống nhau đến nỗi bạn có cảm tưởng phong cảnh đó thật ra chẳng xa lạ mấy đối với bạn.

Thế thì, khi kết luận những cảm tưởng quen thuộc đối với những người hay những nơi trước đó mình chưa hề biết là kết quả của kinh nghiệm trong đời sống hiện tại thay vì trong kiếp sống nào đó trong quá khứ, không phải là có lý hay sao? Thật ra, nếu tất cả mọi người quả đã sống qua những kiếp trước rồi, hẳn tất cả mọi người đều phải ý thức được việc đó, phải không? Thế thì tại sao hàng triệu người không mảy may có cảm giác hay ý tưởng đã sống qua một kiếp trước? Ngoài ra, làm sao một người có thể tránh được những lỗi lầm của mình trong kiếp trước nếu không thể nhớ lại những lỗi lầm đó? Những kiếp trước đó có lợi ích gì không?

Một số người có thể giải thích: ‘Nếu người ta biết những chi tiết về những kiếp trước, đời sống hẳn sẽ thành một gánh nặng’. Ông Mohandas K. Gandhi nghĩ như thế và nói: “Thật có phước khi chúng ta không nhớ lại những lần sanh ra trước kia. Nhớ lại từng chi tiết của vô số những lần sanh ra trước kia nào có ích lợi gì đâu? Nếu chúng ta phải mang một khối ký ức khổng lồ như thế, thì cuộc đời quả là một gánh nặng. Một người khôn cố ý quên đi nhiều việc, cũng giống như một luật sư quên hết các vụ kiện tụng cùng các chi tiết khi tòa đã xử xong các vụ ấy”. Đó là một lời giải thích thú vị, nhưng có dựa trên một căn bản vững chắc không?

Trong khi khả năng nhớ lại nhiều sự việc từng trải có lẽ bị hạn chế, trí tuệ của chúng ta chắc chắn không phải hoàn toàn không nhớ gì cả. Một luật sư có lẽ quên đi những chi tiết chính xác của vài vụ kiện, nhưng kinh nghiệm mà ông thâu thập khi tham dự các vụ kiện đó trở thành một phần của kho tàng kiến thức của ông. Quả thật, nếu ông quên hết mọi việc, hẳn ông chịu thiệt thòi nhiều lắm. Cũng vậy, điều gì khiến chúng ta bực tức nhiều hơn: có trí nhớ kém hay trí nhớ tốt? Có phải là một cụ già nhớ được những gì cụ biết và kinh nghiệm trong đời tốt hơn là một cụ già quên hết mọi sự hay không?

Thật ra, “có phước” thế nào khi phải học trở lại tất cả những điều mà người ta đã học qua rồi ở một kiếp trước? Bạn có cho đó là “có phước” nếu cứ mỗi mười năm trong đời bạn, bạn quên hết mọi việc bạn biết và phải trở lại học một tiếng nói và tạo lại một vốn liếng hiểu biết và kinh nghiệm, để rồi sẽ quên đi nữa? Điều này bực bội lắm phải không? Thế thì đó không phải là bị thụt lùi kinh khủng hay sao? Hãy tưởng tượng việc ấy diễn ra cứ mỗi bảy mươi hay tám mươi năm một lần, thì bạn thấy thế nào? Bạn có thể hình dung được một Đức Chúa Trời đầy yêu thương để cho sự sanh lại là một phần của ý định của ngài dành cho nhân loại không?

Nhiều người chấp nhận thuyết sanh lại tin rằng những ai hiện ăn ở xấu sẽ chịu đầu thai vào một giai cấp khác thấp hèn hơn hay thành côn trùng, chim chóc hoặc thú vật. Thế thì tại sao dân số loài người gia tăng cùng lúc với sự gia tăng về tội ác và bạo động trong một mức độ chưa từng có? Ngoài ra, tại sao những người thuộc giai cấp thấp nhất nếu có dịp được giáo dục lại xuất sắc hơn những người khác? Chẳng hạn, báo Times xuất bản tại Nữu-ước, số ra ngày 26-10-1973, thuật lại một em gái 16 tuổi thuộc giai cấp thấp nhưng lại học giỏi nhất trường Kallipashim ở Ấn-độ. Cô bé ấy xuất sắc hơn một cô gái thuộc giai cấp cao nhất, giai cấp quí tộc (Brahman). Làm sao giải thích được điều này? Phải chăng thuyết sanh lại hay đầu thai không giải thích thỏa đáng được những điều ấy?

Bạn cũng hãy nghĩ đến hậu quả của giáo lý ấy. Phải chăng thuyết đầu thai làm mất phẩm giá nhiều người, buộc họ phải làm những công việc hèn hạ trong những hoàn cảnh nghèo nàn, ít khi có cơ hội được giáo dục để cải thiện số phận của họ?

KINH-THÁNH CÓ DẠY THUYẾT SANH LẠI KHÔNG?

Dĩ nhiên, một số người có lẽ chủ trương rằng sự suy luận dù có lý đến đâu cũng không nhất thiết phải loại bỏ việc có thể sanh lại. Có lẽ những người lý luận như thế đáp: ‘Cả đến Kinh-thánh cũng dạy sự sanh lại. Đây là một trong những điều loài người không thể hoàn toàn giải thích được’.

Vì một số người tin sự sanh lại dùng Kinh-thánh để thảo luận về vấn đề này, chúng ta muốn xem xét Kinh-thánh thật sự nói gì. Kinh-thánh có cho chứng cớ gì chăng về niềm tin có sự sanh lại? Sách What Is Buddhism? đáp: “Chúng tôi muốn chỉ cho những độc giả theo đạo Gia-tô rằng [thuyết sanh lại] có sờ sờ trong những lời giáo huấn của đấng Ki-tô. Thí dụ, hãy xem tiếng đồn khắp nơi thời bấy giờ rằng ngài là Giăng Báp-tít, Giê-rê-mi hay Ê-li sanh lại (Ma-thi-ơ 16:13-16). Ngay cả vua Hê-rốt hình như cũng nghĩ rằng ngài là ‘Giăng Báp-tít từ cõi chết được sống lại’ ”.

Nói gì về những lập luận như vậy? Chúa Giê-su có nói ngài là Giăng Báp-tít, Giê-rê-mi hay Ê-li không? Không, những lời đồn đãi này là của những người không chấp nhận lai lịch thật của Chúa Giê-su, tức đấng Mê-si đã được hứa hay đấng Christ. Chúa Giê-su đã không thể nào là Giăng Báp-tít được, vì lúc ngài chừng ba mươi tuổi ngài đã được Giăng Báp-tít—lớn tuổi hơn—làm báp-têm (Ma-thi-ơ 3:13-17; Lu-ca 3:21-23). Vua Hê-rốt đã kết luận một cách phi lý rằng Chúa Giê-su là Giăng Báp-tít sống lại từ cõi chết, vì ông mang mặc cảm tội lỗi nặng nề bởi đã hành quyết Giăng.

Nhưng há lại không có những câu nói của chính Chúa Giê-su khiến người ta xem như ủng hộ sự tin tưởng nơi sự sanh lại hay đầu thai sao? Có, một câu. Một lần nọ, Chúa Giê-su liên kết Giăng Báp-tít với nhà tiên tri Ê-li xưa của dân Hê-bơ-rơ. Ngài nói: “Ê-li đã đến rồi, và người ta không nhận biết, song họ lại xử với người theo ý-muốn mình... Môn-đồ bèn hiểu rằng ngài nói đó là nói về Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 17:12, 13). Khi nói “Ê-li đã đến rồi”, phải chăng Chúa Giê-su muốn nói Giăng Báp-tít là Ê-li được sanh lại?

Để trả lời câu hỏi này ta cần phải xem xét Kinh-thánh từ đầu chí cuối nói gì. Vào thời Chúa Giê-su làm thánh chức trên đất, nhiều người Do Thái quả có nghĩ rằng Ê-li trở lại bằng xương bằng thịt. Và lời tiên tri của Ma-la-chi cho biết thời điểm mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ sai nhà tiên tri Ê-li đến (Ma-la-chi 4:5). Tuy nhiên, Giăng Báp-tít không hề tự coi mình là hiện thân của Ê-li hay là nhà tiên tri Hê-bơ-rơ đó được đầu thai. Có lần nọ mấy người Do Thái hỏi ông: “Vậy thì ông là ai? phải là Ê-li chăng?” Giăng đáp: “Không phải” (Giăng 1:21). Tuy nhiên, trước đó đã có lời tiên tri nói rằng Giăng sẽ dọn đường trước đấng Mê-si, “chính người lại sẽ lấy tâm-thần quyền-phép Ê-li” (Lu-ca 1:17). Do đó khi Chúa Giê-su liên kết Giăng Báp-tít với Ê-li, ngài chỉ muốn chứng tỏ lời tiên tri đã được ứng nghiệm nơi Giăng Báp-tít, người có sứ mạng giống như Ê-li thời xưa mà thôi.

Một đoạn khác trong Kinh-thánh đã được những người tin tưởng vào sự đầu thai nêu lên là Rô-ma 9:11-13: “Khi hai con [Ê-sau và Gia-cốp] chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ—hầu cho được giữ vững ý-chỉ Đức Chúa Trời, là ý-định sẵn bởi sự kén-chọn tự-do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu-gọi—thì có lời phán cho mẹ [Rê-be-ca] của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ; như có chép [ở trong Ma-la-chi 1:2, 3] rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau”. Có phải đoạn này chứng tỏ sự lựa chọn của Đức Chúa Trời căn cứ vào những công việc mà Ê-sau và Gia-cốp đã làm trong tiền kiếp, trước khi được Rê-be-ca sanh ra không?

Tại sao chúng ta không đọc lại đoạn Kinh-thánh ấy? Chúng ta hãy chú ý đoạn ấy đặc biệt nói rõ rằng Đức Chúa Trời đã lựa chọn trước khi chưa có một ai trong hai người con ấy biết làm điều lành hoặc dữ. Như vậy sự lựa chọn của Đức Chúa Trời không căn cứ vào những hành vi quá khứ trong một kiếp trước nào đó.

Thế thì Đức Chúa Trời dựa vào đâu để lựa chọn trước khi hai người con trai này chưa được sanh ra? Kinh-thánh tiết lộ rằng Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy tận trong bào thai, do đó ngài biết được cấu tạo thể chất của loài người trước khi được sanh ra (Thi-thiên 139:16). Do sự biết trước của ngài, Đức Chúa Trời biết được hai đứa trẻ ấy sẽ có tính khí và nhân cách như thế nào và bởi vậy ngài có thể lựa chọn một trong hai người con ấy làm người xứng đáng nhận lãnh ân phước cao trọng của ngài. Kinh-thánh ghi lại cuộc đời hai người con ấy và xác định được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn này. Trong khi Gia-cốp tỏ ra chú trọng đến việc thiêng liêng và tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, Ê-sau bày tỏ khuynh hướng thiên về vật chất và không biết quí trọng những việc thánh (Hê-bơ-rơ 11:21; 12:16, 17).

Cũng vậy, câu Kinh-thánh mà sứ đồ Phao-lô trích ra từ sách Ma-la-chi nói về việc Đức Chúa Trời ‘yêu Gia-cốp’ và ‘ghét Ê-sau’ cũng có liên hệ đến quan điểm của Đức Giê-hô-va dựa trên cơ cấu di truyền của họ. Dù được Ma-la-chi ghi lại nhiều thế kỷ sau khi họ chết, câu nói này xác nhận điều mà Đức Chúa Trời đã ấn định trước về các con trẻ trước khi chúng sanh ra.

Một số người ủng hộ thuyết luân hồi cũng nêu lên một trường hợp khác dựa vào câu hỏi do các sứ đồ của Chúa Giê-su đưa ra. Các sứ đồ hỏi về một người mù từ lúc mới sanh: “Thưa thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” (Giăng 9:2). Có phải câu này cho chúng ta thấy rằng người mù ấy đã trải qua một kiếp trước nào đó không?

Không, Chúa Giê-su không mảy may gợi ra ý tưởng đứa trẻ đang phát triển trong bào thai đã phạm tội. Chúa Giê-su nói: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:3). Điều này có nghĩa là những sự bất toàn và yếu kém của loài người, như sự mù lòa của người này, đã đem lại cơ hội để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra bằng một phép lạ chữa lành mắt. Nếu chẳng có ai bị mù từ lúc mới sanh ra, hẳn loài người không biết được rằng Đức Chúa Trời có thể làm sáng mắt một người bị mù từ thuở lọt lòng mẹ. Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép dòng giống loài người tội lỗi được sanh ra, ngài đã dùng những bất toàn và yếu kém của họ để chứng tỏ ngài có thể làm gì cho họ.

Như vậy, trong khi một số người nghĩ rằng một số đoạn Kinh-thánh ủng hộ quan niệm về sự sanh lại, nhưng nếu xem xét kỹ hơn thì không phải như vậy. Thật thế, không có nơi nào trong Kinh-thánh nói đến sự sanh lại hay việc luân hồi của linh hồn, thần linh hay cái gì khác sống sót khi thân thể chết. Một số người tìm cách “gán cho” Kinh-thánh ý tưởng về sự sanh lại hay đầu thai. Đây không phải là điều mà Kinh-thánh dạy.

Kinh-thánh chứng tỏ rõ ràng rằng sự sống có ý thức không tiếp tục tồn tại nhờ linh hồn hay thần linh rời khỏi xác chết. Khi tuyên án người đàn ông đầu tiên phải chết bởi không vâng lời, Đức Chúa Trời không đặt ra trước mặt ông viễn ảnh về sự sanh lại hay luân hồi. Ngài nói với A-đam: “Ngươi sẽ đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). Đúng vậy, ông trở về bụi đất không có sanh khí.

Thế thì đời sống này chỉ có thế thôi sao? Hay là có một sự sắp đặt nào cho đời sống trong tương lai bằng cách khác? Có phải sự sắp đặt này khiến cho người sống phải giúp đỡ người chết, hay người chết không thể nhận được sự giúp đỡ nào từ những người sống?

[Hình nơi trang 51]

Thần linh chẳng khác nào điện năng cả; dòng điện làm cho nhiều máy móc và dụng cụ hoạt động được nhưng không có tính chất của những máy móc hay dụng cụ ấy